Tin Biển Đông

 
 
 

Hoàn Cầu muốn Trung Quốc độc quyền 'làm con tốt cho Mỹ lợi dụng'?

  • Cập nhật : 29/06/2017

Từ "con tốt" hay "con bài" thường được một số học giả và hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc sử dụng để gọi các nước thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/6 có bài phân tích: "Làm con tốt cho chiến lược ngăn chặn của Mỹ sẽ là một cái bẫy với Ấn Độ" của tác giả Yu Ning. [1]

Bài báo này cho hay, trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Naredra Modi tới Hoa Kỳ (diễn ra ngày 26/6), Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn hàng đầu của Mỹ đã công bố báo cáo chính sách:

"Ấn Độ đang chuyển đổi từ sự cân bằng quyền lực toàn cầu".

Các nhà nghiên cứu Mỹ khuyến cáo Washington rằng, Hoa Kỳ sẽ cần đến New Delhi để đối phó với những ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên thế giới.

Tổng thống Donald Trump nên ưu tiên quản lý quan hệ hợp tác với Ấn Độ. 

"Dạy khôn" nước khác

Tác giả Yu Ning bình luận:

"Ấn Độ có thể cảm thấy tự hào vì tầm quan trọng chiến lược của họ trong việc làm đối trọng với Trung Quốc, mà giới nghiên cứu và truyền thông Mỹ đang thổi phồng.

Tuy nhiên việc làm một mảnh ghép trong bức tranh của Mỹ thì có gì đáng để tự hào? Thay vào đó, nhiều khả năng đấy là một cái bẫy đáng để Ấn Độ phải cảnh giác.

tong thong my donald trump va de nhat phu nhan tiep thu tuong an do narendra modi tai nha trang, anh: reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, ảnh: Reuters.

Việc Washington theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với New Delhi chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu chiến lược của Mỹ, trong việc dùng Ấn Độ như một công cụ, làm đối trọng với Trung Quốc.

Ấn Độ sẽ đạt được bao nhiêu lợi ích trong thực tế từ nó?

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, để lôi kéo New Delhi, ông đã cam kết ủng hộ Ấn Độ có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nhưng Mỹ đã không có hành động nào trong thực tế.

Ông Donald Trump liệu sẽ thúc đẩy các bước quan trọng để tạo điều kiện cho Ấn Độ vào Hội đồng Bảo an sao? Thật là khó nói.

(Tổng thống) Trump sẽ gây áp lực thêm với Pakistan với cáo buộc hỗ trợ các nhóm khủng bố? Câu trả lời rất có khả năng là tiêu cực (ngược với mong muốn của New Delhi).

Washington và New Delhi có phần lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những năm gần đây, để gia tăng áp lực địa chính trị với Trung Quốc, Mỹ đã tìm cách tán tỉnh Ấn Độ.

Nhưng Ấn Độ không phải một đồng minh của Mỹ như Nhật Bản hay Hàn Quốc, hoặc Australia.

Đảm nhận vai trò một tiền đồn của Mỹ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc chẳng những không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ, mà còn có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Nếu Ấn Độ từ bỏ lập trường không liên kết và trở thành con tốt của Mỹ để chống lại Trung Quốc, họ sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, va chạm địa chính trị mới sẽ được kích hoạt ở Nam Á.

Thời đại này, các nước đang phát triển đóng vai trò ngày càng quan trọng với các vấn đề toàn cầu.

Nếu Ấn Độ với tư cách thành viên 2 tổ chức không do phương Tây sáng lập - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRIC - có thể đứng vững bên cạnh Trung Quốc, sẽ có ích cho New Delhi thực hiện tham vọng quyền lực siêu cường.

Từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960, cả Liên Xô và Mỹ đều muốn dùng con bài Ấn Độ để thử Trung Quốc.

Sau đó, chính phủ Kennedy ủng hộ chính sách hướng về Ấn Độ, nhưng kết quả không như Mỹ mong muốn.

Ấn Độ không có khả năng để cân bằng với Trung Quốc, việc này đã được lịch sử chứng minh.". [1]

Không riêng Ấn Độ, ngay cả Philippines và Việt Nam cũng trở thành "mục tiêu thuyết khách" của Thời báo Hoàn Cầu.

Ngày 22/6 Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận, trong đó có đoạn nói rằng:

"Mỹ và Nhật Bản ngày càng sẵn sàng hơn trong việc thấy Việt Nam và Philippines gây rắc rối cho Trung Quốc, tạo cớ để họ can thiệp. 

Bây giờ họ chú ý đến Hà Nội nhiều hơn, sau khi Manila đã thay đổi chính sách đối ngoại của mình kể từ năm ngoái...

...Theo thông lệ, các nước vừa và nhỏ thường nỗ lực sinh tồn bằng cách cân bằng trong quan hệ với các cường quốc. 

Tuy nhiên, chiến thuật này không thể giải quyết được các vấn đề nhạy cảm, bởi họ sẽ phải đối mặt với rủi ro cao.

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ có thể được giải quyết đúng cách thông qua các kênh giữa hai nước hoặc hai Đảng...

...Mỹ và Nhật Bản sẽ không giúp Việt Nam trong bất kỳ tình huống nào nếu xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng. 

Lợi ích của các siêu cường luôn luôn chiếm ưu thế trong một trò chơi, nơi cả nước lớn lẫn nước nhỏ vẫn tìm cách lợi dụng nhau....". [3]

Ngay trước chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày mai, hôm nay 27/6 Thời báo Hoàn Cầu cũng có bài bình luận mang màu sắc công kích và chia rẽ tương tự:

"Nam Hàn có ý định sẽ nói với Hoa Kỳ rằng, họ đã phải chịu thiệt 10 ngàn tỉ won (8,8 tỉ USD) tổn thất do các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc để phản đối triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn (THAAD).

Vì vậy Seoul hy vọng Washington sẽ nhượng bộ trong đàm phán lại về phân chia chi phí quốc phòng, chi phí THAAD và một thỏa thuận tự do thương mại.

Nhưng rõ ràng (Tổng thống Donald) Trump nghĩ rằng, Hàn Quốc phải gánh chi phí nhiều hơn cho liên minh quân sự.

Đối với Washington, một loạt các hoạt động của ông Moon Jae-in sau khi nhậm chức đã đi ngược lại bản chất liên minh Mỹ - Hàn.

Công chúng Hàn Quốc đang lo lắng rằng, (ông Donald) Trump sẽ thúc giục Tổng thống của họ hoàn tất việc triển khai THAAD, thậm chí ngăn chặn Nam Hàn tổ chức đối thoại vô điều kiện với miền Bắc.

Mỹ cũng sẽ cẩn thận để tránh một sự phục hồi "chính sách Ánh dương", vì tư tưởng chống Mỹ đã từng là một cú sốc nặng với liên minh Mỹ - Hàn thời Tổng thống Roh Moo-hyun.

Các rạn nứt của liên minh này có thể được vá liền, nhưng các chính trị gia Hàn Quốc có tầm nhìn cần phải nhận ra rằng, chính sách của họ càng nhất quán với Hoa Kỳ, họ càng rời xa hơn con đường độc lập.". [4]

Trung Quốc muốn "độc quyền làm con tốt" cho Mỹ?

Cá nhân người viết cho rằng, những bình luận nêu trên của Thời báo Hoàn Cầu phản ánh một mặt bằng nhận thức rất thấp, nếu không nói là vị kỷ, hẹp hòi và ảo tưởng về quan hệ quốc tế đương đại.

Những hoạt động đối ngoại bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc với Hoa Kỳ và Nhật Bản đang bị một số học giả và tờ báo này chính trị hóa, rồi chụp lên nhiều cái mũ cực đoan.

Từ "con tốt" hay "con bài" thường được một số học giả và hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc sử dụng để gọi các nước thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ và Nhật Bản.

Ngược lại, họ cho rằng Mỹ - Nhật đang "lợi dụng" các quốc gia này để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi chính Trung Quốc cũng phải chủ động tiếp cận tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

The New York Times, Mỹ ngày 2/4 cho biết, Trung Quốc đã chuyển tải các thông điệp của mình đến tai Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua con rể kiêm cố vấn của ông, Jared Kushner.

con gai va con re tong thong my donald trump co the se tro thanh thuong khach cua trung nam hai cuoi nam nay, anh: fox news.

Con gái và con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ trở thành thượng khách của Trung Nam Hải cuối năm nay, ảnh: Fox News.

Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Tập Cận Bình dưới triều đại Donald Trump nằm trong sự sắp xếp của 2 người, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và con rể - cố vấn của Donald Trump, Jared Kushner.

Vai trò trung tâm của ông Kushner không chỉ phản ánh tính chất đặc biệt của cuộc họp đầu tiên giữa ông Donald Trump với ông Tập Cận Bình, mà còn là mối quan hệ Trung - Mỹ trong những tháng đầu tiên của chính quyền Trump.

Ảnh hưởng của Jared Kushner thể hiện rõ trong việc ông và Thôi Thiên Khải đã thu xếp cuộc điện đàm đầu tiên giữa Donald Trump và Tập Cận Bình.

Trong cuộc điện đàm này, Donald Trump nói ông cam kết sẽ tuân thủ nguyên tắc "một nước Trung Quốc" theo đề nghị của ông Tập Cận Bình.

Bây giờ đến lúc Trump muốn có một cái gì đó bù lại từ Trung Nam Hải.

Kể từ cuộc điện đàm này, Thôi Thiên Khải liên tục củng cố quan hệ với gia đình phò mã Jared Kushner.

Vào tháng Hai, ông mời Ivanka Trump và con gái của cặp vợ chồng Kushner, Arabella đến Đại sứ quán Trung Quốc đón Tết Đinh Dậu (mùng 6 Tết).

Evan S. Medeiros, một chuyên gia cao cấp về châu Á trong chính quyền ông Obama bình luận:

"Sau Henry Kissinger, Trung Quốc luôn say mê tìm kiếm người có cách liên lạc và duy trì quyền "truy cập" vào Nhà Trắng.

Họ tìm cách xâm nhập gia đình Tổng thống và một số người nào đó được họ xem còn quan trọng hơn cả vương hầu.".

Các quan chức Mỹ và các chuyên gia về Trung Quốc cảnh báo rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho chuyến thăm này so với Nhà Trắng. [5]

Nếu Trung Quốc muốn thể hiện vai trò "cửa trên" trong quan hệ với Mỹ - Nhật như Thời báo Hoàn Cầu đang khuyến cáo / cảnh báo / dạy khôn các nước láng giềng, thì hà tất các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải phải mời con gái, con rể ông Donald Trump sang thăm nước mình? [6]

Tất nhiên chúng tôi không ngây thơ đến độ tin rằng Trung Quốc muốn "độc quyền làm con tốt cho Mỹ" lợi dụng, mà chỉ muốn qua câu hỏi này để xác định:

Mục đích thực sự của một số học giả, tờ báo nhà nước Trung Quốc là gì, khi họ ra sức chia rẽ quan hệ đối ngoại hợp tác hữu nghị rất bình thường giữa các nước láng giềng với Mỹ - Nhật, còn riêng họ thì tìm cách hợp tác với Mỹ - Nhật?

Như những gì Thời báo Hoàn Cầu nói với "những nước vừa và nhỏ", thì dường như có một bộ phận (chưa biết nhỏ hay không nhỏ) trong giới học giả và truyền thông Trung Quốc muốn các nước này hiểu rằng:

Một là, để sinh tồn trong thế giới cạnh tranh giữa những con cá lớn, thì lâu nay cá vừa, cá nhỏ và tép riu phải biết cách cân bằng, phải chơi được với những con cá lớn.

Hai là, hiện nay tình thế đã đổi thay, có một con cá đang lớn không muốn cá vừa, cá nhỏ, tép riu chơi trò cân bằng, mà phải "đứng về phía nó", đó chính là Trung Quốc.

Ba là, cá lớn có luật chơi riêng và lợi ích trao đổi trên lưng cá vừa, cá nhỏ và tép riu. Vì vậy, khuyến cáo cá vừa, cá nhỏ và tép riu đừng lầm tưởng.

Bốn là, cá lớn, cá vừa, cá nhỏ hay tép riu ngày nay chỉ có "lợi dụng" nhau mà thôi, nhưng lợi ích giữa những con cá lớn bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn trong trò chơi này.

Cá lớn, cá vừa, cá nhỏ và tép riu, chúng tôi mượn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu bàn về quan hệ quốc tế với sự cạnh tranh của 2 siêu cường Trung - Mỹ.

Việc Thời báo Hoàn Cầu còn có ý dọa dẫm nước khác chỉ làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc trong mắt phần còn lại của thế giới.

Phải chăng là tờ báo này đang cố chứng minh cho thế giới thấy, quan điểm của lãnh đạo nước này rằng "Trung Quốc không có gen bành trướng" là sai?

Nếu quả thực đó là nhận thức của một số học giả và hãng thông tấn Trung Hoa, thì chính họ đang nhầm lẫn, chứ các nước láng giềng không bao giờ nhầm lẫn, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.globaltimes.cn/content/1053588.shtml

[2]http://www.globaltimes.cn/content/1053588.shtml

[3]http://www.globaltimes.cn/content/1053082.shtml

[4]http://www.globaltimes.cn/content/1053542.shtml

[5]https://www.nytimes.com/2017/04/02/us/politics/trump-china-jared-kushner.html?_r=0&module=ArrowsNav&contentCollection=Politics&action=keypress&region=FixedLeft&pgtype=article

[6]http://www.telegraph.co.uk/news/2017/06/21/ivanka-trump-jared-kushner-invited-visit-china/


Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 06-08-20171

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 06-08-2017

    Hoàn Cầu thời báo: Trung Quốc sẽ tấn công Ấn Độ trong vòng 2 tuần; Ấn Độ sắp biên chế tàu ngầm tối tân đối phó Trung Quốc; ​Singapore sẽ khởi kiện cháu trai ông Lý Quang Diệu; ASEAN và các đối tác châu Á thúc đẩy chống chủ nghĩa khủng bố

Bài cùng chuyên mục