Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 28-05-2017

  • Cập nhật : 28/05/2017

Giết bồ nhí, ăn hối lộ, cựu sếp công an TQ bị xử tử

Nhà chức trách Trung Quốc hôm nay (26/5) đã xử tử cựu Giám đốc Sở Công an Nội Mông Triệu Lê Bình vì tội giết người, nhận hối lộ, sở hữu vũ khí và chất nổ.

Trước đó, vào tháng 2/2016, Viện Kiểm sát tỉnh Sơn Tây đã quyết định khởi tố Triệu Lê Bình về tội cố ý giết người, tàng trữ vũ khí trái phép. Người mà Bình cố ý giết hại chính là cô bồ họ Lý.

anh: thx

Ảnh: THX

Bình từng là Giám đốc Sở Công an Nội Mông suốt 7 năm. Cô người tình của Bình khi chết mới 28 tuổi, nguyên là một người kinh doanh thời trang. Đêm 20/3/2015, Bình lái xe đến thành phố Xích Phong gây án. Khi đem xác đi thủ tiêu, Bình còn bắn tiếp vào tử thi để hả giận và đổ xăng thiêu cháy để hủy dấu vết.

Trước khi bị Bình truy sát, Lý đã kịp gọi điện báo cảnh sát. Lúc đầu cảnh sát không tin người lái xe mang súng truy sát Lý là Triệu Lê Bình. Sau khi kiểm tra hệ thống camera giám sát, xác định đúng là Bình, công an thành phố mới ra lệnh truy bắt.

Khi bị bắt, người Bình còn dính máu, trên xe có súng có dao, y không kháng cự. Hiện chưa rõ vì sao Bình giết Lý, nhưng theo nguồn tin báo chí, một tháng trước khi Lý bị giết, Bình có viết một giấy ghi nợ đề ngày 25/2/2015 với nội dung: “Tôi nợ Lý 3 triệu NDT, hạn trả vào ngày 8/3, nếu chậm sẽ tính lãi 20%”.

Ngày 11/11/2016, Tòa án thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã mở phiên tòa công khai, tuyên phạt Triệu Lê Bình mức án tử hình

Ngoài tội giết người, Triệu Lệ Bình còn bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền trị giá hơn 2 triệu NDT và cất giữ trái phép 91 kíp nổ trong văn phòng khi là Giám đốc Sở Công an Nội Mông.

Trước khi bị tử hình, Triệu Lệ Bình được phép gặp người thân.

Nội Mông là khu vực chiến lược quan trọng, nằm sát biên giới với Nga và Mông Cổ. Vùng này chiếm 1/10 khu vực đại lục của Trung Quốc và là nơi có nguồn dự trữ than đá lớn nhất nước này.(Vietnamnet)
--------------------------------

Estonia trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga

Moscow dọa trả đũa sau khi Bộ Ngoại giao Estonia xác nhận đã trục xuất Tổng Lãnh sự và một lãnh sự cấp cao Nga tại TP Narva.

Theo RT ngày 27-5, Tổng lãnh sự Nga tại TP Narva, ông Dmitry Kazyonnov và lãnh sự Andrey Surgaev đã nhận công hàm yêu cầu rời khỏi Estonia vào ngày 26-5.

Estonia trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga - ảnh 1
Cờ Estonia. Ảnh: Sputnik

RT cho biết Bộ Ngoại giao Nga gọi quyết định của Estonia là “hành động vô lý và không thân thiện”, đồng thời dọa sẽ đáp trả.

Động thái trên sẽ “làm xấu thêm mối quan hệ song phương” giữa Nga và Estonia, thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Moscow cũng tuyên bố Tallinn sẽ gánh chịu hậu quả. Bộ Ngoại giao Estonia và Đại sứ quán Nga tại Estonia từ chối bình luận về thông tin, phát ngôn viên đại sứ quán Nga cho biết. (PLO)
----------------------------

Nhà Trắng lập 'phòng chiến tranh' đối phó điều tra Nga

Nhà Trắng đợi ông Trump trở về sau công du để ra mắt “phòng chiến tranh” đối phó công kích quanh điều tra liên hệ giữa đội tranh cử ông Trump và Nga.

Nhà Trắng đang đợi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở về sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên để thực hiện một kế hoạch quyết liệt nhất trước nay trong đối phó các cáo buộc, công kích liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông và Nga.

Cụ thể, các cố vấn của ông Trump đang lên kế hoạch thiết lập một “phòng chiến tranh” đối phó với các công kích, nghi ngờ về sự liên lạc giữa Nga và đội tranh cử của ông trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2016. Chính phủ Trump cũng đồng thời đưa thêm một số trợ lý mới vào Nhà Trắng, một số quan chức chính phủ Mỹ và một số người thân cận với ông Trump tiết lộ với Reuters.

Một khi ông Trump về nước, “phòng chiến tranh” sẽ được lập ra tại Nhà Trắng đối phó với các công kích từ điều tra liên hệ giữa Nga và đội tranh cử ông Trump. Ảnh: REUTERS
Một khi ông Trump về nước, “phòng chiến tranh” sẽ được lập ra tại Nhà Trắng đối phó với các công kích từ điều tra liên hệ giữa Nga và đội tranh cử ông Trump. Ảnh: REUTERS

Các nguồn tin cho biết trong số thành viên của “phòng chiến tranh” sẽ có con rể, cố vấn cấp cao Jared Kushner của ông Trump; cố vấn hàng đầu Steve Bannon, người đã có công tạo dựng hình ảnh chính trị dân túy cho ông Trump. Ông Bannon cùng với Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus là hai nhân vật chính lên kế hoạch.

Liên quan tới ông Kushner, ngày 25-5, NBC News và Washington Post cho biết ông này là đương kim quan chức Nhà Trắng đầu tiên trở thành một mục tiêu của cuộc điều tra Nga và đội tranh cử ông Trump. Ông Kushner từng có một số cuộc gặp với một số quan chức Nga trong quá trình bầu cử. Hiện ông này chưa bị cáo buộc gì.

Các trợ lý mới được đưa thêm vào Nhà Trắng sẽ là các nhân vật có kinh nghiệm chính trị, trong đó có cựu quản lý tranh cử của ông Trump và khả năng sẽ có thêm nhiều luật sư xử lý vụ điều tra Nga.

Trong số những người mới này có một nhân vật có khả năng lớn sẽ được đưa vào “phòng chiến tranh” là Corey Lewandowski, cựu quản lý tranh cử của ông Trump. Ông Lewandowski bị ông Trump sa thải tháng 6-2016 vì lo ngại không đủ kinh nghiệm giám sát chiến dịch tranh cử, đối phó với ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton. Dù thế ông Lewandowski vẫn là một cố vấn tin cậy của ông Trump. Ông Lewandowski sẽ tham gia vào Nhà Trắng vào tuần tới.

Bên cạnh nhiệm vụ đối phó công kích từ các cuộc điều tra Nga - đội tranh cử ông Trump, “phòng chiến tranh” còn có nhiệm vụ thúc đẩy thực hiện lịch trình chính sách của ông Trump.

Một nhân vật liên hệ thường xuyên với Nhà Trắng cho biết Nhà Trắng cần một cấu trúc khác để đối phó với “thực tế mới” về khả năng sẽ có thêm các vụ rò rỉ thông tin với truyền thông từ ngành tư pháp và cộng đồng tình báo. Sự rò rỉ này đã gia tăng từ sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey ngày 9-5.

Nhà Trắng từ chối bình luận về kế hoạch “phòng chiến tranh” này. Ngày 27-5, ông Trump sẽ từ Ý trở về Mỹ sau khi dự hội nghị G7.

Động thái chiến lược này xuất hiện trong bối cảnh đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng mệt mỏi vì diễn biến quanh các cuộc điều tra về Nga, về sự hỗn loạn liên miên ở Nhà Trắng, cũng như về đà giảm sút ủng hộ với ông Trump với cải cách bảo hiểm y tế, cắt giảm thuế, tái thiết hạ tầng…

Bộ Tư pháp vừa bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt - cựu Giám đốc FBI Robert Mueller chủ trì một cuộc điều tra độc lập về liên hệ giữa Nga và đội tranh cử ông Trump, không lâu sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI Comey. Ngoài cuộc điều tra độc lập này còn có các cuộc điều tra của Quốc hội và FBI.

Các nghị sĩ Cộng hòa muốn ông Trump nhanh chóng thoát khỏi cuộc điều tra liên hệ với Nga để tập trung vào quá trình lập pháp, đề cử quan chức điền vào hàng trăm vị trí còn trống trong chính phủ.

Một số nhà tài trợ của ông Trump cũng lo lắng. Tỉ phú Stanley Hubbard nói ông lo lắng khi thấy Nhà Trắng cứ tiếp tục bị phân tâm vì bê bối dính đến Nga.(PLO)
-----------------------

Malaysia bắt giữ nhiều nghi can khủng bố dính líu tới IS

Ngày 27/5, cảnh sát Malaysia thông báo cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ 6 người đàn ông bị tình nghi có dính díu tới tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar vco. Ảnh: AFP

Tổng thanh tra Cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết những phần tử này bị bắt trong các vụ đột kích riêng rẽ ở 4 bang của nước này từ ngày 23 đến 26/5.


Nghi can đầu tiên là Arieff Junaidi, 27 tuổi, kẻ đã đầu hàng sau khi cảnh sát đăng thông báo trên truyền thông đề nghị người dân cung cấp thông tin về đối tượng này. Tên này bị cảnh sát truy lùng vì buôn lậu vũ khí cho nhóm phiến quân IS tại Malaysia.

Vụ bắt giữ tiếp theo là hai anh em, một là giáo viên trường tôn giáo và một là nhà kinh doanh trực tuyến. Hai đối tượng này bị nghi ngờ hỗ trợ hoạt động của phiến quân tại Syria. Hai nghi can này là họ hàng của kẻ đã chỉ thị vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” tại bang Sabah (Xa-ba) của Malaysia hồi tháng 8 năm ngoái.

Ngoài ra, một quân nhân đã nghỉ hưu 54 tuổi cũng bị bắt với tội danh chuyển khoảng 20.000 riggit cho các tay súng Syria. Hai đối tượng còn lại bị bắt giữ vì hỗ trợ và giúp đỡ hoạt động của IS tại Syria.

Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016, Malaysia đã bắt giữ hơn 250 người do tình nghi tiến hành các hoạt động có dính líu tới IS. 

Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh nhóm phiến quân Maute đang chống lại quân chính phủ tại thành phố Marawi, miền Nam Phillippines, và trong thành phần phiến quân có cả các tay súng người nước ngoài như Malaysia, Indonesia và Singapore. Theo giới chức Philippines, nhóm Maute cổ súy cho tư tưởng cực đoan của IS và tìm cách biến Mindanao trở thành một phần lãnh thổ của IS.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 28-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 28-05-2017

    Mỹ khởi động chương trình máy bay không gian siêu thanh; Tòa án Tối cao Brazil xem xét các cáo buộc chống Tổng thống Michel Temer; 7 nhất trí đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố; Quan chức thị trấn Trung Quốc thụt két gần triệu tệ

  • Tin thế giới đáng chú ý 28-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 28-05-2017

    IS kêu gọi 'chiến tranh toàn diện' chống phương Tây; Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ qua đời; Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc thảo luận các vấn đề nóng; Mỹ nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba

Bài cùng chuyên mục