Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Ngày 28/7/2017, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 lần hai trong tháng 7/2017. Ảnh: Reuters
Theo báo chí Mỹ ngày 8/8, một báo cáo bí mật đưa ra ngày 28/7 của Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ cho rằng tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vượt dự đoán của dư luận, đã vượt một ngưỡng quan trọng để trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân. Đó chính là sở hữu khả năng sản xuất đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Báo cáo này còn đánh giá, vũ khí hạt nhân hiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có trong tay nhiều hơn dự đoán trước đây, khoảng 30 – 60 quả.
Từ khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên hơn 10 năm trước, phán đoán của dư luận về tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thường lạc hậu hơn so với tốc độ thực tế của Triều Tiên.
Ngày 3/7, sau khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chuyên gia cho rằng khoảng cách của nó có thể vươn tới bang Alaska (Mỹ), nhưng chưa vươn tới lãnh thổ các bang trên đất liền khác của Mỹ.
Tuy nhiên, vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần thứ hai do Triều Tiên tiến hành ngày 28/7 đã làm thay đổi quan điểm của các nhà phân tích. Họ cho rằng khu vực miền đông nước Mỹ đã nằm trong phạm vi bị Triều Tiên đe dọa.
Nhưng họ vẫn cho rằng trong thời gian ngắn, Triều Tiên khó có thể có được khả năng phóng đầu đạn hạt nhân, bởi vì việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân thường cần có thời gian rất dài. Vào ngày 8/8, sách trắng dài 500 trang của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã đưa ra quan điểm tương tự. Báo cáo cho rằng “có thể hiểu được chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tương đối tiên tiến. Họ có thể đã nắm được công nghệ sản xuất đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ và đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân”.
Nhưng có nhà quan sát cho rằng Triều Tiên còn chưa từng tiến hành, ít nhất là chưa từng công khai tiến hành thử đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.
Vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ để đối phó Mỹ?
Vừa qua, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2371, một nghị quyết tiến hành trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nhất đối với Triều Tiên. Triều Tiên cho rằng nghị quyết này đã “vi phạm chủ quyền” của Triều Tiên.
Theo quan điểm của Triều Tiên, Mỹ đang có ý đồ cô lập và “bóp chết” Triều Tiên, nhưng Triều Tiên sẽ không tiến hành đàm phán về vũ khí hạt nhân. Triều Tiên thề sẽ báo thù Mỹ “gấp trăm ngàn lần”, cho biết họ sẽ vĩnh viễn không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố ngày 7/8 tại Mannila, Philippines của Ngoại trưởng Triều Tiên nhấn mạnh, vấn đề hạt nhân Triều Tiên hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Mỹ. Triều Tiên là “nước sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có trách nhiệm”.
Triều Tiên cho biết họ sở hữu lực lượng hạt nhân là để ứng phó mối đe dọa Mỹ, nhưng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc dùng vũ khí hạt nhân đe dọa đối với bất cứ nước nào ngoài Mỹ, trừ phi họ gia nhập hành động quân sự của Mỹ đối phó Triều Tiên. Trung Quốc thúc đàm phán, Triều Tiên bị cô lập
Vào ngày 7/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Triều Tiên chấm dứt thử tên lửa đạn đạo để khởi động đối thoại với các nước như Mỹ. Ông còn kêu gọi các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thực hiện nghiêm nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên.
Tại Manila, Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng “trừng phạt là cần thiết, nhưng hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng, mà mục đích còn là đưa vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán”. Trung Quốc cam kết thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2371.
Ngoài ra, ông Vương Nghị còn bày tỏ thái độ đồng tình với cam kết “Bốn không” của Mỹ. Cam kết này bao gồm: Mỹ sẽ không yêu cầu thay đổi thể chế quốc gia của Triều Tiên, không tiến hành lật đổ chính quyền Kim Jong-un, không vội vã đẩy nhanh thống nhất hai miền Triều Tiên và quân đội Mỹ sẽ không vượt qua vĩ tuyến 38, ranh giới hai miền Triều Tiên để tấn công Triều Tiên.
Ông Vương Nghị cho rằng Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định cam kết “Bốn không” này vào ngày 1/8 là một tín hiệu tích cực, đồng thời kêu gọi Triều Tiên đưa ra phản hồi với cam kết “Bốn không” của Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc tìm cách thúc đẩy khôi phục đàm phán về vấn đề Triều Tiên, nhưng ngày 8/8, Ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng bà thấy Triều Tiên thực sự đang bị cô lập về ngoại giao.
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc, Triều Tiên đưa ra đề nghị tiến hành hội đàm song phương với nhiều nước, nhưng đa số các nước đã từ chối. Chỉ có Ngoại trưởng Philippines – người đại diện nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đứng ra gặp gỡ Ngoại trưởng Triều Tiên.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn