Tàu chiến Kaga dự kiến sẽ cập cảng một số nước Đông Nam Á cũng như các hải cảng của Ấn Độ, Sri Lanka và tham gia tập trận trong khu vực.
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 16/3 cho hay, ngày 14/3, trả lời phỏng vấn về thông tin tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản sẽ đến Biển Đông tiến hành huấn luyện trong thời gian tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Trung Quốc "không lo lắng gì" về việc này.
Theo bà Oánh, nếu tàu Izumo chỉ đến thăm vài nước và đi qua Biển Đông một cách bình thường thì Trung Quốc không dị nghị. Nhưng nếu đến Biển Đông với "ý đồ khác" thì là chuyện bất thường.
Từ năm 2016 đến nay, không ít quan chức cấp cao Nhật Bản, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada cho biết, sẽ điều tàu chiến tham gia hành động "tự do đi lại" của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Sau đó, do Chính phủ Trung Quốc vài lần đưa ra cảnh cáo gay gắt, Nhật Bản đã từ bỏ ý định này.
Lần này, báo chí Anh dẫn nguồn tin cho biết đến tháng 5/2017, Nhật Bản sẽ điều tàu sân bay trực thăng Izumo, tàu chiến lớn nhất của nước này đến Biển Đông tiến hành "tuần tra".
Tàu Izumo chủ yếu có chức năng săn ngầm và chỉ huy, đồng thời còn là trung tâm hàng không biên đội tàu chiến và có khả năng chi viện tác chiến đổ bộ.
Trung Quốc cho rằng, bất kể tàu Izumo đến thăm Indonesia, Philippines, Sri Lanka hay tham gia cuộc tập trận với Ấn Độ và Mỹ thì Trung Quốc cũng "không lo ngại", nhưng tuyệt đối không thể "không để ý".
Là một tàu chiến cỡ lớn có radar mảng pha, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và lượng giãn nước tiêu chuẩn gần 20.000 tấn, sự xuất hiện của tàu Izumo ở các vùng biển xung quanh có căn cứ chính của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc là "một mối đe dọa" – Sina nhấn mạnh.
Theo Sina, người Nhật Bản còn giỏi "đầu cơ mạo hiểm", bất kể giữ cảnh giác thế nào cũng không quá thừa. Điều này đã phản ánh trong ý nói nêu trên của bà Hoa Xuân Oánh .
Tàu sân bay trực thăng Izumo dài 248 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.500 tấn, lượng giãn nước đầy hơn 20.000 tấn, có thể chở 14 - 20 máy bay trực thăng (kích cỡ khác nhau thì số lượng sẽ khác nhau), có thể đồng thời cất hạ cánh 5 máy bay trực thăng.
Vòng bảo vệ thiết bị định vị thủy âm ở đầu tàu Izumo ngắn hơn so với tàu sân bay trực thăng cỡ nhỏ hơn 16DDH. Là tàu chỉ huy của biên đội tác chiến săn ngầm biển xa, Izumo tham gia vào hạm đội của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ làm tăng gấp đôi khả năng săn ngầm, phạm vi vùng biển bao quát cũng tăng lên vài lần.
Nguyên nhân chính là do tàu Izuno có thể chở khoảng 20 máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K và có khả năng thông tin và xử lý tình báo mạnh. Izumo đến Biển Đông có thể thu thập các số liệu về máy bay chiến đấu của Hạm đội Nam Hải, có thể tuần tra vùng biển thường đi lại của tàu ngầm.
Trung Quốc đã sớm xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân thứ hai ở Tam Á, Hải Nam và đã triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093. Trung Quốc triển khai bất hợp pháp radar, máy bay chiến đấu và tên lửa ở các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông sẽ giúp cho hoạt động của tàu ngầm hạt nhân an toàn hơn.
Trước đây máy bay chiến đấu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện, cảnh cáo, xua đuổi các máy bay săn ngầm P-3C, P-8 của Mỹ chủ yếu là để yểm trợ cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.
Tàu Izumo đến Biển Đông và ở lại trong thời gian dài sẽ gây phiền phức nhất định cho Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc có khả năng không cho tàu ngầm hạt nhân hoạt động, nhưng tàu Izumo vẫn có thể thu thập số liệu về tình hình thủy văn, thăm dò tình hình tuyến đường ra vào của tàu ngầm Trung Quốc, gây tổn thất cho Quân đội Trung Quốc.
Vì vậy, cùng với việc đề phòng nghiêm túc với khả năng tàu Izumo tạo ra thách thức cho “chủ quyền và quyền lợi” của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc phải tìm cách ngăn chặn các hoạt động thu thập tình báo của tàu Izumo.
Đối đầu giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Mỹ ở Biển Đông đã diễn ra từ lâu và nó được tăng cường khi Trung Quốc triển khai các hoạt động xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong lực lượng tàu chiến, máy bay của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã thu được nhiều kinh nghiệm từ các cuộc đối đầu này.
Dưới sự điều hành của Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp, sau khi rời cảng, nhất cử nhất động của tàu sân bay trực thăng Izumo chắc chắn sẽ bị hệ thống tình báo công nghệ của quân đội Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Khi tàu chiến này của Nhật Bản đi vào Biển Đông thì Trung Quốc sẽ sử dụng các hệ thống như vệ tinh, máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo sớm, tàu trinh sát mặt nước tiến hành “tiếp đón nhiệt tình”.
Cùng với việc nắm các động thái theo thời gian thực, các tàu khu trục, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc sẽ theo đuôi để giám sát tàu Izumo Nhật Bản. Lực lượng đường không của Hạm đội Nam Hải có tới trên 70 máy bay trong đó có máy bay chiến đấu hạng nặng J-11B/BH, máy bay chiến đấu ném bom JH-7A cũng sẽ “chờ đợi”.
Do tàu Izumo hoạt động trên Biển Đông trong thời gian tương đối dài, những máy bay chiến đấu nêu trên của Trung Quốc có thể cũng được triển khai bất hợp pháp ở các “đảo” thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời có thể cất cánh sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.
Nếu Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp của Chiến khu miền Nam, quân đội Trung Quốc phát hiện tàu Izumo có các động thái lạ (chẳng hạn nhiều lượt cất cánh máy bay trực thăng săn ngầm, hơn nữa hoạt động ở vùng biển nhạy cảm) thì tàu khu trục, tàu hộ vệ Trung Quốc chắc chắn sẽ xuất hiện, tiến hành cảnh cáo bằng âm tần, đến gần cảnh cáo, thậm chí cản đường, quấy rối và ngăn chặn các hoạt động của biên đội Izumo.
Giống như phản ứng nhanh với việc tàu chiến Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đứng trước tàu sân bay trực thăng Izumo, hành động cảnh cáo của tàu chiến mặt nước Hải quân Trung Quốc cũng sẽ kiên quyết.
Giống như xua đuổi tàu chiến Mỹ, số lượng tàu khu trục, tàu hộ vệ thực hiện công việc này có thể là 1 tàu khu trục cộng với 1 hoặc vài tàu hộ vệ. Nếu tàu Izumo độc lập hoạt động thì quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng 1 tàu khu trục cộng với 1 tàu hộ vệ để ứng phó. Nếu tàu Izumo hoạt động theo biên đội thì Trung Quốc sẽ tăng số lượng tàu chiến đối phó tương ứng.
Hạm đội Nam Hải có nhiều sự lựa chọn về loại tàu chiến trong việc ứng phó. Để đối phó với tàu Izumo hoạt động độc lập, dưới sự chỉ huy của tàu khu trục 051 cải tiến và tàu khu trục 052B/C/D, Trung Quốc sử dụng tàu hộ vệ Type 053H1G, tàu hộ vệ Type 054, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 để đối phó.
Để ứng phó biên đội tàu sân bay Izumo thì căn cứ vào số lượng tàu chiến của biên đội này để điều chỉnh chủng loại, số lượng tàu chiến cho phù hợp.
Dựa trên nguyên tắc lịch sử và thực lực hiện nay, quân đội Trung Quốc có thể tiến hành đáp trả kiên quyết hơn với các hoạt động “khiêu khích” từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, mức độ cũng có thể sẽ lớn hơn. Ngoài hành động của tàu chiến mặt nước, máy bay chiến đấu của Hạm đội Nam Hải triển khai ở vùng trời lân cận và cất cánh từ các đảo cũng sẽ được điều đến “cảnh cáo” tàu Izumo.
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Nếu cần thiết, máy bay chiến đấu J-11BH quân đội Trung Quốc áp dụng thủ đoạn mà máy bay chiến đấu Nga thường xuyên làm với tàu sân bay Mỹ, bay áp sát tàu Izumo, thậm chí có động tác nguy hiểm hơn.
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 lắp tên lửa chống hạm tiến hành khóa chết radar điều khiển hỏa lực đối với tàu Izumo cũng có thể là một phương án lựa chọn.
Nhật Bản đã sớm tiết lộ thông tin tàu sân trực thăng Izumo đến Biển Đông và đi thăm một số nước liên quan có khả năng cũng là một loại “thăm dò”. Vừa thăm dò phản ứng của Mỹ sau khi lấy lòng Mỹ, vừa thăm dò phản ứng của Trung Quốc sau khi “hé lộ” cho Trung Quốc.
Nếu thấy có thể tận dụng và có lợi, Nhật Bản chắc chắn sẽ triển khai thực hiện. Nếu Mỹ không vui hoặc Trung Quốc chọn cách đáp trả bằng các thủ đoạn gây đau đầu cho Nhật Bản thì họ có thể tiếp tục “rút lại” tuyên bố.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn