Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 07-10-2017

  • Cập nhật : 07/10/2017

Đối phương không ngờ trước sáng tạo của Việt Nam với S-75

Trong lịch sử phòng không Việt Nam, lực lượng tên lửa đã có nhiều sáng tạo chiến, kỹ thuật chống các thiết bị gây nhiễu radar của Mỹ.

Dù được trang bị từ năm 1965 nhưng đến nay, tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina (phương Tây gọi là SAM-2) của Việt Nam vẫn có thể tác chiến tốt trong chiến tranh hiện đại.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, S-75 Dvina đã bảo vệ vững chắc bầu trời miền Bắc bắn rơi hàng trăm máy bay địch, trong đó có pháo đài bay B-52 của Không quân Mỹ.

he thong ten lua phong khong s-75 cua viet nam.

Hệ thống tên lửa phòng không S-75 của Việt Nam.

Tuy nhiên, để những hệ thống phòng không tối tân do Nga cấp lập được chiến công vang dội này, Quân đội Việt Nam đã cải tiến nhiều thiết bị và sáng tạo trong cách đánh khiến đối phương không thể ngờ tới.

Trong đó, phải kể đến việc tìm ra một khí tài thay thế để chỉ thị mục tiêu cho tên lửa đánh địch. Đây có thể coi là một phát kiến lớn từ trong những điều đơn giản, một sự sáng tạo chỉ có ở Việt Nam, đó là sử dụng radar K8-60 của pháo cao xạ 57mm để chỉ thị mục tiêu cho tên lửa S-75 đánh B-52.

Radar K8-60 vốn có hai dải sóng 3cm và 10cm, nhưng dải sóng 3cm bị trục trặc không thể sử dụng được, nên trước đó phía ta chỉ đánh địch bằng dải sóng 10cm, giống như dải sóng của đài radar SON-9A của Liên Xô. Do đó, phía Mỹ chỉ tập trung gây nhiễu nặng dải sóng 10cm.

Điều thần kỳ đã xảy ra khi các kĩ sư quân sự Việt Nam mổ xẻ đài radar K8-60, quyết tâm sửa chữa dải sóng 3cm. Họ đã tìm ra rằng khi thiết kế đài radar K8-60, phía Trung Quốc đã phạm lỗi lớn ở đèn điện tử CKM-99, một bộ phận tối quan trọng, được coi như trái tim của đài phát.

Các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam đã đặt lại chế độ làm việc cho đèn điện tử CKM-99, phục hồi thành công dải sóng 3cm. Đây chính là vũ khí bí hiểm của tên lửa S-75 Dvina, được giữ bí mật cho đến ngày mở màn Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972.

Tất nhiên là việc lực lượng phòng không với tên lửa S-75 Dvina (SAM-2) bắn rơi tới 27/34 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 (2 chiếc do MiG-21 và 5 chiếc do pháo cao xạ 100mm) còn có sự đóng góp của rất nhiều lực lượng khác và nhiều biện pháp kỹ, chiến thuật khác.

Cụ thể, đó là "Phương pháp phóng 3 điểm", nhưng việc cải tiến và tìm tòi thiết bị và phương án sử dụng chúng để đánh địch đóng vai trò quyết định.

Nếu không có những sáng tạo trong cách đánh, một là SAM-2 Việt Nam đã bị Mỹ tiêu diệt ngay từ khi mới mở máy, hai là không thể phát hiện ra địch mà đón bắn; ba là không thể điều khiển phóng đạn tên lửa, dẫn tới cả hệ thống tên lửa trở thành vô dụng, gây suy yếu trầm trọng toàn bộ hệ thống phòng không.

Ngày nay, S-75 vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ lực bảo vệ bầu trời Việt Nam và đã được nâng cấp mới. Đặc biệt, để những "con rồng lửa" có khả năng tác chiến cao, công tác bảo dưỡng luôn được quân đội Việt Nam đặt lên hàng đầu. (baodatviet)
------------------------------

Ukraine thông qua dự luật gọi Nga là nước xâm lược

Ngày 6/10, Quốc hội Ukraine đã thông qua trong lần đọc thứ nhất dự luật của Tổng thống về tái hội nhập vùng Donbass, trong đó gọi Nga là nước xâm lược và cáo buộc Nga chiếm các doanh nghiệp nhà nước, cho lưu hành đồng ruble, cấp hộ chiếu và số xe ô tô tại vùng này của Ukraine.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Ukraine. Ảnh: EPA/TTXVN

Với 233 phiếu thuận so với 226 phiếu cần thiết, dự luật đã được thông qua, đáng chú ý là dự luật đã sửa đổi và loại bỏ mục về ý nghĩa ưu tiên của việc thực hiện thỏa thuận Minsk trong giải quyết xung đột tại vùng Donbass. 

Dự luật nêu rõ, Nga không có quyền lãnh thổ nào đối với một số vùng thuộc 2 tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraine, đồng thời Ukraine không có trách nhiệm về việc vi phạm quyền con người tại các vùng bị tạm chiếm này. Dự luật cũng xem xét khả năng sử dụng quân đội Ukraine tại vùng này trong thời bình để triển khai các biện pháp đảm bảo chủ quyền đất nước. 

Theo dự luật, chiến dịch chống khủng bố nay được tập trung vào bảo vệ Ukraine. Chức năng lãnh đạo trực tiếp quân đội tại vùng Donbass trước thuộc về Trung tâm chống khủng bố của Cơ quan An ninh nay được trao cho Bộ tham mưu tác chiến liên minh của Quân đội Ukraine. 

Dự luật được thông qua trong khi các đại biểu của đảng Tự do và Mặt trận Nhân dân ẩu đả nhau ngay bên cạnh diễn đàn. Trước đó, ngày 5/10 việc thảo luận dự luật cũng diễn ra giữa các cuộc đụng độ của các đại biểu, khiến cảnh sát phải lập hàng rào bảo vệ xung quanh trụ sở Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đã buộc phải ngừng phiên thảo luận ngày 5/10. 

Hai cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk tuyên bố dự luật đi ngược lại thỏa thuận Minsk. Còn người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố việc Ukraine định nghĩa Nga là nước xâm lược là trái với thực tiễn tại miền Đông-Nam Ukraine, nơi Nga không phải là một bên xung đột.(TTXVN)
------------------------------------

Cú đánh chết chóc bằng tên lửa Kh-29TE của Su-30MK2

Mặc dù tầm bắn ngắn hơn Kh-31A và không phải là tên lửa diệt hạm chuyên nghiệp, nhưng sự kết hợp giữa Kh-29TE với Su-30MK2 vẫn tạo ra hiệu quả rất cao.

Kh-29 (AS-14 Kedge) là một gia đình tên lửa không đối đất tầm ngắn mang đầu đạn lớn do Liên Xô/Nga chế tạo, có thể trang bị cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 hoặc tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Phiên bản Kh-29TE là loại sử dụng cơ chế dẫn đường TV, được lắp đầu dò quang học tự động nhận dạng vật thể Tubus-2, tên lửa trước khi phóng sẽ "nhận diện" hình ảnh mục tiêu và sau khi phi công bấm nút khai hỏa, Kh-29 tự động bay tới theo dạng "phóng và quên".

So với Kh-29T, biến thể Kh-29TE có tầm bắn kéo dài từ 10 km lên thành 30 km.

Giá phóng Kh-29 là loại APU-58 và AKU-58, tên lửa sẽ được thả rơi khỏi máy bay trước khi động cơ kích hoạt.

Cấu hình mang tối đa Kh-29 trên Su-27/30 là 6 đạn, MiG-27 Flogger 2 đạn, Su-17/22M4 Fitter 2 đạn và Su-24M Fencer 3 đạn. 

ten lua khong doi dat kh-29te duoc trung bay tai trien lam hang khong maks 2007

Tên lửa không đối đất Kh-29TE được trưng bày tại Triển lãm hàng không MAKS 2007

Mặc dù vai trò chính là tên lửa đối đất dùng để yểm trợ hỏa lực trên bộ, chuyên diệt các loại công sự kiên cố, nhưng đầu đạn trọng lượng 320 kg của Kh-29TE đủ sức đánh chìm một chiến hạm có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn, vận tốc lên tới 1.250 km/h của nó khiến hệ thống phòng không đối phương phải rất vất vả khi đối phó.

Kh-29TE thường được trang bị cho cường kích Su-22, nhưng dĩ nhiên là Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam cũng hay mang loại tên lửa này trong những lần trực ban tác chiến.

Nếu áp dụng chiến thuật bay thấp bám mặt biển để tiếp cận mục tiêu rồi bất ngờ phóng đạn, Kh-29TE vẫn rất hiệu quả khi tấn công các loại tàu chiến đấu, tàu đổ bộ, tàu hậu cần... của đối phương.

Đây là vũ khí bổ trợ cho Kh-31A nhờ số lượng nhiều hơn (ước tính 100 quả) trong khi chờ đợi bản KCT 15 phóng từ trên không được hoàn thiện.

ten lua kh-29te duoi canh tiem kich da nang su-30mk2 cua khong quan viet nam

Tên lửa Kh-29TE dưới cánh tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Đầu năm nay, bài viết "Sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công tác tham mưu kỹ thuật" đăng trên báo Quân đội Nhân dân cho biết, Bộ Tham mưu Tổng cục Kỹ thuật đã chỉ đạo và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật.

Một trong những hạng mục đã hoàn thành chính là cải tiến thành công tên lửa không đối đất Kh-29T/L.

Có khả năng đạn tên lửa đã được thay thế những thành phần công nghệ cũ bằng linh kiện mới cho độ tin cậy cao hơn.

Thành tựu trên đã góp phần nâng cao chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật, giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của môi trường tác chiến công nghệ cao. (Baodatviet)
------------------------

Chuyên gia quân sự: Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung cao hơn bao giờ hết

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu RAND, nguy cơ Mỹ bùng phát xung đột quân sự với Trung Quốc tăng dần trong suốt 6 năm qua. Trung Quốc rất có thể sẽ không bảo vệ Triều Tiên từ một cuộc tấn công của Mỹ, thay vào đó sẽ chuyển sang bảo vệ lợi ích của riêng mình – trái ngược với mục tiêu của Mỹ và việc này có thể mở ra một cuộc xung đột lớn hơn.

 

phao binh trong mot cuoc tap tran to chuc tai thanh pho thanh dong hap (trung quoc). anh: reuters

Pháo binh trong một cuộc tập trận tổ chức tại thành phố Thanh Đồng Hạp (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

 

Hãng nghiên cứu nổi tiếng chuyên thực hiện các dự án nghiên cứu và phân tích về tình hình quân sự Mỹ có trụ sở ở California này hôm 3/10 công bố bản báo cáo dài 16 trang, với tiêu đề “Xung đột với Trung Quốc quay trở lại”.

Đây là là phần tiếp theo của bản báo cáo mà viện này thực hiện trong năm 2011 nhằm đánh giá về một cuộc chiến tranh nguy cơ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bản báo cáo năm 2017 kết luận: “Chúng tôi vẫn không tin rằng một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng xảy ra dưới bất kỳ trường hợp nào, song xác suất tin cậy theo một cách nào đó lại thấp hơn con số 6 năm về trước”.

Trong lịch sử, Mỹ và Trung Quốc từng căng thẳng sau cuộc Cách mạng 1949, tuy nhiên sau đó quan hệ giữa hai nước đã dần được cải thiện từ những năm 1970.

Song trong khoảng thời gian gần đây các vấn đề như Triều Tiên và Biển Đông lại khiến mối quan hệ ấy nổi lên những đợt sóng dữ dội.

Trung Quốc tham vọng tuyên bố chủ quyền (phi pháp) của mình trên gần như toàn bộ vùng lãnh thổ Biển Đông bằng cách quân sự hóa và bồi đắp đất trái phép quy mô lớn. Động thái này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các quốc gia có quyền và lợi ích ở khu vực này. Mỹ cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang thay đổi căn bản bối cảnh tự nhiên và chính trị tại khu vực chiến lược Biển Đông.

Không chỉ có vậy, RAND còn chỉ ra rằng khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang là mối đe dọa lớn nhất ảnh hưởng tới hòa bình Mỹ-Trung. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Liu Jieyi trong tuần trước đưa lời nhận xét khủng hoảng Mỹ-Triều là “hết sức nguy hiểm”. Tổng thống Donald Trump đe dọa sử dụng biện pháp quân sự để trấn áp kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố có quyền phát triển vũ khí để ngăn chặn một cuộc xâm chiến từ Mỹ. 

Về phần mình, Trung Quốc từ trước đến nay là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ở thế kẹt giữa Mỹ và Triều Tiên, khi một bên phải chịu sức ép và chỉ trích từ Washington do không mạnh tay hơn nữa với Bình Nhưỡng, một bên thì cũng quá ngán ngẩm trước việc Triều Tiên đã đi quá xa bằng một loạt các vụ thử tên lửa hạt nhân và tỏ ra muốn vượt khỏi vòng cương tỏa của Trung Quốc.

Trong báo cáo công bố hôm 4/10, các nhà nghiên cứu của RAND nhận định Trung Quốc rất có thể sẽ không bảo vệ Triều Tiên từ một cuộc tấn công của Mỹ, thay vào đó sẽ chuyển sang bảo vệ lợi ích của riêng mình – trái ngược với mục tiêu của Mỹ và có thể mở ra một cuộc xung đột lớn hơn.

“Nguy cơ xảy ra đối đầu, vô tình hay cố ý, giữa lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc, sẽ rất cao, với tiềm ẩn leo thang lớn”, bản báo cáo kết luận.

Cũng theo tài liệu mới của RAND, hiện tại Mỹ rõ ràng vẫn có lợi thế về mặt quân sự trước Trung Quốc, nhưng việc bảo vệ lợi ích Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, trước sự thay đổi của Trung Quốc, bao gồm động thái nâng cấp lực lượng tên lửa và xuất hiện tàu sân bay đầu tiên “made in China”.

Các nhà nghiên cứu đề nghị Mỹ cần nên hợp tác với Trung Quốc nhằm giảm thiểu căng thẳng, thay vì tạo cơ hội cho các lực lượng mới của Trung Quốc thử nghiệm sức mạnh trên chiến trường thực sự.(baotintuc)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 07-10-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 07-10-2017

    Global Firepower: Số lượng tăng của Việt Nam thêm 75 chiếc; Đông Nam Á đang tìm đến vũ khí Trung Quốc; Nga chỉ nguyên nhân vũ khí Mỹ mất dần vị thế

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 07-10-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 07-10-2017

    Trực thăng Ấn Độ rơi gần biên giới Trung Quốc; Tàu cá Trung Quốc tông tàu dầu Hong Kong, 12 người chết; Mỹ thất thế, Saudi Arabia xoay trục qua Nga?

Bài cùng chuyên mục