Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 06-11-2017
- Cập nhật : 05/11/2017
Liên minh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương: Từ song phương đến 4 bên
Thách thức đặt ra cho Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á là phải thiết lập lại vị thế của Washington ở khu vực.
Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á kể từ khi nhậm chức. Sau chiến tranh lạnh, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực dần giảm sút và Trung Quốc trở thành đối trọng nổi lên. Tình trạng này không được cải thiện đáng kể dưới thời ông Barack Obama nên thách thức đặt ra cho Tổng thống Trump là phải thiết lập lại vị thế của Washington ở châu Á.
Hiện có 3 lý do cản trở Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực. Một là Washington cần đến vai trò của Bắc Kinh trong chuyện bán đảo Triều Tiên. Hai là Mỹ còn phải giải quyết nhiều vấn đề ở các nơi khác nên khó tập trung vào châu Á. Và thứ ba là tình hình chính trị nội bộ cũng sẽ gây khó cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Tuy vậy, những diễn biến thực tế gần đây cho thấy Nhà Trắng đang thể hiện quyết tâm tăng cường vị thế của Mỹ ở khu vực. Bằng chứng là Tổng thống Trump đã chọn Nhật Bản làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du. Hiện tại, Tokyo đang có kế hoạch đẩy mạnh đối thoại chiến lược 4 bên: Ấn Độ - Mỹ - Nhật - Úc. Khuôn khổ hợp tác này cũng là điều mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh khi thăm Ấn Độ gần đây. Qua đó, nhiều khả năng Nhà Trắng đang muốn từ nền tảng quan hệ Mỹ - Nhật để hình thành liên kết 4 bên phù hợp hơn với tình hình châu Á.(TS Satoru Nagao
Chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Gakushuin - Nhật Bản - thanhnien.vn)
--------------------------
Lầu Năm Góc nói đến kịch bản đưa bộ binh vào Triều Tiên
Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, cách duy nhất để định vị và kiểm soát tất cả địa điểm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên "với mức độ chắc chắn cao nhất" là sử dụng lực lượng bộ binh của Mỹ.
Trong bức thư đánh giá gửi cho các nhà lập pháp về cuộc chiến có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, Lầu Năm Góc cho biết một cuộc thảo luận đầy đủ về khả năng của Mỹ nhằm "chống lại phản ứng bằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và xóa sổ kho vũ khí hạt nhân sâu dưới lòng đất của nước này" phải được tổ chức trong phòng họp kín.
Theo đánh giá của các lãnh đạo Lầu Năm Góc, "Triều Tiên có thể cân nhắc sử dụng vũ khí sinh học" và nước này "có một chương trình vũ khí hóa học lâu năm có khả năng sản xuất các loại chất độc thần kinh".
Bức thư được viết bởi Chuẩn Đô đốc Michael Dumont, quan chức cao cấp Lầu Năm Góc, để trả lời yêu cầu của 2 nghị sĩ đảng Dân chủ về việc "đánh giá tình hình thương vong dự kiến trong xung đột với Triều Tiên", bao gồm thường dân, lực lượng Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam.
Lầu Năm Góc cho biết việc tính toán "những tình huống thương vong khả quan nhất hoặc tồi tệ nhất" là một thách thức và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như "tính chất, cường độ và thời gian" của cuộc chiến, cảnh báo mà dân thường nhận được cũng như khả năng đối phó của Mỹ và Hàn Quốc với pháo binh, rốc-két, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Bất kỳ chiến dịch nào để lần theo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ được đội đặc nhiệm của Mỹ tiến hành.
Ông Dumont nói quân đội đã ủng hộ chiến lược hiện nay của Mỹ, do Ngoại trưởng Rex Tillerson dẫn đầu, nhằm đối phó Triều Tiên. Chiến lược này tập trung vào việc tăng sức ép kinh tế lẫn ngoại giao để buộc Bình Nhưỡng ngừng phát triển vũ khí hạt nhân.
Điều này đã được ông Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford Jr. nhấn mạnh trong các chuyến thăm thủ đô Seoul - Hàn Quốc trong năm nay.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn đề cập đến khả năng "vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc hoặc Nga".
"Bộ Quốc phòng duy trì một loạt các kế hoạch dự phòng mới nhất để đảm bảo những lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của chúng ta. Những kế hoạch này bao gồm một loạt các khả năng, trong đó có cả sự can thiệp của bên thứ 3, và cách giải quyết tốt nhất để "kiểm soát sự leo thang".
Theo ông Dumont, "cả Nga hoặc Trung Quốc đều muốn tránh xung đột với Mỹ hoặc có thể hợp tác với chúng ta". (NLĐ)
---------------------
Nga thảo luận dự án tàu tên lửa với Việt Nam
Sputnik dẫn nguồn nhà máy đóng tàu Vympel nói đang tiếp tục thảo luận với Việt Nam về việc cung cấp 4 tàu mang tên lửa 12418.
"Việc tiếp tục hợp đồng với Việt Nam đang ở giai đoạn thảo luận," đại diện nhà máy cho hay.
Theo ông, đàm phán cung cấp tàu chiến thuộc dự án này với các khách hàng nước ngoài khác cũng đang được thực hiện.
Nhà máy đang thực hiện hợp đồng cung cấp 6 bộ tài sản để xây dựng dự án 12418 cho Việt Nam, Sputnik cho biết thêm.
Tàu mang tên lửa 12418 được thiết kế để tấn công các tàu tấn công của đối phương ở vùng ven biển và xa bờ. Hệ thống vũ khí của tàu bao gồm các cụm tên lửa tấn công, tên lửa phòng không và pháo binh.(VTC)
------------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ “ngồi trên đống lửa” vì 50 quả bom hạt nhân của Mỹ
Chia sẻ với Sputnik, nhà phân tích chính trị Nursin Atesosglu Guney đặt ra câu hỏi liệu số vũ khí hạt nhân của Mỹ tại quốc gia này sẽ giúp đảm bảo an ninh cho Ankara hay lại trở thành mối đe dọa.
Theo bà Guney, trước khi bùng nổ cuộc xung đột ở Ukraine và cũng là thời điểm mối quan hệ giữa Nga và NATO còn yên ấm, các cuộc thảo luận về việc rút lui vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu và giới hạn sử dụng vũ khí hạt nhân cũng đã diễn ra.
“Tuy nhiên, sau khi tình hình có sự thay đổi, các cuộc thảo luận đã bị trì hoãn. Trong tình hình an ninh khu vực đang có nhiều bất ổn cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại tên lửa đạn đạo, sự hiện diện của các loại vũ khí NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên được xem là biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa an ninh”, bà Guney nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Guney, nhiều sự kiện chính trị cùng với mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington lại đang đặt ra câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có cần tới số vũ khí mà Mỹ đã triển khai tới nước này.
Bởi theo bà Guney, “Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm triển khai bất cứ loại vũ khí hạt nhân nào ngoại trừ của NATO trên lãnh thổ nước này. Ngoài ra, nhiều quy tắc đã rõ ràng quy định về việc sử dụng cũng như duy trì các loại vũ khí hạt nhân trong trường hợp thời chiến và hòa bình. Theo tôi, việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ không tạo ra bất cứ mối lo ngại nào về vấn đề an ninh”.
Trái với ý kiến của bà Guney, nhà phân tích Mehmet Ali Guller lại cho rằng, “kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã xem Thổ Nhĩ Kỳ là một địa điểm quan trọng để thi hành chiến lược chống Nga”.
Ông Guller nhấn mạnh căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ còn “đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Mỹ bởi khu vực này giữ ưu thế cả về vị trí chiến lược và địa lý”.
Trước đó, phó chủ tịch đảng Vatan của Thổ Nhĩ Kỳ là ông Beyazyt Karatas cho biết, Mỹ đã đưa 50 quả bom hạt nhân B61-12 tới căn cứ Incirlik.
“Căn cứ không quân Incirlik giúp Mỹ có thể triển khai quân suốt một khu vực rộng lớn từ Caucasus, Biển Đen và Địa Trung Hải tới vịnh Péc-xích. Do đó, số vũ khí hạt nhân của Mỹ ở đây không chỉ gây nguy hiểm cho Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả với các nước láng giềng”, ông Guller chia sẻ.
Ông Guller còn nhấn mạnh, việc Mỹ và NATO triển khai các loại vũ khí hạt nhân tới căn cứ Incirlik không phải là biện pháp bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa bên ngoài.
“Nói cách khác, nó là công cụ bổ trợ giúp Mỹ tiến hành tấn công các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực. Trên thực tế, những quả bom được đặt ở căn cứ Incirlik trong trường hợp cần thiết sẽ được các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ lại không được phép làm điều này”, ông Guller nói thêm.
Cũng theo ông Guller, Mỹ cần rút lui toàn bộ số vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và gần các căn cứ quân sự của NATO ở nước này.
Chuyên gia này còn hối thúc trước hết, chính quyền Ankara cần hủy bỏ thỏa thuận sử dụng căn cứ Incirlik mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã ký kết vào tháng 7/2014, sau đó đóng cửa căn cứ không quânKurecik và chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở thành phố Diyarbakir.
Bởi theo ông Guller, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại các lợi ích chiến lược của Ankara trong khu vực. Ngoài ra, việc đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Ankara thoát cảnh bị hăm dọa chính trị, đồng thời giúp Ankara tạo thế cân bằng và độc lập hơn trong quan hệ với Washington.
“Việc đóng cửa các căn cứ của Mỹ sẽ giúp Ankara đảm bảo nền hòa bình trong nước, nền hòa bình với các nước láng giềng cũng như giúp Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển năng lực quân sự”, ông Guller kết luận. (Infonet)