Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 29-09-2017

  • Cập nhật : 29/09/2017

Trung Quốc nhắm những mục tiêu nào trước năm 2049?

Năm 2049, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm Cuộc cách mạng năm 1949, 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Từ nay tới thời điểm đó, Trung Quốc có thể sẽ hoàn thành "Giấc mộng Trung Hoa", tức giành vị trí số 1 trên trường quốc tế. Để đạt được điều đó, những mục tiêu địa chính trị mà nước này nhắm tới là gì?

trung quoc dang nuoi tham vong gianh vi tri so 1 tren truong quoc te, thay the sieu cuong my

Trung Quốc đang nuôi tham vọng giành vị trí số 1 trên trường quốc tế, thay thế siêu cường Mỹ

Mục tiêu kiểm soát Vùng đất rìa?

"Vùng đất rìa" là một khái niệm được Spykman đưa ra vào năm 1942. Về mặt địa lý, vùng đất này bao gồm một vành đai liên tục từ Scandinavia đến bờ biển Trung Quốc. Trong cuốn sách "Địa lý học hòa bình" xuất bản năm 1944, Spykman viết: "Vùng đất rìa thuộc khu vực Á-Âu phải được xem như là một khu vực trung gian nằm giữa vùng đất trung tâm và các vùng biển ngoại vi. Vùng đất này có thể được ví như một vùng đệm xung đột rộng lớn giữa cường quốc biển và cường quốc đất liền".

Trong cuốn sách "Vấn đề của châu Á và ảnh hưởng của nó đối với chính trị quốc tế" xuất bản năm 1900, nhà sử học Alfred Thayer Mahan đề cập đến một "dải đất trung gian đã gây tranh cãi và còn tiếp tục gây tranh cãi", kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Mãn Châu (Trung Quốc).

Năm 1915, nhà nghiên cứu Trung Quốc James Fairgrieve đã nói về một "khu vực đông đúc", bao gồm "Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxemburg, Thụy Sĩ, Ba Lan, khu vực Balkan, Afghanistan, Vương quốc Thái Lan và Hàn Quốc". Một vài thập kỷ sau, trong cuốn sách "Địa lý và chính trị trong một thế giới chia rẽ" xuất bản năm 1963, nhà địa lý Saul Cohen lại miêu tả khu vực này như là "một khu vực rộng lớn có vị trí chiến lược do một số quốc gia có xung đột với nhau chiếm đóng và bị mắc kẹt giữa các lợi ích xung đột của các cường quốc lân cận".

Những định nghĩa nói trên về khu vực này ít nhiều có sự tương đồng và lập luận cơ bản giống nhau. Bằng mọi giá, cần tránh sự gắn kết giữa Vùng đất rìa và Vùng đất trung tâm, hay một Vùng đất rìa bị thống trị bởi một cường quốc, bởi như Spykman đã chỉ ra: "Ai thống trị Vùng đất rìa, người đó thống trị lục địa Á-Âu; Ai thống trị lục địa Á-Âu, người đó nắm giữ vận mệnh cả thế giới trong tay".

Tuy nhiên, việc một cường quốc biển kiểm soát Vùng đất rìa và các vùng biển không đồng nghĩa với việc kiểm soát Vùng đất trung tâm, mà có nghĩa là cường quốc biển đó không thể dùng Vùng đất trung tâm để chi phối thế giới. Do vậy, trong những thập kỷ gần đây các quốc gia nằm trong Vùng đất rìa bị giằng xé giữa việc gia nhập phạm vi ảnh hưởng của cường quốc đất liền (Nga) và cường quốc biển (Mỹ). Và nếu trong những năm gần đây, tình hình trở nên phức tạp hơn do sự tiến triển của trật tự quốc tế, thì tương quan lực lượng thực sự giữa các cường quốc được thể hiện tại Vùng đất rìa.

Theo Mỹ và Nga, Vùng đất rìa luôn tạo thành một vùng đệm giữa cường quốc biển và cường quốc đất liền. Trên thực tế, Mỹ mong muốn cản trở những những động thái của Nga tiến về những vùng biển ấm, còn Nga đặt tham vọng tiếp cận những vùng biển này qua châu Âu và Trung Đông. Quả thực, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Vùng đất rìa, với hy vọng kiểm soát nó nhờ sự mở rộng của NATO và hiện diện nhiều hơn ở khu vực Caucasus và Trung Á, cũng như ở Trung Đông nơi mà Washington cố gắng chống lại ảnh hưởng của Nga, đặc biệt ở Syria và Iran.

Washington tiếp tục theo đuổi học thuyết ngăn chặn: Cản trở Nga (và Trung Quốc) tiếp cận các vùng biển ấm, cũng như các eo biển. Về phần mình, Nga tăng cường các nỗ lực chống lại chính sách của Mỹ và khẳng định lập trường của mình tại khu vực Caucasus và Trung Á thông qua việc củng cố các mối quan hệ trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, thành lập Tổ chức Hiệp ước an ninh, sử dụng vũ khí năng lượng.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh truyền thống giữa Mỹ và Nga tại Vùng đất rìa giờ đây phải tính đến một nhân tố mới: Trung Quốc - vốn ngày càng khẳng định được vị thế trong khu vực. Trong khi nền văn hóa phương Tây ưu tiên các trò chơi như môn cờ vua - với đặc thù là sự đối đầu trực tiếp giữa người chơi, và nhằm đánh bại đối thủ, thì nền văn hóa châu Á, đặc biệt là nền văn hóa Trung Quốc lại ưu tiên cách tiếp cận gián tiếp hơn.

Trong môn cờ vây - mà Trung Quốc áp dụng để mở rộng ảnh hưởng, các nước cờ thoạt đầu dường như không liên quan với nhau, nhưng lôgích của thế cờ dần được khám phá sau khi chắp nối các nước cờ. Việc thắng một ván cờ chỉ sau một nước cờ là điều không dễ thực hiện, chiến thắng chỉ đến sau khi đã đi rất nhiều nước cờ với những mục đích khác nhau nhưng phục vụ cho một chiến lược lớn. Trong trò chơi này, chiến thắng đồng nghĩa với việc chiếm được nhiều "đất" trên bàn cờ (tức mở rộng được nhiều hơn các vùng ảnh hưởng), và các chiến lược quan hệ được chú trọng hơn so với các chiến lược đối đầu.

Bắc Kinh đã rất khôn khéo để Moskva và Washington đối đầu nhau trên bàn cờ Vùng đất rìa, đồng thời cố gắng tận dụng sự đối đầu Moskva-Washington để gia tăng ảnh hưởng trong vành đai khu vực này. Kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã quan tâm tới việc giải quyết các xung đột biên giới với các nước Trung Á và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và thực hiện chính sách chi đầu tư, cho vay, xây dựng các đường ống dẫn dầu (từ Kazakhstan) và các đường ống dẫn khí (từ Turkmenistan) đến Tân Cương và phát triển nhiều tuyến đường bộ và đường sắt đến nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc còn tăng cường sự hiện diện của mình thông qua việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới, tham gia các hội nghị thượng đỉnh song phương và các hội chợ thương mại Trung Quốc-Á-Âu.

Sau khi đã cẩn trọng đi các quân cờ ở Trung Á (gồm cả Afghanistan và Pakistan) kể từ 20 năm qua, Bắc Kinh cũng giành sự quan tâm lớn tới các nước và khu vực khác như Đông Nam Á, Trung Đông, khu vực Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng. Thành phố Côn Minh (thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã trở thành một địa điểm hấp dẫn mới nhờ Chương trình Tiểu vùng Mekong mở rộng và các hành lang kinh tế: Côn Minh-Bangkok, Côn Minh-Hải Phòng và Côn Minh-Kyaukpyu. Tỉnh Quảng Tây cũng nổi lên nhờ Dự án Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore. Trung Quốc có kế hoạch đầu tư hơn 40 tỷ USD vào dự án hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (xây dựng các đường ống dẫn dầu, hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng Gwadar nối Tân Cương với Kashgar qua Khunjerab Pass).

Ở Trung Đông, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào Iran, nhưng cũng tập trung ngày càng nhiều vào Saudi Arabia và Qatar. Tại khu vực Caucasus, Trung Quốc cũng phát triển quan hệ hợp tác với Azerbaijan, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - cả trong lĩnh vực thương mại, quân sự, lẫn cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc cũng đã thực sự thâm nhập EU, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở khu vực này, thông qua "các cửa ngõ chính" là các nền kinh tế châu Âu bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng (gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), cũng như một số nước Đông Âu (gồm Bulgaria, Romania, Hungary) và khu vực Balkan (như Serbia). Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan tâm tới các cảng biển, như cảng Piraeus, các công ty đường sắt (như Công ty đường sắt quốc gia Hy Lạp - OSE) và sự phát triển của hành lang liên châu Âu nối Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.

Mục tiêu của những chính sách này của Trung Quốc là nhằm tăng cường sự kết nối giữa các nước ở Vùng đất rìa, một bước quan trọng trong chiến thuật cờ vây cho phép Trung Quốc bao vây một khu vực và đưa khu vực này vào phạm vi ảnh hưởng của nước này. Quỹ dự án con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD đã được thành lập năm 2014, chủ yếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Vành đai kinh tế biển.

Cũng trong năm 2014, Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, với số vốn ban đầu 50 tỷ USD (chủ yếu do Trung Quốc góp vốn). Trung Quốc nỗ lực xây dựng lại Con đường tơ lụa nổi tiếng - từng phát triển rực rỡ khi đế chế Mông Cổ cường thịnh. Trong lịch sử, con đường này có hai nhánh, một nhánh đi qua Trung Á đến châu Âu và Nga, và một nhánh đi qua các nước và các khu vực như Tây Tạng, Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ đến Nam Á và Đông Nam Á.

Cuối cùng, Bắc Kinh cũng ý thức được rằng giống như đế chế Mông Cổ trước đây, Trung Quốc là một cường quốc của Vùng đất rìa, nhưng vừa là cường quốc đất liền, vừa là cường quốc biển. Ngoài ra, Trung Quốc có mục tiêu lâu dài là kiểm soát Vùng đất rìa bằng cách cô lập Nga hoặc liên minh với nước này để cạnh tranh với vị thế cường quốc biển của Mỹ.

Mục tiêu kiểm soát "đảo-thế giới"?

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu nước này có những mục tiêu dài hạn nhiều tham vọng hơn hay không. Liệu Trung Quốc chỉ giới hạn tham vọng ở việc kiểm soát "đảo-thế giới" mà nhà địa lý H. J. Mackinder đề cập trong các tác phẩm của ông năm 1904? Mackinder đã định nghĩa "đảo-thế giới" là dải đất gồm châu Á, châu Âu và châu Phi. Khu vực trung tâm được hình thành bởi vùng đất trung tâm Á-Âu (tương ứng với Liên bang Xô viết cũ) và vùng đất trung tâm châu Phi (tương ứng với Cộng hòa dân chủ Congo).

Chính sách của Trung Quốc ở châu Phi không tách rời chính sách mà nước này áp dụng đối với Vùng đất rìa, và đều dựa trên chiến thuật cờ vây. Trung Quốc hiện diện ở châu Phi không chỉ để tận dụng nguồn cung nguyên liệu mà Trung Quốc còn nhanh chóng hiểu rằng sẽ là thiếu sót nếu không đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở châu lục này. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng lại tuyến đường sắt Benguela nối liền Cộng hòa Dân chủ Congo đến Đại Tây Dương.

Hiện tại, Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt ở Đông Phi và tuyến đường sắt xuyên Kalahari, trải dài từ Namibia tới Botswana. Bắc Kinh cũng đã ký quan hệ đối tác với Liên minh châu Phi để xây dựng các cơ sở hạ tầng kết nối tất cả các thủ đô của lục địa này. Những cơ sở hạ tầng trên cũng có thể dễ dàng kết nối với các cơ sở hạ tầng của Con đường tơ lụa, thông qua Ai Cập, trụ cột mới của sáng kiến Con đường tơ lụa, điều này cho phép củng cố chiến lược cờ vây của Trung Quốc.

Điều này càng đúng nếu như người ta coi Con đường tơ lụa, như đã đề cập, cũng gồm một nhánh đường biển, từ Trung Quốc (Phúc Châu) đến Venice qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, Kênh đào Suez và Địa Trung Hải. Vả lại, "chuỗi ngọc trai" nổi tiếng (chỉ các tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc) cũng được kéo dài tới bờ biển phía Đông châu Phi - nơi Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa các cảng biển ở Kenya, Tanzania, Mozambique...

Nếu mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là bảo vệ các tuyến giao thông đường biển, thì liệu nước này còn duy trì mục tiêu dài hạn là bảo vệ "đảo-thế giới" trước cường quốc biển Mỹ? Chiến lược cờ vây nhằm mục đích đẩy lùi cường quốc biển (Mỹ) ra khỏi các bờ biển, điều mà Bắc Kinh đã cố gắng thực hiện ở Biển Đông (bằng cách cố gắng kiểm soát tuyến phòng thủ đầu tiên). Bất cứ hoạt động chống cướp biển nào mà Trung Quốc tham gia đều nhằm một mục tiêu lớn hơn là kiểm soát các tuyến đường giao thông biển kéo từ các bờ biển châu Phi đến Hải Nam.

Như vậy, liệu chiến lược lớn của Trung Quốc có phù hợp với lời tuyên bố của Mackinder - "Ai kiểm soát được Vùng đất trung tâm, thì sẽ chỉ huy được đảo-thế giới; ai kiểm soát được đảo-thế giới, thì sẽ chi phối được cả thế giới"? Trong một bối cảnh như vậy, mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát, hoặc ít nhất trong phạm vi ảnh hưởng của nước này, hai trung tâm của “đảo-thế giới": vùng đất trung tâm Á-Âu và Trung Phi.

Kịch bản này dường như không có tính thực tế. Tuy nhiên, Trung Quốc - vốn rất giỏi môn cờ vây - đã biết xếp đặt các quân cờ trên bàn cờ thế giới, mỗi quân cờ được tung ra vào một thời điểm nhất định để tấn công đối phương. Điều này được khẳng định khi Trung Quốc luôn có cách chọn thời điểm khác so với phương Tây, và họ cũng phát triển một chiến lược lớn trong dài hạn. Chiến lược lớn này dường như không thể thực hiện được, trước sự phản đối của các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ, chưa kể thách thức đặt ra bởi sự bất ổn của một số khu vực "đảo-thế giới". Tuy nhiên, dưới góc độ địa chính trị, chiến lược này mang lại một khuôn khổ khái niệm cho phép hiểu rõ tính chặt chẽ của chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dường như tiến trình tái cấu trúc "đảo-thế giới", một tiến trình mang tính lịch sử và lâu dài, mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Nói cách khác, thế giới đang đầy biến động và một bản đồ địa chính trị mới đang được vẽ ra.(NCBĐ)
------------------

Nga, Mỹ hợp tác xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên quay quanh mặt trăng

 Nga và Mỹ đã nhất trí hợp tác trong dự án do NASA chủ trì nhằm xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên trên mặt trăng, một phần trong kế hoạch đưa người lên sao Hỏa.

Nga, Mỹ hợp tác xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên quay quanh mặt trăng - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng của Cơ quan vũ trụ châu Âu cho thấy một căn cứ trên mặt trăng được in bằng công nghệ 3D - Ảnh: AFP

Từ đầu năm nay, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã cho biết họ đang triển khai chương trình có tên Deep Space Gateway, một dự án gồm nhiều giai đoạn nhằm khám phá sâu hơn và xa hơn hệ mặt trời.

Các chuyên gia vũ trụ hy vọng dự án Deep Space Gateway sẽ giúp loài người có cơ hội đặt chân lên sao Hỏa hoặc một nơi nào khác trong Hệ Mặt trời. NASA hình dung sẽ xây dựng một trạm vũ trụ nằm trong quỹ đạo mặt trăng để sử dụng nó "như một cửa ngõ tiến vào vũ trụ và bề bề mặt mặt trăng"

Sau thỏa thuận ký kết về chương trình hợp tác tại hội nghị ở Adelaide ngày 27-9, thông báo của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos viết: "Các đối tác kỳ vọng phát triển những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế sẽ được sử dụng sau này, đặc biệt trong việc tạo ra một trạm vũ trụ hoạt động trong quỹ đạo mặt trăng".

Theo đó Nga và Mỹ sẽ hợp tác trong việc xây dựng những hệ thống cần thiết để tổ chức các sứ mệnh khám phá khoa học trong quỹ đạo mặt trăng và bề mặt mặt trăng.

NASA cho biết: "NASA đang chủ trì các bước tiếp theo tiến vào không gian vũ trụ gần mặt trăng, nơi các phi hành gia sẽ tạo dựng và bắt đầu thử nghiệm các hệ thống cần thiết để thực hiện những sứ mệnh khám phá các điểm đến trong không gian vũ trụ, trong đó có sao Hỏa".

Cũng theo NASA: "Vùng không gian gần mặt trăng cung cấp một môi trường vũ trụ thực sự để thu thập kinh nghiệm cho các sứ mệnh do con người thực hiện, giúp nhân loại tiến xa hơn nữa vào hệ mặt trời, cùng với đó các sứ mệnh của máy móc sẽ tiếp cận được bề mặt mặt trăng nhưng khi cần vẫn có thể trở lại Trái đất trong nhiều ngày thay vì nhiều tuần hay nhiều tháng".

Báo Guardian (Anh) dẫn lời ông Igor Komarov, tổng giám đốc của Roscosmos, cho biết có ít nhất 5 quốc gia đang phát triển tên lửa và hệ thống công nghệ khám phá vũ trụ của riêng họ. Theo đó ông nói: "Để tránh những rắc rối trong tương lai về vấn đề hợp tác kỹ thuật, một phần các tiêu chuẩn cần được thống nhất".

Nga và Mỹ cũng đã thảo luận về việc sử dụng các tên lửa Proton-M và Angara của Matxcơva trong việc tạo dựng hạ tầng của trạm vũ trụ trên mặt trăng. Tuyên bố chung của hai bên cũng nói những công việc chính sẽ bắt đầu vào giữa những năm 2020.

Khám phá vũ trụ, bao gồm công tác chung trên trạm ISS, là một trong số ít những lĩnh vực hợp tác quốc tế giữa Nga và Mỹ đã không bị ảnh hưởng vì những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên về vấn đề Ukraine và Syria.(Tuoitre)
-----------------------

Vũ khí trị Kalibr: Mỹ chế tạo 'tên lửa phục thù'

 Ngày 23/8/2017, Bộ Quốc phòng (BQP) Mỹ tuyên bố: Không quân Mỹ sẽ tiếp nhận và đưa vào trang bị tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân mới.

1.  Tổng hợp các thông tin liên quan:

Hợp đồng thiết kế kiểu tên lửa tăng cường cho kho vũ khí hạt nhận của Mỹ đã được BQP nước này ký với hai tập đoàn khổng lồ Lockheed Martin và Raytheon. Giá trị mỗi hợp đồng–khoảng 900 triệu đôla.

Theo các điều khoản trong các hợp đồng đã ký, mỗi tập đoàn (Lockheed Martin và Raytheon) trong thời gian 4,5 năm phải thiết kế và chế tạo xong nguyên mẫu tên lửa có cánh mang đầu tác chiến hạt nhân tầm xa phóng từ trên không (máy bay).

Sau khi so sánh, phân tích, đối chiếu các mẫu, BQP Mỹ sẽ quyết định ký hoặc với Lockheed Martin hoặc với Raytheon các hợp đồng riêng rẽ về việc sản xuất các tên lửa mới có thể được phóng từ ngoài khu vực phòng không trực tiếp của đối phương tiềm năng.

anh tass.

Ảnh TASS.

Tổng cộng, Không quân Mỹ có kế hoạch mua khoảng 1.000 tên lửa có cánh mới. Tổng trị giá chương trình này được cho là vào khoảng 10 tỷ đôla.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tên lửa đều được trang bị đầu tác chiến hạt nhân- một phần trong số đó sẽ được sử dụng để tiến hành các thử nghiệm hoặc được bảo quản, niêm cất.

Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ, BQP nước này dự tính sẽ triển khai loại vũ khí này “vào cuối những năm 2020”. Các tên lửa mới sẽ được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược B-52, B-2 và B-1.

Ngoài ra, chúng cũng được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-21 đang được Hãng Northrop Grumman thiết kế.

Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin: Mỹ đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình ở quy mô lớn chưa từng có.

Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, trong thập kỷ tới ngân sách Mỹ sẽ chi khoảng 350 tỷ đô la để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Một số nhà phân tích đánh giá tổng chi phí của chương trình hiện đại hóa này sẽ lên tới khoảng 1.000 tỷ đô la trong vòng 30 năm tới.

Mỹ cũng đã triển khai Học thuyết hạt nhân mới, cụ thể là hiện đại hóa bom hạt nhân của mình tại Châu Âu. Bom hạt nhân mới B61-12 sẽ có độ chính xác cao hơn và có thể được sử dụng cho cả không quân chiến lược lẫn không quân chiến thuật, các mẫu bom mới nói trên dự tính sẽ được đưa vào trang bị trong năm 2020.

