Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 28-04-2017

  • Cập nhật : 28/04/2017

Triều Tiên đã nằm trong tầm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Theo hãng tin Sputnik, phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân lực của Hạ viện Mỹ ngày 26-4, Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho biết trong thời điểm mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên gia tăng, đội tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu đang có mặt tại biển Philippines, gần phía Đông Okinawa, Nhật Bản.

Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh USS Carl Vinson cùng hai tàu khu trục và một tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường hiện ở trong phạm vi có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên. “Trong vài ngày tới, đội tàu USS Carl Vinson sẽ tiếp tục di chuyển về phía Bắc” – ông Harris nói thêm.

tau san bay my uss carl vinson da vao vi tri co the vuon tam ban toi trieu tien. anh: reuters

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã vào vị trí có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, tại buổi điều trần, vị tướng bốn sao này cũng thẳng thắn thừa nhận chính ông là người đưa ra quyết định đưa USS Carl Vinson rời khỏi Singapore và hủy chuyến thăm cập cảng Úc của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này. Đô đốc Harris cũng ra lệnh để tàu sân bay USS Carl Vinson di chuyển theo hướng bắc.  Ông cũng đã nhận trách nhiệm về việc thất bại trong liên lạc chưa thỏa đáng với truyền thông dẫn đến những thông tin không rõ ràng về tàu sân bay USS Carl Vinson, theo CNBC.

Trong khi nhấn mạnh mối đe dọa Triều Tiên đang ở mức báo động, ông Harris bày tỏ lo ngại về kho vũ khí của quân đội Mỹ nhìn chung đang thấp hơn so với kỳ vọng. Đặc biệt, ông nói quân đội Mỹ đang cạn dần các loại đạn dược cần thiết như bom nhỏ  và các vũ khí tác chiến phòng không được sử dụng trên các chiến đấu cơ. “Đây không phải là loại vũ khí thú vị. Nhưng chúng đóng vai trò quan trọng không chỉ nhằm đối phó Triều Tiên mà còn trong các cuộc chiến ở Trung Đông” – ông Harris nói.

Ông cũng lo ngại số lượng hạm đội tàu ngầm tấn công của quân đội Mỹ đang rất ít và cần phải đóng thêm nhiều tàu chiến nữa để tăng cường khả năng răn đe của hải quân Mỹ. Ông nói hải quân Mỹ chỉ đáp ứng được 50% số lượng tàu ngầm tấn công theo như yêu cầu của ông, theo CNBC.(PLO)
-------------------------

Triều Tiên kêu gọi ASEAN ngăn chặn 'thảm họa diệt chủng hạt nhân'

Triều Tiên đề nghị các nước trong khối ASEAN lên tiếng để ngăn chặn "một thảm họa diệt chủng hạt nhân" có thể xảy ra.

tv chieu hinh anh tong thong my donald trump (phai) va lanh dao trieu tien kim jong un. anh: ap

TV chiếu hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP

 

Trong lá thư gửi tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bình Nhưỡng cảnh bảo về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên "đang tiến tới bờ vực chiến tranh", AFP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-Ho.

Ông Ri thúc giục người đứng đầu ASEAN thông báo tới 10 nước trong khối về "tình hình nghiêm trọng" hiện nay. Trong thư đề ngày 23/3, bộ trưởng Ri cũng chỉ trích việc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung.

"Tôi bày tỏ mong muốn ASEAN, với thái độ coi trọng việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, sẽ đứng ở vị trí khách quan để lên tiếng về các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc tại hội nghị của ASEAN, đồng thời sẽ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình và an toàn trên Bán đảo Triều Tiên", theo bức thư được gửi đi trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra từ ngày từ 26-29/4 tại Manila, Philippines.

Triều Tiên có mối quan hệ gần gũi với một số nước thành viên ASEAN, bao gồm Campuchia và Lào.

Quan hệ ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur đã trở nên căng thẳng khi hai bên tranh cãi về cuộc điều tra vụ mưu sát người đàn ông được cho là anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un. (Vnexpress)
----------------------------------

Trung Quốc hoan nghênh Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên

Bắc Kinh hôm nay hoan nghênh giọng điệu dường như mềm mỏng hơn của Mỹ về khủng hoảng tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

lanh dao trieu tien kim jong-un thi sat tap tran ky niem 85 nam thanh lap quan doi. anh: reuters

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tập trận kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội. Ảnh: Reuters

 

"Chúng tôi đã chú ý đến những tuyên bố này và chú ý đến thông điệp được truyền tải trong tuyên bố đó, hy vọng giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình, thông qua đối thoại và tham vấn", Reuters dẫn lời Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói khi được đề nghị bình luận về tuyên bố hôm 26/4 của chính quyền Mỹ. "Chúng tôi tin thông điệp này có ý nghĩa tích cực và cần được khẳng định". 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ dự kiến gây sức ép, buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa bằng các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn và gia tăng sức ép ngoại giao.

"Mỹ tìm kiếm sự ổn định và phi hạt nhân hóa một cách hòa bình bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng thương lượng để đạt mục tiêu đó. Tuy nhiên, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ bản thân và các đồng minh của chúng tôi", một thông cáo viết.

Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng liên tục đe dọa phá hủy Mỹ. Đáp lại, Washington đã cảnh báo "mọi lựa chọn đang được thảo luận" nhằm chấm dứt sự khiêu khích từ Triều Tiên. (Vnexpress)
------------------------------------

Mỹ dằn mặt Triều Tiên với vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa

Giới phân tích cho rằng Mỹ phóng tên lửa liên lục địa nhằm gây áp lực cả về quân sự lẫn chính trị với Triều Tiên.

Mỹ hôm qua thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III không vũ trang tại căn cứ không quân ở California. ICBM là tên lửa đạn đạo với tầm bắn tối thiểu là 5.500 km. Mục đích chính của tên lửa này là mang đầu đạn hạt nhân để tấn công mục tiêu tầm xa. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Triều Tiên, hai nước cách nhau khoảng 8.000 km, có thể tấn công lẫn nhau bằng ICBM.

Vụ thử tên lửa Minuteman III diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên. Tuy phát ngôn viên của không quân Mỹ nói cuộc thử nghiệm được lên kế hoạch trước và không liên quan đến tình hình ở bán đảo Triều Tiên, một số nhà phân tích nghi ngờ điều này.

Andrew Lichterman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Western States Legal Foundation, tổ chức phi chính phủ thúc đẩy phi hạt nhân hóa có trụ ở California, cho rằng mặc dù các cuộc thử nghiệm như vậy được tiến hành thường xuyên, thời điểm của vụ thử này có thể không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Lichterman chỉ ra rằng không quân Mỹ năm 2015 từng nói họ xem việc thử nghiệm hệ thống bắn vũ khí hạt nhân là "cơ hội gửi đi thông điệp".

Theo Sputnik, Igor Korotchenko, chuyên gia Nga tại Trung tâm Phân tích Mua bán Vũ Khí Thế giới, cũng có chung quan điểm: "Vụ phóng tên lửa này rõ ràng mang cả tính quân sự lẫn chính trị. Với thực tế là người Mỹ tiếp tục tập trung các lực lượng quân sự ở gần Triều Tiên, vụ phóng vào thời điểm này có thể được coi là áp lực cả về chính trị và quân sự đối với Bình Nhưỡng".

"Rõ ràng thông điệp dành cho Triều Tiên và phần còn lại của thế giới là Mỹ có vũ khí hạt nhân và đã chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng chúng", Lichterman đánh giá.

Các quan chức quân đội Mỹ từng thẳng thừng tuyên bố điều này. Trước một cuộc thử nghiệm tương tự vào đầu năm 2016, Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work từng nói với các phóng viên: "Đó chính là lý do tại sao chúng tôi làm việc này. Chúng tôi, Nga và Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc thử nghiệm để chứng minh rằng tên lửa chiến đấu mà chúng tôi có là đáng tin cậy. Đó là tín hiệu rằng chúng tôi sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước nếu cần thiết".

Tổ chức phi chính phủ Nuclear Age Peace Foundation đã chỉ trích vụ phóng tên lửa, cho rằng Mỹ "rõ ràng có tiêu chuẩn kép", theo LA Times.

"Họ coi vụ thử của chính mình là chính đáng và hữu dụng nhưng lại gọi những vụ thử của Triều Tiên là mang tính đe dọa và gây bất ổn", David Krieger, người sáng lập tổ chức nói.

Trong cuộc họp của 100 thượng nghị sĩ Mỹ hôm qua, khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên không được bàn tới và quan chức cấp cao ở Washington cho biết họ sẽ tập trung ra sức ép về ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái phóng tên lửa có thể khiến căng thẳng càng trầm trọng. 

"Điều cần thiết là ngoại giao chứ không phải là những khiêu khích quân sự. Các lời đe doạ, dù là dưới hình thức bài viết trên Twitter, cụm tàu sân bay, hoặc phóng tên lửa có khả năng hạt nhân, chỉ làm tăng nguy cơ cho tất cả chúng ta", Krieger cảnh báo.(Vnexpress)

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục