Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 07-10-2017
- Cập nhật : 07/10/2017
Trực thăng Ấn Độ rơi gần biên giới Trung Quốc
Trực thăng Mi-17 V5 của Không quân Ấn Độ vừa gặp nạn và rơi xuống vùng núi gần biên giới Trung Quốc, bảy thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Theo India Times ngày 6/10, một chiếc trực thăng loại Mi-17 V5 của Không quân Ấn Độ gặp nạn và rơi xuống vùng núi hẻo lánh gần biên giới Trung Quốc khiến toàn bộ bảy thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Vụ tai nạn xảy ra lúc 6h sáng nay, 6/10 tại khu vực cách Tawang (bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ) 100km và cách biên giới Trung Quốc - Ấn Độ 12km, khi chiếc trực thăng Mi-17 V5 đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì.
Toàn bộ bảy thành viên phi hành đoàn được xác nhận đã thiệt mạng, trong đó có năm binh sĩ thuộc lực lượng Không quân Ấn Độ, hai người còn lại thuộc Quân đội Ấn Độ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ Suneet Newton cho hay. Lực lượng cứu hộ nước này đang khẩn trương làm việc để đưa các thi thể khỏi hiện trường.
Tawang là một vùng núi thuộc bang Arunachal Pradesh ở phía Đông Bắc Ấn Độ. Đây là quận biên giới có tính chiến lược quan trọng, từng bị Bắc Kinh kiểm soát trong thời gian ngắn trong chiến tranh Trung - Ấn năm 1962.
Sau khi đánh bại các lực lượng của Ấn Độ trong chiến tranh Trung - Ấn, Trung Quốc đã chiếm phần lớn bang này, nhưng sau đó họ đột nhiên rút quân, trao trả lại tất cả các tù binh.
Sự thất bại đau đớn đó đã được các chính trị gia và các tướng lĩnh quân đội Ấn Độ "khắc cốt ghi tâm".
Vài năm trước, sau khi biết rằng Trung Quốc có ý định xây dựng một tuyến đường sắt dọc theo phần phía đông của biên giới, Ấn Độ đã phát động một hoạt động ráo riết, xây nhiều chiếc cầu đường sắt và đường bộ mới - với kỳ vọng rằng chúng có thể chịu được trọng lượng của xe tăng chiến đấu chủ lực.
Khu Arunachal Pradesh có các ranh giới địa hình bằng phẳng, nên ở đó, trong trường hợp có chiến tranh, tất cả sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố ai sẽ là người triển khai lực lượng đầu tiên và đảm bảo cung cấp hậu cần sau đó.
Hiện Ấn Độ đang mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của mình ở khu vực để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, vốn có các kết nối đường bộ và đường không tới biên giới tốt hơn.
Việc chiếc thăng Mi-17 V5 của Không quân Ấn Độ rơi tại vùng nhạy cảm Tawang đang gây xôn xao dư luận. Mặc dù India Times cho rằng, vụ tai nạn có thể do trục trặc kỹ thuật, song cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định được điều gì.(Baodatviet)
-----------------------------
Tàu cá Trung Quốc tông tàu dầu Hong Kong, 12 người chết
11 ngư dân Trung Quốc chết và một ngư dân vẫn còn mất tích sau khi tàu cá của họ tông phải một tàu dầu Hong Kong và lật trên biển Nhật Bản, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết ngày 6-10.
Sự cố xảy ra vào sáng sớm 5-10, 2 tàu tông nhau trên biển Nhật Bản cách đảo Oki của Nhật 400km về phía bắc. Khu vực xảy ra tai nạn nằm phía đông bờ biển Triều Tiên, nhưng trong vùng biển quốc tế.
Cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: SCMP
Lúc xảy ra va chạm, tàu cá Lurong Yuanyu 378 tải trọng 290 tấn có 16 người trên tàu. 4 trong số họ may mắn được các tàu cá Trung Quốc gần đó vớt lên sau khi tàu cá bị chìm. Toàn bộ 21 thủy thủ tàu dầu Bright Oil Lucky tải trong 63.294 tấn của Hong Kong được an toàn.
Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang làm việc với các nhà chức trách Nhật và Triều Tiên đẩy nhanh nỗ lực tìm kiếm cứu hộ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã triển khai 3 tàu tuần tra cùng nhiều thợ lặn đến cứu hộ, theo đề nghị của lãnh sự quán Trung Quốc tại Osaka (Nhật). (PLO)
------------------------------
Mỹ thất thế, Saudi Arabia xoay trục qua Nga?
Saudi Arabia có thể chọn hướng sang Nga vì bất an với các ý định, chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Ngày 5-10, quốc vương Salman của Saudi Arabia chính thức bắt đầu chương trình làm việc trong chuyến công du đến Nga.
Bước ngoặt lịch sử
đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị vua đương triều Saudi Arabia công du đến Nga. Các bất đồng về chính sách và hoàn cảnh khu vực cũng như quốc tế luôn là lực cản khó vượt qua cho hai nước.
Nga chuẩn bị buổi đón tiếp vô cùng long trọng với thảm đỏ tận chân thang máy bay. Dọc các tuyến đường từ sân bay Vnukovo vào trung tâm Moscow xuất hiện rất nhiều bảng điện in hình ảnh vua Salman cùng thông điệp đón mừng ông bằng tiếng Nga lẫn tiếng Ả Rập. Đi cùng vua Salman là một phái đoàn cấp cao sang tham dự Diễn đàn Tuần lễ năng lượng Nga, khảo sát cơ hội đầu tư.
Tiếp vua Salman là Tổng thống Putin. Chương trình làm việc hướng đến phát triển một loạt vấn đề trong quan hệ song phương mà đặc biệt là đầu tư và năng lượng. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước còn đặt mục tiêu bàn thảo các điểm nóng quốc tế như xung đột tại Trung Đông.
Chuyến thăm Nga của vua Salman là bước mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế hai nước. Trong năm 2016, Nga cùng 14 nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, mà dẫn đầu là Saudi Arabia, đã thông báo hạn chế sản lượng khai thác dầu để giữ giá. Sau thời điểm đó, hai bên tuần tự thông báo hàng loạt thỏa thuận mua bán vũ khí và hợp tác năng lượng trị giá hàng tỉ USD. Hồi tháng 5, thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman cũng sang Nga gặp Tổng thống Putin, cam kết đầu tư 10 tỉ USD vào Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp quốc vương Salman ngày 5-10. Ảnh: SPA
Vì sao ngả về phía Nga?
Phát biểu về sự kiện lần này, nhà phân tích kinh tế cấp cao Chris Weafer tại Tập đoàn tư vấn Macro-Advisory (Nga) nhận định: “Đây là phái đoàn Saudi Arabia đến Nga lớn nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy phía Saudi Arabia xem quan hệ với Nga rất quan trọng với quyền lợi của mình”. Theo ông, sự kiện này đặc biệt ý nghĩa trong thời điểm ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh đang xuống dốc. Nga đã nhanh tay chớp lấy cơ hội. Ông Weafer đánh giá Nga đang có cơ hội tái lập ảnh hưởng lên vùng Vịnh dễ dàng hơn bao giờ hết.
Theo cố vấn cấp cao Theodore Karasik tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (Mỹ), Nga đã âm thầm tìm kiếm cơ hội phát triển quan hệ với Saudi Arabia mà không để Mỹ biết trong cả thập niên qua. Mặt khác, chính quyền Riyadh cũng đánh giá nghiêm túc quan hệ với Moscow, nhà cố vấn chính trị Fahad Nazer tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Mỹ nhận định.
Cờ không còn trong tay Mỹ
Trong khi đó theo The Washington Post, hàng loạt yếu tố như bất ổn địa chính trị, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ lung lay, giá dầu sụt giảm và việc Nga dần trở thành một thế lực chính trị rõ rệt ở Trung Đông… đã dần đưa Saudi Arabia và Nga xích lại gần nhau như một điều tất yếu.
Tổng thống Trump đã rất “ưu ái” Saudi Arabia, thậm chí chọn nước này làm điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Saudi Arabia vẫn chọn hướng sang Nga vì bất an với các ý định và chính sách thiếu rõ ràng của Mỹ ở Trung Đông. Sự nhập nhằng giữa những phát ngôn của ông Trump và các quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề Qatar khiến Saudi Arabia thất vọng.
Moscow và Riyadh vẫn còn quan điểm trái ngược đối với chiếc ghế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như vai trò của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, các thành trì tư tưởng đã dần thay đổi. Việc ông Assad sẽ duy trì quyền lực đã dần được Saudi Arabia chấp nhận. Trong khi đó, Riyadh cũng nhận thấy bản thân rất cần Moscow để thương lượng với chính quyền Tehran, giảm hiện diện của lực lượng thân Iran tại Syria và giữ được sự ảnh hưởng ở Yemen.
Theo cựu chuyên gia phân tích cấp cao CIA Bruce Riedel, hiện làm việc tại Viện Chính sách Brookings, hàng loạt diễn biến gần đây cho thấy Saudi Arabia đã nhìn nhận Nga là một “tay chơi” chính trong khu vực.
Washington chưa quá lo
Saudi Arabia là đồng minh truyền thống của Mỹ trong hơn 70 năm qua. Nếu thực sự Saudi Arabia chọn xoay trục khỏi Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump sẽ gặp thách thức rất lớn ở Trung Đông.
Tuy nhiên, theo Mark Katz, chuyên gia về Nga tại ĐH George Mason (Mỹ), Washington có lẽ chưa cần lo lắng vội. Quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga vẫn có thể biến động ngược lại các toan tính của Moscow. Viễn cảnh Nga kiềm chế được ảnh hưởng của Iran ở Syria vẫn còn là một ẩn số. Sự chần chừ hoặc thiếu nỗ lực từ Moscow cũng có thể đe dọa các cam kết với Riyadh. Còn theo tờ The Washington Post, quốc vương Salman cũng sẽ không dám mạo hiểm đánh đổi quan hệ đồng minh lâu dài và quan trọng của mình với Mỹ cho mối quan hệ mới và tương lai mơ hồ với Nga. (PLO)
--------------------------------