Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 03-08-2017
- Cập nhật : 03/08/2017
Trung Quốc tập trận đối phó tên lửa THAAD của Mỹ
Theo đài NHK (Nhật) ngày 2-8, một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên tiết lộ Trung Quốc hồi tuần trước đã tiến hành thử tên lửa trong một hoạt động đánh chặn giả định mô phỏng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc.
Vị quan chức cho biết loạt thử tên lửa được tiến hành ở miền Bắc Trung Quốc hôm 29-7. Trong đó, Trung Quốc sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình để bắn, phá hủy các mục tiêu giả định là tên lửa THAAD và máy bay tàng hình F-22 của Mỹ.
Vụ đánh trận THAAD giả định được Trung Quốc tiến hành tuần trước. Ảnh minh họa: QQ
Quan chức trên nói thêm là quân đội Trung Quốc vẫn tiến hành hoạt động đánh chặn THAAD giả định mặc dù biết rõ là phía Mỹ đang theo dõi. Bắc Kinh rõ ràng muốn cho Washington thấy rằng Trung Quốc có thể phá hủy hệ thống THAAD vào bất cứ lúc nào.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cấp bách với phía Mỹ liên quan tới việc triển khai thêm các bệ phóng của hệ thống THAAD tới Hàn Quốc, giữa bối cảnh Triều Tiên trong cùng một tháng liên tiếp thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Trong khi đó, phía Trung Quốc lại chỉ trích quyết định tăng cường triển khai THAAD của Hàn Quốc. Bắc Kinh luôn khăng khăng rằng việc triển khai THAAD tới bán đảo Triều Tiên cũng chỉ làm tình hình thêm phức tạp và gây đe dọa cho an ninh cùng lợi ích của các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.(PLO)
----------------------------
Chân dung tân giám đốc FBI
Thượng viện Mỹ hôm 1-8 đã xác nhận cựu luật sư Bộ Tư pháp Christopher Wray trở thành tân giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Gần sau 3 tháng kể từ khi cựu giám đốc FBI James Comey bị Tổng thống Donald Trump sa thải, ông Wray trở thành người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Mỹ này.
Sau khi ông Comey bị sa thải vào ngày 9-5, Bộ Tư pháp bổ nhiệm ông Robert Mueller làm luật sư đặc biệt giám sát cuộc cuộc điều tra nghi vấn ê-kíp tranh cử của ông Donald Trump hợp tác với Nga.
Nga phủ nhận can thiệp bầu cử Mỹ và Tổng thống Donald Trump phủ nhận liên hệ với Nga.
Trong buổi điều trần xác nhận vào tháng trước, ông Wray tuyên bố giữ vị trí độc lập và không bị tác động bởi các yếu tố chính trị hay áp lực từ tổng thống. Ông Wray cũng ca ngợi ông Muller là "một người chính trực tuyệt vời".
Trong suốt phiên điều trần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Cộng hòa Chuck Grassley khẳng định lý lịch của ông Wray cho thấy ông ta là một người độc lập, một yếu tố mà ông Grassley khẳng định là "cực kỳ quan trọng" đối với giám đốc FBI.
Dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, ông Wray là trợ lý bộ trưởng tư pháp phụ trách bộ phận hình sự.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và cựu Thứ trưởng Tư Pháp Sally Yates, hai thành viên Đảng Dân chủ trong chính quyền ông Barack Obama, đều xác nhận năng lực của ông Wray.(NLĐ(
---------------------
Nhật phản đối TQ đơn phương khai thác gần vùng tranh chấp
Chính phủ Nhật đã chính thức phản đối các hoạt động khai thác đơn phương "khả nghi" của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, RT đưa tin.
Tokyo hiện coi rằng việc làm của Bắc Kinh là vi phạm thỏa thuận hiểu biết song phương mà hai nước đạt được cách đây gần một thập niên.
Năm 2008, Nhật và Trung Quốc đi tới một thỏa thuận sơ bộ về việc cùng phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng phụ cận của đảo Senkaku/ Điếu Ngư, khu vực tranh chấp giữa hai nước ở Hoa Đông.
Thỏa thuận năm 2008 đó đã vạch ra việc dựng một ranh giới trên biển mà cả hai bên đều công nhận. Ranh giới này nằm ở giữa vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Nhật, nhưng ở ngoài quần đảo mà hai bên đang tranh chấp.
Tuy nhiên, việc thiết lập một ranh giới phân định khó khăn tới mức các cuộc đàm phán tiếp sau đó đã phải dừng lại.
Trung Quốc không công nhận "đường ranh giới giữa" mà Nhật vạch ra đồng thời tiếp tục tăng cường các hoạt động khai thác gần vùng biển tranh chấp. Các báo cáo cho hay, tới lúc này, Bắc Kinh mới chỉ khoan ở phía của nước này, song Nhật lo rằng các hoạt động của Trung Quốc sẽ vượt quá đường ranh giới giữa.
Tokyo lo ngại Trung Quốc có thể hút khí từ các khu vực mà Nhật đang tuyên bố chủ quyền. Theo các quan chức cấp cao của Tokyo, Nhật đã chính thức phản đối từ cuối tháng trước khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động trong khu vực này.
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động phát triển tại vùng tranh chấp, nơi mà ranh giới trên biển giữa hai nước chưa được phân định. (Vietnamnet)
------------------------
Nhật Bản chính thức có Bộ trưởng Quốc phòng mới
Đài truyền hình NHK của Nhật ngày 2-8 đưa tin trong cuộc cải tổ nội các dự kiến diễn ra vào ngày 3-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bổ nhiệm ông Itsunori Onodera làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Onodera từng đảm nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng gần hai năm sau khi Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền hồi năm 2012.
Ông Itsunori Onodera. Ảnh: REUTERS
Trước khi ông Onodera tiếp quản vị trí này, Bộ trưởng nội vụ Fumio Kishida đã tạm thời giữ chức vụ bộ trưởng quốc phòng sau khi bà Inada từ chức hồi tuần trước do bê bối che đậy thông tin trong quân đội Nhật ở Nam Sudan.
Việc bổ nhiệm ông Onodera diễn ra trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn sau khi Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng như các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông, theo Reuters.(PLO)