Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 28-08-2017
- Cập nhật : 28/08/2017
Tổng thư ký NATO: Có dấu hiệu Nga muốn tấn công NATO
NATO đã biến Hiệp ước cơ sở Nga-NATO thành bức bình phong giúp cho NATO thực hiện chiến lược của mình, trong khi Moscow tuân thủ...
Theo Reuters, ngày 25/8 trong một cuộc trao đổi với báo giới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận giữa Nga và Belarus, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2017.
Sau khi gặp Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo trong chuyến kiểm tra việc triển khai lực lượng hỗn hợp giữa quân đội Mỹ và NATO tại căn cứ Orzysz, ở Ba Lan, ông Stoltenberg đã thúc giục Moscow phải minh bạch về các cuộc tập trận của mình.
"Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận của Nga. Tất cả các quốc gia đều có quyền thực hiện các hành động nhằm nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng vũ trang của mình, nhưng các quốc gia cần phải tôn trọng nghĩa vụ minh bạch".
Thông tin từ Nga cho biết có khoảng 13.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận Nga – Belarus, diễn ra từ 14/9 đến 20/9. Quy mô cuộc tập này nằm trong giới hạn không đòi hỏi sự có mặt của giới quan sát quốc tế.
Tuy nhiên, phương Tây cho rằng Moscow luôn không trung thực trong các kế hoạch quân sự của mình. Theo ước tính của các chuyên gia NATO thì lực lượng tham gia các cuộc tập trận Nga - Belarus sẽ lớn hơn nhiều con số Moscow công bố.
Và đó được xem là nguyên nhân khiến NATO phải nhanh chóng triển khai quân tại căn cứ Orzysz, cách Kaliningrad khoảng 57 km, nơi được cho là có sự hiện diện tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Hành động này của NATO đã bị Nga chỉ trích kịch liệt.
Còn nhớ, ngay sau khi Tổng thống Trump lên tiếng “NATO hết lỗi thời”, ngày 13/4/2017, hơn 1.100 lính NATO, gồm 900 lính Mỹ, 150 lính Anh và 120 linh Rumani - đã được triển khai tại Orzysz của Ba Lan.
"Việc triển khai quân đội tới Ba Lan là một minh chứng rõ ràng về sự thống nhất trong NATO và qua đây gửi một thông điệp rõ ràng tới bất kỳ kẻ xâm lược tiềm năng nào", Tổng tư lệnh NATO, tướng Curtis Scaparrotti đã phát biểu như vậy.
Chính quyền Ba Lan thì rất hân hoan trước sự kiện này và cho rằng đó là cách đối phó hữu hiệu với mối đe dọa từ Nga. Thậm chí, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã xem việc NATO triển khai quân đến Orzysz là một khoảnh khắc lịch sử "được chờ đợi bởi nhiều thế hệ".
Nay khi đến thăm Orzysz, Tổng thư ký NATO đã nói thẳng rằng việc quân đội NATO đồn trú tại Ba Lan "là phản ứng của NATO trước một cuộc tấn công đã được được nhận diện nhắm vào một đồng minh trong NATO và cũng đồng nghĩa có dấu hiệu của một cuộc tấn công đối với NATO".
Tuy nhiên, theo giới phân tích, dường như nhận diện của ngài Tổng thư ký NATO không được chuẩn xác và yêu cầu Nga minh bạch trong các cuộc tập trận của quân đội nước này là không hợp lý.
Thứ nhất, năm 1997, Nga và NATO đã ký Hiệp ước cơ sở, trong đó có nguyên tắc không sử dụng vũ lực và không coi nhau là kẻ thù, song thực tế thì Brussels lại liên tục có những động thái cho thấy Hiệp ước cơ sở Nga - NATO bị vô hiệu hoá.
Điều đó thể hiện rõ nhất qua "Chiến lược Đông tiến" của NATO, với việc nhanh chóng kết nạp hàng chục cựu thành viên khối Hiệp ước Warsaw và Liên Xô cũ, đưa mối nguy hiểm ngày càng gần tới biên giới nước Nga.
Tiếp sau đó là những hành động ngày càng thế hiện sự thách thức Nga, như gia tăng thể hiện thái độ thù nghịch với Moscow, rồi lấy đó làm cơ sở xây dựng các vị trí tiền tiêu, nhằm hiện thực hoá chiến lược công - thủ trước Nga.
Từ việc hoàn thiện hệ thống phòng thủ tại Rumania đến việc gia tăng quân đồn trú tại các nước vùng Baltic hay Ba Lan đều cho thấy NATO đã chĩa thẳng mũi nhọn về phía Nga, đe doạ tình hình an ninh cũng như ổn định chính trị của nước Nga.
Bên cạnh đó là việc NATO xây dựng vùng đệm tại những nước láng giềng thù địch với Nga, như Ukraine hay Gruzia. Bản chất của hành động này được giới phân tích nhận diện là NATO muốn đưa nước Nga phải đối mặt với cảnh “thêm thù, bớt bạn”.
Như vậy, Hiệp ước cơ sở Nga – NATO đã bị NATO biến thành bức bình phong giúp cho NATO thực hiện chiến lược của mình mà không gặp trở ngại nào từ phía Nga, khi Moscow tuân thủ các nguyên tắc của hiệp ước đó.
Thứ hai, NATO đã không đáp lại thái độ thân thiện của Nga, từ chối việc thiết lập một không gian chung hoà bình và ổn định tại châu Âu cũng như trên toàn thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Theo giới phân tích, sau khi NATO ném bom Nam Tư và sắp đặt ra một bàn cờ chính trị tại Kosovo, Moscow đã nhận diện mối hiểm hoạ với nước Nga từ phía Tây là rất lớn và kỳ vọng có thể hoá giải bằng các biện pháp phi vũ lực.
Để hiện thực hoá mong muốn đó, Tổng thống Nga Putin là đã đề nghị với Tổng thống Mỹ Clinton về việc Nga xin gia nhập NATO, một động thái được cho là Moscow đã chủ động chọn đối thoại thay vì đối đầu với Brussels.
Tuy nhiên lời đề nghị của nhà lãnh đạo Nga đã không được đối phương xem trọng và đó được xem là lời cảnh báo với nước Nga là hiểm hoạ từ phía Tây không thể hoá giải bằng biện pháp phi vũ lực.
Động thái đó buộc Tổng thống Putin phải chọn hồi phục sức mạnh Nga, từ đó hình thành đối trọng Nga – NATO.
Giới phân tích cho rằng, khi ông Stoltenberg nhận định có dấu hiệu cho thấy Nga có thể tấn công NATO nên yêu cầu Moscow phải minh bạch trong hành động, thực ra chỉ muốn đưa Nga vào một cuộc xung đột kéo dài, để rồi sẽ phải sụp đổ, như nhận định của giáo sư Michael Kofman tại Trung tâm Wilson, theo BBC. (Ngọc Việt - ĐVO)
----------------------------------------------
Chuyên gia Nga: Tin tặc Trung Quốc làm chiến hạm Mỹ đâm tàu chở dầu
Nguyên nhân gây ra sự cố gần đây với USS John S. McCain có liên quan trực tiếp đến sự can thiệp của tin tặc Trung Quốc vào hoạt động của tàu khu trục Mỹ, chuyên gia hàng đầu của Phòng phân tích quân sự chính trị Aleksandr Mikhailov nhận định.
Theo chuyên gia người Nga, không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc khi xét tới vụ khu trục hạm Mỹ đâm tàu chở hàng nếu tính đến cuộc đối đầu đối đầu Mỹ-Trung Quốc trong khu vực.
"Hiện tại Hải quân Mỹ đang hoạt động tích cực trong khu vực Vịnh Singapore, một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và một phần ba sản lượng dầu mỏ của thế giới được vận chuyển qua đó. Điều này khiến Bắc Kinh cảm thấy lo ngại. Trung Quốc cũng từng cảnh báo Mỹ rút tàu chiến ra khỏi khu vực có lợi ích chiến lược của nước này", ông Mikhailov khẳng định.
"Rạn nứt" về địa-chiến lược giữa tham vọng toàn cầu của Washington và Bắc Kinh đang ngày càng trở nên đáng chú ý. Tình hình càng trở nên căng thẳng vì thực tế Washington đã thực hiện một số nỗ lực thành công để giành quyền kiểm soát vô tuyến định vị khoảng không gian trên các tỉnh Sơn Đông, Giang Tô, An Huy và Hà Nam của Trung Quốc. Vấn đề được đề cập ở đây việc triển khai đơn vị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Video: Tàu Mỹ bị đâm, 7 thủy thủ mất tích
Trung Quốc phản ứng bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự chính ở khu vực này. Mỹ trong khi đó lại đang cố gắng củng cố vị thế ở bất cứ nơi nào có thể.
"Hình ảnh của Hải quân Mỹ trong bối cảnh những sự kiện gần đây, tất nhiên, bị xói mòn nghiêm trọng", ông Aleksandr Mikhailov nhận xét.