Trên thực tế, Mỹ đồng thời đổi mới tất cả các thành tố chủ chốt của bộ ba hạt nhân (Bộ ba hạt nhân: không quân chiến lược; tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa).

Nước này đang chế tạo các phương tiện mang mới-máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo và cả các mẫu vũ khí hạt nhân mới để trang bị cho các phương tiện mang nói trên.

Còn đến thời điểm hiện tại, ngoài hiện đại hóa và đổi mới các loại vũ khí hạt nhân đã có, Mỹ bắt đầu chế tạo các tên lửa có cánh mang đầu đạn hạt nhân.

Theo quan điểm của các nhà phân tích quân sự, việc hiện thực hóa tất cả các thành tố của chương trình nói trên cho phép Mỹ đảm bảo hiệu quả của kho vũ khí hạt nhân của mình đến những năm 70, hoặc thậm chí đến tận những năm 80 của thế kỷ này.

2. Quan điểm của chuyên gia Nga: Mỹ có thể thực hiện được các kế hoạch nói trên hay không và các kế hoạch đó tạo ra mối đe dọa như thế nào đối với Nga? (Qua phỏng vấn Đại tá không quân Vladimir Karjakin, giảng viên Học viện quân sự Bộ quốc phòng Nga của tờ “Svobodnaia Pressa”(SP)ngày 25/8/2017)

- Tên lửa có cánh tầm xa- đấy là một công cụ đa năng trong một cuộc chiến tranh hiện đại. Lấy ví dụ, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân- đó là loại vũ khí chỉ dùng để hủy diệt các mục tiêu cố định hoặc đã được biết rõ từ trước thời điểm tấn công, cụ thể, đó là các sở chỉ huy, căn cứ quân sự, các trung tâm hành chính- công nghiệp.

Còn tên lửa có cánh- phương tiện tấn công linh hoạt hơn nhiều. Nó có thể được trang bị đầu tác chiến hạt nhân, hoặc có thể là đầu đạn thông thường. Tên lửa có cánh bay ở độ cao thấp, và có diện tích phản xạ radar hiệu dụng không lớn, vì thế nên khó bị phát hiện hơn nhiều. Và như vậy, khoảng thời gian còn lại để các phương tiện phòng chống tên lửa (sau khi đã phát hiện tên lửa tấn công) phản ứng là rất ngắn.

Thêm nữa, tên lửa có cánh có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu có kích thước nhỏ và các mục tiêu cơ động. Vấn đề là ở chỗ, tên lửa này có thể bay vòng và chờ ở khu vực mục tiêu cho đến khi nhận được các dữ liệu tọa độ chính xác của mục tiêu mới công kích mục tiêu. So sánh với ICBM, đây là một ưu thế so sánh rất lớn.

Trong một cuộc chiến tranh toàn cầu, các tên lửa có cánh sẽ được đưa vào tham chiến sau khi các bên đã tiến hành những đòn tấn công lẫn nhau bằng ICBM mang đầu đạn hạt nhân.

"SP":—Tại sao người Mỹ lại cần tên lửa có cánh mới?

- Giới tướng lĩnh Mỹ không thỏa mãn với các tính năng kỹ- chiến thuật của các tên lửa (có cánh)_đang có trong trang bị. Thực ra, Tomahawk - đấy là thiết kế của những năm 70 thế kỷ trước.

Tomahawk đã được sử dụng trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”, (tại Iraq năm 1991), các tàu chiến Mỹ cũng đã dùng Tomahawk tấn công Nam Tư (1999). Kiểu tên lửa này cũng đã được sử dụng nhiều trong chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq năm 2003.

Mặc dù vậy, cho đến tận thời điểm này, các chuyên gia vẫn chưa thực sự đánh giá sơ bộ mức độ hiệu quả của Tomahawk. Một ví dụ, ngay cả trong điều kiện Mỹ có ưu thế trang bị kỹ thuật vượt trội và đã tiến hành một đòn tấn công quy mô lớn, nhưng Quân đội Iraq vẫn bắn hạ được gần 30 tên lửa có cánh của Mỹ.

Còn tại Nam Tư, có tới hơn 700 quả tên lửa có cánh, kể cả các tên lửa phóng từ biển đã tấn công 200 mục tiêu trên lãnh thổ nước này, nhưng đã có tới hơn 40 quả Tomahawk bị các phương tiện phòng không Nam Tư đánh chặn thành công.

Gần đây nhất, các tàu khu trục Hải quân Mỹ là “Porter” và “ Ross” cũng đã dùng Tomahawk tấn công căn cứ quân sự Shajrat của Syria. Theo các số liệu mà chúng tôi có được, đã có 59 quả tên lửa có cánh Tomahawk được phóng vào sân bay, nhưng đường băng cất hạ cánh hầu như không bị hư hại.

Tên lửa mới (nói trên) của Mỹ sẽ có nhiệm vụ khắc phục những nhược điểm này (của Tomahawk).

"SP": — Chúng ta (Nga) có ưu thế trước người Mỹ trong lĩnh vực tên lửa có cánh tầm xa không?

- Tôi nghĩ rằng, có. Sự ra mắt của các tổ hợp “Kalibr-NK” trong các đợt tấn công những mục tiêu của IS tại Syria là một dẫn chứng thuyết phục. Hiệu quả tác chiến của các tên lửa có cánh Nga gấp đôi so với các tên lửa có cánh Mỹ, trong khi đó giá thành lại rẻ hơn.

Với tên lửa có cánh Mỹ, xác xuất bắn trúng mục tiêu dao động, theo chính người Mỹ công bố, trong khoảng từ 0,8-0,9. Còn tên lửa “Kalibr”, hệ số trên là 0,9-1. Trong khi đó, độ chính xác của tên lửa Mỹ còn dao động tùy thuộc vào cự ly từ điểm phóng đến mục tiêu – tức từ 600 km đến 1.200km.

Còn các tên lửa của tổ hợp Kalibr đảm bảo xác xuất rơi trúng mục tiêu ổn định (độ chính xác ổn đinh) không phụ thuộc vào cự ly từ địa điểm phóng đến mục tiêu. Để làm rõ hơn, tôi xin nhắc lại là để đến được các mục tiêu của phiến quân tại Syria, các tên lửa của Phân hạm đội Caspien đã phải vượt một cự ly 1.500 km qua lãnh thổ của một số nước.

Nhưng lại có một vấn đề khác, chúng ta chỉ có ưu thế về mặt kỹ thuật, chứ không có ưu thế về số lượng. Cần phải hiểu rằng, Mỹ có hàng nghìn tên lửa có cánh, còn chúng ta (Nga) chỉ có hàng trăm. Chính vì thế mà khi cần sử dụng loại vũ khí này, người Mỹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều.

"SP":- Nếu Không quân Mỹ tiếp nhận như theo kế hoạch, tức 1.000 tên lửa có cánh mới, mối đe dọa từ các tên lửa đó đối với chúng ta nghiêm trọng đến mức nào?

- Đấy thực sự là một mối đe dọa nghiêm trọng. Người Mỹ có thể chuyển giao một phần kho vũ khí đó của mình cho các nước đồng minh trong NATO và triển khai các tên lửa mới này gần biên giới Nga. Tôi cho rằng, ngành ngoại giao Nga cần phải làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn kịch bản này xảy ra.

Matxcova cần phải gây sức ép tâm lý lên Washington, và không để bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào để chứng minh cho người Mỹ thấy rằng trong lĩnh vực vũ khí thì chúng ta (Nga) không phải là những thằng ngốc.

 Nói cho cùng thì người Mỹ cực kỳ sợ tổn thất, và như thế có nghĩa là trong cuộc đối đầu với Nga, Mỹ rất dễ bị tổn thương. (baodatviet

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 29-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 29-09-2017

    Chi 700 tỷ USD, ông Trump cam kết “quân đội Mỹ mạnh nhất lịch sử“; Trung Quốc làm giả cả báo Washington Post của Mỹ; Trung Quốc bình luận chuyến thăm Việt Nam của tàu Ấn Độ

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 29-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 29-09-2017

    Mạnh tay trị quan tham, hàng loạt “hổ' Trung Quốc lĩnh án; Trung Quốc bị tố thao túng tổ chức Interpol; Nga lần đầu tiết lộ về vũ khí bí mật EMP

Bài cùng chuyên mục