Sự hợp tác này năm trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng thỏa thuận ký tháng 9/2011, bao gồm trợ giúp an ninh và các chương trình trao đổi giáo dục giữa quân đội hai nước.
Ba cách tiếp cận của Mỹ cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương
- Cập nhật : 03/06/2017
Tại diễn đàn an ninh châu Á-Thái Bình Dương ngày 3.6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã vạch ra 3 cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng cho khu vực.
Mỹ sẽ tăng cường củng cố sức mạnh quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo an ninh tại khu vực REUTERS
Trong phần đầu của bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nêu lên quan điểm của Mỹ về những thách thức an ninh chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó bao gồm mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, hoạt động bồi đắp và quân sự hóa đảo nhân tạo tại Biển Đông và tình hình khủng bố.
Trước những thách thức đó, Bộ trưởng Mattis vạch ra 3 cách tiếp cận của Mỹ nhằm đạt được sự ổn định trong khu vực.
Thứ nhất, Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các liên minh sẽ giúp thúc đẩy hòa bình, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế giữa các nước chia sẻ chung tầm nhìn, đồng thời giúp hóa giải mưu đồ tấn công của một số nước.
Ông Mattis nói rằng Mỹ và Nhật Bản đang thi hành đường lối quốc phòng nhằm củng cố an ninh khu vực bằng những chiến dịch quy mô rộng hơn. Đối với Hàn Quốc, Mỹ đang hợp tác nhằm bảo vệ nước này trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang đào tạo và hỗ trợ lực lượng Philippines trong cuộc chiến chống các tổ chức vũ trang cực đoan ở miền nam nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng với các nước đồng minh khác như Úc và Thái Lan. Ngoài việc tăng cường quan hệ đồng minh song phương, Mỹ cũng khuyến khích tạo ra sự kết nối trong toàn khu vực.
Thứ hai, Mỹ khuyến khích, hỗ trợ các nước trong khu vực để những nước này có thể đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định của chính mình. Mỹ khuyến khích các nước chủ động tìm kiếm cơ hội và quan hệ đối tác với những nước có cùng chí hướng để giữ vững hòa bình.
Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước châu Á-Thái Bình Dương đối với ổn định trong khu vực và Mỹ sẽ tiếp tục cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác để giải quyết các thách thức từ an ninh biển cho đến mối đe dọa khủng bố.
Cuối cùng, Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của nước này tại châu Á-Thái Bình Dương vì theo Bộ trưởng Mattis, "an ninh là nền tảng cho sự thịnh vượng, giúp khơi thông dòng chảy thương mại".
Ông Mattis nhấn mạnh vai trò của quân sự là nhằm tạo điều kiện cho những nỗ lực ngoại giao đạt thành công, giúp Ngoại trưởng Rex Tillerson và các nhà ngoại giao giải quyết những vấn đề khó khăn với một lập trường mạnh mẽ. Ngoài ra, ông Mattis còn cho biết đang làm việc với các nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc tăng cường lực lượng trong khu vực nhằm tìm kiếm sự đầu tư lớn về ngân sách cho kế hoạch này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, có 60% tàu hải quân, 55% lực lượng lục quân và 2/3 đội tàu của thủy quân lục chiến đang thuộc sự quản lý của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và lực lượng tại đây sẽ nhận được sự đầu tư, bổ sung lớn trong thời gian sắp tới.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien.vn