Ngày 24/7, các bộ trưởng ngoại giao - quốc phòng Mỹ và Australia đã tái khẳng định cam kết đối với chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Mỹ đối đấu Nga và Trung Quốc
Trong khi Mỹ phải chịu đựng những thất bại quân sự và các cuộc chiến kéo dài, dựa dẫm vào các chế độ dân sự không ổn định, các nhà tư tưởng tiếp tục đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc là nguyên nhân gây ra những thất bại này.
Chủ nghĩa này đã kích động Mỹ xây dựng khả năng tên lửa hạt nhân tấn công quy mô lớn ở châu Âu và châu Á, gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Các nhà nghiên cứu hạt nhân của Bulletin of the Atomic Scientists đã đưa ra một bản mô tả các kế hoạch chiến tranh của các nhà theo chủ nghĩa đơn cực. Họ tiết lộ rằng chương trình hạt nhân hiện tại và tương lai của Mỹ đã triển khai các công nghệ mới mang tính cách mạng, sẽ gia tăng đáng kể các khả năng nhắm bắn của kho tên lửa đạn đạo của Mỹ. Những công nghệ mới này gia tăng sức mạnh hủy diệt của lực lượng tên lửa đạn đạo hiện nay của Mỹ. Đây chính xác là mục tiêu mà các nhà quan sát mong muốn ở một đất nước theo chủ nghĩa đơn cực sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ. Rất có thể Mỹ sẽ gây chiến bằng cách tấn công phủ đầu Nga và Trung Quốc, Unz Review cảnh báo.
Mỹ đã nhắm mục tiêu vào một số nước để gây chiến. Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai lắp đặt các hệ thống tên lửa nhằm khiêu khích Nga ở các nước Baltic và Ba Lan. Những nước này được chọn vì chung một đặc điểm là chung đường biên giới và không phận với Nga, và sẵn sàng để Mỹ đáp trả quân sự lại Nga. Các địa điểm khác mà Mỹ chọn đặt căn cứ quân sự và là nơi NATO mở rộng đến chính là khu vực Balkan, đặc biệt là Kosovo và Montenegro thuộc Nam Tư trước đây.
Syria là nơi mà Mỹ đang tìm cách tạo ra một cái cớ để thực hiện chiến tranh hạt nhân. Mỹ đã đưa lực lượng đặc nhiệm đến Syria để ủng hộ phiến quân. Điều này có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ chiến đấu trực tiếp chống lại quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Kế hoạch chiếm đóng thủ phủ tự xưng Raqqa của IS ở miền bắc Syria thành căn cứ hoạt động với ý định bác bỏ chiến thắng của chính phủ Syria đối với lực lượng khủng bố thánh chiến. Khả năng diễn ra các sự cố giữa Mỹ và Nga ở Syria đang sẽ khiến phe diều hâu ở Mỹ vui mừng.
Mỹ đã tài trợ và hỗ trợ các chiến binh người Kurd chiến đấu để chiếm lại các khu vực do IS kiểm soát ở Syria, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này dẫn tới cuộc xung đột đẫm máu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
Một địa điểm khác để Mỹ gây chiến với Nga là ở Ukraine. Sau khi giúp phe đảo chính nắm quyền ở Kiev, Mỹ cùng chính phủ mới đã chiến đấu và cấm vận kinh tế đối với vùng Donbass.
Các cuộc tấn công của chính phủ Kiev làm thiệt mạng vô số dân thường và phá hoại các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo của Nga có thể khiến Nga trả thù và tạo cớ cho Mỹ can thiệp quân sự vào Biển Đen.
Tuy nhiên Unz Review cảnh báo, khu vực tranh giành có khả năng gây ra chiến tranh thế giới thứ ba lại là bán đảo Triều Tiên. Các lãnh đạo Mỹ và các đồng minh đã cùng nhau tạo ra các điều kiện để kích động một cuộc chiến với Trung Quốc, sử dụng cái cớ là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Chính quyền Mỹ và các nước đồng minh đã sử dụng công cụ truyền thông đại chúng để làm công cụ tuyên truyền. Chính quyền ông Trump đã lên án chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa đối với Mỹ.” Cái cớ này cho phép Mỹ triển khai chiến lược tấn công quân sự để đối phó với mối đe dọa này.
Lãnh đạo Mỹ đã bỏ qua các cuộc đàm phán ngoại giao và các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên để chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm vào Trung Quốc.
Lý do là vì Trung Quốc là nền kinh tế mạnh nhất có thể thách thức vị trí thống trị của Mỹ trên toàn cầu. Mỹ đã bị đánh bại một cách đau đớn và nhục nhã trước bá quyền châu Á này. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh gấp ba lần Mỹ trong vòng hai thập kỷ vừa qua. Và ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã thu hút sự tham gia của các nước trong khu vực và cả các nước châu Âu. Trung Quốc đưa ra sáng kiến này sau khi Mỹ khởi xướng Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Trong thập kỷ vừa qua, trong khi đồng lương của công nhân vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí bị sụt giảm ở Mỹ hoặc châu Âu thì đồng lương của lao động Trung Quốc lại tăng gấp ba.
Sự phát triển kinh tế chóng mặt của Trung Quốc được cho là sẽ vượt Mỹ trong tương lai gần nếu xu hướng này còn tiếp diễn. Điều này chắc chắn sẽ đưa Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc kinh tế năng động nhất thế giới, ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Mỹ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ bắt tay thực hiện chương trình hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa.
Khi Mỹ chuẩn bị đưa ra quyết định cuối cùng nhằm vào Trung Quốc, Mỹ đang triển khai khả năng tấn công tên lửa hạt nhân tiên tiến nhất tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa Triều Tiên. Chỉ huy cao cấp của Mỹ còn thực hiện cuộc tấn công không gian mạng vào chương trình tên lửa của Triều Tiên, khiến nguy cơ xung đột càng bị đẩy lên cao.
Mỹ cũng đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc, kích động quân đội Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung ở Biển Nhật Bản. Cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của Mỹ đã tuyên bố rằng sự đáp trả đầy lo lắng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc diễn tập quân sự mang tính khiêu khích của Mỹ ở biên giới Triều Tiên là mối đe dọa với Hàn Quốc và bằng chứng cho thấy lãnh đạo Triều Tiên “hết sức liều lĩnh”.
Tuy nhiên cuối cùng, dự định của Mỹ là nhằm mục tiêu vào Trung Quốc. Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc. Một hệ thống giám sát và tấn công cũng được thiết kế để nhằm vào các thành phố lớn của Trung Quốc và bổ sung cho sự bao vây trên biển của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Unz Review cho rằng Mỹ chỉ sử dụng Triều Tiên như một cái cớ để triển khai THAAD ở Hàn Quốc vì ở vị trí này, hệ thống phòng thủ này hoàn toàn có khả năng vươn tới Trung Quốc đại lục vì tầm bao phủ của THAAD có thể bao trọn 3.000 km lãnh thổ Trung Quốc. Tên lửa của hệ thống này cũng được thiết kế để nhận dạng và tiêu diệt khả năng phòng thủ tên lửa của Trung Quốc. Với việc lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc, vùng Viễn Đông của Nga hiện cũng rơi vào tầm bắn của dàn tên lửa mà Mỹ triển khai.
Các nhà chiến lược của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất triển khai khả năng tấn công phủ đầu trên đất nước này với lý do là chế ngự Triều Tiên, nhưng cũng có thể là để đối phó với Trung Quốc.
Hàn Quốc đã chấp nhận dàn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ nước mình. Unz Review cho rằng Mỹ đã nhận thấy Hàn Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế với Trung Quốc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đổi lại cho việc trở thành nền tảng để Mỹ đối phó Trung Quốc trong tương lai, Hàn Quốc phải chấp nhận những thiệt hại trong đầu tư, thương mại và việc làm. Thậm chí nếu chính phủ mới của Hàn Quốc định đảo ngược chính sách này, Mỹ vẫn sẽ không di chuyển hệ thống THAAD.
Về phần mình, Trung Quốc đã cắt giảm mối dây liên kết về kinh tế và đầu tư với một số tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc. Các thỏa thuận về thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa và giáo dục và quan trọng nhất là các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp của Hàn Quốc sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.
Giữa cuộc bê bối chính trị của tổng thống Hàn Quốc, liên minh quân sự Mỹ- Nhật đã đưa người dân Hàn Quốc vào công cuộc xây dựng năng lực tấn công quân sự chống lại Trung Quốc. Hàn Quốc nhận ra mình đang ở ngưỡng chiến tranh hạt nhân. Trung Quốc đáp trả trước mối đe dọa của Mỹ bằng cách xây dựng khả năng phòng thủ tên lửa của riêng mình. Trung Quốc tuyên bố hiện đang sở hữu khả năng tiêu diệt THAAD ở Hàn Quốc nếu Mỹ kích động. Trung Quốc cũng đang khôi phục lại các nhà máy để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chủ nghĩa đơn cực ở Mỹ không làm thay đổi hiện trạng bộ máy nhà nước Mỹ và nước này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược bấy lâu nay triển khai.
Ngược lại, các nhà theo chủ nghĩa đơn cực lại đang thúc đẩy tiến hành chinh phục Nga và Trung Quốc về mặt quân sự vì họ coi đó là nguyên nhân khiến Mỹ thất bại trong các cuộc chiến và khiến nền kinh tế nước này suy yếu. Họ vẫn sống trong ảo tưởng thời kỳ thập niên 1990, khi ông Bush tấn công Iraq và Bill Clinton có thể ném bom xuống các thành phố của Nam Tư một cách dễ dàng.
Theo Unz Review, những ngày huy hoàng đó đã qua đi kể từ khi Liên Xô tan rã. Các chính sách của Mỹ cùng sự suy giảm kinh tế của nước Mỹ đã gây ra những thay đổi sâu sắc và nhanh chóng trong quan hệ giữa các nước trong hai thập kỷ vừa qua, phá vỡ ảo tưởng về một trậ tự đơn cực dưới trướng nước Mỹ “Thế kỷ của Mỹ.”
Tư tưởng đơn cực vẫn còn tồn tại trong bộ máy an ninh Mỹ và trong đầu óc lãnh đạo nước này. Họ tin rằng việc triển khai các hoạt động quân sự và kiểm soát nền tài chính trong nước sẽ cho phép họ lấy lại “vườn địa đàng” đã mất.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga giờ là hai cực trong một thế giới đa cực. Sự phát triển kinh tế và quân sự cùng động lực phát triển đã biến hai nước này trở thành các thị trường độc lập.
Hiện thực rõ ràng và không thể đảo ngược này đã khiến Mỹ lo lắng và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu. Cái cớ mà Mỹ đưa ra rõ ràng là vô lý, nhưng các mục tiêu lại rất rõ ràng. Phương tiện Mỹ cũng luôn sẵn sàng, nhưng Nga và Trung Quốc cũng có những hệ thống phòng thủ đáng gờm.
Unz Review cảnh báo, ảo tưởng về một thế giới đơn cực khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức quan trọng nhằm chống lại những nước lớn khác, và rất có khả năng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến mang tính hủy diệt trên toàn cầu.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn