Nga phô trương sức mạnh, Trung Quốc “kề vai chiến đấu“
Hải quân Nga tổ chức tiếp đón biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Vladivostok, Nga để tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea - 2017 giai đoạn hai. Ảnh: China.com.cn.
Từ ngày 18 - 26/9/2017, cuộc diễn tập Joint Sea 2017 giai đoạn hai giữa hải quân Trung Quốc và Nga được tổ chức ở biển Nhật Bản và vùng biển phía nam biển Okhotsk.
Theo tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 19/9, cuộc tập trận chung này vừa phản ánh quan hệ mới của hợp tác quân sự hai nước, vừa tạo cơ sở để Nga tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự.
Giữa Nga và Trung Quốc hoàn toàn không tồn tại quan hệ đồng minh quân sự chính thức, nhưng hai nước đang phát triển công nghệ và trang bị thông dụng có thể sử dụng cho huấn luyện và tác chiến liên hợp Trung - Nga.
Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Vasilii Cashin cho rằng hai nước Trung Quốc và Nga hy vọng tìm được phương thức hợp tác giữa quân đội hai bên từ "chi tiết".
Đồng thời, cuộc diễn tập quân sự "Phía Tây 2017" của Nga vẫn đang được tiến hành. Đây là một trong những cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay.
Đối với Nga, các cuộc tập trận gần đây cũng là một trong những thủ đoạn ngoại giao. Nga đang đối mặt với một số khó khăn trong những vấn đề còn để lại, chẳng hạn sau sự kiện Crimea năm 2014, phương Tây vẫn từ chối thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, ngoài ra Nga còn đối mặt với sự trừng phạt rộng lớn của Mỹ.
Quân đội Nga cho biết cuộc tập trận chung Joint Sea - 2017 giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 18/9/2017. Cuộc tập trận chung này đã cho thấy quan hệ mật thiết giữa Moscow với đối tác Trung Quốc.
Khi quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây ngày càng trầm trọng hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng tìm cách kéo gần quan hệ với Trung Quốc. Hải quân Nga tổ chức tiếp đón biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Vladivostok, Nga để tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea - 2017 giai đoạn hai. Ảnh: China.com.cn.
Cùng với việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, Nga và Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự song phương.
Năm 2016, Nga điều 2 tàu khu trục săn ngầm và 1 tàu đổ bộ tiến hành tập trận với Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự thân mật trong quan hệ Trung - Nga phần nào là để đáp trả ảnh hưởng của Mỹ và NATO ở châu Âu và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Chuyên gia quan hệ Trung - Nga Alexander Gabuyev từ Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng mặc dù các nước thành viên NATO có sự phân công, nhưng Trung Quốc và Nga sẽ không như vậy, mà là tập làm thế nào để "kề vai chiến đấu".
Đối với quân đội Trung Quốc đang không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, cuộc tập trận ở Thái Bình Dương lần này cũng đã cung cấp cho họ kinh nghiệm triển khai hành động quân sự ở cách xa lãnh thổ.
Những năm gần đây, quy mô tàu ngầm tấn công hiện đại của Trung Quốc mở rộng nhanh chóng. Số lần tuần tra ngày càng thường xuyên, hành trình ngày càng xa, có thể xâm nhập các vùng biển của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nhưng thiếu kinh nghiệm tác chiến.
Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận lần này sẽ nâng cao rất lớn khả năng tác chiến phòng thủ trên biển và khả năng hành động biển xa cho Hải quân Trung Quốc. Tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến Nga tham gia tập trận chung. Ảnh: China.com.cn.
Ngoài ra, tác chiến dưới mặt nước là trọng điểm phát triển được Trung Quốc ngày càng coi trọng, cũng là một lĩnh vực Trung Quốc phải tích cực học tập từ Nga.(Viettimes)
-------------------Quân đội Anh "khóc ròng" vì hàng loạt vũ khí bị đại hạ giá
Các khí tài quân sự như tàu, máy bay trực thăng, tàu sân bay và các phương tiện quân sự của quân đội Anh đang được bán tháo với mức giá rẻ chưa từng thấy.
Trang Daily Mail ngày 24-9 cho biết các chuyên gia quân sự nước này đang lo lắng việc bán tống bán tháo thiết bị quân sự sẽ làm giảm khả năng chiến đấu của lực lượng quân đội Anh, nhưng đây là một việc làm cấp thiết để bù đắp sự thiếu hụt khoảng 20 tỉ bảng trong tài chính quốc phòng nước này.
Những món hàng đang được rao bán hạ giá bao gồm một phi đội máy bay chở quân trị giá 175 triệu bảng Anh - đây là những chiếc máy bay Hải Quân Hoàng gia dẫn đầu trong các hoạt động cứu trợ bão gần đây của Anh, và một phi đội trực thăng của Các lực lượng đặc nhiệm.
Theo các chuyên gia trong ngành cho biết các máy bay và trực thăng quân sự này sẽ được bán với số tiền lỗ khổng lồ, danh mục các mặt hàng của Bộ quốc phòng Anh đã được gửi đến lực lường vũ trang của khắp các nước trên thế giới trong hội trợ vũ trang gần đây ở London.
Trong số đó, các máy bay Warthog đã được Anh đưa vào sử dụng từ năm 2010 và ngay lập tức gây được tiếng vang trong việc bảo toàn tính mạng lính Anh tại Afghanistan. 17 chiếc Warthog đã bị bom Taliban thổi bay nhưng không một người lính nào trong tàu thiệt mạng. Nhưng chỉ sau 7 năm, hiện tại 85 chiếc Warthog cùng hàng ngàn xe của quân đội Anh đã được bán chỉ với giá 500.000 bảng mỗi chiếc.
Danh mục "hàng hạ giá" còn có tàu sân bay trực thăng HMS Ocean - đây là chiếc tàu đã đưa những chiếc trực thăng tuần trước tới vùng Caribe để hỗ trợ công tác cứu trợ sau cơn bão Irma và Maria.
Tàu sân bay trực thăng HMS Ocean cũng bị bán tháo. Ảnh: Daily Mail
Đoàn tàu đã mang theo 650 người trong phi hành đoàn trực thăng, 60 tấn hàng cứu trợ bao gồm thiết bị xây dựng, dụng cụ vệ sinh và viên làm sạch nước.
HMS Ocean khi đưa vào hoạt động có chi phí 150 triệu bảng, được trang bị máy bay trực thăng Wildcat và Merlin Mk3. Năm 2014 tàu đã được cải tạo với chi phí lên tới 65 triệu bảng, nhưng dự kiến HMS Ocean sẽ được bán với giá 80 triệu bảng vào đầu năm tới.
Theo Daily Mail, Hải quân Hoàng gia Anh rao bán cả tàu khảo sát đại dương duy nhất HMS Scott.
HMS Scott được nâng cấp hồi năm 2015, hiện nay tàu được trang bị hệ thống sonar và thủy văn hiện đại nhất, tàu dùng để lập bản đồ đáy biển.
Tối 23-9, cựu lãnh đạo Hải quân Hoàng gia Anh West phát biểu: "Tôi vô cùng sửng sốt bởi HMS Ocean sẽ bị bán với giá hạ giá. Sự ra đi của chiếc tàu này đồng nghĩa là chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ cuộc hành quân đổ bộ quy mô lớn nào và nó đại diện cho một sự thay đổi phi thường cho bất cứ ai mua nó. Tôi còn ngạc nhiên hơn và lo lắng hơn đến HMS Scott bởi vì nó thực hiện rất nhiều sứ mệnh hải dương thay cho tàu ngầm hạt nhân của Anh và tôi cho rằng chúng ta nhất thiết phải giữ lại con tàu này".
"Tóm lại, việc bán hàng đại hạ giá này sẽ làm thâm hụt đáng kể sức mạnh của Lực Lượng vũ trang Anh. Đây không phải chiến lược sử dụng vũ khí hiệu quả mà là vết cắt sâu vào lực lượng. Điều này đang ảnh hưởng đến chúng ta rất lớn, ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu trên đất liền, trên biển và cả trên không, nhưng dường như mọi người đều đang phủ nhận tình hình xấu như thế nào" - ông West nhận xét.
"Bộ sưu tập" của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) cũng được mang ra rao bán bao gồm 50 máy bay huấn luyện Tucano T1, máy bay lượn huấn luyện phi cơ không quân và máy bay trực thăng của RAF..
Thêm vào đó RAF cũng bán 6 máy bay vận tải C-130J - những chiếc này đang được thay thế bằng những chiếc Airbus A400M. Số lượng lớn đạn dược cũng nằm trong danh sách bán hàng.
Theo số liệu mới nhất của quân đội Anh, sau khi cắt giảm quân đội xuống còn 79.407 quân lính được đào tạo chuyên sâu, sự cắt giảm này thuyết phục các nhà lãnh đạo quân đội bán 700 xe tải hỗ trợ, 100 xe chở hàng, 100 xe tuần tra được trang bị Vector, 50 chiếc Snatch Land Rovers và số lượng chưa xác định các thiết bị khác.
Bộ quốc phòng Anh bảo vệ việc bán tháo này với lý do: "Doanh thu từ việc thanh lý có thể dùng để đầu tư công nghệ tiên tiến hơn cho lực lượng vũ trang".(NLĐ)
----------------------
Kế hoạch mật hậu tập trận Phương Tây-2017
Hậu cuộc tập trận “Phương Tây-2017” các chuyên gia quân sự tranh cãi mục đích thực sự của Nga và kết quả mà họ thu được trong cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận “Phương Tây-2017” đã kết thúc vào ngày 20/9. Nếu như một thời gian dài trước khi cuộc tập trận diễn ra các phương tiện truyền thông của các nước, đặc biệt là các nước NATO quan tâm đặc biệt, thì sau khi hoàn thành cuộc tập trận này họ lại tiếp tục công việc của mình.Tuy nhiên điều mà họ muốn bây giờ là kết quả mà Nga thu được và mục đích thực sự đằng sau cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận này còn là chiến trường giúp Nga hoàn thiện các loại vũ khí mới ? (Ảnh: Website Bộ Quốc phòng Nga)
Trước khi cuộc tập trận này diễn ra phương tiện truyền thông cùng với các chuyên gia quân sự đều dự đoán rằng, Moscow đang chuẩn bị “xâm lược” các nước vùng Baltic và gây áp lực lên các nước NATO.
Tuy nhiên kết quả hoàn toàn trái ngược, cuộc tập trận diễn ra tuân thủ luật pháp quốc tế và không có bất kỳ hành động khiêu khích nào đến lực lượng các nước xung quanh.
Và bây giờ họ quan tâm Nga thu được điều gì sau cuộc tập trận này? Mục đích thực sự là gì? Có rất nhiều kết luận. Tuy nhiên phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, Nga đã đạt được mục đích của mình.
Quan trọng nhất đối với Nga đó là họ đã cho cả thế giới thấy sức mạnh quân đội của họ và thể hiện phạm vi ảnh hưởng trong thời gian hậu Liên Xô.
Theo nguồn tin từ tờ báo The Wall Street Journal, thực tế mối quan hệ giữa Moscow và Minsk gần đây đang theo chiều hướng đi xuống, tuy nhiên qua cuộc tập trận chung này mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên thân thiết hơn.
Còn các nhà phân tích của tờ The Daily Telegraph cho biết rằng, Minsk đã không ít lần thể hiện là quốc gia trung lập trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ-NATO, họ không phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Tuy nhiên sau cuộc tập trận này cho thấy Minsk phụ thuộc vào Moscow trong suốt quá trình diễn ra cuộc tập trận. Rõ ràng sau cuộc tập trận này có thể Minsk sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác với “người hàng xóm quyền lực”.
Các chuyên gia của The Globe Post cho rằng, cuộc tập trận này còn là thông điệp mà Nga muốn gửi tới các nước láng giềng của mình rằng không nhất thiết phải “chạy theo phương Tây và Mỹ”.
Các nhà báo phương Tây thì cho rằng, cuộc tập trận này Nga muốn thể hiện sức mạnh của họ cho các nước châu Âu và Mỹ thấy. Họ muốn chứng minh đây là mối đe dọa, lời răn đe đối với châu Âu và Mỹ.
Còn cổng thông tin "InoTv" dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan, ông Anthony Makherevich cho biết rằng, thực tế cuộc tập trận của Nga và Belarus không kết thúc vào hôm 20/9, họ tiếp tục các hoạt động và sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây mới là âm mưu thực sự của Nga.
Trước đó cũng đã xuất hiện những thông tin về việc sau khi hoàn thành cuộc tập trận theo kế hoạch, Nga sẽ không lập tức rút quân đội và vũ khí trang bị về nước, họ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác nằm trong kế hoạch bí mật của họ.
Ngoài ra các chuyên gia còn cho rằng, cuộc tập trận này còn là chiến trường giúp Nga hoàn thiện các loại vũ khí mới của họ: Kiểm tra thực nghiệm máy bay không người lái (UAV) Orlan-10; triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300; tiêm kích Su-27 và Su-35 bay tuần tra; ít nhất 6 máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Nga giả lập một cuộc tấn công vào hạm đội trên biển Baltic và đáng chú ý nhất là màn trình diễn của tên lửa Iskander-M.(Baodatviet)