Đằng sau phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yingluck và những nước cờ chính trị ở Thái Lan; Trung Quốc đối mặt "phép thử thật sự"; Saudi Arabia cấm 400.000 người hành hương bất hợp pháp vào thánh địa Mecca; Nga chưa tập trận, NATO lo xa
Thái Lan ký xong hợp đồng mua ba tàu ngầm Trung Quốc
- Cập nhật : 07/05/2017
Sau các tranh cãi, Thái Lan ngày 5-5 đã hoàn tất ký hợp đồng mua ba tàu ngầm S26T từ Trung Quốc.
Thái Lan và Trung Quốc ngày 5-5 đã ký hợp đồng chuyển giao ba tàu ngầm S26T mà lực lượng hải quân Thái Lan có kế hoạch mua từ Trung Quốc với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Các tàu ngầm này sẽ được chuyển giao cho phía Thái Lan trong vòng 11 năm tới.
Theo Bangkok Post, các đại diện của Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Tập đoàn đóng tàu quốc doanh CSOC của Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm đóng ba tàu ngầm trên, đã ký hợp đồng ngày 5-5 với một số thay đổi đã được bổ sung sau khi phía Thái Lan và Trung Quốc xem xét.
Theo hợp đồng, Thái Lan sẽ mua ba tàu ngầm S26T lớp Nguyên với tổng trị giá 36 tỉ baht (1 tỉ USD) với 700 triệu bath (20,2 triệu USD) phải được thanh toán trong vòng 45 ngày tính từ ngày ký. Tàu ngầm đầu tiên có giá 390 triệu USD dự kiến sẽ được bàn giao cho hải quân Thái Lan trong sáu năm tới. Trung Quốc cũng đồng ý cấp miễn phí các tên lửa CM-708 đi kèm, loại tên lửa được phóng từ tàu ngầm với tầm bắn 290 km.
Một tàu ngầm lớp Nguyên của Hải quân Trung Quốc đậu tại cảng hải quân Chu San ở tỉnh Triết Giang, miền đông Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK
Hôm 18-4, Thái Lan thông qua khoản chi 390 triệu USD để mua tàu ngầm đầu tiên. Nhiều chính trị gia và nhà hoạt động xã hội đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của hợp đồng tới kinh tế và ngân sách quốc phòng Thái Lan. Họ cho rằng hợp đồng này sẽ “ngốn” toàn bộ ngân sách quân sự dùng cho trường hợp khẩn cấp trong khi hiệu quả thực sự của các tàu ngầm S26T cũng bị đặt nghi vấn.
Hôm 28-4, truyền thông Thái Lan cho biết Văn phòng Ủy ban kiểm toán (OAG) của nước này quyết định mở một cuộc điều tra nhằm vào kế hoạch mua ba tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Thái Lan theo sau sự chỉ trích của công luận.
Tàu ngầm lớp S26T được chế tạo theo mô hình tàu ngầm diesel Type 039A lớp Nguyên của Trung Quốc. S26T dài 78 m và rộng 9 m với lượng giãn nước 3.600 tấn. Theo Bangkok Post, S26T được trang bị hệ thống đẩy khí độc lập AIP mới nhất, cho phép loại tàu ngầm này hoạt động dưới nước trong 21 ngày liên tiếp. Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân thông thường chỉ có thể lặn từ 7-10 ngày rồi phải nổi lên.
BẢO ANH
Theo PLO.vn