Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 12-05-2017
- Cập nhật : 12/05/2017
Cảnh báo nguy cơ khủng bố ở Philippines
Chính phủ Philippines đã ra lệnh tăng cường an ninh sau khi hai đại sứ quán Mỹ và Anh tại thủ đô Manila phát cảnh báo về nguy cơ các tổ chức khủng bố bắt cóc công dân nước ngoài tại tỉnh Palawan.
Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 10.5 đã chỉ thị lực lượng an ninh bắn hạ ngay lập tức các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Abu Sayyaf xuất hiện tại Palawan, theo tờ The Philippine Star.
Trung tướng Raul del Rosario, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền tây Philippines, cho biết đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Theo ông del Rosario, một lực lượng đặc nhiệm liên ngành đã được thành lập.
Nhiều tàu tuần duyên cũng đã được triển khai nhằm đảm bảo các thành viên của không thể xâm nhập vào Palawan và bắt cóc du khách, ông del Rosario cho hay.
Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) cũng đã đẩy mạnh “các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn” tại Palawan và nhiều nơi khác. Theo tờ The Manila Times, phát ngôn viên PNP Dionardo Carlos đã khuyên người dân cảnh giác ngay cả ở bên ngoài tỉnh Palawan.(Thanhnien)
--------------------------------
Quan chức tình báo Mỹ xác nhận Nga có can thiệp bầu cử
Các quan chức tình báo cao cấp trong chính quyền ông Trump chấp nhận kết luận điều tra nói rằng Nga đã tấn công mạng trong cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Các quan chức tình báo Mỹ tại phiên điều trần ở Ủy ban tình báo thượng viện ngày 11-5 - Ảnh: Reuters
Theo báo Wall Street Journal, trong phiên điều trần tại Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ ngày 11-5, nhiều quan chức tình báo cao cấp cho biết họ đồng tình với các kết luận trong báo cáo điều tra từ đầu năm nay cho rằng Nga đã thực hiện các cuộc tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.
Tại phiên điều trần, Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats đệ trình báo cáo với nội dung nêu rõ kết luận Nga "đã có động thái tấn công mạng mạnh mẽ hơn" trong những năm gần đây.
Ông Coats viết trong báo cáo: "Sự tấn công này rõ rệt nhất trong các động thái nhằm gây ảnh hưởng của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và theo chúng tôi đánh giá, chỉ những quan chức cấp cao nhất của Nga mới có thể ra lệnh cho các cuộc tấn công và phát tán dữ liệu liên nhằm vào cuộc bầu cử, căn cứ vào quy mô cũng như mức độ nhạy cảm các mục tiêu bị tấn công".
Ông Coats từng là thượng nghị sĩ của bang Indiana, được bổ nhiệm làm Giám đốc tình báo quốc gia của chính quyền mới vào tháng 1 năm nay.
Cũng tại phiên điều trần, thượng nghị sĩ Mark Warner - phó chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, đặt câu hỏi với các quan chức lãnh đạo của giới tình báo Mỹ rằng liệu họ có chấp nhận những kết luận trong báo cáo điều tra khẳng định sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ hay không.
Trong báo cáo đó cũng kết luận rằng các cuộc tấn công mạng của Nga nhằm mục tiêu gia tăng ủng hộ cho ông Trump và gây tổn hại cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Đáp lại câu hỏi của ông Mark Warner, tất cả lãnh đạo của các cơ quan gồm Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra liên bang (FIB) và Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) đều trả lời một câu đơn giản là "Có". (Tuoitre)
---------------------------
Mỹ bắt giữ hơn 1.300 thành viên băng đảng tội phạm
Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thuộc Đơn vị Điều tra An ninh Nội địa (HSI) đã bắt giữ hơn 1.300 tội phạm trên toàn quốc trong một chiến dịch kéo dài 6 tuần.
ICE bắt giữ tội phạm và tịch thu tang vật trong chiến dịch điều tra tội phạm an ninh nội địa - Ảnh: ICE
Đài CNN ngày 11-5 đưa tin mặc dù cuộc điều tra do ICE dẫn đầu nhưng không chỉ tập trung vào các mục tiêu là người di dân.
Trong số các vụ bắt giữ có 933 công dân Mỹ và 445 công dân nước ngoài đến từ 21 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, châu Á, châu Phi, châu Âu và Caribê. Trong số những người nước ngoài đó có 384 người cư trú bất hợp pháp tại Mỹ.
ICE cho biết 3 trong số những người bị bắt trước đây được bảo vệ theo chương trình Hoãn Hành động đối với Những Trẻ em mới đến. Chính quyền tổng thống Barack Obama đã đưa ra chương trình này nhằm bảo vệ những người di cư không giấy tờ đến Mỹ khi còn là trẻ con.
Theo đó những người thuộc diện này sẽ tránh bị xem là mối đe dọa an ninh cộng đồng hoặc bị cáo buộc vi phạm hình sự.
Ngoài ra ICE cũng lưu ý rằng 10 trong số những người bị bắt từng là trẻ vị thành niên vượt biên không có người lớn đi kèm. Trong số này có 8 người thuộc băng nhóm MS-13.
Mara Salvatrucha, hay còn được gọi là MS-13, là băng đảng hùng mạnh nhất ở Trung Mỹ, đặc biệt là tại El Salvador. Tuy nhiên băng nhóm này mở rộng đế chế tội phạm trên khắp nước Mỹ, bao gồm các thành phố như Los Angeles, New York và khu vực Washington.
Trong tổng số 1.378 vụ bắt giữ có 1.095 vụ được xác nhận là liên quan đến các thành viên băng đảng tội phạm như băng Bloods, Surenos, MS-13 và Crips.
Trong số này cũng có 21 người bị bắt vì tội giết người, 7 người bị bắt vì tội hiếp dâm và tấn công tình dục. 280 người bị bắt vì vi phạm hành chính về luật nhập cư.
MS-13 đang là một trong những trọng tâm của chính quyền tổng thống Donald Trump trong nỗ lực củng cố an ninh biên giới mặc dù chính quyền không thể cung cấp thông tin về việc có bao nhiêu thành viên MS-13 hoạt động bất hợp pháp trên đất Mỹ.
Có 104 thành viên băng MS-13 bị bắt giữ, ít hơn 137 vụ bắt giữ thành viên băng Bloods và 118 thành viên thuộc băng Surenos.
Các vụ bắt giữ xảy ra hầu hết tại Houston, New York, Atlanta và Newark, New Jersey cùng các khu vực khác.
Một hoạt động tương tự của ICE trong tháng 3-2016 cũng dẫn đến hơn 1.100 vụ bắt giữ, trong đó có 239 người nước ngoài.(TuoiTre)
---------------------------------------
Chính quyền Đài Loan tuyên bố sẽ tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ
Reuters đưa tin Đài Loan sẽ tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ với các thương vụ mua sắm giúp tạo thêm việc làm tại ít nhất 6 bang của Mỹ và thu hẹp khoảng cách thương mại song phương.
Đây là tuyên bố của chính quyền Đài Loan với Mỹ trong những bình luận công khai hiếm hoi mà chắc chắn chọc giận Trung Quốc đại lục.
Chính quyền Đài Bắc cho biết các hoạt động mua sắm quân sự của Đài Loan "đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương và việc làm tại các bang như Alabama, Arizona, Florida, Utah, Ohio và Pennsylvania."
Cụ thể, các công ty như Raytheon Co, Lockheed Martin Co, Boeing Co, Sikorsky và BAE Systems PLC đã được hưởng lợi từ việc Đài Loan mua sắm các hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay trực thăng tấn công, máy bay phản lực và các phương tiện tấn công đổ bộ khác.
Đài Loan và Mỹ thường hạn chế thông tin về các hoạt động trao đổi quân sự giữa hai bên vì điều này chọc giận Bắc Kinh, quốc gia không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này(Vietnam+)