Việc hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất khí tài với Ấn Độ là cơ hội cho Việt Nam phát huy thế mạnh của mình.
Ấn Độ: Nhân tố mới cho ổn định Biển Đông?
- Cập nhật : 28/08/2017
Việt Nam ngày càng trở thành trọng tâm cho chính sách "Hành động hướng Đông" (Act East) của Ấn Độ.
Việt Nam ngày càng trở thành trọng tâm cho chính sách "Hành động hướng Đông" (Act East) của Ấn Độ.Nguồn ảnh: Quartz
Vào tuần trước, đã rộ lên tin Việt Nam mua tên lửa hành trình chống hạm BrahMos từ Ấn Độ. Tuy phía Ấn Độ phủ nhận và phía Việt Nam không tiết lộ cụ thể gì về thương vụ này, nhưng rõ ràng có thể thấy Việt Nam ngày càng trở thành trọng tâm cho chính sách "Hành động hướng Đông" (Act East) của Ấn Độ.
Năm ngoáiThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viếng thăm Việt Nam Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ trong 15 năm qua, và cũng là một thông điệp rõ ràng về việc Ấn Độ hiện coi trọng Việt Nam như thế nào.
Chính phủ của ông Modi đã không giấu diếm mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ông Modi đã lập luận rằng Ấn Độ có thể là một điểm neo cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở châu Á và châu Phi. Do đó, việc tăng cường hợp tác với Việt Nam không phải là điều ngạc nhiên.
Việc Ấn Độ tăng cường thắt chặt quan hệ với Việt Nam đến vào thời điểm Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Sự quan tâm của New Delhi với Việt Nam cũng nằm trong khu vực quốc phòng. Cường quốc đông dân thứ nhì thế giới muốn xây dựng mối quan hệ với các nước như Việt Nam để họ có thể tạo thêm đối trọng với Trung Quốc.
Cả 2 phía Ấn Độ và Việt Nam có đều có thể góp phần vào việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, và chia sẻ mối quan ngại về Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ đang giúp Việt Nam xây dựng năng lực để sửa chữa và duy trì các khí tài quốc phòng. Đồng thời, quân đội Ấn Độ đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh với phía Việt Nam.
Hai nước cũng có thể có cùng một người bạn chung: nước Mỹ. Cả 3 nước đã xích lại gần nhau hơn trong vấn đề Trung Quốc.
Phạm vi ảnh hưởng
Hồi tháng 10/2011, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Việt Nam để mở rộng và thúc đẩy thăm dò dầu ở Biển Đông, bất chấp sự thách thức từ Trung Quốc.
Khi đó, New Delhi được Trung Quốc thông báo là cần phải có sự chấp thuận của Bắc Kinh cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Videsh (ONGC Videsh) của Ấn Độ được phép thăm dò các lô 127 và 128 của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã trích dẫn Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển để khẳng định chủ quyền của mình.
Về phía Ấn Độ, nước này ngay lập tức ủng hộ Việt Nam. Bằng cách chấp nhận lời mời của Việt Nam để thăm dò 2 lô này, ONGC Videsh không chỉ thể hiện mong muốn của Ấn Độ để tăng cường tình hữu nghị với Việt Nam, mà còn bỏ qua yêu sách của Trung Quốc.
Bây giờ, Việt Nam đang dần dần trở thành một trọng tâm trong chính sách "Hành động phía Đông" của Ấn Độ. Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, thì Ấn Độ cũng có thể làm điều tương tự ở Đông Á. Nếu Trung Quốc có thể có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và phớt lờ các mối quan ngại của Ấn Độ, Ấn Độ cũng có thể phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là New Delhi sẵn sàng thách thức Bắc Kinh. Lập trường này đang được chào đón bởi các quốc gia lo ngại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Việc Ấn Độ tăng cường ảnh hưởng sẽ góp phần cân bằng cán cân quyền lực và góp phần ổn định khu vực.
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn