Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 03-09-2017

  • Cập nhật : 03/09/2017

Lo "mất sân nhà" vào tay Trung Quốc, Ấn Độ sắm hàng trăm máy bay săn ngầm

 Ấn Độ tiếp tục tìm cách tăng cường năng lực săn ngầm thông qua tiến hành đấu thầu mua 234 máy bay trực thăng hải quân, từ đó triệt tiêu ưu thế tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

may bay tuan tra san ngam p-8i poseidon cua hai quan an do. anh: sina

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 29/8 cho rằng đối đầu Trung - Ấn ở khu vực Doklam tạm thời kết thúc, nhưng cuộc đối đầu giữa Trung - Ấn vẫn sẽ tiếp tục.
Gần đây, Ấn Độ đã tích cực tung ra các đơn hàng lớn về vũ khí trang bị tiên tiến. Sau khi không quân, lục quân Ấn Độ liên tục đưa ra đơn hàng máy bay không người lái, máy bay trực thăng Apache vào tuần trước, hải quân Ấn Độ cũng đã tung ra đơn hàng mua 234 máy bay trực thăng hải quân trị giá 10 tỷ USD. 
Đằng sau các đơn hàng lớn
Theo tờ Defense News Mỹ, hải quân Ấn Độ cho biết sẽ chi 10 tỷ USD mua 234 máy bay trực thăng hải quân, bao gồm 123 máy bay trực thăng đa dụng và 111 máy bay trực thăng thông dụng.
Nguồn tin từ hải quân Ấn Độ cho biết họ đã đưa ra đề nghị trên cho vài công ty sản xuất máy bay trực thăng vũ trang chủ yếu của Mỹ - Âu như Công ty Lockheed Martin và Công ty máy bay trực thăng Bell của Mỹ, Công ty máy bay trực thăng Airbus Pháp. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã gửi lời mời đến Nga tham gia tranh thầu đơn hàng này.
Về việc phân bổ vốn, trong lần mua vũ khí này, hải quân Ấn Độ có kế hoạch chi 7 tỷ USD mua 123 máy bay trực thăng đa dụng, yêu cầu trọng lượng khoảng 9 - 12,5 tấn, sẽ dùng để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và tác chiến săn ngầm.
Ngoài ra, hải quân Ấn Độ sẽ chi 3 tỷ USD mua 111 máy bay máy bay trực thăng thông dụng lớp 4,5 tấn, có thể mang theo 1 quả ngư lôi săn ngầm hoặc 2 quả bom nổ dưới nước, dùng cho nhiệm vụ săn ngầm, tìm kiếm cứu nạn, quan sát và tình báo điện tử, chống cướp biển. Căn cứ vào nhu cầu chống cướp biển, loại máy bay trực thăng này có thể trang bị súng máy 12,7 mm và máy phóng rocket.
Nhìn vào công dụng của hai loại máy bay trực thăng này, mục đích chi số tiền lớn như vậy của Ấn Độ là để tăng cường năng lực săn ngầm. Đây là một loại năng lực rất quan trọng nhưng còn yếu đối với Ấn Độ.
may bay truc thang san ngam ka-28 hai quan an do. anh: analisi difesa

Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 hải quân Ấn Độ. Ảnh: Analisi Difesa

Hiện nay, chủ lực của lực lượng máy bay trực thăng hải quân Ấn Độ là trực thăng săn ngầm với 11 chiếc Ka-28 và 17 chiếc Sea King. Nhưng trạng thái kỹ thuật của đa số trực thăng này không tốt. Trong đó chỉ có 4 máy bay trực thăng Ka-28 có thể đưa vào sử dụng; số lượng máy bay Sea King có thể sử dụng sẽ không đến 30%. 
Ngoài ra, hải quân Ấn Độ còn trang bị máy bay trực thăng hạng nhẹ Cheetah với số lượng còn ít. Loại máy bay trực thăng này do Ấn Độ tự chế tạo, sản xuất từ năm 1975. 
Mấy năm gần đây, Ấn Độ luôn tìm cách đầu tư nguồn lực tương đối lớn để xây dựng năng lực săn ngầm. Tháng 11/2015, chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon đầu tiên của hải quân Ấn Độ đã đi vào hoạt động. 
Tháng 01/2009, Ấn Độ trở thành khách hàng quốc tế đầu tiên sử dụng máy bay tuần tra săn ngầm P-8I, đã ký kết hợp đồng mua 8 máy bay, trị giá 2,1 tỷ USD.
P-8I là phiên bản xuất khẩu của máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon, được thiết kế theo nhu cầu của hải quân Ấn Độ. Nó đã trang bị radar AN/APS-143C(V)3/OceanEye và thiết bị dò tìm từ tính lạ của Công ty Telephonics Mỹ.
Loại máy bay này có thể bay 1.100 km đến khu vực tuần tra và hoạt động trong thời gian 6 giờ, sau đó quay trở về căn cứ, tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ là 10 giờ.
Dưới bụng máy bay trang bị 5 quả ngư lôi MK-54 có thể tiêu diệt tàu ngầm đối phương. Bom nổ dưới nước MK-82 cũng có thể tấn công tàu ngầm, loại bom này là trang bị tiêu chuẩn của hải quân Mỹ. 
P-8I được thiết lập kết nối dữ liệu với tàu ngầm, có thể phán đoán vị trí của tàu ngầm đối phương. Như vậy, tàu ngầm Ấn Độ có thể ngắm chuẩn kẻ xâm nhập và phóng ngư lôi. Tháng 7/2015 Ấn Độ tuyên bố mua sắm bổ sung 4 máy bay săn ngầm P-8I của Mỹ.
Mặc dù Ấn Độ đã sở hữu máy bay tuần tra săn ngầm P-8I có tính năng tiên tiến, nhưng hiện nay hải quân Ấn Độ vẫn quyết định mua lượng lớn máy bay trực thăng hải quân. Quyết định này ngoài việc tiếp tục tăng cường năng lực săn ngầm của họ, mục đích lớn hơn là để có thể đạt được mục tiêu chuyển nhượng công nghệ và sản xuất trong nước nhờ đơn đặt hàng lớn.
Được biết, đơn đặt hàng lớn trị giá 10 tỷ USD này sẽ được thực hiện theo chính sách "Made in India" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Các nhà máy chế tạo máy bay trực thăng nước ngoài sẽ hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ, mở nhà máy sản xuất máy bay trực thăng ở Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ có quyền quyết định cuối cùng đối với phương thức hợp tác giữa nhà chế tạo trong nước và đối tác hợp tác nước ngoài.
may bay truc thang san ngam sea king cua hai quan an do. anh: hindustan times

Máy bay trực thăng săn ngầm Sea King của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times

Cuộc đấu thầu hiện nay trước hết sẽ xác định đối tác hợp tác nước ngoài, cuối năm 2017 sẽ lựa chọn nhà sản xuất trong nước được trao quyền. Báo chí Trung Quốc cho rằng gần đây, Ấn Độ tung ra những đơn đặt hàng lớn thực chất là "chiêu", đạt được mục tiêu "thúc đẩy nội địa hóa vũ khí tiên tiến" của Chính phủ Ấn Độ.
Ấn Độ sử dụng phương thức "lấy thị trường đổi công nghệ", đầu tư nguồn vốn lớn để thu hút các nhà chế tạo vũ khí phương Tây mở nhà máy ở Ấn Độ, tiến hành chuyển giao công nghệ, làm cho các nhà chế tạo phương Tây ủng hộ các công ty chế tạo vũ khí trang bị lớn của Ấn Độ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tham gia công nghiệp quân sự.
"Mối đe dọa lớn" của Ấn Độ
Trong tính toán của Ấn Độ, Ấn Độ Dương cũng là khu vực có thể tận dụng để răn đe Trung Quốc. Bởi vì, Ấn Độ luôn coi Ấn Độ Dương là "lãnh địa riêng" của mình. Một số chuyên gia quốc phòng Ấn Độ sớm đã nhấn mạnh rằng một khi xảy ra chiến tranh Trung - Ấn, sẽ phong tỏa tuyến đường giao thông trên biển, từ đó đạt mục đích ngăn chặn vận chuyển đường biển của Trung Quốc.
Ấn Độ hoàn toàn có thể dám làm như vậy. 9 năm qua, hải quân Trung Quốc tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden, các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm liên tục chạy qua Ấn Độ Dương, tăng cường làm quen với môi trường của Ấn Độ Dương. Đối với điều này, người Ấn Độ khẳng định họ đã hoàn toàn có khả năng đối phó.
Đến nay, trong mắt người Ấn Độ, muốn phong tỏa tuyến đường giao thông trên biển của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, mối đe dọa lớn nhất chính là tàu ngầm Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân hải quân Trung Quốc liên tục chạy qua Ấn Độ Dương, mỗi lần đi qua như vậy đều gây lo ngại cho Ấn Độ. Truyền thông Ấn Độ luôn nhấn mạnh đến "mối đe dọa tàu ngầm Trung Quốc". Điều này có liên quan đến khả năng săn ngầm còn hạn chế của tàu chiến hải quân Ấn Độ. Người Ấn Độ chỉ tự tin đối với khả năng đối phó tàu chiến mặt nước, nhờ trang bị triển khai trên bờ biển và lực lượng tàu chiến mặt nước.
Vì vậy, sau khi xảy ra đối đầu Trung - Ấn ở khu vực Doklam, nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ đầu tháng 7/2017 đã bắt đầu nhấn mạnh đến "tàu ngầm Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương", một mặt muốn nhấn mạnh mối đe dọa mà tàu ngầm Trung Quốc tạo ra cho Ấn Độ, mặt khác cũng muốn chuyển hướng sự chú ý của dư luận quốc tế.
tau ngam hat nhan tan cong type 093 hai quan trung quoc den an do duong. anh: sina

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina

Những hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong thời gian gần 10 năm qua đã được báo chí Ấn Độ đặc biệt quan tâm. Ngay từ cuối năm 2013, hải quân Trung Quốc đã điều tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 đến vịnh Aden tham gia hộ tống. Khi đó, báo chí và phía quân đội Ấn Độ đã “thổi phồng” mối đe dọa tàu ngầm Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ Dương, một vùng biển quốc tế có giao thông biển và trao đổi thương mại cực kỳ nhộn nhịp, hải quân các nước lớn như Mỹ, Anh, Nga, Pháp sớm đã triển khai tuần tra định kỳ hoặc không định kỳ. 
Sau khi có được khả năng kết hợp "phòng thủ biển gần và hộ vệ biển xa", hải quân Trung Quốc đã tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc nhấn mạnh hoạt động này là "hợp tình, hợp lý".
Bắt đầu từ năm 2014, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093, tàu ngầm thông thường Type 039, tàu ngầm AIP lớp Nguyên Type 039A của hải quân Trung Quốc bắt đầu xâm nhập Ấn Độ Dương theo kế hoạch thường niên, phối hợp với biên đội tàu chiến mặt nước thực hiện nhiệm vụ tấn công cướp biển, bảo vệ tàu dân dụng qua lại.
Trong đó, dưới sự hỗ trợ bảo đảm của tàu cứu hộ biển xa như Trường Hưng Đảo, Sùng Minh Đảo, tàu ngầm Type 039 đã làm nhiệm vụ "dò đường" cho lực lượng tàu ngầm thông thường quân đội Trung Quốc triển khai ở Ấn Độ Dương.
Ấn Độ rất cảnh giác đối với động thái này, không những ra sức tăng cường xây dựng trạm radar và trạm nghe lén trên quần đảo Andaman giữa vịnh Bengal và biển Myanmar, mà còn lần lượt ký kết thỏa thuận xây dựng trạm radar nghe lén với các nước như Maldives, một số nước Trung Đông và Madagascar ở châu Phi, tìm cách hình thành mạng lưới theo dõi đối với tàu chiến Trung Quốc. 
Đồng thời, Ấn Độ còn gây sức ép với các nước như Sri Lanka, yêu cầu các nước này không được chấp nhận đề nghị cập cảng của tàu ngầm Trung Quốc.
Ngoài việc thu thập số lần, loại cỡ và thời gian tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ buộc phải thừa nhận họ có khoảng cách về lực lượng tàu ngầm với hải quân Trung Quốc. 
Hiện nay, hải quân Trung Quốc có trên 60 tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường có khả năng tác chiến. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ hiện chỉ có hơn 10 tàu ngầm, phần lớn đã lão hóa nghiêm trọng. Tàu ngầm thông thường chủ yếu dựa vào tàu ngầm lớp Kilo nhập khẩu của Nga, đồng thời chỉ sở hữu 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula II thuê của Nga cùng với 1 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Arihant tự chế tạo.
Ngoài sức mạnh cứng còn hạn chế, điều Ấn Độ lo ngại hơn là Trung Quốc vừa tăng cường triển khai hoạt động quân sự, vừa triển khai tàu đo đạc thủy văn, tàu khảo sát biển và tàu gián điệp ở Ấn Độ Dương. Lực lượng này đo vẽ bản đồ đáy biển, thu thập các dữ liệu, bao gồm thông tin về dòng nước và tiếng ồn – những dữ liệu trên rất quan trọng đối với việc triển khai tàu ngầm.
tau ngam ins kalvari lop scorpene cua hai quan an do. anh: brahmand news

Tàu ngầm INS Kalvari lớp Scorpene của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Brahmand News

Tận dụng sức mạnh của Mỹ - Nhật
Lần này số lượng mua sắm máy bay trực thăng của Ấn Độ là rất lớn. Những máy bay trực thăng hải quân này sẽ được trang bị cho tàu sân bay, các tàu khu trục và tàu hộ vệ chủ lực của Ấn Độ. Tức là Ấn Độ đang tìm cách thay mới số máy bay trực thăng hải quân hiện có. 
Trong 5 năm gần đây, Ấn Độ cũng nỗ lực hết sức trong việc chế tạo những trang bị mới như tàu ngầm, tàu sân bay, tăng cường năng lực tác chiến của hải quân. Điều này giúp cho Ấn Độ từng bước trở thành "nước lớn hải quân quan trọng".
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại của Ấn Độ còn rất nhiều và không được giải quyết tốt lắm, trong đó có chương trình tàu ngầm thông thường mới lớp Scorpene Pháp.
Chương trình tàu ngầm này đã ký được ký kết từ 10 năm trước, nhưng trải qua gần 4 năm kéo dài, chiếc tàu ngầm thông thường lớp Kalvari (lớp Scorpene) đầu tiên (trong kế hoạch chế tạo 6 tàu ngầm của hải quân Ấn Độ) đã đi vào hoạt động. Đây là một cột mốc quan trọng đối với New Delhi trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho tàu mới đi vào hoạt động, năm nay, Ấn Độ đã tiến hành một loạt hoạt động kiểm tra vũ khí và thử nghiệm trên biển, trong đó có phóng thử ngư lôi Sea Hake của Đức và tên lửa chống hạm Exocet SM-39 của Pháp. 
SM-39 là phiên bản phóng ngầm của tên lửa dòng Exocet. Tầm bắn lớn nhất của loại tên lửa này là 70 km, còn có khoảng cách với tên lửa chống hạm phóng ngầm của Trung Quốc.
Ngoài ra, do vấn đề tham nhũng, Ấn Độ đã hủy bỏ hợp đồng mua ngư lôi hạng nặng Black Shark của Công ty Leonardo, Italia. Tàu ngầm Kalvari hiện thiếu hệ thống vũ khí chính trong việc đối phó với tàu ngầm và tàu chiến mặt nước đối phương, chỉ có thể sử dụng ngư lôi Sea Hake để thay thế.
Ấn Độ cũng biết rõ khoảng cách giữa họ với hải quân Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc sở hữu 283 tàu chiến mặt nước cỡ lớn, gần hơn 4 lần Ấn Độ (sở hữu 66 tàu chiến mặt nước cỡ lớn).
Trung Quốc đang nới rộng khoảng cách về sức mạnh với hải quân Ấn Độ. Đài truyền hình New Delhi cho rằng tàu khu trục Type 055 lượng giãn nước tối đa đạt 12.000 tấn do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo sắp hạ thủy. Tàu khu trục này "lớn hơn nhiều so với tàu khu trục mới  nhất còn chưa đi vào hoạt động của Ấn Độ, sức chiến đấu cũng mạnh hơn nhiều".
Để bù đắp khoảng cách này, Ấn Độ không chỉ dựa vào sức mình. New Delhi hy vọng thông qua tăng cường quan hệ với Mỹ - Nhật, gây ảnh hưởng lên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Giấc mơ này sẽ nhanh chóng thực hiện được. Điều này có thể nhìn vào những thỏa thuận vũ khí giữa Mỹ - Ấn trong thời gian qua và xu hướng phát triển thời gian tới.
cuoc tap tran chung malabar-2017 giua my - an - nhat. anh: the financial express.

Cuộc tập trận chung Malabar-2017 giữa Mỹ - Ấn - Nhật. Ảnh: The Financial Express.

Ngoài ra, New Delhi và Tokyo đến nay cũng đã bước vào giai đoạn mới của quan hệ đối tác chiến lược. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thảo luận một loạt kế hoạch hợp tác, phạm vi hợp tác đã mở rộng đến ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, công nghệ hạt nhân, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa - xã hội.Trung tuần tháng 9/2017, ông Shinzo Abe sẽ thăm New Delhi, khi đó quan hệ Nhật - Ấn sẽ tiếp tục đón một "cao trào" mới.
Nhưng cho dù vậy, Ấn Độ muốn triệt tiêu ưu thế của hải quân Trung Quốc về tàu ngầm trong ngắn hạn thì sẽ không hề dễ dàng - báo Trung Quốc tự tin kết luận. (Viettimes)
------------------------------

Ukraine muốn xây kênh đào phong tỏa Crimea

Một bản kiến nghị được gửi lên Tổng thống Poroshenko yêu cầu xây dựng một kênh đào giữa Ukraine và Crimea để cắt bán đảo ra khỏi đất liền.

Mới đây trên trang web của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko xuất hiện một bản kiến nghị, yêu cầu chính phủ xây dựng một kênh đào giữa Ukraine và Crimea để cắt bán đảo ra khỏi đất liền.

Lá đơn xuất hiện trên trang web chính thức của tổng thống vào thứ ba và ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo tác giả của bản kiến nghị tính để tạo ra kênh đào sẽ cần đào bới dưới 5 km giữa Azov và Biển Đen dọc theo dải đất nhỏ nối Crimea với miền Nam Ukraine.

Theo vị này, xây dựng kênh sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm cũng như cơ hội mới cho các cảng của Ukraine.

ukraine muon xay kenh dao phong toa crimea

Ukraine muốn xây kênh đào phong tỏa Crimea

“Việc này sẽ có tác dụng bảo vệ, chống lại khả năng xâm lược của Nga”, tác giả lá đơn kiến nghị.

Cho đến nay, bản kiến nghị trên đã không nhận được nhiều sự ủng hộ. Thống kê cho thấy chỉ có 69 chữ ký khẳng định cần thiết phải có một phản ứng chính thức từ Tổng thống.

“Ukraine muốn Crimea trở lại thời kỳ đen tối đến nỗi họ đã sẵn sàng đào một kênh để tách nó khỏi đại lục”, một người viết.

“Tại sao chỉ có Crimea? Tại sao không đào một kênh dọc theo biên giới với Nga và xung quanh Donbass”, một bình luận khác bức xúc.

Trước đó, hồi tháng 5 năm ngoái, trên trang web của Tổng thống Poroshenko cũng đăng tải đơn kiến nghị, yêu cầu lãnh đạo Ukraine tách Crimea bằng con kênh nhân tạo.

