Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 19-09-2017
- Cập nhật : 19/09/2017
Phương Tây bất ngờ lấy Trung Quốc răn đe Nga tập trận
Giữa lúc cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Zapad 2017 đang diễn ra, báo chí phương Tây bất ngờ nêu lên yếu tố Trung Quốc để cảnh báo Nga.
Nga lách luật
Cuộc tập trận Zapad 2017 được Nga và Belarus tiến hành theo kế hoạch từ ngày 14-20/9. Bên cạnh quy mô, báo chí phương Tây đặc biệt chú ý đến tên gọi của cuộc tập trận này vì trong tiếng Nga, “Zapad” có nghĩa là “phía Tây” hay “phương Tây”, tức là đề cập đến những vùng lãnh thổ phía Tây của Nga, Belarus và Kaliningrad, vốn nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và các nước vùng Baltic.
NATO và EU đã bày tỏ quan ngại, thậm chí còn coi cuộc tập trận này như một hành động khiêu khích hoặc như khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quân sự.
Phương Tây tố Nga tập trận Zapad 2017 để chuẩn bị xâm lược
Đáp trả lại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexandre Fomine khi trả lời phỏng vấn báo Deutsche Welle (Đức) ngày 29/8 đã nhắc lại chính NATO đang đe dọa Nga qua việc cho triển khai binh sĩ ngay sát biên giới với Nga.
Thứ trưởng Fomine nói: “Thứ nhất, chính NATO đang đóng quân gần biên giới của chúng tôi. Nga không triển khai quân ở biên giới Đức hay Pháp.
Trong trường hợp đó, ai sẽ là động lực thúc đẩy? Chúng ta hãy nhìn thẳng những gì đang diễn ra từ một khía cạnh khác: Cuộc tập trận Zapad 2017 không phải là một lý do để NATO triển khai lực lượng ở biên giới Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận này đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời cáo buộc “các giả thuyết của một số truyền thông cho rằng cuộc tập trận nhằm sắp xếp 'một điểm đầu cầu' để xâm chiếm Litva, Ba Lan hay Ukraine là dối trá”.
Trong khi đó, phương Tây lại cho rằng “mối đe dọa” của Nga là có thật bởi Nga từng tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn trước cuộc chiến tranh Gruzia năm 2008 và khủng hoảng Ukraine năm 2014. Có ý kiến cho rằng kịch bản tương tự có thể xảy ra đối với Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic.
Xe tăng T-72B3 của Nga tham gia cuộc tập trận Zapad 2017
Xuất phát từ lý do trên, báo chí phương Tây cho rằng những lời giải thích của Nga chưa thể trấn an NATO và các nước Baltic. Bên cạnh đó, NATO cũng cáo buộc Nga không minh bạch.
Litva thậm chí còn cáo buộc Nga muốn huy động hơn 100.000 binh sĩ cho cuộc tập trận với ý đồ để lại một phần quân đội trên lãnh thổ Belarus một khi cuộc tập trận kết thúc.
Về phần mình, Nga cho đến lúc này vẫn khẳng định có 12.700 quân tham gia (bao gồm 7.200 binh sĩ Belarus và 5.500 binh sĩ Nga).
Theo lý giải của giới phân tích phương Tây, đây chính là cách để Nga lách luật bởi theo quy định của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga buộc phải mở cửa cho các nhà quan sát nước ngoài nếu cuộc tập trận có từ 13.000 quân trở lên!
Zapad 2017 gây tổn hại tới Trung Quốc!
Giữa lúc cuộc tập trận Zapad 2017 đang diễn ra và chủ yếu được phân tích từ góc độ căng thẳng Nga-phương Tây, một yếu tố bất ngờ được nêu ra để răn đe Nga.
Tờ The Economist dẫn lời chuyên gia Nicholas Trickett cảnh báo những hậu quả không lường trước một khi các hành động của Nga gây bất ổn cho Belarus, Ukraine hay các nhân tố khác trong khu vực. Theo đó, một “tay chơi” mới tại Đông Âu là Trung Quốc có thể bị thiệt hại trước những hành động “khiêu khích” của Nga.
Theo chuyên gia này, Ukraine chính là cửa ngõ vào châu Âu trước tiên của Trung Quốc khi dự án “Vành đai và Con đường” (Con đường Tơ lụa mới) được công bố hồi năm 2013. Ukraine là trung tâm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc.
TASS đưa tin các sĩ quan hải quân Trung Quốc ngày 16/9 đã tới Vladivostok để chuẩn bị tập trận hải quân chung với Nga
Tầm quan trọng của Belarus cũng tăng lên trong lúc Trung Quốc đang nhắm đến Đông Âu với sự gia tăng đầu tư, thương mại và quan trọng nhất là việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu bằng đường sắt. Lượng hàng Trung Quốc quá cảnh thông qua hệ thống đường sắt Belarus đã tăng 30,4% trong 7 tháng đầu năm 2017, gần như tương đương với lượng xuất khẩu qua đường tàu hỏa của Belarus.
Trung Quốc có thể sử dụng cả Ukraine lẫn Belarus làm bàn đạp cho các chuỗi cung ứng ở Baltic và Ba Lan mà không bị giám sát cao độ theo đòi hỏi của các nước thành viên EU.
Theo Nicolas Trickett, những động thái của Nga có thể khiến nước này bị cô lập vì đang lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trước hết, các công ty cũng như nền kinh tế Nga phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hàng tỉ USD từ các hợp đồng tín dụng Trung-Nga đã lấp được lỗ hổng ngân sách của Moscow, như thỏa thuận mới đây tài trợ cho Quỹ Đầu tư trực tiếp và Vneshekonombank (VEB), 2 định chế bị phương Tây trừng phạt.
Phương Tây đã hết "bài" khi mang Trung Quốc gây áp lực với Nga?
Tập đoàn dầu mỏ Rosneft đang tìm kiếm vốn từ Trung Quốc để bù vào những khoản thua lỗ, có thể bán cổ phiếu cho các đối tác Trung Quốc. Tiền của Bắc Kinh còn giúp duy trì được dự án LNG của Novatek.
Quỹ Đầu tư Nga-Trung (RCIF) được hỗ trợ để bơm 500 triệu USD vào các dự án của Nga trong năm 2017. Ngân hàng Trung ương Nga mở văn phòng ở Bắc Kinh và có ý định phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.
Sự bất ổn nghiêm trọng tại Ukraine có thể gây thiệt hại đối với "cửa ngõ" vào thị trường châu Âu từ Biển Đen của Trung Quốc, một chuỗi đầu tư trải rộng từ Tân Cương đến Gruzia.
Nga có thể bị mất các khoản đầu tư vào đường sắt mà nước này đang rất cần đến nếu các con đường quá cảnh bị ngưng trệ hoặc bị đe dọa nghiêm trọng.
Chuyên gia Nicolas Trickett cho rằng Nga sẽ bất lợi nếu làm phương hại đến chiến lược kinh tế của Trung Quốc ở Đông Âu, buộc Bắc Kinh phải giữ thể diện với các đối tác chính của châu Âu.
Trung Quốc không thể im lặng mãi khi một đối tác chiến lược bị đe dọa về chủ quyền và an ninh.
Theo nhà phân tích này, cho đến nay Nga vẫn có thể mạnh tay chi cho phúc lợi xã hội là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của Trung Quốc. (Đông Triều - ĐVO)
---------------------------
Iran nói có bằng chứng Mỹ giúp IS
Giới chức cấp cao Iran mới đây cho hay lực lượng vệ binh của nước này đã thâm nhập vào các trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ và tìm được bằng chứng cho thấy Washington đang giúp nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
“Chúng tôi có tài liệu cho thấy hành động của người Mỹ ở Iraq và Syria. Chúng tôi biết những gì người Mỹ đã làm ở đó; những gì họ cố tình bỏ sót và cách họ tạo thuận lợi cho tổ chức khủng bố IS” - hãng tin Iran Press TV dẫn lời chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy lực lượng không gian vũ trụ của vệ binh cách mạng Iran (IRGC), cho biết. Theo lời ông Hajizadeh, nếu Iran quyết định công bố những tài liệu này, Mỹ sẽ đối mặt với những vụ bê bối lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức hàng đầu của Iran cáo buộc Mỹ đang giúp đỡ những nhóm khủng bố ở khu vực Trung Đông, đồng thời tuyên bố có bằng chứng chắc chắn về sự thông đồng này.
Hồi tháng 6, sau cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô Tehran khiến 17 người thiệt mạng, Thiếu tướng Mostafa Izadi, Phó Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Iran, đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Mỹ tiến hành “chiến tranh ủy thác trong khu vực thông qua những kẻ khủng bố IS”.
“Chúng tôi có các bằng chứng và thông tin chứng minh sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ đối với các tổ chức khủng bố trong khu vực. Những nhóm khủng bố này đã phá hủy các quốc gia Hồi giáo và tạo ra một làn sóng các vụ thảm sát và xung đột” - ông Izadi tuyên bố. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani sau đó đã lên tiếng ủng hộ những cáo buộc này.(PLO)
--------------------------
2 tư lệnh Hải quân Mỹ mất chức vì thiếu năng lực chỉ huy
Hải quân Mỹ đã quyết định sa thải hai sĩ quan cấp cao vì "mất niềm tin vào năng lực tư lệnh" của họ, sau hàng loạt tai nạn va chạm của các tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của nước này.
Tư lệnh Hạm đội 7, phó đô đốc Phil Sawyer đã ra quyết định cách chức chuẩn đô đốc Charles Williams, tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm 70, và đại tá Jeffrey Bennett, tư lệnh tàu khu trục 15.
Hãng tin Reuters dẫn thông cáo từ Hải quân Mỹ cho biết cơ quan này "không còn tin tưởng vào năng lực chỉ huy" của hai vị sĩ quan trên nên buộc phải cho họ mất chức.
Quyết định này được đưa ra sau hàng loạt bê bối liên quan đến Hạm đội 7 trong ba tháng trở lại đây. Đầu tiên là vụ tàu khu trục USS Fitzgerald va chạm với tàu hàng của Philippines hồi tháng 6 khiến 7 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Mới nhất là vụ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain va chạm với một tàu chở hàng ở vùng biển ngoài khơi Singapore hôm 21-8 làm 10 thủy thủ khác thiệt mạng.
Reuters cho biết vụ việc liên quan đến tàu USS John S. McCain là tai nạn nghiêm trọng thứ tư liên quan đến Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ xảy ra trong năm nay.
Nhiều sĩ quan khác cũng đã bị cách chức sau các vụ tai nạn này. Chính ông Sawyer cũng mới được cử làm tư lệnh Hạm đội 7 hồi tháng 8, khi người tiền nhiệm Joseph Aucoin bị sa thải sau tai nạn của tàu USS John S. McCain. (Tuoitre)
------------------------------------