Đằng sau phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yingluck và những nước cờ chính trị ở Thái Lan; Trung Quốc đối mặt "phép thử thật sự"; Saudi Arabia cấm 400.000 người hành hương bất hợp pháp vào thánh địa Mecca; Nga chưa tập trận, NATO lo xa
Người dân Thái Lan phản đối kế hoạch của Trung Quốc phá nổ trên sông Mekong
- Cập nhật : 07/05/2017
Kế hoạch của Trung Quốc cho phát nổ phần sông Mekong chảy qua khu vực giữa Thái Lan và Lào nhằm tạo đường cho tàu chở hàng cỡ lớn di chuyển đang vấp phải phản đối từ người dân địa phương.
Những người dân Thái Lan phản đối cho rằng không những hủy hoại môi trường, dự án này sẽ chỉ mang lại lợi nhuận thương mại cho Trung Quốc.
Theo Bangkok Post, một đội nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc từ hôm 18/4 đã tiến hành cuộc khảo sát kéo dài 50 ngày về thác ghềnh Khon Pi Long ở Chiang Rai (Thái Lan).
Tờ Bangkok Post đưa tin Trung Quốc dự định nghiên cứu về 15 phần thuộc thác ghềnh Khon Pi Long trải dài trên 96km của sông Mekong, khởi điểm từ Tam giác vàng (vùng núi biên giới 3 quốc gia Thái Lan, Lào và Myanmar) tới Kaeng Pha Dai tại Chiang Rai.
Động thái này khiến các nhà môi trường học địa phương lo sợ Trung Quốc có ý định loại bỏ thác ghềnh bằng thuốc nổ để tạo đường thuận lợi cho tàu bè lớn di chuyển. Điều này được cho là sẽ gây tổn hại lớn đến hệ sinh thái của con sông cũng như cuộc sống người dân địa phương.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời chuyên gia quan hệ quốc tế Paul Chambers tại Đại học Naresuan (Thái Lan) nhận định rằng Bắc Kinh muốn bỏ phần đá và bãi cát trên khu vực này của sông Mekong nhằm tạo đường cho các tàu hàng khoảng 500 tấn di chuyển từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tới Luang Prabang (Lào).
Ông Niwat Roykaew, Chủ tịch Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong đang tham gia phản đối dự án của Trung Quốc, nhận định rằng việc phát nổ trên dòng Mekong sẽ phá hủy môi trường sinh sản của cá, ngắt quãng đường di trú của các loài chim và tăng lượng nước chảy gây xói mòn đất đai nông nghiệp bên bờ sông.
Sự phản đối này là một minh chứng phản ánh thách thức đối với tham vọng của Trung Quốc trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm xây dựng con đường tơ lụa hiện đại qua châu Á và châu Âu.
Hãng thông tấn Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin liên quan tới dự án này.
Thái Lan, Lào và Myanmar đã đồng ý để Trung Quốc tiến hành công việc khảo sát thực địa với nguồn kinh phí do phía Bắc Kinh đảm nhận tuy nhiên đề xuất phá nổ trên dòng Mekong sẽ cần thêm nghiên cứu sâu và nhiều sự cho phép khác.
Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nêu rõ rằng nếu đưa ra cân nhắc thì việc cân bằng môi trường quan trọng hơn phát triển kinh tế.
Hà Linh/Báo Tin Tức