Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý tối 24-07-2017
- Cập nhật : 24/07/2017
Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về nguy cơ khủng bố
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, báo điện tử Economic Times ngày 23/7 dẫn báo cáo đánh giá của Mỹ cho biết Ấn Độ đã thay thế Pakistan trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới về nguy cơ tấn công khủng bố, sau Iraq và Afghanistan.
Một nghiên cứu được Nhà Trắng công bố mới đây cho biết số vụ tấn công khủng bố tại Ấn Độ trong năm 2016, cũng như số nạn nhân tử vong và thương tích trong các vụ tấn công này đã gia tăng.
Cụ thể, trong tổng số 11.072 vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới vào năm 2016, có 927 vụ xảy ra tại Ấn Độ, tăng 16% so với năm 2015 (798 vụ). Số người thiệt mạng ở Ấn Độ trong các vụ tấn công khủng bố tăng 17% từ 289 trong năm 2015 lên 337 trong năm 2016, trong khi số người bị thương tăng tương ứng từ 500 lên 636 người. Trong khi đó, số vụ tấn công khủng bố ở Pakistan giảm 27% xuống còn 734 vụ trong năm 2016 từ mức 1.010 vụ năm 2015.
Cũng theo báo cáo trên, sự gia tăng khủng bố tại Ấn Độ là do hoạt động mạnh của các tổ chức khủng bố có căn cứ dọc tuyến biên giới Jammu-Kashmir giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan từ năm 2016. Bên canh đó là sự gia tăng của các nhóm cực đoan bạo lực tại Ấn Độ với trên 52 nhóm hoạt động, trong đó đáng chú ý là tổ chức cực đoan Naxals - được Mỹ liệt kê là tổ chức khủng bố nguy hiểm thứ 3 trên thế giới sau lực lượng "Nhà nước hồi giáo" (IS) tự xưng và Taliban. Các nhóm cực đoan này đứng đằng sau 336 vụ tấn công khủng bố trong năm ngoái, khiến ít nhất 174 người thiệt mạng và 141 người bị thương.(TTXVN)
-------------------
Liên đoàn Arab cáo buộc Israel đang 'đùa với lửa'
Liên đoàn Arap ngày 23/7 đã cáo buộc Israel đang "đùa với lửa" khi áp đặt các biện pháp an ninh mới tại Thành cổ linh thiêng Jerusalem.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abul Gheit ra tuyên bố nêu rõ "Jerusalem là giới hạn đỏ" và "không quốc gia Arab và Hồi giáo nào chấp nhận sự vi phạm tại thánh địa linh thiêng Jerusalem". Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Ahmed Abul Gheit có các cuộc tiếp xúc với các nước Arab để chuẩn bị cho cuộc họp khẩn về xung đột ngày càng leo thang giữa người Palestine và lực lương an ninh Israel tại Palestine và xung quanh đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abul Gheit tại một sự kiện ở Cairo ngày 4/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Các vụ đụng độ đẫm máu giữa giữa người Palestine và Israel tại Jerusalem đã buộc chính quyền Israel pháp áp dụng một loạt biện pháp an ninh mới, như lặp đặt các camera an ninh và máy dò kim loại tại các lối vào Quần thể Haram al-Sharif, mà người Do Thái gọi là Nùi Đền. Phía Palestine cho rằng các biện pháp này của Israel thực chất là nhằm mở rộng kiểm soát trong khu Thành cổ Jerusalem.
Trước đó vào sáng 21/7, 3 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người Palesitne và binh sĩ Israel ở Jerusalem và khu Bờ Tây, trong khi 3 người định cư Do Thái cũng bị đâm chết tại Bờ Tây vào chiều cùng ngày. Lực lượng an ninh Israel đã thiết lập một loạt trạm kiểm soát để hạn chế tiếp cận khu Thành cổ của Jerusalem, đồng thời cấm nam giới Hồi giáo dưới 50 tuổi vào Jerusalem trước buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab, Abul Gheit cáo buộc Chính phủ Israel đang có hành động phiêu lưu, đồng thời cho rằng hành động này có thể gây ra cuộc "khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo và các nước Arab".
Núi Đền là một ngọn đồi tại Thành cổ Jerusalem và là một trong những địa điểm tôn giáo quan trọng nhất thế giới, được cả người Do Thái, người Cơ Đốc giáo và người Hồi giáo tôn kính.
Trên Núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1 phần 6 diện tích của Thành cổ Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 đền thờ lớn của Hồi giáo được xây dựng, gồm Đền thờ Mái Vòm đá lần đầu tiên được xây hồi năm 640 và 47 năm sau đó được thay thế bằng Đền thờ như hiện nay; và Đền thờ Al-Aqsa được xây dựng hồi thế kỷ thứ 8 và đã trải qua nhiều lần tái thiết.
