Triều Tiên dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ vào ngày 12-6, ông Trump tin rằng ông Tập Cận Bình có thể đứng sau vụ này.
Ông Tập nói gì với ông Trump khi điện đàm?
- Cập nhật : 03/07/2017
Trong cuộc điện đàm ngày 2-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc nhở tổng thống Donald Trump tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc”.
Truyền thông chính thống của Trung Quốc ngày hôm nay (3-7) đã thông tin về những gì mà lãnh đạo nước này đề cập với ông chủ Nhà Trắng trong cuộc điện đàm giữa hai bên.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã chia sẻ quan điểm cho rằng quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ đã "đạt được những thành quả quan trọng" kể từ sau chuyến thăm của ông tới Mỹ hồi tháng 4-2017, song mối quan hệ này "đã bị chi phối bởi một số yếu tố tiêu cực".
Mặc dù không đề cập chi tiết đến những "yếu tố tiêu cực", ông Tập Cận Bình hi vọng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ "giải quyết thỏa đáng" mọi vấn đề liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc) phù hợp với nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Cái gai hợp đồng vũ khí
“Chúng tôi theo dõi rất sát sao cách thức áp dụng chính sách Một Trung Quốc mà Ngài tổng thống đã tuyên bố. Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến Đài Loan phù hợp theo nguyên tắc Một Trung Quốc và theo các thông cáo đã có về việc thiết lập các quan hệ ngoại giao”, các cơ quan truyền thông Trung Quốc dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo trang Sputnik của Nga, tổng thống Donald Trump có đảm bảo với Chủ tịch Trung Quốc rằng Washington “sẽ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc” và điều đó là không thay đổi.
Lời nhắc nhở của ông Tập về chuyện Đài Loan được cho là liên quan đến hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan được chính quyền ông Trump thông báo với Quốc hội Mỹ hôm 29-6.
Kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan lần này sẽ cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, và là lần bán đầu tiên dưới chính quyền ông Trump.
Gói hợp đồng lần này bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống radar cảnh báo sớm, các tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, các ngư lôi và các cấu thành của tên lửa.
Binh sĩ Đài Loan phóng tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận bắn đạn thật Han Guang hồi tháng 8-2015 - Ảnh: AFP
Theo đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert cho biết thương vụ trị giá 1,42 tỉ USD này sẽ không vi phạm Đạo luật Quan hệ Đài Loan vốn là cơ sở cho những liên lạc của Mỹ với hòn đảo này.
"Chúng tôi tin rằng nó cho thấy sự ủng hộ của chúng tôi đối với khả năng của Đài Loan duy trì một chính sách tự vệ đầy đủ," bà Nauert nói. "Tôi cần chỉ ra rằng không có gì thay đổi đối với chính sách 'Một Trung Quốc' của chúng tôi."
Tuy nhiên ngay ngày hôm sau, Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải cáo buộc quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc "làm tổn hại niềm tin" hai bên Mỹ-Trung.
Cú vuốt mặt của Washington
Các nhà quan sát cho rằng sự lựa chọn thời điểm thông báo hợp đồng của Washington cũng đầy chủ đích khi diễn ra vào ngày ông Tập duyệt binh hùng tướng hậu ở Hong Kong trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc đại lục.
Đợt duyệt binh được cho là nhằm khẳng định sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như mong muốn đảm bảo chính sách “Một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh.
Sự nhắc nhở của ông Tập với ông Trump được cho là rơi vào thời điểm quan hệ hai bên không được tốt khi Mỹ vừa xếp Trung Quốc vào nhóm quốc gia tệ hại trong việc chống lại nạn buôn người và bóc lột người lao động; Mỹ trừng phạt ngân hàng Trung Quốc do chuyển tiền cho chính quyền Bình Nhưỡng và tàu Mỹ vừa lại thực thi hoạt động tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Binh sĩ Đài Loan tham gia diễn tập cùng trực thăng CH-47 do Mỹ sản xuất ở Bành Hồ hồi tháng 5-2017 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, thông cáo phát đi từ Nhà Trắng lại không nhắc nhở nhiều đến cảnh báo về chính sách “Một Trung Quốc” của ông Tập mà cho biết hai nhà lãnh đạo đã điện đàm về nhiều vấn đề từ mối đe dọa Triều Tiên cho đến quan hệ thương mại hai nước.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, tổng thống Trump đã nêu với nhà lãnh đạo Trung Quốc về mối quan ngại ngày càng lớn liên quan phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
"Cả hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ.
Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường của Trung Quốc phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, cho rằng kế hoạch này sẽ làm phương hại các lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, Nga và các nước khác trong khu vực, đồng thời không giúp gì cho việc giải giáp hạt nhân Bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ông khẳng định Trung Quốc và Nga sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, theo hình thức chung hoặc riêng, để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mỗi nước và cân bằng chiến lược khu vực.
Cuộc điện đàm ngày 2-7 giữa tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình được cho là nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp bên lề giữa hai ông khi đến dự hội nghị thượng đỉnh khối G20 tổ chức ở thành phố Hamburg (Đức) vào ngày 7 và 8-7 tới.
Thương vụ vũ khí gần đây nhất giữa Mỹ và Đài Loan, trị giá 1,83 tỉ đôla, được công bố vào tháng 12-2015 dưới thời tổng thống Barack Obama.
Các vũ khí bán cho Đài Bắc gồm hai tàu khu trục nhỏ dành cho hải quân, cùng các tên lửa chống tăng và các xe bọc thép lội nước.
Trung Quốc khi đó phản đối mạnh mẽ, nhưng nó không làm suy giảm mối quan hệ Mỹ-Trung và các quan hệ quân sự.
HOÀNG DUY LONG
Theo Tuoitre.vn