“Bây giờ cần phải huy động mọi nỗ lực để siết chặt phong tỏa, lập hàng rào tách bán đảo Crimea khỏi đất liền với sự hỗ trợ của con kênh nhân tạo ngang qua eo đất”, người kiến nghị viết.

Những người khởi xướng cho rằng, nếu làm được như vậy Crimea sẽ trở thành một hòn đảo, còn kênh đào mới có thể là đường thủy ngắn nối liền biển Azov và Biển Đen.

Không chỉ thế, nó sẽ mở lối truy cập để cho tàu bè ra đại dương thế giới, phục vụ cảng Mariupol mà vòng tránh eo biển Kerch.

Ngoài ra, kiến nghị cũng tin tưởng, sự hiện diện của con kênh nhân tạo giúp chặn tuyến cung cấp nước ngọt và cản trở dòng lưu thông hàng hóa cho cư dân Crimea.

Tuy nhiên ngay sau đó, ông Vladimir Konstantinov, Chủ tịch Quốc hội Crimea nhận định, đề xuất của Ukraine tách riêng Crimea bằng con kênh nhân tạo qua eo biển của bán đảo giống như một dự án điên rồ.

“Đó là chính sách không hợp lý. Đó là mong muốn điên rồ”, ông Konstantinov nhấn mạnh.

Theo ông Konstantinov, người ta đăng những kiến nghị tương tự nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của nhân dân Ukraine khỏi tình hình kinh tế - xã hội buồn thảm trong nước này.(ĐVO)
------------------------------

Mỹ cắt viện trợ Pakistan, tăng áp lực về Taliban

 Mỹ sẽ đóng băng khoản viện trợ quân sự 255 triệu USD cho Pakistan chừng nào nhận thấy Pakistan nỗ lực hơn trong truy quét Taliban và Haqqani, hãng tin AP dẫn thông tin từ một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-8.

Tình báo Mỹ cho rằng biên giới Pakistan - Afghanistan nhiều năm nay là “thiên đường khủng bố”, là nơi ẩn náu của hai nhóm phiến quân chống lại Afghanistan.

Thông báo chiến lược mới với Pakistan tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Chúng ta đã chi cho Pakistan hàng tỉ USD, dù họ là nơi ẩn náu của bọn khủng bố chúng ta đang chiến đấu. Điều này sẽ phải thay đổi”. Ông Trump còn nói tới khả năng sẽ mời Ấn Độ, đối thủ của Pakistan, tham gia vào cuộc chiến Afghanistan nếu Pakistan không hợp tác. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho biết sẽ cân nhắc cắt giảm viện trợ, hạ cấp quan hệ đồng minh, thậm chí sẽ lần đầu tiên trừng phạt Pakistan chừng nào nước này chưa chịu chống Taliban.

Mỹ cắt viện trợ Pakistan, tăng áp lực về Taliban - ảnh 1
Biểu tình phản đối Mỹ tại Pakistan ngày 28-8. Ảnh: AP

Pakistan luôn phủ nhận mình là nơi ẩn náu của Taliban, cáo buộc Mỹ viện đến Pakistan để biện hộ cho thất bại của mình trong cuộc chiến 16 năm qua ở Afghanistan. Sau các tuyên bố này từ phía Mỹ, chẳng những Quốc hội Pakistan ra nghị quyết phản đối mà đường phố nước này cũng tràn ngập biểu tình chống Mỹ.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 03-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 03-09-2017

    Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng cao kỷ lục, Trung Quốc lo "sốt vó"; Nga khiến người Mỹ thất vọng, ẩn ý tương lai ông Putin; Mỹ sẽ lục soát tổng lãnh sự Nga tại San Francisco

  • Tin thế giới đáng chú ý 03-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 03-09-2017

    Đại sứ Mỹ tại liên hợp quốc Nikki Haley: "Iran đã lộ bản mặt thật" ; Bài “con dê tế thần” của Mỹ đẩy Pakistan vào vòng tay Trung Quốc; Hậu căng thẳng biên giới Trung - Ấn: Trung Quốc làm đường tiếp

Bài cùng chuyên mục