Tin Biển Đông

 
 
 

Nói chuyện thời sự về tình hình Biển Đông và chiến lược của Việt Nam

  • Cập nhật : 02/02/2017

Ngày 23/4/2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng Miền Nam, Thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2015, Công đoànViện Khoa học tổ chức nhà nước tổ chức buổi nói chuyện thời sự chuyên đề “Tình hình Biển Đôngchiến lược của Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày.

Tham dự buổi nói chuyện thời sự có bà Vũ Thị Hiền, Phó Viện trưởng, ông Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, ông Chu Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cùng các viên chức và người lao động của Viện KHTCNN.

ong chu tuan tu, chu tich cong doan vien khtcnn phat bieu khai mac

Ông Chu Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Viện KHTCNN phát biểu khai mạc

Trong buổi nói chuyện PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi đã tập trung giới thiệu về một số nội dung như: Tầm quan trọng của Đại dương và biển Đông; lịch sử tranh chấp trong khu vực biển Đông; những diễn biến trên biển Đông từ năm 2008 đến nay; chiến lược của các bên trên biển Đông; dự báo xu hướng ứng phó và phát triển của biển Đông; chiến lược của Việt Nam trên biển Đông.

 
pgs. ts. nguyen chu hoi, nguyen pho tct tong cuc bien va hai dao viet nam noi chuyen thoi su

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó TCT Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói chuyện thời sự

Biển Đông là đường giao thông huyết mạch nối Bắc Mỹ, Đông Á, Thái Bình Dương với Nam Á, Châu Âu, Châu Phi và Trung Cận Đông. Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Ngoài Việt Nam, biển Đông còn được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

Biển Đông là vùng biển có 1 trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua. Giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới (sau Địa Trung Hải). Hàng ngày có khoảng 200 - 300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại (không kể  tàu dưới 5.000 tấn) chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới.

Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân của các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ.

Xét về vị trí địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, biển Đông rất quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực.

Biển Đông được coi là một trong mười bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa Sông Châu Giang…Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản), phi sinh vật (dầu khí, khoáng sản, băng cháy - đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần). Biển Đông được coi là một trong bốn khu vực có triển vọng lớn nhất về trữ lượng băng cháy ở Đông Á.Về mặt thủy sản, biển Đông là một trong mười sáu khu vực có trữ lượng lớn trên thế giới. Về mặt phi sinh vật: Có hơn 300 điểm khoáng sản ở thềm lục địa trong đó có cả vật liệu xây dựng; Các nhà khoa học công bố về đa dạng sinh học thấy rằng tam giác san hô lớn nhất thế giới nằm ở biển Đông. Một đỉnh của tam giác thuộc Philippin, đỉnh nữa của tam giác nằm ở Nha Trang - Ninh Thuận, Việt Nam và đỉnh cuối nằm ở Bruney. Tam giác san hô ở biển Đông có 517 loài. Quần đảo Trường sa của Việt Nam là trung tâm tam giác san hô này.

Biển Đông được ví là ngã 3 đường của thế giới. Việt Nam là 1 quốc gia ven bờ kéo dài nên Việt Nam là 1 quốc gia nằm ở ngã 3 đường của thế giới và có chiều dài đường bờ biển trên 3260 km không tính bờ các đảo chạy theo hướng Bắc Nam và nó tạo ra lợi thế mặt tiền hướng biển. Biển Đông là không gian sinh tồn không chỉ là của các quốc gia trong biển Đông mà còn của các nước ngoài biển Đông. Trong biển Đông có vùng hải phận quốc tế, đây là vùng tự do đi lại của thế giới.

Chính từ những tiềm năng, những giá trị to lớn này, biển Đông trở thành khu vực diễn ra sự tranh giành của các quốc gia, kích thích tham vọng chủ quyền của nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

 

 
quang canh buoi noi chuyen

Quang cảnh buổi nói chuyện

Từ năm 2008 đến nay, biển Đông bắt đầu nổi sóng mà nguyên nhân là vì tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Lịch sử tranh chấp tại biển Đông được chia thành các vấn đề như sau: Tranh chấp về chủ quyền của quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc;tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippin, bãi James; tranh chấp các vùng biển tại biển Đông; tranh chấp về tự do hàng hải, an ninh hàng hải.

Trước năm 1974: Triều Nguyễn, chính quyền bảo hộ Thực dân Pháp và Cộng hòa Việt Nam đã liên tục có những hoạt động thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Năm 1974,lợi dụng việc Việt Nam chuẩn bị giải phóng Miền Nam, Trung Quốc sử dụng vũ lực độc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Từ đó có những tranh chấp tuyên bố chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc.Đến nay, Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và cho xây dựng củng cố rất vững chắc, coi quần đảo Hoàng Sa là 1 huyện của tỉnh Hải Nam. Theo Công ước Luật biển thì quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là thềm lục địa mở rộng của Việt Nam.

Với sự bành trướng, ngang ngược và hung hăng, Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò chiếm hơn 80% diện tích của Biển Đông. Đường lưỡi bò này không giống bất kỳ một đường nào của Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc đã ngang nhiên công khai công bố đường lưỡi bò này ở Liên hợp quốc.Vừa qua, Trung Quốc lại chính thức cho phát hành bản đồ khổ dọc trong đó đường lưỡi bò nằm ở vị trí trung tâm và không phải 11 nét hay 9 nét mà là đường 10 nét đứt đoạn.

Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ độc chiếm biển Đông là để độc quyền khai thác tài nguyên trên biển Đông; Xây dựng căn cứ tàu ngầm; Đầu cơ tài nguyên thiên nhiên … Để đạt được ý đồ của mình, Trung Quốc sử dụng quyền lực mềm, sử dụng lực lượng lớn người gốc Hoa ở nước ngoài, củng cố các lực lượng trên biển, kết nối quân và dân, tăng cường quốc phòng, vận động quốc tế ủng hộ đường lưỡi bò, đối với các nước nhỏ láng giềng thì hăm dọa, tăng cường tuần tra trên biển,….

Với những tranh chấp leo thang, năm 2012, ASEAN và Trung Quốc đã ký một tuyên bố về phương thức ứng xử đa phương để giải quyết các vấn đề biển Đông viết tắt là DOC (Declaration on Conduct of the Parties in the Bien Dong Sea). Tuy nhiên, tình hình tại biển Đông thời gian gần đây cho thấy sự hợp tác giữa các nước đã suy giảm, DOC không phát huy được tác dụng, căng thẳng gia tăng đặc biệt là hành động của Trung Quốc rất manh động và rất chủ động trong các hoạt động sẵn sàng dùng vũ lực và đe dọa để đạt được mục đích chiếm giữ biển Đông.

Công ước Luật biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, được thừa nhận và luôn được viện dẫn trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp để bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa và các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hoà bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, Công ước là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò”.

Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Việt Nam là một quốc gia có biển, một nhân tố mà thế giới luôn xem như một yếu tố đặc lợi. Với 6 nguyên tắc đã được thỏa thuận để giải quyết vấn đề trên biển đã ký vào tháng 10/2011 giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề biển Đông. Vì vậy, Việt Nam chúng ta phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, hợp tác với các nước bạn để giữ yên biển Đông.

Kết thúc buổi nói chuyện, Phó Viện trưởng Vũ Thị Hiền đã thay mặt tập thể Viện cảm ơn và đánh giá cao những nội dung thời sự  được PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi trình bày. Theo bà Vũ Thị Hiền, đây là buổi nói chuyện rất có ý nghĩa, giúp cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động của Viện KHTCNN nắm bắt, hiểu rõ hơn về tình hình biển đảo của Việt Nam hiện nay cũng như các nước trên thế giới. Bà Hiền cũng đề nghị Công đoàn Viện sẽ tiếp tục tổ chức được nhiều buổi nói chuyện thời sự về tình hình an ninh biển đảo hơn nữa./.

 

Phạm Trang
Viện Khoa học tổ chức nhà nước 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục