Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 22-06-2017

  • Cập nhật : 22/06/2017

Phiến quân Hồi giáo tấn công trường học Philippines

Quân đội Philippines hôm nay đẩy lui nhóm phiến quân thân IS khỏi một trường học tại miền nam nước này.

nhom phien quan biff o philippines. anh: reuters.

Nhóm phiến quân BIFF ở Philippines. Ảnh: Reuters.

 

Cảnh sát Philippines cho biết khoảng 300 phiến quân thuộc nhóm Các tay súng tự do Hồi giáo Bangsamoro (BIFF) sáng nay tấn công một trường học ở thị trấn Pigcawayan thuộc tỉnh Cotabato, đảo Mindanao, cách thành phố Marawi 190 km về phía nam, theo Reuters.

Theo người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla, quân đội đã đấu súng với nhóm phiến quân thân Nhà nước Hồi giáo (IS), buộc chúng phải rút lui khỏi ngôi trường.

"Vụ việc đã được giải quyết. Phiến quân đã rút khỏi đó. Khu vực trường học đã an toàn", ông Padilla tuyên bố, đồng thời khẳng định không có học sinh nào bị bắt làm con tin.

Tuy nhiên, quân đội đang tiến hành điều tra về thông tin 5 dân thường vẫn bị nhóm này bắt giữ.

phien-quan-hoi-giao-tan-cong-truong-hoc-philippines-1

Vị trí tỉnh Cotabato của Philippines. Đồ họa: Worldatlas.

Theo cảnh sát Pigcawayan, nhiều thành viên của BIFF cũng có mặt trong lực lượng phiến quân đang cố thủ tại Marawi.

Quân đội Philippines đang triển khai thêm nhiều binh sĩ và tiến hành các đợt tấn công mới nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng phiến quân Maute đang cố thủ ở Marawi sau nhiều tuần giao tranh.(Vnexpress)
-------------------------

Ba phương án đối phó S-400 Nga tại Syria của Mỹ

Sử dụng UAV, máy bay tác chiến điện tử hay diệt cường kích Syria tại căn cứ là ba giải pháp giúp Mỹ tránh leo thang căng thẳng với Nga.

may bay tac chien dien tu ea-18g growler. anh: military.

Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Ảnh: Military.

 

Sau khi chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 tại Syria ngày 18/6, Nga lên tiếng cảnh báo sẽ coi mọi vật thể bay, bao gồm cả máy bay không người lái của liên quân do Mỹ dẫn đầu, ở phía tây sông Euphrates là các mục tiêu được phép bắn hạ.

Theo chuyên gia David Hambling của Popular Mechanics, quân đội Mỹ cần phải cẩn trọng trước lời cảnh báo của Nga bởi Moscow gần đây đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại tới Syria, trong đó có S-400 và S-300.

S-400 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trên thế giới, là đối thủ của tổ hợp đánh chặn Patriot của Mỹ. Với tầm bắn lên đến 400 km, S-400 có thể kiểm soát khu vực rộng lớn ở Syria, kể cả căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đóng quân của nhiều máy bay Mỹ.

Tổ hợp S-400 do Nga triển khai tại căn cứ Hmeymim, Syria

Theo chuyên gia Hambling, để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa phòng không Nga, Mỹ cần phải thực hiện ba giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các máy bay của liên quân hoạt động trên không phận Syria mà không làm gia tăng căng thẳng với Nga.

Giải pháp đầu tiên là hạn chế sử dụng máy bay có người lái, tăng cường sử dụng pháo binh, tên lửa, bộ binh và máy bay không người lái (UAV) vũ trang để yểm trợ hỏa lực cho lực lượng nổi dậy.

Giải pháp này loại bỏ nguy cơ máy bay chiến đấu bị bắn hạ, đồng thời có thể giúp tình hình bớt căng thẳng. Tuy nhiên, nó cũng làm suy giảm đáng kể sức mạnh tác chiến của liên quân, thậm chí còn có thể bị coi là động thái phản bội lại những cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Giải pháp thứ hai rủi ro hơn là lựa chọn các phương tiện phi sát thương như máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler để chống lại các hệ thống phòng không Nga.

Với khả năng ngụy trang và tạo ra những mục tiêu giả trên màn hình radar địch, EA-18G Growler kết hợp với máy bay không người lái ADM-160 có thể giúp liên quân làm rối loạn hệ thống phòng không Nga và đảm bảo những mục tiêu thật không bị bắn hạ.

Giải pháp thứ ba là tiêu diệt máy bay quân sự Syria ngay tại căn cứ. Cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình hồi tháng 4 của Mỹ đã vô hiệu hóa khoảng 20% máy bay chiến đấu của Syria, nên các cuộc tấn công tiếp theo có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng chiến đấu của không quân Damascus.

Hambling nhận định dù Mỹ và liên quân chọn giải pháp nào thì Nga chắc chắn sẽ có những phản ứng đối phó như thực hiện tấn công mạng hoặc một hành động cực đoan không chính thống khác để truyền tải thông điệp tới Mỹ.

Hambling cho rằng nếu mọi việc diễn biến sai lầm, tình hình tại Syria có thể nhanh chóng biến thành chiến tranh thế giới. "Mỹ hiện không còn giải pháp tốt mà chỉ còn giải pháp tồi hoặc ít tồi tệ hơn mà thôi. Lịch sử cho thấy chiến tranh luôn dễ dàng, hóa giải nó mới là điều đáng bàn, nên Mỹ cần cân nhắc cẩn trọng trước khi hành động", chuyên gia này phân tích.(Vnexpress)
------------------------------

Ông Trump gặp Tổng thống Ukraine sau khi tăng trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ Trump gặp người đồng cấp Ukraine ở Nhà Trắng, ngay sau khi Washington thông báo tăng trừng phạt Moscow.

tong thong my donald trump, phai, don tong thong ukraine tai nha trang. anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump, phải, đón Tổng thống Ukraine tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

 

Ông Trump ngày 20/6 bày tỏ ủng hộ một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở đông Ukraine, khi đón tiếp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Reuters đưa tin. Tuy nhiên Tổng thống Mỹ không nhắc đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột này. Việc ông Poroshenko gặp ông Trump được gọi là "cuộc ghé thăm", sau khi bàn luận với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. 

Tổng thống Mỹ miêu tả cuộc gặp với ông Poroshenko là "trao đổi rất tốt", cho hay "hai nước đã có nhiều tiến triển". Về phía ông Poroshenko, ông cho biết rất hài lòng khi có cuộc gặp trao đổi "đầy đủ và chi tiết" với ông Trump. "Chúng tôi nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ, về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của nhà nước", ông Poroshenko nói.

Tổng thống Ukraine cũng gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ông Mattis khẳng định Mỹ sát cánh với Ukraine, "trước những mối đe doạ về chủ quyền, luật pháp quốc tế và trật tự quốc tế".

Ông Pence đã đề cao việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ thực hiện Thoả thuận Minsk ký năm 2015, nhằm chấm dứt sự hỗ trợ của Nga với phiến quân ở đông Ukraine. Ông Poroshenko bày tỏ hy vọng về tăng hợp tác với Mỹ nhưng từ chối nói về việc Mỹ cấp vũ khí sát thương.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Ukraine diễn ra cùng ngày với việc Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp dụng thêm lệnh trừng phạt với hai quan chức Nga cùng 36 cá nhân và tổ chức. "Các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến vấn đề Crimea sẽ không được dỡ bỏ tới khi Nga chấm dứt chiếm giữ bán đảo này", thông báo của Bộ Tài chính cho biết.

Ông Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nói sẽ không có giảm nhẹ trừng phạt chừng nào Nga thực hiện các nghĩa vụ theo Thoả thuận Minsk. Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với Nga để phản đối việc Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine từ 2014. Tổng thống Mỹ Trump dự kiến có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức đầu tháng sau.(Vnexpress)
-------------------

Điện Kremlin: Nga sẽ ăn miếng trả miếng với Mỹ

Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh kiểu đặt điều kiện tháo dỡ cấm vận của Mỹ với Nga là không thể chấp nhận được và hoàn toàn sai sự thật.

may bay cua khong quan nga tham gia khong kich is tai syria - anh: bo quoc phong nga

Máy bay của không quân Nga tham gia không kích IS tại Syria - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

"Chúng tôi đã lặp đi lặp lại và khẳng định nhiều lần rằng quân đội Nga không hiện diện tại vùng lãnh thổ Donbass", hãng tin Reuters dẫn lời ông Dmitry Peskov tỏ rõ quan điểm ngày 21-6.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi một người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga sẽ còn tiếp tục trừ khi Matxcơva rút quân khỏi miền đông Ukraine.

Nga hiện đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Matxcơva còn bị nghi ngờ tiếp tay hỗ trợ cho lực lượng dân quân ở miền đông Ukraine chống chính quyền Kiev.

"Chúng tôi xem những tuyên bố kiểu như vậy của Mỹ là không thích hợp và không chính xác", ông Peskov nhấn mạnh.

Nói về các lệnh trừng phạt của Mỹ, đại diện Điện Kremlin nhấn mạnh "cái gì có đi thì phải có lại".

"Các chuyên gia của Nga đang xem xét và đề xuất nhiều biện pháp đáp trả", ông Peskov nói thẳng.

Những tuyên bố mang tính khẩu chiến giữa Mỹ và Nga trong mấy tuần gần đây đang phủ bóng khả năng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G-20 vào đầu tháng tới ở Hamburg (Đức). Điện Kremlin xác nhận cho tới giờ vẫn chưa có gì chắc chắn về cuộc gặp này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp tại Matxcơva ngày 20-6 đã gọi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Nga là "đáng tiếc" và "tư tưởng bài Nga" ở Mỹ đang "vượt qua giới hạn".

Trong khi đó, trên thực địa, căng thẳng bắt đầu tăng sau vụ một máy bay của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn bị máy bay Mỹ bắn rơi trên không phận Syria ngày 18-6. Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố sẽ nhắm bắn bất kỳ vật thể bay nào tại Syria đi vào khu vực hoạt động của máy bay chiến đấu Nga. 

Washington sau đó đã phải bố trí lại các máy bay chiến đấu, tránh đương đầu với các hệ thống phòng không của Nga tại Syria. Úc - quốc gia đồng minh của Mỹ trong liên quân chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng nhanh chóng quyết định tạm ngừng các chuyến bay của Úc vào không phận Syria.

Giới quan sát nhận định các bên liên quan tại Syria đang cố gắng mặc cả, thậm chí tung đòn gió nhằm giành lợi thế về phía mình trước cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy ở Kazakhstan vào ngày 10-7 tới.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 22-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 22-06-2017

    Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry; Ít nhất 1.300 trẻ em Mỹ thiệt mạng mỗi năm do súng đạn; Trung Quốc-Iran bất ngờ tập trận gần Qatar; Cách tiếp cận mới của hải quân Mỹ ở Biển Đông

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 21-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 21-06-2017

    Ba nước ASEAN bắt đầu tuần tra chung chống khủng bố; Rò rỉ kế hoạch ứng phó Nga của Ngoại trưởng Mỹ; Trung Quốc giành thị phần bằng máy bay tàng hình FC-31?; Đài Loan dùng Patriot đánh chặn tên lửa 'thành công'

Bài cùng chuyên mục