Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 07-09-2017
- Cập nhật : 07/09/2017
Ông Tập muốn quan hệ Trung-Ấn ‘đi đúng quỹ đạo’
Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng hai quốc gia này đang phát triển cơ hội cho nhau chứ không đe dọa nhau.
Theo hãng tin Reuters, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra tại thị trấn Hạ Môn, TQ. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi xung đột trên cao nguyên Dokalam chấm dứt gần một tuần trước. Cuộc gặp kéo dài khoảng 60 phút, rất nhiều vấn đề được đem ra thảo luận, trong đó có cả tranh chấp biên giới và xung đột ở Dokalam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị BRICS hôm 5-9. Ảnh: REUTERS
Trong buổi họp báo hôm 5-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng cho biết ông Tập đã nói với ông Modi rằng Bắc Kinh và New Delhi đang phát triển cơ hội cho nhau chứ không phải đe dọa nhau. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo TQ bày tỏ mong muốn đưa quan hệ giữa hai nước đi “đúng quỹ đạo”. Thông cáo Bộ Ngoại giao TQ nhấn mạnh mối quan hệ lành mạnh, ổn định chính là mối quan tâm của hai quốc gia.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cùng ngày cho biết hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định về sự cần thiết của việc duy trì thông tin liên lạc chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh hai nước, theo NDTV.(PLO)
--------------------------
Nga dùng S-400 gây náo loạn NATO
Với S-400, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng của bầu trời của mình đối với các máy bay chiến đấu của NATO nếu cần thiết.
Nga-Thổ gửi thông điệp
Truyền thông Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua tiếp tục dẫn lời giới chức hai nước đưa tin về thương vụ mua bán hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Đây được đánh giá là thỏa thuận có tầm quan trọng nhất mà Ankara xúc tiến với một quốc gia không là thành viên NATO.
Bất chấp những tuyên bố chắc "như đinh đóng cột", thỏa thuận này hiện vẫn chưa được hai bên ký kết. Giới phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không này vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây cho rằng thông điệp Ankara phát đi, trước hết với các đồng minh trong NATO, có nhiều ý nghĩa hơn cả việc mua sắm nếu việc này thực sự diễn ra.
Lầu Năm góc đã lên tiếng cảnh báo, nói rằng "nhìn chung đó là một ý tưởng tốt" để các đồng minh của NATO mua thiết bị mang tính trao đổi thông tin như vậy. Trong khi đó, Tổng thống Tayyip Erdogan thì biện minh rằng Hy Lạp, một thành viên của NATO và đôi khi là đối địch trong khu vực, hiện sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 do Nga sản xuất được lắp đặt trên đảo Crete miền Nam nước này.
Những khẩu đội S-300 này ban đầu do Cộng hòa Síp mua từ hồi cuối những năm 1990 nhưng sau đó chuyển giao cho Hy Lạp để ngăn chặn tình hình căng thẳng trên đảo Crete vốn bị chia rẽ về mặt quản lý hành chính.
Giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga Dmitry Shugaev tiết lộ với nhật báo Kommersant rằng thỏa thuận bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã "gần như hoàn thiện" chỉ còn lại một số "vấn đề tế nhị" cần giải quyết. Ông Dmitry Shugaev nói rằng Mỹ "có thể sẽ tức giận nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia độc lập và có thể tự đưa ra quyết định của mình".
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Viện quan sát Pháp - Nga có trụ sở ở Moscow, ông Igor Delanoe cho rằng ông "hết sức hoài nghi" triển vọng tốt đẹp của thỏa thuận này. Theo ông Igor Delanoe, Nga không thoải mái với việc chuyển giao công nghệ này, nhất là khi Ankara đưa ra yêu cầu địa phương hóa thiết bị quân sự này ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể đến việc Moscow cũng đang "nợ" các đơn hàng cung cấp trang thiết bị chưa thực hiện được cho các lực lượng quân đội của mình cũng như cho khách hàng chính là Trung Quốc.
Ông Delanoe nói: "Cả Moscow và Ankara lợi dụng chuyện mua sắm S-400 như một công cụ chính trị để bày tỏ bất bình với phương Tây".
Mối quan hệ của Moscow với NATO rơi vào khủng hoảng sau khi Nga sáp nhập Crimea và bị cáo buộc hậu thuẫn các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, mặc dù vẫn là thành viên chính của NATO, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ trở nên căng thẳng do Washington hậu thuẫn Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria mà Ankara coi là một nhóm khủng bố.
Ông Delanoe giải thích: "Ankara đã muốn lợi dụng vấn đề S-400 kể từ khi nước này tức giận trước việc Mỹ tiếp tục hợp tác quân sự với lực lượng người Kurd ở Syria".
Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga tại Ankara, ông Timur Akhmetov, nhận định rằng các cuộc thương lượng về thương vụ S-400 đã giúp Nga đánh bóng hình ảnh cho hệ thống vũ khí của mình đồng thời làm suy giảm niềm tin giữa các thành viên NATO, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn tỏ rõ với các đồng minh phương Tây của mình rằng Ankara có sự lựa chọn chiến lược trong các mối quan hệ của mình với các nước khác.
Hãng tin AFP bình luận, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về thương vụ S-400 là một động thái mang tính biểu tượng rõ nét về sự dịch chuyển mối quan hệ song phương sau khi Ankara và Moscow ký thỏa thuận hòa giải sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga khi đang bay trên khu vực biên giới Syria hồi tháng 11/2015.
Về vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn là các bên có quan điểm đối lập về cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này khi Moscow hậu thuẫn chính quyền Damascus còn Ankara "chống lưng" cho lực lượng phiến quân.
Tuy nhiên, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều biết cách chi phối mối quan hệ của mình để không bị sự đối đầu kéo dài lâu nay trong khu vực ảnh hưởng đến những lĩnh vực hợp tác vốn hạn hẹp song đều mang lại lợi ích cho đôi bên.
Mặc dù vậy, thương vụ S-400 chưa phải là một chỉ dấu về một mối quan hệ liên minh chiến lược quan trọng. Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga tại Ankara, ông Timur Akhmetov, tiếp tục nhận định: "Điều duy nhất khiến cả Ankara và Moscow xích lại gần nhau là họ đều muốn gây sức ép mối quan hệ của mình với phương Tây".
Trong khi đó, Phó Giám đốc Viện quan sát Pháp - Nga trụ sở ở Moscow, ông Igor Delanoe, tiếp tục bình luận rằng "cả hai nước này không tin tưởng lẫn nhau" song "đã xây dựng được mối quan hệ đối tác địa kinh tế chủ yếu dựa vào năng lượng" mà minh chứng là việc triển khai dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đi qua Biển Đen.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Can Kasapoglu, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại và kinh tế (EDAM), giải thích rằng mong muốn sở hữu S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách tăng cường năng lực phòng không sau khi các phi công dày dạn kinh nghiệm của nước này thiệt mạng do các cuộc thanh trừng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Theo một số nguồn tin, thỏa thuận Nga bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ có trị giá 2,5 tỷ USD. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, Ankara sẽ mua 2 giàn tên lửa của Nga trong vòng một năm nữa và sẽ có 2 giàn tên lửa S-400 khác được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, Ankara chưa “có trong tay” hệ thống tên lửa tầm xa. Nước này đang phụ thuộc vào các hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-2 của Tây Ban Nha và hệ thống tên lửa SAMP-T của Italy, vốn được đặt tại khu vực Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016, sau khi Mỹ, Đức và Hà Lan quyết định rút các giàn tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Chính điều này đã khiến Ankara phải tập trung nỗ lực trong việc tự trang bị một tổ hợp phòng thủ tên lửa.
Một khi thỏa thuận mua S-400 được ký kết, điều đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực hơn nữa đối với mối quan hệ giữa Ankara với các nước khác trong NATO, đặc biệt là với Mỹ, giống như điều này đã xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa từ Trung Quốc vào năm 2013. Dưới áp lực của Mỹ, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải hủy bỏ hợp đồng có trị giá 3,4 tỷ USD này vào tháng 11/2015.
Ngay sau khi dự án này bị hủy bỏ, lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom của Nga vào ngày 24/11/2015 và điều này làm cho quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đi xuống. Sau đó, Ankara đã bày tỏ dự định phát triển một cách độc lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa thể đạt được và Ankara vẫn buộc phải quay sang Moscow để mua hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa S-400.
Mặc dù nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng thỏa thuận với Nga không phải là một sự thay thế cho các thỏa thuận khác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO hay Liên minh châu Âu (EU), song trên thực tế, thỏa thuận S-400 này vẫn là “một nhát dao” dành cho 2 liên minh vốn đang ngập chìm trong các cuộc khủng hoảng này.
Theo các chuyên gia, sau khi có hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa từ xa của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể “đóng của bầu trời của mình đối với các máy bay chiến đấu của NATO” nếu cần thiết. (Baodatviet)
----------------------
Rò rỉ kế hoạch hạn chế người nhập cư EU tại Anh sau Brexit
Tài liệu rò rỉ trên trang mạng của tờ Guardian cho thấy nước Anh dự tính áp đặt giới hạn đối với lao động có tay nghề thấp của EU.
Công nhân EU bao gồm y tá, nhân viên xã hội và giảng viên biểu tình bên ngoài Quốc hội Anh ở London để ở lại nước này - Ảnh: AFP
Tài liệu dày 82 trang trình bày các đề xuất của Bộ Nội vụ nhằm quản lý người di cư sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đặt dấu chấm hết cho việc di chuyển tự do trong khối đồng tiền chung euro.
"Nói một cách rõ ràng, điều này có nghĩa là, để được xem là giá trị tổng thể đối với quốc gia, việc di cư không nên chỉ là lợi ích cho chính những người di cư mà còn phải khiến những cư dân đang rời khối cảm thấy tốt hơn" - tài liệu cho biết.
Hãng tin AFP cho biết chính phủ Anh dự tính sẽ có một hệ thống kép dành cho việc di cư của công dân EU sau Brexit. Những người muốn ở lại lâu dài tại Anh cần phải nộp đơn xin giấy phép cư trú thời hạn 2 năm.
Tuy nhiên những công nhân có tay nghề cao có thể được cấp phép cư trú đến 5 năm.
Trong một phần tài liệu được đánh dấu là "nhạy cảm", bộ Nội vụ Anh cho biết có thể "siết chặt" định nghĩa về các thành viên trong gia đình được phép đi cùng với công nhân EU tại Anh.
Giới hạn đề xuất chỉ bao gồm vợ/chồng, con cái dưới 18 tuổi và người sống phụ thuộc vào công nhân này.
Tài liệu cũng cho thấy có sự thay đổi về việc di chuyển qua biên giới nước Anh. Theo đó chính phủ Anh có kế hoạch yêu cầu công dân EU xuất trình hộ chiếu thay vì chứng minh thư như hiện tại.
Anh có thể áp dụng biện pháp trên ngay sau khi nước này rời khỏi khối đồng chung euro ngày 29-3-2019 nhưng bộ Nội vụ cho biết sẽ có "thông báo đầy đủ" sau.
Vấn đề quyền công dân cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU trong các cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra theo từng giai đoạn tại Brussels.
Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh nói với AFP rằng chính phủ Anh sẽ không bình luận về tài liệu bị rò rỉ.
"Chúng tôi sẽ đưa ra các đề xuất về một hệ thống nhập cư mới, kiểm soát lại biên giới Anh vào cuối mùa thu này" - người phát ngôn cho biết.(Tuoitre)