Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 22-06-2017

  • Cập nhật : 22/06/2017

Đại sứ Nga bị triệu tập vụ Su-27 “ép” JAS-39 Thụy Điển

Đại sứ Nga tại Stockholm đã được mời đến Bộ Ngoại giao Thụy Điển, sau sự cố giữa chiếc tiêm kích Su-27 của Nga và máy bay quân sự của Thụy Điển, bộ phận báo chí của cơ quan đối ngoại tuyên bố với Sputnik.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Phía quân đội Thụy Điển khẳng định rằng hôm 19/6, chiến đấu cơ Su-27 Ngađã kèm một máy bay quân sự của Thụy Điển trong không phận quốc tế trên biển Baltic ở khoảng cách rất gần.

Cần lưu ý rằng đây là sự kiện chung của máy bay Thụy Điển và máy bay Nga. Chính phủ hai nước đều được báo cáo về về vụ việc.

Hiện tại Sputnik chưa nhận được ý kiến bình luận của Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, Bộ nhiều lần tuyên bố rằng tất cả các chuyến bay của máy bay Nga đều luôn thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế, không vi phạm biên giới của các quốc gia khác.

Tuần trước Bộ Quốc phòng thông báo về việc các chiến đấu cơ JAS-39 của Thụy Điển đã kèm các máy bay Tu-160 mang tên lửa của Nga trong thời gian chuyến bay thường kỳ theo kế hoạch trên biển Baltic.

Trong khi đó, NATO cho biết không thể nói ai đang có mặt trên chiếc máy bay mà chiến đấu cơ của NATO bay kèm trên biển Baltic. Đó là tuyên bố của đại diện NATO với các phóng viên để trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc máy bay NATO áp sát chiếc máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu.

"Về câu hỏi, ai đi trên chiếc máy bay kia, chúng tôi khuyên quý vị liên hệ với nhà chức trách Nga",  phát ngôn viên NATO tuyên bố trong văn bản trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Trước đó, một chiến đấu cơ của  NATO cố kèm sát máy bay chở đại tướng Shoigu trên không phận trung lập, khi máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đang bay về phía Kaliningrad.(Viettimes)
------------------------

Liên tiếp tập trận chung, Nga - Trung muốn chứng minh điều gì?

Các cuộc tập trận quân sự liên tiếp sắp được quân đội Nga và Trung Quốc tổ chức là minh chứng rõ nhất cho mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng giữa hai nước trên cả phương diện chính trị, kinh tế và quân sự.

Hôm 18/6, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin một hạm đội hải quân nước này đã khởi hành từ tỉnh Hải Nam để lên đường tham gia một cuộc tập trận chung với hải quân Nga ở St. Petersburg và Kalinigrad ngay trong tuần này. Đây là cuộc tập trận đầu tiên nằm trong chuỗi diễn tập chung của quân đội Nga – Trung trong năm 2017.

Theo tạp chí The Diplomat, việc tổ chức các cuộc tập trận liên tiếp cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh đang ngày càng được mở rộng trong những năm gần đây trên cả phương diện chính trị, kinh tế và quân sự.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc hiện đang đồng quan điểm trong nhiều vấn đề mang tính quốc tế như phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên và Syria. Những quan điểm này thường trái ngược với phản ứng của Mỹ và phương Tây. 

Còn theo Diplomat, mối quan hệ Nga – Trung chính thức được cải thiện từ những năm 1990 và được tăng cường thêm trong những năm gần đây. Dù vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm, song hai nước đã công khai bàn thảo về triển vọng của các chương trình hợp tác như kết nối "Sáng kiến Một vành đai một con đường" (OBOR) với Liên minh Kinh tế Á – Âu của Nga cũng như ủng hộ các tổ chức đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đây cũng là một trong những tổ chức dần làm thay đổi trật tự do Mỹ thiết lập và có tầm ảnh hưởng đối với hàng loạt vấn đề quốc tế như ở Syria và Triều Tiên. 

Mặc dù Nga – Trung đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung hàng năm kể từ năm 2012, song cuộc diễn tập đầu tiên mang tính "nhạy cảm" của hải quân hai quốc gia này ở Biển Đông hồi tháng 9/2016 đã nhận được sự chú ý của giới chức thế giới. Bởi hồi tháng 7/2016, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ở Biển Đông. Về phần mình, giới chức Nga nhấn mạnh, cuộc tập trận trên diễn ra ở khu vực bờ biển tỉnh Quảng Đông và nằm cách xa những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc tập trận giữa hai quốc gia có trình độ quân sự đứng hàng thứ hai và thứ ba trên thế giới ngay tại vùng biển "nóng" vẫn trở thành tâm điểm của giới truyền thông.

Theo Tân Hoa Xã, hạm đội hải quân Trung Quốc được điều động tham gia cuộc tập trận chung sắp tới với hải quân Nga có sự tham gia của tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường Changsha, một tàu tuần dương, một tàu cung ứng, các trực thăng hoạt động trên tàu chiến và lực lượng thủy quân lục chiến.

Cũng theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận này là một phần trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Trung và cải thiện khả năng phối hợp hành động giữa hải quân hai nước. Cuộc tập trận năm nay sẽ tập trung vào "huấn luyện kỹ năng cứu hộ và bảo vệ sự an toàn hoạt động kinh tế trên biển".

Theo Diplomat, cuộc tập trận trong tuần này giữa Nga – Trung diễn ra đúng thời điểm Moscow và Washington bước vào một cuộc chiến ngoại giao mới. Thậm chí, Nga tuyên bố bắn hạ máy bay của Mỹ và các đồng minh sau khi Mỹ bắn rơi một máy bay quân sự của Syria.

Cuộc tập trận này còn diễn ra trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến thăm tới Ba Lan, một quốc gia thành viên của NATO vào ngày 5 – 6/7 và trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Đức.

Ngoài cuộc tập trận trong tuần này, Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành thêm một cuộc diễn tập chung vào cuối tháng Bảy trên biển Baltic cũng như tập trận trên biển Nhật Bản và biển Okhotsk vào giữa tháng Chín tới. 

Theo Yomiuri Shimbun, việc biển Nhật Bản được cho là nơi Nga – Trung tổ chức tập trận do đây cũng là khu vực Mỹ - Nhật mới tiến hành diễn tập giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng. (Infonet)
------------------

Kế hoạch cải thiện quan hệ với Nga của Mỹ có gì mới?

Hãng tin Newsru đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuẩn bị xong kế hoạch xây dựng mối quan hệ tích cực với Nga. Kế hoạch này do đích thân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson soạn thảo và có 3 nội dung chính.

Theo hãng tin Newsru, nội dung quan trọng thứ nhất trong kế hoạch cải thiện quan hệ với Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là cố gắng thuyết phục Moscow không tiến hành các hành động đe dọa đến các lợi ích quốc gia của Mỹ. Trong trường hợp ngược lại, Washington cảnh báo rằng họ sẽ có các câu trả lời thích đáng. Điển hình là việc Mỹ yêu cầu Nga không cung cấp vũ khí cho lực lượng Taliban, cũng như không tiến hành hoạt động theo dõi các nhà ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Moscow.

Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho lực lượng Taliban tại Afghanistan. Trong khi đó, Moscow kịch liệt bác bỏ các cáo buộc này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov coi các cáo buộc này là “giả dối” và “không chuyên nghiệp”.

Nội dung thứ hai trong kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập đến mối quan hệ song phương giữa Moscow với Washington trong các vấn đề đối ngoại có giá trị chiến lược đối với Mỹ. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ đề nghị phía Nga không phát triển các mối quan hệ kinh tế-thương mại với Triều Tiên, tăng cường phối hợp hành động với Mỹ trong cuộc chiến chống “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) ở Syria và ngừng thực hiện các cuộc tấn công mạng vào Mỹ.

Nội dung thứ ba đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì “sự ổn định chiến lược” với Nga - chương trình này bao gồm hàng loạt các mục tiêu địa chính trị dài hơi liên quan đến lợi ích của cả hai quốc gia.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer, khi bình luận về kế hoạch trên của Ngoại trưởng Rex Tillerson, nhấn mạnh rằng kế hoạch này gần giống chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama được soạn thảo năm 2015 (thời điểm sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine). Chính kế hoạch này đã làm mối quan hệ Mỹ-Nga ngày càng trở nên nguội lạnh hơn.

Sự khác biệt giữa hai kế hoạch này là ở chỗ kế hoạch của chính quyền cựu Tổng thống Obama đưa ra đề xuất hỗ trợ toàn diện cho các quốc gia láng giềng của Nga ở Trung và Đông Âu nhằm chống lại các mối đe dọa tiềm tàng ngày càng gia tăng từ Nga, trong đó có việc sử dụng các nguồn lực của NATO.

Trước đó, hồi đầu tháng 6/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thông báo rằng Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho ông tiếp tục các nỗ lực để khôi phục quan hệ với Nga, bất chấp việc các cuộc điều tra về các mối liên hệ giữa ê kíp vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga vẫn đang được tiến hành. “Ông ấy đã đưa ra một chỉ thị rất rõ ràng: tiến hành công việc ở bất cứ tần suất nào có thể trong các lĩnh vực mà Mỹ có thể đạt được tiến triển với Nga”- Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố khi đó.(Infonet)
---------------

Hải quân Mỹ sắp có thêm 13 tàu ngầm tấn công lớp Virginia

Tiểu ban Hải lực thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ đang cân nhắc Đạo luật Cấp phép Quốc phòng Mỹ năm 2018 nhằm giúp hải quân nước này mua thêm 13 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Virginia trong vòng 5 năm tới.

Theo dự luật này, hải quân Mỹ sẽ được phép mua dưới 2 chiếc tàu ngầm lớp Virginia trong một năm. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ sẽ cho phép hải quân quyền được mua 3 tàu ngầm mỗi năm trong các năm 2020, 2022 và 2023.

"Một trong những thông điệp mà chúng tôi nghe được rõ nhất từ các tướng quân đội là nhu cầu cấp thiết tăng cường năng lực quân sự dưới biển để đối phó trước những thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới", tạp chí National Interest dẫn lời ông Joe Courtney, một quan chức thuộc Ủy ban Hải quân Mỹ cho biết.

Cũng theo ông Courtney, trước nhu cầu tăng cường năng lực cho hạm đội hải quân bao gồm lực lượng tàu ngầm tấn công, Mỹ sẽ có những hành động thiết thực để mở rộng hoạt động sản xuất tàu ngầm. 

Hiện tại, hải quân Mỹ mong muốn tăng cường tốc độ sản xuất tàu ngầm để tái thiết năng lực dưới biển. Bởi tính tới năm 2029, lực lượng tàu ngầm của hải quân Mỹ sẽ bị giảm xuống còn 41 tàu ngầm tấn công do tàu ngầm lớp Los Angeles về nghỉ hưu. Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng hải quân Mỹ sẽ cần tới 66 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của tình hình an ninh thế giới. Còn hiện tại, hải quân Mỹ đang có ý định sản xuất tới 48 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Virginia.

Ngoài việc đảm bảo tốc độ sản xuất hai tàu ngầm lớp Virginia, hải quân Mỹ còn phải đóng thêm các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Columbia để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio đã lỗi thời.

Tuy nhiên, theo Diplomat, nếu hải quân Mỹ đảm bảo tiến độ sản xuất 3 tàu ngầm tấn công lớp Virginia trong vòng 5 năm và không sản xuất thêm tàu ngầm lớp Columbia, hải quân Mỹ sẽ tái thiết năng lực tàu ngầm một cách nhanh chóng hơn. (Infonet)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 22-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 22-06-2017

    Phiến quân Hồi giáo tấn công trường học Philippines; Ba phương án đối phó S-400 Nga tại Syria của Mỹ; Ông Trump gặp Tổng thống Ukraine sau khi tăng trừng phạt Nga; Điện Kremlin: Nga sẽ ăn miếng trả miếng với Mỹ

  • Tin thế giới đáng chú ý 22-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 22-06-2017

    Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry; Ít nhất 1.300 trẻ em Mỹ thiệt mạng mỗi năm do súng đạn; Trung Quốc-Iran bất ngờ tập trận gần Qatar; Cách tiếp cận mới của hải quân Mỹ ở Biển Đông

Bài cùng chuyên mục