Triều Tiên xem nhẹ khả năng đánh chặn tên lửa của Mỹ
Triều Tiên hôm 3-6 chỉ trích việc Mỹ bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong vụ thử hồi đầu tuần, nhưng cho rằng Washington không thể ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuyên bố với hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), người phát ngôn Lực lượng Chiến lược Triều Tiên (NKSF) nhận định vụ thử diễn ra hôm 30-5 nói trên là một động thái khiêu khích quân sự.
"Hành động nguy hiểm này là một dấu hiệu cho thấy quá trình chuẩn bị chiến tranh hạt nhân của Mỹ nhắm vào Triều Tiên đã bước sang giai đoạn cuối cùng" – người phát ngôn NKSF tuyên bố.
Quan chức này đồng thời khẳng định Mỹ sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng có thể ngăn chặn được vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. "Họ đã lầm nếu nghĩ rằng hệ thống đánh chặn tên lửa của họ có thể ngăn được một vụ tấn công hạt nhân của NKSF" - phát ngôn viên NKSF khẳng định, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ tan thành tro bụi nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Triều Tiên hôm 3-6 khẳng định Mỹ không đủ khả năng ngăn chặn vũ khí hạt nhân của quốc gia này. Ảnh: AP
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là để đối phó với những mối đe dọa "thực sự" đến từ Triều Tiên.
"THAAD được triển khai ở Hàn Quốc không phải là để bảo vệ công dân nước này trước những mối đe dọa mơ hồ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng…Vấn đề này xuất phát từ Triều Tiên" – ông Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 3-6.
Ông Mattis tuyên bố sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Triều Tiên trên cơ sở hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Trung Quốc. Cũng theo ông Mattis, tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không phải là một vấn đề mới nhưng Bình Nhưỡng đã đẩy nhanh tiến độ phát triển loại vũ khí này. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định "không thể để tình hình hiện tại tiếp diễn".
Phát biểu trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc vì lo ngại rằng Washington sẽ dùng radar của hệ thống này "do thám" lãnh thổ và năng lực quốc phòng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Mattis khẳng định Trung Quốc là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đối phó với Triều Tiên, trong lúc kêu Bắc Kinh có hành động cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.(NLĐ)
----------------------------------
Bộ trưởng quốc phòng Hàn-Mỹ vẫn duy trì thỏa thuận về THAAD
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo đã khẳng định với người đồng cấp Mỹ Jim Mattis rằng Seoul sẽ không tìm cách hủy bỏ thỏa thuận hiện nay về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc.
Trong cuộc hội đàm song phương tại Singapore, ông Han cho biết đã giải thích về cuộc tranh cãi chính trị lớn ở Hàn Quốc liên quan tới tình trạng thiếu minh bạch trong quá trình đưa THAAD tới nước này.
Ông nhấn mạnh rằng, điều đó "hoàn toàn nằm trong phạm vi nội bộ" và chính phủ mới ở Hàn Quốc sẽ không tìm cách thay đổi quyết định về THAAD cũng như không gửi đi bất cứ thông điệp khác nào cho Washington.
[Hàn Quốc khẳng định không đảo ngược thỏa thuận THAAD với Mỹ]
Thông tin trên được ông Han đưa ra trước báo giới sau cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Mattis đã bày tỏ lập trường rằng, ông "hiểu và tin tưởng" vào những gì ông Han nói.
Tuy nhiên, ông Mattis không trả lời truyền thông về cuộc thảo luận này.(Vietnam+)
--------------------------
Ba tàu sân bay Mỹ - Nhật rầm rộ tập trận đe Triều Tiên
Đây là một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm vào Triều Tiên với sự tham gia của 3 tàu sân bay cùng 12 tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ - Nhật, thể hiện khả năng tác chiến liên hợp giữa Mỹ - Nhật ở mức chưa từng có.
Từ ngày 1 - 3/6/2017, Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận chung ở biển Nhật Bản. Ảnh: Guancha
Tờ Nhân Dân (Trung Quốc) ngày 3/6 dẫn lời Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ngày 1/6 cho biết tàu sân bay trực thăng Hyuga cùng các tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan của quân đội Mỹ và biên đội đi kèm cùng ngày đã tiến hành huấn luyện chung ở vùng biển Nhật Bản.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng hành động này của Mỹ và Nhật Bản vừa tăng cường khả năng tác chiến liên hợp song phương vừa gây sức ép quân sự lên Triều Tiên.
Hình ảnh do Hạm đội 7 Mỹ công bố cho thấy tàu sân bay trực thăng Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chạy giữa hai tàu sân bay của quân đội Mỹ.
Quân đội Mỹ cho biết, cuộc tập trận chung bắt đầu từ ngày 31/5 và kéo dài vài ngày. quân đội Mỹ cử 2 cụm tấn công tàu sân bay với 10 chiếc tàu chiến tham gia. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cử tàu sân bay trực thăng Hyuga, tàu khu trục Aegis Ashigara DDG-178 cùng các máy bay chiến đấu F-15 thuộc trung đoàn không quân số 6 ở căn cứ không quân Komatsu tham gia.
Hạm đội 7 Mỹ còn cung cấp thông tin cụ thể hơn cho hay, trong cuộc tập trận lần này, ngoài 2 tàu sân bay, còn có các tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 và USS Shiloh CG-67; các tàu khu trục tên lửa như USS Wayne E. Meyer DDG-108, USS Michael P. Murphy DDG-112, USS Barry DDG-52, USS McCampbell DDG-85, USS Fitzgerald DDG-62 và USS Mustin DDG-89.
Căn cứ vào công bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận này được gọi là “huấn luyện chung Mỹ - Nhật”, mục đích là nâng cao kỹ năng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không, tăng cường hiệp đồng với hải quân Mỹ. Còn theo trang Facebook của Hạm đội 7 Mỹ, quân đội Mỹ gọi cuộc tập trận này là “huấn luyện thường lệ”.
Trước đó, Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn không công bố trước kế hoạch tập trận chung. Chỉ có hãng tin CNN Mỹ cho hay tàu USS Carl Vinson và tàu USS Ronald Reagan có kế hoạch tập trận chung, không đề cập đến việc tham gia của phía Nhật Bản.
Theo báo chí Nhật Bản, khi tàu Hyuga xuất phát, kế hoạch tập trận chung với các tàu sân bay Mỹ vẫn chưa được xác định cuối cùng. Vì vậy, báo chí Nhật Bản phổ biến coi cuộc tập trận này là một cuộc "tập trận lâm thời".
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng nếu 2 tàu sân bay tiến hành huấn luyện chung trong thời gian ngắn thường không thể xác định và thực hiện trong chỉ vài ngày, mà nó phải có kế hoạch trước.
Nếu tàu sân bay hai nước có thể tiến hành tác chiến liên hợp trong thời gian ngắn thì điều này cho thấy khả năng tổ chức, khả năng hiệp đồng và khả năng bảo đảm giữa hai bên đã đạt trình độ rất cao. Nhật Bản nhấn mạnh đến việc hình thành biên đội tác chiến liên hợp với quân đội Mỹ, muốn dựa vào sức mạnh của Mỹ để nhân lên sức mạnh cho mình.
Đối với cuộc tập trận có sự tham gia của 3 tàu sân bay lần này giữa Mỹ - Nhật, chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long cho rằng biên đội mạnh và khả năng chiến đấu thực tế của 2 tàu sân bay cho thấy độ sâu và độ chặt chẽ trong tác chiến liên hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ đã đạt mức chưa từng có.
Trong biên đội của quân đội Mỹ, tàu chiến Nhật Bản không còn chỉ đóng "vai trò nhỏ". Ngoài ra, Mỹ thông qua cuộc tập trận chung này để phô diễn sức mạnh đối với Triều Tiên nhằm duy trì sức ép quân sự liên tục và mạnh mẽ đối với Triều Tiên.
Cuộc tập trận lần này giữa Mỹ - Nhật được tiến hành ngay sau khi Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến biển Nhật Bản vào cuối tháng 5/2017. Điểm rơi của tên lửa cách bờ biển Nhật Bản khoảng 300 km, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. (Viettimes)