Quốc phòng Việt Nam: Tăng cường huấn luyện sát thực tế tại quân đoàn 4
Tin nhanh 25-9-2012
- Cập nhật : 25/09/2012
Chosun Ilbo: Triều Tiên bí mật bán 2 tấn vàng
Để bù đắp thiếu hụt tiền mặt, Triều Tiên đã bán hơn 2 tấn vàng trị giá 100 triệu USD trong năm qua, trang tin Chosun Ilbo cho biết.
Chosun Ilbo hôm nay 25/9 dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, động thái này diễn ra bắt đầu từ khi ông Kim Jong-un lên kế nhiệm cha là cố lãnh đạo Kim Jong-un khi ông qua đời tháng 12 năm ngoái.
Việc này được cho là nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt tiền mặt của Triều Tiên sau khi trao đổi kinh tế với Hàn Quốc bị gián đoạn kể từ tháng 3/2010 sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc.
Triều Tiên được cho là đã chi hàng triệu USD cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 4.
Mỗi năm Triều Tiên sản xuất khoảng 2 tấn vàng từ hoạt động khai mỏ chủ yếu ở các tỉnh tây bắc.
Trong một diễn biến liên quan khác, hôm nay, Triều Tiên triệu tập quốc hội bất thường và được cho là nhằm thảo luận các chính sách thúc đẩy kinh tế.
( Theo Gafin)
--------------------
Mexico bắt 35 quan chức cảnh sát “nhúng chàm”
Các lực lượng vũ trang Mexico hôm 24.9 cho biết đã bắt giữ 35 quan chức cảnh sát bị cáo buộc có liên hệ với Zetas, một trong những tập đoàn ma túy khét tiếng nhất ở nước này.
Theo BBC dẫn nguồn từ nhà chức trách địa phương, các quan chức cảnh sát trên đã bị bắt giữ trong các chiến dịch của lực lượng hải quân Mexico tại các bang San Luis Potosi và Veracruz, miền đông nước này.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 24.9, lực lượng hải quân cho biết 35 người bị bắt giữ bao gồm “tất cả các quan chức cảnh sát thuộc cơ quan an ninh công cộng của bang Veracruz và bị cáo buộc hợp tác với tổ chức tội phạm Zetas”.
Toàn bộ 35 quan chức cảnh sát trên đã được đưa tới thủ đô Mexico City để phục vụ cho công tác điều tra.
Hồi năm ngoái, chính phủ liên bang đã triển khai hàng ngàn binh sĩ cùng cảnh sát liên bang đến bang Veracruz, vốn nằm trên những tuyến đường chiến lược vận chuyển ma túy vào Mỹ, để truy quét các băng nhóm tội phạm.
Huỳnh Thiềm ( Thanh Niên)
----------------------
Tổng thống Myanmar thăm Mỹ
Tổng thống Myanmar Thein Sein hôm qua đã rời nước này để tới thăm Hoa Kỳ cùng thời điểm lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi công du Hoa Kỳ.
Ông Thein Sein sẽ phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và nêu bật những cải cách đang diễn ra tại quốc gia bị cô lập trong thời gian dài này.
Vị cựu tướng lĩnh hy vọng sẽ thuyết phục Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar.
Trong khi đó, lãnh đạo đối lập, bà Nobel Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, cũng đã nêu vấn đề này trong chuyến thăm Mỹ.
Bà cho biết “vô cùng biết ơn” những gì Quốc hội Mỹ đã làm trong nhiều năm qua để ủng hộ phong trào dân chủ của bà, nhưng giờ là lúc người dân Myanmar cần phải tự nỗ lực và đã đến lúc người dân phải nhận lãnh trách nhiệm cho quá trình dân chủ hóa đất nước.
Vũ Quý
Theo BBC// Dân Trí
--------------------
Nga phóng vệ tinh tư nhân đầu tiên vào năm 2013
Công ty vũ trụ Dauria Aerospace ngày 24/9 cho biết Nga sẽ phóng vệ tinh đầu tiên do tư nhân chế tạo ở nước này trong năm 2013.
Tờ RBC Daily dẫn lời Dauria Aerospace cho biết vệ tinh trên thuộc lớp DX1 và nặng 50 kg, dùng để theo dõi những di chuyển của tàu thuyền trên các đại dương thế giới và thử nghiệm một loạt trọng tải khác nhau.
