Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 24-07-2017

  • Cập nhật : 24/07/2017

Tổng thống Indonesia đòi bắn nghi phạm buôn ma túy

Trong một tuyên bố cuối ngày 21.7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chỉ thị cho lực lượng hành pháp bắn ngay lập tức những nghi phạm buôn ma túy, theo Reuters. 

tong thong indonesia joko widodo reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo REUTERS

“Hãy kiên quyết, đặc biệt là đối với những kẻ buôn ma túy nước ngoài đến đây và chống lệnh bắt giữ. Hãy bắn chúng vì chúng ta thật sự đang trong tình trạng khẩn cấp về nạn ma túy”, Tổng thống Widodo nhấn mạnh.

Tuyên bố trên của ông nhanh chóng được so sánh với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người khởi động chiến dịch trấn áp mạnh tay đối với những nghi phạm ma túy từ khi nhậm chức.

Luật pháp tại Indonesia trước nay được cho là rất cứng rắn đối với tội phạm ma túy. Trước đây, Tổng thống Widodo từng bị chỉ trích khi ra lệnh xử tử một số người phạm tội danh này bất chấp những lời kêu gọi bãi bỏ hình phạt trên từ các tổ chức nhân quyền.(Thanhnien)
---------------------

Nhức nhối nạn buôn người ở Đông Nam Á

Bất chấp nỗ lực của các nước trong khu vực, một mạng lưới vẫn ngày ngày vận chuyển vô số người muốn tìm lối thoát nghèo theo tuyến đường quen thuộc để đến Malaysia.

nguoi ti nan rohingya va bangladesh duoc giai cuu o thai lan nam 2014 - anh: reuters

Người tị nạn Rohingya và Bangladesh được giải cứu ở Thái Lan năm 2014 - Ảnh: REUTERS

Vụ xét xử buôn người lớn nhất trong lịch sử Thái Lan khép lại trong tuần qua với phán quyết kết tội hàng chục bị cáo, trong đó bao gồm nhiều quan chức quân đội, với tội buôn người và các tội danh khác.

Tuy nhiên, các thông tin hé lộ sau phiên tòa cho thấy đây chỉ là một phần của mạng lưới buôn người quy mô vẫn đang nhức nhối trên khắp khu vực.

Chết ở biên giới Thái - Malaysia

Tổ chức chống buôn người và động vật hoang dã Freeland hôm 21-7 cho biết các trại tập kết ở miền nam Thái Lan đã tồn tại trong nhiều năm, trước khi bị phát hiện vào năm 2015.

Tính đến năm 2015, đường dây đã vận chuyển hơn 100.000 người trong vòng 4 năm trước đó, nhưng không phải ai cũng đến được đích. Ít nhất 500 người đã bỏ mạng ở các trại tập kết trong rừng tại biên giới Thái Lan - Malaysia.

Theo những nhà hoạt động, nạn buôn người gia tăng mạnh từ năm 2012 khi hàng chục ngàn người Rohingya ở Myanmar bị mất nhà cửa và phải sống trong các trại tị nạn. Những người muốn tìm việc làm đã bị đưa lên tàu cá, tàu hàng cải tạo để chở 600 - 800 người vượt biển từ Myanmar qua Thái Lan rồi vào Malaysia.

Ngoài ra, hàng ngàn người Bangladesh cũng nộp tiền cho bọn buôn người với hi vọng ra nước ngoài đổi đời.

Tuy nhiên, một khi rơi vào tay những kẻ buôn người, họ sẽ được chia thành ba nhóm khi đến các trại ở miền nam Thái Lan.

Những người còn đủ khỏe mạnh, trẻ, nam giới được bán làm phiến quân cho nhóm đối lập ở Malaysia. Những người lớn hoặc yếu hơn được bán làm lao động cho các nông trại dầu cọ hoặc cao su, hoặc ngành đánh bắt cá. Vợ và con có thể đi theo nếu người mua chịu chi trả thêm.

Nhóm cuối cùng là những người yếu nhất như người già, phụ nữ, trẻ em sẽ bị giữ lại trong rừng và chỉ có thể nhờ người thân ở Thái Lan trả “tiền chuộc”, hoặc ở lại đó đến chết. Chỉ được ăn một gói mì mỗi ngày, uống nước sông, hầu hết những người ở trại chỉ sống 3-6 tháng.

Theo các nhà hoạt động, dù những người này đã trả tiền để được vận chuyển, nhưng nếu họ mất khả năng kiểm soát tình hình thì được coi là nạn nhân của nạn buôn người.

Phát hiện năm 2015 cũng cho thấy vai trò của người Thái Lan trong đường dây. Theo nhà hoạt động người Úc Alan Morison làm việc cho tờ phuketwan.com, rất nhiều người ở miền nam Thái Lan tiếp tay cho mạng lưới buôn người vì hám lợi.

“Cả làng ở Phang Nga và các khu vực khác dọc bờ biển đều nhảy vào vì kiếm được nhiều tiền. Họ cải tạo thuyền để có thể chở nhiều người hơn và từ bỏ buôn lậu ma túy để chuyển sang buôn người” - ông Morison cho biết.

Con đường một chiều

Tại phiên tòa ngày 19-7, viên tướng Manas Kongpan - từng phụ trách bắt giữ người nhập cư trái phép - nhận 27 năm tù, trong khi những người khác bị tuyên từ 4 - 94 năm.

Vụ truy tố bắt đầu sau khi đường dây buôn người bị phơi ra ánh sáng vào năm 2015 - lúc chính quyền Thái Lan phát hiện hàng chục thi thể bị chôn vùi trong các trại tạm bợ sâu trong rừng ở miền nam gần biên giới Malaysia, nơi bọn buôn người thường tập kết.

Sau năm 2015, chính quyền Thái Lan mạnh tay chặt đứt tuyến buôn người, gây ra cuộc khủng hoảng người nhập cư trên biển Andaman khi nhiều nạn nhân bị bọn buôn người bỏ rơi trên tàu.

Chính phủ Thái Lan hồi tháng 6-2017 khẳng định quyết tâm chống nạn buôn người khi cho biết số cuộc điều tra, truy tố và kết án liên quan đến vấn đề này tăng mạnh trong năm 2017. Bangkok cũng kêu gọi các nước như Mỹ tham gia hỗ trợ chống buôn người.

Tại Malaysia, chính phủ cũng cam kết sẽ trấn áp nạn buôn người sau khi tìm thấy hơn 140 thi thể, chủ yếu là người Rohingya, bị bỏ đói trong rừng ở biên giới Thái Lan vào năm 2015. Sau đó, nước này bắt giữ hàng chục cảnh sát và nhiều người nước ngoài liên quan đến buôn người.

Sau vụ xét xử ở Thái Lan hôm 19-7, các nhà hoạt động ở Malaysia đã kêu gọi chính phủ phải mạnh tay hơn nữa để đưa những kẻ đứng sau các đường dây buôn người ra ánh sáng. Sau năm 2015, chính quyền các nước Myanmar, Bangladesh đã tìm cách ngăn chặn các tuyến buôn người.

Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, nhiều người thiểu số Rohingya vẫn tìm lối thoát bằng con đường đầy rủi ro này.

“Hồi năm 2013, 2014 từng có hàng ngàn người đổ về đây bằng thuyền, nhưng nay chỉ còn 10-20 người mỗi tháng, tất cả đều còn trẻ” - Ustaz Rafik, giáo viên thuộc một tổ chức nhân đạo ở ngoại ô Kuala Lumpur, cho biết.

Con đường ngày nay trở nên khó khăn hơn khi họ không thể đi bằng thuyền như trước, mà phải đi bộ trong rừng. Nó có thể mất nhiều tháng và không có thức ăn. Còn với nhiều người đến đích, đó là con đường một chiều. Theo Channel News Asia, nhiều người đến Malaysia nhưng không thể làm việc vì không xin được giấy tị nạn.

“Chúng tôi cũng không thể trở về nhà, chúng tôi biết đi đâu?” - một người Rohingya nói trong tuyệt vọng khi chen chúc trong dòng người xếp hàng bên ngoài cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Malaysia.(Tuoitre)
-------------------------

Áp lực đè nặng lên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

Ngày 21.7, chỉ vài giờ sau khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố từ chức, truyền thông Mỹ tiết lộ thông tin khiến chiếc ghế của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions có nguy cơ bị lung lay. 

Theo The Washington Post, một số quan chức Mỹ giấu tên cho hay giới tình báo Mỹ đã nghe lén được thông tin mà Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak báo cáo với giới lãnh đạo Moscow về 2 cuộc nói chuyện của ông với ông Sessions hồi năm 2016. Đại sứ Nga nói nội dung được trao đổi khi đó là về chủ đề bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và mối quan hệ Nga - Mỹ sau khi ông Donald Trump thắng cử.

Thông tin này được cho là sẽ gây bất lợi cho ông Sessions vì trong một phiên điều trần hồi tháng 6, ông Sessions nói rằng không hề thảo luận với bất kỳ quan chức Nga nào về việc can thiệp vào ban vận động tranh cử hoặc cuộc bầu cử ở Mỹ, đồng thời tuyên bố những cáo buộc ông cấu kết với chính quyền Nga để gây hại nước Mỹ là lời dối trá ghê tởm.

Thượng nghị sĩ Dick Blumenthal nói với CNN rằng nếu thông tin mà Đại sứ Kislyak báo cáo với cấp trên là chính xác thì điều đó cho thấy ông Sessions đã khai không đúng sự thật trong cuộc điều trần. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores cùng ngày từ chối bình luận về những thông tin không có bằng chứng của The Washington Post.(Thanhnien)
--------------------------

​Ông Trump điều hành nước Mỹ bằng vòng tròn thân tín

Thế nhưng, vòng tròn đó đang ngày càng hẹp dần. Có những người, tưởng là thân tín, đến phút cuối hóa ra lại không được lòng ông chủ Nhà Trắng.

tan giam doc truyen thong nha trang anthony scaramucci (phai) va thu ky bao chi nha trang sarah sanders trong cuoc hop bao ngay 21-7 (gio my) - anh: reuters

Tân giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci (phải) và Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders trong cuộc họp báo ngày 21-7 (giờ Mỹ) - Ảnh: Reuters

Ngày 22-7, bà Sarah Sanders, 34 tuổi, được chỉ định trở thành thư ký Nhà Trắng. Sự ra đi của người tiền nhiệm Sean Spicer là điều bất ngờ nhưng đã được dự báo từ trước.

Việc ông Spicer từ chức, theo truyền thông Mỹ, xuất phát từ bất đồng với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm ông Anthony Scaramucci làm giám đốc truyền thông.

“Spicer chưa bao giờ là một người của Trump”, đài CNN bình luận. Ông ta chỉ được đưa vào Nhà Trắng trước sự hối thúc của Reince Priebus – chủ tịch Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa và sau đó là Chánh Văn phòng Nhà Trắng.

“Nhưng Scaramucci thì ngược lại, một người đến từ New York và làm việc tại Goldman Sachs giống như nhiều cố vấn thân cận khác của ông Trump”, CNN viết.

Ông Trump đã luôn cố gắng giữ vòng tròn thân tín, cả trong kinh doanh lẫn chính trị, ở mức độ nhỏ. Thế nhưng, vòng tròn đó đang ngày càng hẹp dần. Có những người, tưởng là thân tín, đến phút cuối hóa ra lại không được lòng ông chủ Nhà Trắng. Điển hình như Bộ trưởng Tư pháp Jefff Sessions, người đã từng ủng hộ ông Trump nhiệt thành trong thời gian tranh cử.

Quyết định bổ nhiệm ông Scaramucci giúp người ta hiểu ra thêm nhiều điều. Thất vọng với những người đã từng tin tưởng trong chính phủ, ông Trump bắt đầu quay trở lại những người gần gũi nhất: gia đình và những chiến hữu quen biết từ lâu.

Theo tiết lộ của đài CNN, quyết định chọn ông Scaramucci của ông Trump nhận được sự ủng hộ của con gái Ivankar Trump và con rể Jared Kushner. Cả hai đều là cố vấn cấp cao cho cha tại Nhà Trắng.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải để tổng thống thể hiện cá tính của mình. Đó là một phần công việc của tôi”, ông Scaramucci nói trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị mới ngày 21-7 (giờ Mỹ). Tân giám đốc truyền thông Nhà Trắng khẳng định đây là điều ông đã nhấn mạnh khi nói chuyện với tổng thống Trump.

Không rõ chiến dịch “Hãy để ông Trump là ông Trump” của ông Scaramucci có tạo ra điều gì khác biệt so với 6 tháng đầu nhiệm kỳ của ông Trump hay không. Thời gian sẽ cho thấy sự hài lòng hay thất vọng của ông chủ Nhà Trắng với cá nhân này.

Nhưng cần nhớ một điều: Tổng thống Trump không phải kiểu người thích bị quản lý. “Ông ta thích được bao quanh bởi những người trung thành, phục tùng hơn là một nhóm người lúc nào cũng nói ông nên làm thế này thế kia”, CNN bình luận.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 17-08-20171

    Tin thế giới đáng chú ý tối 17-08-2017

    Hàn Quốc muốn đối thoại với Mỹ, Trung Quốc về tên lửa THAAD; LHQ cảnh báo về những thách thức đối với khu vực Sahel; Tổng thống Indonesia kêu gọi đoàn kết trước mối đe dọa cực đoan; Trung Quốc phạt tù chung thân một nguyên đại biểu quốc hội

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 25-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 25-05-2017

    Philippines triển khai trực thăng nhằm giành lại thành phố từ phiến quân Hồi giáo; Kinh hoàng tàu lật, 200 người rơi xuống Địa Trung Hải; Tổng thống Indonesia kêu gọi đoàn kết quốc gia

Bài cùng chuyên mục