"Thực tế đóng vai trò quan trọng là hơn 1/3 lực lượng Hải quân Mỹ thường xuyên đóng trên các căn cứ hải quân của NATO bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Tham vọng làm chủ nhiều vùng biển của Mỹ có vẻ đang đẩy họ vào một số tình huống xung đột trên biển. Bởi với mức độ hoạt động hải quân ở nước ngoài như vậy, việc giám sát hạm đội và cơ chế kiểm soát nó chắc chắn bị suy yếu". (VTC)
-----------------------------
Cựu nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã trốn ra nước ngoài như thế nào?
Theo các quan chức an ninh biên giới Thái Lan, gần như chắc chắn rằng, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã trốn khỏi đất nước thông qua đường biển.
Ngày 28/7, tờ Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết, khả năng nữ cựu Thủ tướng Thái Lan vượt biên bằng đường bộ qua Chanthaburi và Trat rất khó, vì đây là vùng rừng núi hiểm trở, vẫn còn nhiều mìn chưa nổ.
Nguồn tin này khẳng định: "Tôi tin rằng một nhân vật quan trọng như bà Yingluck sẽ không chọn đường này để rời khỏi đất nước, mà sẽ đi đường khác thuận lợi hơn".
Nguồn tin cho biết thêm, thậm chí bà Yingluck còn gặp khó khăn hơn nếu đi qua trạm kiểm soát biên giới đường bộ, vì những trạm này được quân đội, hải quan và cảnh sát xuất nhập cảnh theo dõi chặt chẽ.
"Quân đội không thể không thấy bà Yingluck. Họ kiểm tra từng chiếc xe, thậm chí ngay cả xe của nhân vật quan trọng", nguồn tin nhận định, "Tài xế những xe này phải trình giấy tờ có liên quan nếu họ muốn ra khỏi đất nước".
Giới chức an ninh Thái Lan tin rằng bà Yingluck đã trốn khỏi đất nước thông qua đường biển. Có khả năng bà đã lên một chiếc tàu cao tốc đi từ Rayong đến một hòn đảo nào đó như Koh Chang, Koh Kood hay Koh Laoya ở Trat, trước khi tới Campuchia.
Nguồn tin khẳng định: "Đi theo con đường này dễ hơn và không bị giới chức phát hiện, vì có rất nhiều tàu thuyền trên biển gần 3 hòn đảo đông khách du lịch này".
Giả thuyết này cũng phù hợp với thông tin được Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon đưa ra hôm 25/8 cho rằng em trai ông Thaksin đã rời Thái Lan qua đường Koh Chang. Tướng Prawit phủ nhận giới chức an ninh cố tình để bà Yingluck trốn thoát.(Infonet)
-----------------------------
Ba Lan đòi Nga bồi thường chiến phí thế chiến 2
Các đại biểu Quốc hội Ba Lan đến từ đảng cầm quyền Quyền và Công lý đang chuẩn bị một dự luật để đòi các khoản bồi thường quân sự từ Nga.
Tờ Dziennik của Ba Lan ngày 21/8 cho biết, Stanislav Penta, một trong những người khởi xướng, đã đề ra ý tưởng đòi Moscow hàng nghìn tỷ Zloty đối với cái họ gọi là "tội ác của Liên Xô".
Đồng thời, ông Penta nhấn mạnh "cần tính toán rõ ràng số tiền bồi thường".
Bà Malgozhata Goschevskaya, một người khởi xướng dự luật, cùng một đảng với ông Penta, đã tuyên bố rằng "người Nga đã cướp bóc ngành công nghiệp, các tác phẩm nghệ thuật". Chính vì thế, theo bà Goschevskaya, Nga phải trả cho Ba Lan "khoản bồi thường chiến phí".
Ngoại trưởng Liên Xô Molotov (ngồi) ký Hiệp ước Không Xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô ở Moscow ngày 23/8/1939, chỉ vài ngày trước khi nổ ra Thế chiến 2. Phía sau ông là Lãnh tụ Liên Xô Stalin. Ảnh: Bộ Chiến tranh Đức.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Vitold Vashchikovsky cũng đưa ra cáo buộc Liên Xô về việc giải phóng trong Thế chiến thứ hai.
Theo quan điểm của ông, Liên Xô "đã tác động mạnh dẫn đến bùng nổ Thế chiến II" do "góp phần với Đức tấn công Ba Lan".
Ngoài ra, vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Ba Lan đã ký bản sửa đổi luật về việc cấm chủ nghĩa cộng sản, trong đó cho phép phá dỡ các tượng đài Liên Xô. Bộ ngoại giao Nga gọi quyết định này là một hành động khiêu khích.
