Cho đến nay, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về chính sách và cách xử lý của Mỹ dưới thời Donald Trump đối với tình hình Biển Đông.
'Tuần trăng mật' Trump - Tập đã hết?
- Cập nhật : 25/06/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự thất vọng ra mặt với Trung Quốc trong vấn đề kiềm chế Triều Tiên. Nói như một số nhà quan sát, nhà lãnh đạo Mỹ đã vỡ mộng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu riêng của ông Trump tại Florida hồi đầu tháng 4 - Ảnh: Reuters
Washington xem Bắc Kinh là chìa khóa trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng trước hết là kiềm chế Bình Nhưỡng tiến hành các động thái mà Mỹ và đồng minh coi là "khiêu khích".
Trên thực tế, cách tiếp cận này không mới, là sự tiếp nối chính sách cũ của chính quyền tiền nhiệm, song dưới thời ông Trump, sự kỳ vọng vào vai trò của Trung Quốc trong chính phủ Mỹ chưa khi nào nhiều đến thế.
Nhưng hi vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn, quy luật là vậy.
"Mặc dù tôi rất trân trọng những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, sự hỗ trợ đó đã không đi đến kết quả nào. Nhưng ít ra, tôi biết Trung Quốc đã có cố gắng", Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 21-6, một tuyên bố kiểu vừa ghi nhận những cũng vừa xóa bỏ các nỗ lực của Bắc Kinh.
Nỗi thất vọng không giấu đi đâu được đó sẽ sớm được hiện thực hóa thành các bước đi và những thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, giới quan sát nhận định.
Những lá bài của Mỹ
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước.
Thế nhưng, kể từ sau lần gặp đó, đi ngược lại với kỳ vọng của Washington, Bình Nhưỡng không có dấu hiệu từ bỏ chương trình tên lửa, thậm chí, tần suất bắn tên lửa ngày càng dày đặc. Trong vòng 3 tháng, Triều Tiên 7 lần bắn thử tên lửa, trong đó chỉ tính riêng trong tháng 4 - khoảng thời gian trước và sau khi ông Tập gặp ông Trump, tới 5 lần.
Tổng thống Trump không tiết lộ những gì ông sẽ làm sau phát biểu trên Twitter. Nhưng theo một số chuyên gia chính trị Mỹ, ông Trump sẽ đi đến một bước đi mà chưa chính quyền tiền nhiệm nào dám mạnh tay làm: trừng phạt thẳng tay các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, chỉ duy nhất một công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, theo báo Washington Post.
Một con bài khác: quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. Còn nhớ, khi vừa mới đắc cử, ông Trump đã lập tức đem chuyện này ra mặc cả, nói thẳng rằng Mỹ không việc gì phải thừa nhận Đài Loan thuộc Trung Quốc nếu không đạt được lợi ích gì đó.
Trước khi ông Obama rời nhiệm sở, Bộ Ngoại giao Mỹ đang trong quá trình chuẩn bị hợp đồng cung cấp vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan. Vì muốn làm đẹp lòng Trung Quốc để đổi lấy sự ủng hộ trong vấn đề Triều Tiên và nhiều vấn đề khác, Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm hoãn việc này lại.
Nay, sự thất vọng của ông Trump có thể dẫn tới việc khởi động lại tiến trình xem xét bán vũ khí cho Đài Loan. Nhiều quan chức trong chính phủ, sau thời gian im lặng vì thái độ hòa hoãn của ông Trump, đang cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ và đẩy nhanh việc này, theo báo Washington Post.
Ba tàu sân bay, 9 tàu khu trục của Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành tập trận "thường niên" gần bán đảo Triều Tiên chỉ vài ngày trước khi HĐBA bỏ phiếu thông qua dự thảo tăng cường trừng phạt Triều Tiên do Mỹ và Trung Quốc đề xuất - Ảnh: USPACOM
Biển Đông và sự hiện diện của quân đội Mỹ
Gần bốn tháng sau khi ông Trump nhậm chức, Hải quân Mỹ mới tiến hành chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Điều này làm dấy lên suy đoán Washington đang mặc cả vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho đáng, đó hẳn là tư duy của Lầu Năm Góc cộng với những toan tính của chính quyền Donald Trump.
Chuyến đi của tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Dewey hồi cuối tháng 5 vừa qua đã đặt ra thách thức chưa từng có đối với yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Thời điểm đó, Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, trong một điều trần mới đây ở Thượng viện Mỹ, đã mập mờ khẳng định sự xuất hiện của Mỹ ở Biển Đông sẽ "mang tính chiến lược và lâu dài". Ông Mattis nhấn mạnh ông cần thấy một chiến lược toàn diện chứ không phải các đợt tuần tra riêng lẻ trên Biển Đông.
Nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ trong diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng này cũng nói về mối quan hệ giữa ngoại giao và quân sự, nhấn mạnh quân sự tạo điều kiện để ngoại giao thành công. Ông Mattis cho rằng Trung Quốc cần phải hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên bởi đó cũng chính là lợi ích của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó nói nhẹ nhàng nhưng hàm ý đe dọa rất rõ: chừng nào Triều Tiên còn bắn tên lửa, thử hạt nhân, Mỹ sẽ còn đưa vũ khí đến bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cách nhấn nhá và những tuyên bố của các quan chức Mỹ cho thấy khả năng Mỹ thay đổi lực lượng quân sự theo hướng tăng cường hiện diện là có thể xảy ra trong thời gian tới, khi Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Donald Trump đã "vỡ mộng".
Trung Quốc không giúp hay ông Trump thiếu kiên nhẫn?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau tuyên bố "thất vọng" của ông Trump đã lên tiếng khẳng định Bắc Kinh đang nỗ lực không ngớt trong vấn đề Triều Tiên.
"Giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên đòi hỏi phải có những nỗ lực chung, sẽ chẳng có tác dụng gì nếu chỉ dựa vào một mình Trung Quốc. Vai trò của Trung Quốc là không thể thay thế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh ngày 21-6.
Việc dự thảo trừng phạt bổ sung Triều Tiên do Mỹ và Trung Quốc đề xuất được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 3-6 có thể xem là trái ngọt sau "tuần trăng mật" Trump - Tập. Bắc Kinh cũng đã ngừng nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng, góp phần đẩy giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc giảm gần 30% so với cùng kỳ tháng 5, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, trước các diễn biến thực địa trên bán đảo Triều Tiên, dường như người Mỹ cần Trung Quốc làm nhiều hơn thế.
Trên thực tế, tuyên bố kiểu vừa đấm vừa xoa của Tổng thống Trump đang gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng học giả Trung Quốc.
Nhóm thứ nhất theo quan điểm thời gian sẽ trả lời tất cả. Ông Lu Chao thuộc Viện khoa học xã hội Liêu Ninh khẳng định: "Trung Quốc đã làm tốt nhất những gì có thể. Các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng. Chờ thêm một xíu thời gian nữa, nền kinh tế Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng đáng kể".
Nhóm thứ hai thì theo quan điểm "Đừng tin những gì Trump nói mà hãy nhìn những gì Trump làm".
"Chính phủ Trung Quốc không xem các tuyên bố trên Twitter của ông Trump đại diện cho toàn bộ chính quyền ở Washington. Họ (Bắc Kinh) không xem chuyện đó là nghiêm túc. Ông ta thay đổi xoành xoạch", ông Cheng Xiaohe, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin (Trung Quốc) nhận định với báo New York Times.
DUY LINH
Theo Tuoitre.vn