Theo thoả ước nguyên trạng, do Hoàng Ðế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ Tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phía Đông Jerusalem và khu Thành cổ Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này - nhưng không được cầu nguyện.
Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan. Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi giáo lo sợ người Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.(TTXVN)
-------------------------------
Iran tuyên bố sản xuất tên lửa mới bất chấp căng thẳng với Mỹ
Theo truyền thông nhà nước Iran cho biết, ngày hôm qua (22/7), Tehran đã tiến hành sản xuất một loại tên lửa mới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran ngày càng gia tăng.
Reuters trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố, tên lửa Sayyad 3 có thể đạt độ cao 27 km và bay khoảng 120 km. Tên lửa mới này có thể nhằm vào các mục tiêu như chiến đấu cơ, các phương tiện máy bay không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng.
Tuần trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới lên Iran vì chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Washington cho rằng các “hành động cố ý” của Tehran ở Trung Đông đã làm giảm giá trị của “những cống hiến tích cực” có được từ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Các biện pháp này là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cố gắng tăng áp lực lên Iran trong khi vẫn giữ thỏa thuận giữa Tehran và 6 cường quốc thế giới nhằm cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính và dầu mỏ.
Hồi đầu tuần, chính quyền Tổng thống Trump cho biết Iran đang tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân nhưng vẫn còn chưa đủ nếu theo đúng tinh thần của thỏa thuận. Đây là lần thứ hai ông Trump đánh giá sự tuân thủ của Iran kể từ khi nhậm chức. Ông chủ Nhà Trắng cũng từng miêu tả thỏa thuận hạt nhân này là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng thấy” trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình. Ông Trump đã chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Obama, người đã khởi xướng thỏa thuận này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho rằng hợp đồng quân sự trị giá 110 tỷ USD giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út được ký kết hồi tháng 5 vừa qua, là một mối đe dọa tới Tehran.(Infonet)
-----------------------------
Mỹ sẽ có nữ đặc nhiệm SEAL đầu tiên?
Một phụ nữ sẽ tham gia khóa đào tạo cùng các ứng viên khác vào mùa hè này với hy vọng trở thành nữ thành viên đầu tiên của đặc nhiệm SEAL thuộc hải quân Mỹ.
Đài CNN ngày 21-7 đưa tin ngoài ứng viên nữ kể trên (là chuẩn úy hải quân), còn có một người phụ nữ khác cũng tham gia khóa đào tạo nhưng là chương trình huấn luyện đặc biệt của lực lượng tinh nhuệ SWCC, cũng thuộc hải quân Mỹ.
Trước tháng 1-2016, phụ nữ không được tham gia chiến đấu cũng như biên chế trong các đơn vị đặc nhiệm như SEAL và SWCC. Sau đó, một vài thay đổi cho phép nữ giới tham gia đào tạo nhưng không có ứng viên nữ nào đăng ký trong vòng 18 tháng kể từ đó.
Thiếu tá Mark Walton, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến tranh đặc biệt của hải quân Mỹ, nói với đài CNN: "Các ứng viên sẽ được đào tạo để bảo vệ sự an toàn của bản thân và đáp ứng các nhiệm vụ trong nghề nghiệp của họ nhằm trở thành đặc nhiệm trong tương lai".
Kể từ tháng 3-2016, đã có 8 nhóm học viên SEAL và 7 nhóm học viên SWCC (toàn bộ đều là nam giới) tốt nghiệp.
Trong khi ứng viên SWCC phải trải qua nhiều tháng huấn luyện và sàng lọc, ứng viên SEAL phải trải qua quy trình đánh giá kéo dài 3 tuần ở bang California trước khi chuyển sang Ủy ban tuyển chọn sĩ quan SEAL vào tháng 9.
Bước vào khóa đào tạo, các ứng viên sẽ được rèn luyện cả về thể chất và tinh thần với 2 tháng huấn luyện thể chất cường độ cao ở bang Illinois. Nếu không vượt qua được 2 tháng đầu tiên này, ứng viên sẽ bị loại.
Các giai đoạn huấn luyện kế tiếp bao gồm kỹ thuật chiến đấu cơ bản, dưới nước và trên đất liền. Trong giai đoạn này có một tuần huấn luyện được gọi là "tuần địa ngục", trong đó các ứng viên sẽ bị thử thách cao độ về ý chí.
Mỗi năm, có khoảng 1.000 ứng viên tham gia khóa đào tạo của SEAL nhưng chỉ có 200-250 ứng viên đủ điều kiện tốt nghiệp.(NLĐ)