Vệ tinh sẽ được phóng và hoạt động trong năm 2013. Dauria cũng đang lên kế hoạch bắt tay sản xuất chiếc vệ tinh thứ hai vào cuối năm nay.
Dauria Aerospace là công ty vũ trụ đầu tiên được thành lập bởi các nhà đầu tư tư nhân ở Nga và là công ty tư nhân đầu tiên của Nga ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân với Co quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos.
Công ty đang hướng đến mục tiêu "kiến tạo một nền kinh tế vũ trụ mới."
Dauria Aerospace đăng ký thành lập tại Skolkovo thuộc khu vực Moscow, nơi thường được mệnh danh là "thung lũng Silicon của Nga."
Bên cạnh việc thiết kế vệ tinh, công ty cũng điều hành một chuỗi bán lẻ các đồ điện tử và hệ thống các cửa hàng tiện ích gia dụng./.
Huy Lê (Vietnam+)
--------------
Lãnh sự quán Mỹ ở Libya bị tấn công, đã phá vỡ mạng lưới tình báo lớn
Cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, khiến Đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng, đã phá vỡ một hoạt động tình báo quy mô lớn có trụ sở tại đây.
Hãng tin Telegraph ngày 24/9 cho biết, theo các quan chức Washington, cuộc tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi vào đúng ngày 11/9, khiến Đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng, đã phá vỡ một hoạt động tình báo lớn có trụ sở tại đây.
Một số lượng lớn những người Mỹ mà sự hiện diện của họ không được các nhà lãnh đạo Libya biết đến, đã sơ tán ra khỏi Benghazi ngay khi xung đột vẫn diễn ra xung quanh khu nhà lãnh sự quán.
Washington thừa nhận rằng những người này có liên quan đến CIA hoặc các hoạt động tình báo khác nhằm mục tiêu vào hoạt động Hồi giáo ở phía đông của đất nước, cũng như bảo vệ một số các loại vũ khí nguy hiểm ở đất nước còn bất ổn. Những tiết lộ trên cũng đang được các nhà lãnh đạo Hồi giáo sử dụng làm lời biện minh cho các cáo buộc chống Mỹ.
Khi cuộc tấn công vào lãnh sự quán đang xảy ra, khoảng 30 người Mỹ đã lái xe với tốc độ cao tới một khu nhà ở - đôi khi được gọi là "ngôi nhà an toàn" mặc dù nó đã không được bảo vệ tốt hơn so với lãnh sự quán. Sau đó họ được đưa đến sân bay và bay trực tiếp đến Tripoli và rời khỏi Libya.
Theo tờ New York Times, ít nhất 12 nhân viên CIA đang "được cài rải rác trên khắp châu Âu và Mỹ". Tờ báo cho biết đội CIA giữ một vai trò quan trọng trong việc thực hiện giám sát và thu thập thông tin về sự tổ chức của các nhóm vũ trang chiến binh.
Thông tin tương tự trên tờ Wall Street Journal cho biết rằng chính phủ Libya đã chỉ được thông báo về quy mô hoạt động tình báo sau vụ tấn công.
Sự tăng cường hiện diện của Mỹ đã dẫn đến suy đoán rằng những người Hồi giáo là mục tiêu nhắm tới của chiến dịch (bao gồm cả nhóm chiến binh Ansar al-Sharia và al-Qaeda) đã tổ chức một cuộc tấn công phủ đầu.
Hôm thứ Hai (ngày 24/9), Ismail Sallabi, một trong những người Hồi giáo quyền lực nhất trong nước, nói với tờ Daily Telegraph rằng, ông phản đối các máy bay không người lái của Mỹ đã xuất hiện quanh Benghazi kể từ khi xảy ra cuộc tấn công vào lãnh sự quán.
"Nếu CIA thực sự ở đó, tôi coi đó như là một cuộc xâm lược chủ quyền của Libya, giống như các máy bay kia" - ông nói - "Tất nhiên đó sẽ là điều khác nếu có sự đồng ý của chính phủ Libya và đã được thông báo."
Ông Sallabi, người đã từng lãnh đạo một lực lượng dân quân cách mạng lớn nhất của Libya, cho biết ông đã đề nghị cần bảo vệ đại sứ Mỹ và cảnh báo rằng thành phố đã trở nên nguy hiểm.
Anh Vũ (Nguồn Telegraph, GDVN)
-----------------------
"Phương Tây lạm dụng quyền phủ quyết tại LHQ"
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 24/9 đã chỉ trích các cường quốc phương Tây lạm dụng quyền phủ quyết tại LHQ trong tranh cãi về hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo này và còn cho phép việc "báng bổ" đạo Hồi.
Tại cuộc thảo luận về pháp quyền ở LHQ, Tổng thống Ahmadinejad cho rằng Mỹ, Anh và Pháp "vi phạm các quyền cơ bản và quyền tự do của những nước khác".
Phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, ông Ahmadinejad tuyên bố: "Đặc quyền mang tính phân biệt đối xử của quyền phủ quyết mà một số thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) được hưởng là thiếu tính hợp pháp". Ông chỉ trích một số thành viên của HĐBA với quyền phủ quyết "đã chọn cách im lặng về đầu đạn hạt nhân của một chế độ giả dối", ám chỉ Israel - nước có chương trình vũ khí hạt nhân không công khai, trong khi đó lại "cản trở tiến bộ khoa học của các nước khác".
Tổng thống Iran cũng công kích phương Tây đã cho phép các nhà làm phim và họa sĩ biếm họa báng bổ đạo Hồi, đồng thời quy trách nhiệm cho những nước này về làn sóng biểu tình bạo lực gần đây trong thế giới Hồi giáo./.
(Vietnam+)
---------------------
Trung-Nhật đua nhau tập trận khoe sức mạnh
Khi biển Hoa Đông đang “sôi sục” vì cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì hai nước này lại đua nhau tập trận để thị uy lẫn nhau. Hành động “đổ thêm dầu vào lửa” này đã khiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á trở nên căng thẳng hơn.
Theo báo chí Nhật Bản cho biết, lực lượng Mỹ và Nhật đã khai hoả một cuộc tập trận tấn công đổ bộ chung hôm thứ Bảy vừa rồi (22/9). Đáng chú ý nhất là cuộc tập trận này được thực hiện theo kịch bản tái chiếm một hòn đảo bị các lực lượng kẻ thù chiếm đóng.
Cuộc tập trận đổ bộ nói trên là một phần của khoá huấn luyện được khởi động từ cuối tháng 8 với mục đích bảo vệ những hòn đảo xa xôi của Nhật.
Khoảng 40 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và 2.200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, hầu hết đóng ở quận Okinawa, tham gia vào cuộc tập trận tái chiếm đảo. Báo chí đã được cung cấp thông tin về cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nhật Bản này.
Cuộc tập trận tái chiếm đảo rõ ràng là mang đầy hàm ý khi mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp nhau một quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, giới quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, cuộc tập trận của họ đã được lên kế hoạch từ rất lâu trước khi chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/9. Theo các quan chức này, khi đưa ra kịch bản tập trận, họ không hề nghĩ đến bất kỳ nước nào hay hòn đảo nào.
Tuy vậy, ông Asaho Mizushima – một giáo sư của trường Đại học Waseda ở thủ đô Tokyo, tin rằng, cuộc tập trận được khởi động hôm 22/9 có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa hai nước Trung-Nhật.
“Nó có thể khích động thêm tinh thần chống Nhật ở Trung Quốc và thu hẹp những lựa chọn cho việc giải quyết cuộc tranh chấp thông qua các phương tiện ngoại giao”, ông Mizushima nói thêm.
Tuy nhiên, không chỉ có mình Nhật Bản tiến hành tập trận mà Trung Quốc cũng góp phần cho sóng gió ở biển Hoa Đông thêm dữ dội. Cùng ngày diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Nhật, tờ Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc vừa tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ kết hợp 3 lực lượng gồm Hải quân, Không quân và Lục quân. Mục đích của cuộc tập trận này là nhằm tăng cao khả năng phối hợp, tác chiến giữa 3 lực lượng.
Ông Jin Hang thuộc Hải quân Trung Quốc cho biết: “Cuộc tập trận này đã phá vỡ phương thức phối hợp truyền thống trước đây của 3 lực lượng. Nó áp dụng một phương thức chiến đấu linh hoạt hơn. Cuộc tập trận đã kiểm tra một cách hiệu quả các khả năng đổ bộ toàn diện của chúng tôi”.
Kiệt Linh - (tổng hợp)// VNmedia
----------------
Đặc phái viên LHQ: Xung đột Syria ngày càng tồi tệ
Các phái viên Liên hợp quố cho biết ngày 24/9, đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi đã nói với Hội đồng Bảo an (HĐBA) rằng cuộc nội chiến tại Syria ngày càng trở nên tồi tệ và nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng.
Trả lời báo giới, các phái viên tại cuộc họp kín của HĐBA cho biết ông Brahimi phát biểu trước HĐBA rằng Chính phủ Syria ước tính có 5.000 tay súng nước ngoài tại quốc gia này và liên tục miêu tả cuộc xung đột trong nước là "âm mưu của nước ngoài".
Ông Brahimi còn cho biết việc tra tấn tù nhân đã trở thành "thông lệ" và người dân thì sợ đến bệnh viện hiện do lực lượng chính quyền kiểm soát.
Đặc phái viên Brahimi cũng ước tính có khoảng 1,5 triệu người Syria đã đi sơ tán và nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực ngày càng tăng vì giao tranh giữa quân chính phủ và phe đối lập đã phá hoại mùa màng.
Ngoài ra, ông Brahimi còn nhận định Tổng thống Syria Bashar Assad không có ý định tiến hành cải tổ.
Trong khi đó, người đứng đầu Chương trình lương thực thế giới Ertharin Cousin cho hay chương trình này sẽ cần thêm hàng chục triệu USD để cung cấp lương thực cho số lượng người Syria bị mắc kẹt trong cuộc nội chiến ở nước này khi số lượng người này ngày càng tăng lên. Còn theo tuyên bố chính thức của Ban quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/9, tổng cộng đã có 87.774 người tị nạn Syria hiện đang trú tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, một phóng viên AFP đưa tin lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) đã chiếm giữ hàng trăm km phần lãnh thổ phía Bắc nước này trong vòng sáu tháng qua. Phóng viên này cho biết FSA đã giành quyền kiểm soát nhiều ngôi làng tại Idlib và tỉnh Aleppo, buộc quân đội trung thành với Damascus phải rút lui trên nhiều mặt trận.
Trong diễn biến liên quan, Chính phủ New Zealand ngày 24/9 thông báo nước này sẽ thông qua Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế viện trợ 411.963 USD cho người tị nạn Syria cũng như những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tại Lebanon./.
(Vietnam+)
------------------------
Tổng thống Iran: “Iran không đe dọa Israel”
Tổng thống Iran khẳng định quốc gia Trung Đông này đã sẵn sàng để bảo vệ mình.
Ngày 24/9, phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết, Iran không đe dọa Israel, nhưng sẵn sàng bảo vệ mình nếu bị tấn công.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 24/9 (Ảnh: Reuters)
Phát biểu của Tổng thống Ahmadinejad nhằm đáp lại việc Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu ngày càng có nhiều động thái ám chỉ nước này sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời chỉ trích lập trường của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng cần có thêm thời gian để các biện pháp trừng phạt và ngoại giao có thể ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân.
Tổng thống Ahmadinejad cho rằng, khu vực Trung Đông vốn đang bất ổn sẽ không thể có thêm một cuộc xung đột nữa: “Chúng tôi không đe dọa tấn công nhà nước Do Thái. Tôi muốn khẳng định rằng, chúng tôi đã sẵn sàng để tự bảo vệ mình. Mọi người trên thế giới đều biết rằng, thế giới, đặc biệt là khu vực chúng tôi sẽ không thể chịu đựng thêm một cuộc xung đột nữa. Chúng tôi sẵn sàng tự bảo vệ mình và không đe dọa ai. Tôi không cho rằng những gì mà họ nói là quan trọng”.
Tổng thống Ahmadinejad phủ nhận việc Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình.
Dự kiến, Tổng thống Ahmadinejad sẽ có bài phát biểu tại kỳ họp 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 26/9, trong đó trình bày lập trường của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran về các vấn đề quốc tế chính. Bên lề phiên họp của Đại hội đồng, ông Ahmadinejad sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao của nhiều nước, các quan chức Liên Hợp Quốc, một số lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực…
Trên cương vị Chủ tịch Phong trào Không liên kết (NAM) nhiệm kỳ 3 năm tới, Tổng thống Ahmadinejad sẽ gặp các quan chức cấp cao các nước thành viên để thảo luận những vấn đề cần thiết để thành lập một cơ quan điều hành trong khuôn khổ Phong trào này./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
---------------------
Iran bắt giữ con trai cựu Tổng thống A. Rafsanjani
Theo AFP, hãng thông tấn IRNA đưa tin, ngày 23/9, giới chức Tehran đã bắt giữ Mehdi Hashemi, con trai cựu Tổng thống Iran Akbar Hashemi Rafsanjani sau khi ông này từ nước ngoài trở về.
Vụ bắt giữ xảy ra chỉ hai ngày sau khi người chị em gái của ông Rafsanjani là Faezeh Hashemi bị chính quyền bắt giữ.
Các công tố viên đã tiến hành thẩm vấn hàng giờ trước khi bắt giữ Mehdi.
Cả ông Mehdi và bà Faezeh đều bị giới chức Iran cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình trên đường phố năm 2009 bùng phát sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử mà phe đối lập cáo buộc là gian lận.
Iran đã ra lệnh bắt ông Mehdi vào năm 2010./.
(Vietnam+)
----------------------
Indonesia bắt giữ nhiều nghi can khủng bố
Hãng Irrawaddy ngày 24-9 đưa tin, đội cảnh sát chống khủng bố của Indonesia đã bắt được chín nghi can khủng bố. Nhiều quả bom tự chế để sử dụng cho kế hoạch đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng an ninh, cảnh sát, Chính phủ Indonesia cũng đã bị tịch thu.
Ban đầu, cảnh sát bắt được hai nghi can tại thành phố Surakarta, thuộc Trung Java và hai tên này sau đó đã chỉ điểm thêm sáu tên khác ở cùng khu vực ngày 23-9. Đến cuối ngày, nghi can thứ chín bị bắt ở Tây Kalimantan, đảo Borneo. Hai trong số những tên này là Badri Hartono và Rudi Kurnia Putra (đều 45 tuổi) chuyên tuyển mộ nam thanh niên và dạy họ cách chế tạo bom. Hai tên này được cho là đóng vai trò chính trong một nhóm khủng bố mới thành lập, bị tình nghi lên kế hoạch tấn công các cơ sở và đồn cảnh sát.
Cảnh sát Indonesia đang tiếp tục điều tra để tiêu diệt tận gốc lực lượng khủng bố vốn bùng phát từ năm 2002 (khủng bố ở đảo Bali khiến hơn 200 người chết).
N.QUỲNH ( SGGP)
--------
Quốc hội Kazakhstan vừa phê chuẩn thủ tướng mới
Với đa số phiếu tuyệt đối, Quốc hội Kazakhstan chiều 24/9 đã phê chuẩn ông Serik Akhmetov giữ chức thủ tướng nước này theo đề xuất của Tổng thống Nursultan Nazarbayev.
Ngay sau đó, Tổng thống Nazarbayev cũng đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Akhmetov làm Thủ tướng.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Kazakhstan, ông Karim Masimov, đã đệ đơn xin từ chức và được Tổng thống Nazarbayev chấp thuận.
Tuy nhiên, ông Masimov đã được Tổng thống Nazarbayev bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Phủ tổng thống Kazakhstan để thay ông Aslan Musin chuyển sang làm Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tân Thủ tướng Akhmetov từng giữ các chức vụ gồm Phó Thị trưởng thứ nhất thành phố Astana, Cục trưởng Cục Thanh tra và Chính sách cán bộ của Phủ tổng thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp doanh nghiệp, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, Tỉnh trưởng tỉnh Karagandin và Phó Thủ tướng thứ nhất (từ tháng 1/2012).
Giới phân tích cho rằng việc thay đổi nhân sự lần này chỉ là sự khởi đầu một cuộc cải tổ nội các sâu rộng mà Tổng thống Nazarbayev sẽ tiến hành trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới./.
(TTXVN)
-------------------------------
Tổng thống Iran: Sẵn sàng thỏa thuận về hạt nhân
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định ông sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận nhằm hạn chế kho chứa urani đã được làm giàu của nước này.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Bưu điện Oasinhtơn" (Washington) công bố ngày 24/9, ông Ahmadinejad nói: "Iran đã và đang sẵn sàng đưa ra thỏa thuận để giải tỏa những quan ngại của phương Tây. Iran cũng đã đưa ra nhiều đề xuất đúng đắn và không do dự trong việc thúc đẩy đối thoại vì Iran luôn muốn đối thoại."
Tuy nhiên, ông Ahmadinejad không cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là mối quan ngại thực sự của phương Tây mà theo ông, vấn đề hạt nhân có thể chỉ là cái cớ để phá hoại Chính phủ Hồi giáo của nước này.
Tổng thống Ahmadinejad cũng nói rằng ông không hy vọng tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với phương Tây sẽ đạt tiến triển trước ngày 6/11, thời điểm bắt đầu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuyên bố trên của Tổng thống Ahmadinejad được đưa ra trong bối cảnh Ixraen thời gian qua liên tục bóng gió về khả năng tấn công quân sự các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Tel Aviv khó lòng thực hiện được điều này nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.
Trong khi đó, mặc dù luôn cáo buộc Iran đang tìm cách chế tạo bom hạt nhân, nhưng Washington cũng từ chối đáp ứng yêu cầu của Israel về việc ấn định cho Iran một "giới hạn đỏ" trước khi quyết định tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Hồi giáo này.
TTXVN/ Tin Tức
----------------
Lũ lụt khiến hơn 1 triệu người Ấn Độ phải sơ tán
Lũ lụt và sạt lở đất ở vùng đông bắc Ấn Độ đã khiến 33 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải sơ tán trong tuần qua.
Ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong vụ sạt lở đất tại một khu vực hẻo lánh thuộc bang miền núi Sikkim. Tại bang Arunachal Pradesh, 4 người đã bị chôn vùi trong một vụ sạt lở đất.
Tại bang Assam, khu vực trồng chè của nhà nước bị thiệt hại nặng nề do các đợt lũ gây ra trong tháng 7, lũ lụt cũng khiến 8 người thiệt mạng và 20 người khác hiện vẫn đang bị mất tích, cảnh sát địa phương cho biết.
Các đơn vị cứu hộ đã sơ tán hơn 1 triệu người dân khu vực đông bắc Ấn Độ tới các khu vực cao hơn bằng trực thăng và thuyền cao su. Người dân hiện đang trú ẩn trong các trại cứu trợ hoặc trong các lều tạm dựng trên đường, một quan chức cấp cao thuộc cơ quan quản lý thảm họa bang Assam cho biết.
Mưa lớn kéo dài hơn một tuần ở bang Assam khiến mực nước sông Bramaputra, một trong những dòng sông lớn nhất châu Á, vượt mức nguy hiểm. Những nhánh sông nhỏ của dòng sông này cũng tràn bờ.
Khu vực đông bắc Ấn Độ thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ trong mùa mưa bão, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.
Trước đó, vào tháng 7, ít nhất 110 người thiệt mạng và hơn 400.000 người dân ở bang Assam mất nhà cửa trong trận lũ mà thủ tướng Manmohan Singh coi là tồi tệ nhất trong thời gian gần đây. ( Gafin)
----------------
Israel khước từ xem lại Hiệp định hòa bình với Ai Cập
Israel ủng hộ Ai Cập truy quét phiến quân nhưng yêu cầu mọi động thái quân sự phải tham vấn Israel trước.
Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman hôm 23/9 tuyên bố Israel sẽ không đồng ý với đề xuất xem xét lại Hiệp định hòa bình kí với Ai Cập năm 1979.
Tuyên bố này của Ngoại trưởng Israel được đưa ra sau những diễn biến cẳng thẳng giữa Israel và Ai Cập liên quan đến những bất ổn trên bán đảo Sinai và mới đây nhất là cuộc tấn công dọc biên giới chung làm 1 binh sỹ Israel và 3 tay súng thiệt mạng.
Trong nỗ lực nhằm khôi phục an ninh cho bán đảo Sinai (thuộc Ai Cập), gần đây Israel và Ai Cập đã thống nhất áp dụng linh hoạt Hiệp định hòa bình năm 1979 nhằm cho phép Ai Cập triển khai một số vũ khí hạng nặng đến vùng sa mạc rộng lớn ở Sinai để truy kích phiến quân.
Tại Ai Cập xuất hiện một số ý kiến đề nghị điều chỉnh Hiệp định hòa bình với Israel, một văn kiện được coi là “nền tảng cho sự ổn định của khu vực”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel tuyên bố Israel không đồng ý với bất kì sự thay đổi nào trong hiệp định. Israel ủng hộ Ai Cập truy quét phiến quân nhằm lập lại trật tự trên bán đảo Sinai nhưng yêu cầu mọi động thái tăng cường quân sự tại đây cần phải tham vấn trước với Israel./.
Trần Nga/VOV-Trung tâm tin
Theo AP
---------------------
Hàn Quốc, Triều Tiên 'lời qua, tiếng lại'
Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên liên tục vi phạm biên giới trên biển, trong khi Bình Nhưỡng tố Seoul khiêu khích khi bắn cảnh cáo các tàu cá nước này.
"Nhiều tàu vi phạm biên giới quá nhiều lần để chúng tôi có thể xem đây là lỗi vô ý. Đó là lý do chúng tôi đang theo dõi sát sao hơn", AFP dẫn lời ông Yu Woo-Ik, Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc, cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, tuyên bố hôm nay. "Tôi chỉ hy vọng những hành vi vi phạm như thế không phải là một sự khiêu khích có chủ đích từ phía Triều Tiên".
Vụ việc trên xảy hôm 21/9 gần đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Các tàu hải quân Hàn Quốc đã bắn hai phát cảnh cáo 6 tàu cá Triều Tiên khi các tàu này vượt qua biên giới tranh chấp trên biển Hoàng Hải. Không tàu nào trong số trên bị thiệt hại và chúng nhanh chóng quay lại vùng biển Triều Tiên.
Đây là vụ vượt tuyến mới nhất trong một loạt động thái tương tự gần đây của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng hôm qua lên án rằng hành động nã pháo cảnh cáo của Seoul mang tính chất "khiêu khích".
Hãng thông tấn trung ương KCNA dẫn lời Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nam, thuộc quân đội Triều Tiên, cho biết các binh sĩ nước này được yêu cầu sẵn sàng chiến đấu "thống nhất quốc gia", dù cho chỉ "một viên đạn" của Hàn Quốc lọt vào lãnh thổ nước này.
Năm 2010, đảo Yeonpyeong từng là nơi chứng kiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng trong một vụ nã pháo của Triều Tiên. Các vụ đụng độ gây chết người ở biên giới trên biển giữa hai nước trước đó xảy ra vào các năm 1999, 2002 và 2009.
Biên giới hàng hải giữa hai miền liên Triều gọi là Đường Giới hạn Phía bắc, được Liên Hợp Quốc định ra sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không công nhận đường này.
Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến trên kết thúc bằng lệnh ngừng bắn mà không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.
Anh Ngọc/ VNexpress
---------------
Iran xây dựng mạng Internet nội địa cho riêng mình, chặn Google
Iran đang lên kế hoạch triển khao một mạng Internet của riêng mình để sử dụng trong nước mà theo lời các quan chức là để thắt chặt an ninh số. Tuyên bố này được đưa ra vào ngày Chủ Nhật vừa rồi, đi kèm theo đó là thông báo bộ máy tìm kiếm của Google cũng như dịch vụ Gmail sẽ bị chặn "trong vài giờ tới". Người Iran thường vượt qua vòng kiểm soát của chính phủ bằng cách dùng mạng riêng ảo (Virtual Private Network - VPN, nhờ đặc tính kĩ thuật của nó mà người dùng có thể giả mạo rằng đang truy cập mạng từ nước ngoài), tuy nhiên biện pháp này sẽ có thể sẽ không còn dùng được nữa vì theo Reuters, mạng nội bộ của Iran hoàn toàn cô lập với World Wide Web.
Ali Hakim-Javadi, phát ngôn viên của Bộ Truyền thông và Khoa học Iran cho biết: "Trong vài ngày tới, tất cả các cơ quan, văn phòng chính phủ sẽ được kết nối vào mạng thông tin quốc gia". Đây là giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn thứ hai sẽ đến lượt tất cả máy tính của dân thường, ông Hakim-Javadi nói. Theo các cơ quan báo chí của quốc gia Hồi giáo này, mạng nội địa của Iran sẽ được hoàn tất trong tháng 3/2013, tuy nhiên chưa rõ rằng việc kết nối với mạng Internet toàn cầu có bị loại bỏ hoàn toàn hay không. Người dân nước này tỏ ra lo ngại đây thực chất là một biện pháp cao nhất mà chính phủ đặt ra nhằm kiểm soát việc truy cập web của họ.