Song song với đó, mới đây, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło tuyên bố, Ba Lan có quyền yêu cầu Đức bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra cho đất nước này trong Chiến tranh thế giới II. Về phần mình, Berlin nhấn mạnh rằng vấn đề bồi thường chiến tranh cho Warsaw đã hoàn toàn khép lại.
Ba Lan được quân đội Liên Xô giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức trong chiến dịch tấn công chiến lược Vistula–Oder.
Bộ Ngoại giao Nga ghi nhận rằng Liên bang Xô viết đã phải chịu những tổn thất nặng nề trong chiến dịch quân sự này - khoảng 600.000 lính và sĩ quan Hồng quân đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với kẻ thù và được chôn cất tại Ba Lan.
Trong khi đó, ký ức về hiệp ước Xô-Đức (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop), cụ thể là Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên bang Xô viết được ký kết vào năm 1939 từ lâu làm căng thẳng quan hệ của Nga với Ba Lan cùng với các nước Đông Âu.
Theo hiệp ước này, các bên thỏa thuận với các cam kết kiềm chế không tấn công lẫn nhau và giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu của những hành động quân sự của bất kỳ bên thứ ba nào.
Các thành viên hiệp ước cũng cam kết không tham gia vào các nhóm thế lực trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại phía bên kia. Trong tương lai, hai bên cam kết việc cung cấp, trao đổi lẫn nhau về thông tin đối với những vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.
Kèm theo hiệp ước là một nghị định thư bí mật được ký bổ sung. Trong đó quy định Đông Âu là phần lãnh thổ nằm trong phạm vi quyền lợi của Đức và Liên Xô trong trường hợp có "sự sắp xếp lại về chính trị đối với lãnh thổ" của các quốc gia này.
Nghị định này cho phép thành lập chính quyền thân Liên Xô tại Litva, Latvia, Estonia và Đông Ba Lan. Phần Lan và Bessarabia đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô.
Ngày 1/9/1939 Đức xâm chiếm Ba Lan, và ngày 17/ 9 quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan theo lệnh của Stalin. Việc phân chia lãnh thổ của Ba Lan giữa Liên Xô và Đức đã được hoàn thành.
Ngày 28/9/1939, Đức và Liên Xô ký kết Hiệp ước hữu nghị về biên giới. Sau đó, Liên Xô đã sáp nhập các nước Baltic (Estonia, Latvia, Litva), Bessarabia và Bắc Bukovina, và một phần của Phần Lan vào lãnh thổ của mình.
Các thỏa thuận đã được ký kết đã làm dịu sự căng thẳng trong quan hệ chính trị và kinh tế giữa Liên Xô và Đức đang nóng lên sau sự xuất hiện của Hitler trên vũ đài chính trị và nắm quyền điều hành nước Đức cùng với các cuộc xung đột vũ trang (trong đó Liên Xô chống lại sự can thiệp của Đức và Italy ở Tây Ban Nha và ủng hộ phái Cộng hoà Tây Ban Nha, chống lại quân đội Nhật Bản ở Viễn Đông trong các Chiến dịch hồ Khasan và Khalkhyn Gol).
Sau khi Đức tấn công Liên Xô ngày 22/6/1941, cũng như tất cả các văn kiện ngoại giao Xô-Đức khác, hiệp định này đã không còn giá trị.
Vào năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bảo vệ việc Liên Xô ký hiệp ước không xâm phạm với phát xít Đức khi ông cho rằng đó là động tác để tránh việc bị cô lập.
“Liên Xô đã tiến hành rất nhiều biện pháp nhằm xây dựng nền móng cho hoạt động phòng ngự chung, chống lại chủ nghĩa phátxít ở Đức.
Và khi Liên Xô nhận ra việc đang bị bỏ rơi, phải một chọi một với phát xít Đức, chính quyền này đã phải thực hiện các biện pháp nhằm tránh cuộc đối đầu trực tiếp, và như thế hiệp ước Molotov-Ribbentrop đã được ký kết,” ông Putin cho biết.
Theo Moscow Times, trong lần thăm Ba Lan vào năm 2009, ông Putin, khi ấy là Thủ tướng Nga, đã từng lên án hiệp ước Molotov-Ribbentrop.
"Mọi nỗ lực được thực hiện trong năm 1934 và 1939 nhằm hòa hoãn với phátxít Đức, thông qua việc thực hiện nhiều thỏa thuận và hiệp ước với lực lượng này, là điều khó chấp nhận về mặt đạo đức,” Putin nói.
Ông còn cho rằng từ mặt chính trị, việc ký các thỏa thuận và hiệp ước đó là vô ích, có hại và nguy hiểm.(An NHiên - ĐVO)