Reuters cho biết Iran là một trong những nước có bộ lọc Internet mạnh mẽ nhất thế giới vì dân thường không được truy cập vào rất nhiều web với lý do các trang này "mang tính công kích hoặc có tính chất tội phạm". Nhiều người dân tin rằng cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2009 vào dịp bầu cử tổng thống chính là nguyên nhân họ không còn được phép vào Facebook hay Youtube. Còn theo Cơ quan tin tức của sinh viên Iran (ISNA), việc chính phủ chặn Google là vì hãng này có liên quan đến bộ phim chống đạo Hồi được đăng tải vài tuần trước trên YouTube, vốn gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ ở khắp các quốc gia có người theo đạo này. Mặc dù vậy, chưa có xác nhận chính thức nào về thông tin này.
Hồi năm 2010 chương trình hạt nhân của Iran đã từng bị tấn công bởi sâu máy tính Stuxnet khiến cho các máy li tâm đặt tại cơ sở làm giàu uranium phải ngừng hoạt động. Lúc đó Iran cáo buộc Mỹ và Israel chính là hai nước đã phân tán phần mềm độc hại này. Đến tháng 4 năm nay, một loại virus đã được phát hiện bên trong hệ thống điều khiển việc xuất khẩu dầu trên đảo Kharg, tuy nhiên các cửa khẩu vẫn hoạt động bình thường. Bộ trưởng bộ Truyền thông và Công nghệ, Reza Taqipour, phát biểu rằng Iran cần phát triển một mạng riêng của mình để đảm bảo an toàn thông tin cho quốc gia. Taqipour nói "việc kiểm soát Internet không nên nằm trong tay chỉ một hoặc hai quốc gia" và "họ không đáng tin khi xảy ra vấn đề hoặc có khủng hoảng".
Theo Reuters// Tinh te
-------------
Kết quả sơ bộ bầu cử quốc hội Belarus
Lực lượng đối lập kêu gọi quốc tế gây sức ép với chính phủ sau khi thất bại trong kế hoạch kêu gọi cử tri tẩy chay bầu cử.
Người đứng đầu Ủy ban bầu cử trung ương Lidiya Yermoshina cho biết số lượng cử tri đi bầu cử khá cao khoảng ở mức 74,3% và khoảng hơn 110 đại biểu Hạ viện khóa mới nhiệm kỳ 4 năm đã được bầu chọn.
Bà Yermoshina nói: “Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử này, 109 đại biểu đã được bầu chọn. Chỉ có huyện Novobiletsky thuộc khu vực Gomel chưa bầu chọn được đại biểu. Cuộc bầu cử đã diễn ra và các cử tri đã đến điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, có một số vấn đề trong tiến trình bầu cử nên sẽ có một cuộc bỏ phiếu mới được tổ chức tại khu vực này.”
Trưởng ban bầu cử Yermoshina (ảnh: sulekha)
Ra tranh cử có tổng cộng 293 ứng cử viên sau khi 67 ứng cử viên thuộc hai chính đảng đối lập gồm Mặt trận Nhân dân Belarus (BPF) và Đảng Công dân Thống nhất (UCP) đã tuyên bố rút lui và không tham gia cuộc tổng tuyển cử lần này. Theo bà Lidiya Yermoshina, việc chỉ có một ghế chưa được quyết định trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 23/9 cho thấy lực lượng đối lập đã thất bại trong kế hoạch kêu gọi cử tri không đi bầu cử, buộc Belarus phải tổ chức bầu cử vòng 2.
Ủy ban bầu cử trung ương Belarus cũng tuyên bố cuộc bầu cử này là hợp lệ. Ngay lập tức đại diện của 5 nhóm và đảng đối lập tại Belarus lên tiếng phản đối kết quả này và cho rằng đây là cuộc bầu cử không minh bạch và dân chủ do có sự can thiệp của chính quyền trong cuộc tiến trình bầu cử. Lực lượng đối lập cũng ra tuyên bố kêu gọi các tổ chức quốc tế tăng cường sức ép chính trị đối với chính phủ Belarus.
Đến theo dõi cuộc bầu cử Hạ nghị viện Belarus có gần 700 quan sát viên quốc tế, trong đó đa phần thuộc Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cùng các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Nhận định sau khi các hòm phiếu đóng cửa, quan sát viên từ Cộng đồng các quốc gia độc lập cho biết, cuộc bầu cử đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế với sự giám sát chặt chẽ của quan sát viên./.
Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin