Tin Biển Đông

 
 
 

Mối thâm thù 40 năm Mỹ-Iran: Bên miệng hố chiến tranh

  • Cập nhật : 11/06/2017

Theo Warisboring, Iran là một nước lớn trong khu vực và bị Mỹ và phương Tây cáo buộc hỗ trợ các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, tài trợ cho các nước đối tác và đôi lúc can dự vào khu vực, thậm chí còn đưa quân tham chiến.Tuy nhiên, các nước Ả rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nga và Mỹ cũng hành động tương tự. 

tong thong iran hassan rouhani

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

"Ở mọi nơi bạn nhìn đến, nếu có rắc rối trong khu vực, bạn sẽ thấy Iran", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis tuyên bố với các phóng viên vào giữa tháng 4/2017, trong chuyến thăm tới Riyadh, Ả rập Xê-út.

Tuy nhiên theo chiến lược gia của quân đội Mỹ Danny Sjursen phân tích trên Warisboring, những tuyên bố mang tính định kiến giống như của ông Mattis về Iran thường sai. Sự thật là Iran không đứng sau hầu hết các bất ổn ở Trung Đông như Mỹ nhìn nhận, và nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ không chịu thay đổi quan điểm về Iran thì họ sẽ phải chịu thất bại.

Hiện nay có một điều chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang chẩn đoán nhầm bệnh nhân và trị nhầm bệnh.

Trước tiên, để tránh nhầm lẫn, không nên để cảm xúc xen vào khi nhìn nhận vấn đề, và cần có một cái nhìn mới về bản chất mối quan hệ nhiều chông gai giữa Mỹ với Iran và vai trò thật sự của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong các vấn đề của Mỹ ở Trung Đông.

Warisboring đặt câu hỏi có bao nhiêu người Mỹ nhận ra rằng chỉ có ba quốc gia trên thế giới không có quan hệ ngoại giao với Mỹ? Thực ra trước đây, con số này là bốn, cho đến khi chính quyền tiền nhiệm của ông Obama bắt đầu dần bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Đầu tiên và dễ thấy nhất, chắc chắn là Triều Tiên. Và cuối cùng dĩ nhiên trong danh sách này không thể thiếu Iran. Còn những nước cũng là thù địch của Mỹ mà không có trong danh sách thì sao? Zimbabwe, Pakistan, Nga, New Guinea và đến năm 2012 có thêm Syria.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ vẫn duy trì Đại sứ quán ở Liên Xô và duy trì quan hệ chính thức với Nam Phi. Vậy liệu lời tuyên bố của ông Mattis có chính xác? Liệu Iran có thực sự đứng sau mọi vấn đề ở Trung Đông?

Điều này rất khó xảy ra. Trên thực tế, tuyên bố này hết sức có vấn đề. Ở một nước Mỹ đầy rẫy những người thù ghét Iran, việc tô xấu hình ảnh Iran là một việc hết sức bình thường và dựa trên ba giả định về bản chất mang tính đe dọa của Iran.

Thứ nhất, trong mắt Mỹ, việc Iran phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân, đặc biệt là chống lại Israel gần như là định kiến bất biến.

cac nha lanh dao tham du cuoc dam phan hat nhan iran chup anh luu niem tai vienna, ngay 14/7/2015.

Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc đàm phán hạt nhân Iran chụp ảnh lưu niệm tại Vienna, ngày 14/7/2015.

Thứ hai, Mỹ cho rằng Iran hỗ trợ cho quân khủng bố trong khu vực và các quân đội chiến đấu ủy nhiệm. Thứ ba, Iran thường thể hiện tham vọng thiết lập một đế chế trong khu vực bằng vũ lực.

Cả ba giả thuyết này đều dựa trên một giả định sai lầm khác: đó là Mỹ cho rằng Iran sở hữu một hệ thống chính trị độc tài dẫn đầu bởi những “giáo sĩ điên rồ” (mullah).

Sự cường điệu về Iran

Hãy tưởng tượng về một quốc gia Trung Đông, không phải Israel mà là một nước có một cộng đồng Do Thái lớn, được bảo vệ quyền lợi, nơi mà Hồi giáo là tôn giáo của quốc gia nhưng tổng thống lại thường đăng những lời chúc mừng vào dịp năm mới của người Do Thái.

Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng thực chất đó chính là Iran. Thực tế, Iran đã dành một ghế trong quốc hội cho người Do Thái, ba ghế cho người Kito và còn lại là cho Bái Hỏa giáo. Nhưng sẽ thật sai lầm khi kết luận rằng Iran là một đất nước khoan dung chỉ với những hành động đó. Điều này chỉ nói lên rằng sự phức tạp của một xã hội đa dạng, chứa đầy những nghịch lý và mâu thuẫn.

Tuy nhiên người dân Iran lại có quan điểm tích cực về Mỹ hơn là người Mỹ và người dân các nước đồng minh của Mỹ (gồm Ai Cập, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ) nhìn nhận về Iran. Khu vực này tồn tại một nghịch lý, đó là mối quan hệ nghịch đảo giữa quan hệ của Iran với Mỹ và tỷ lệ yêu mến Iran của người dân Mỹ.

Nếu muốn nắm bắt vấn đề một cách toàn diện hơn, hãy xem xét  kỹ lưỡng tuyên bố của ông Mattis. Ông chủ Lầu Năm Góc chắc chắn rằng Iran đứng sau cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, tuy nhiên điều này là sai lầm. Có thể lấy ví dụ về một số cuộc khủng hoảng gần đây mà Iran không hề liên quan hoặc vai trò của Iran đã bị Mỹ phóng đại quá mức.

Trước hết đó là phong trào Mùa xuân Ả rập và kéo theo đó là tình trạng hỗn loạn ở Tunisia, Libya và Ai Cập. Iran không hề khơi mào và cũng không tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc nổi dậy ở những nước này.

mot cuoc noi day trong phong trao mua xuan a rap

Một cuộc nổi dậy trong phong trào Mùa xuân Ả Rập

Thứ hai, phải kể đến cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd ở nước này, và dĩ nhiên cuộc xung đột đẫm máu này không hề có sự can dự của Iran.

Thứ ba, sự lan tràn hiện nay của các chi nhánh của Al Qaeda ở Syria và bán đảo Ả-rập. Iran thực sự căm ghét Al-Qaeda nên không đời nào hỗ trợ cho chúng.

Thứ tư, Iran rất ít can thiệp vào Yemen nhưng lại luôn bị Mỹ phóng đại về sự thông đồng giữa Iran với lực lượng phiến quân Houthi.

Theo Warisboring, Iran là một nước lớn trong khu vực và là một bên liên quan trong nhiều vấn đề. Tehran bị cáo buộc hỗ trợ các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, tài trợ cho các nước đối tác và đôi lúc can dự vào khu vực, thậm chí còn đưa quân tham chiến, chẳng hạn như trong cuộc nội chiến Syria.

Tuy nhiên, các nước Ả rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nga và Mỹ cũng hành động tương tự. Mỹ thường dán mác Iran là “nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố", và chẳng còn danh xưng nào khác nghe đáng sợ và tồi tệ hơn được nữa.

Tuy nhiên việc gán mác như vậy là hết sức sai lầm. Các câu hỏi đặt ra là Iran ủng hộ những nhóm khủng bố nào? Điều gì tạo nên chủ nghĩa khủng bố? Liệu những trang thiết bị của những kẻ khủng bố này có đe dọa đến Mỹ được không?

Bắt đầu từ năm 2016, cuộc điều tra hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về chủ nghĩa khủng bố đã liệt IS là “mối đe dọa khủng bố lớn nhất toàn cầu,” chứ không phải là Iran, Hezbollah hay Houthis.

Iran ủng hộ Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine. Tuy nhiên, các tổ chức dân tộc như Hezbollah và các nhóm thánh chiến cực đoan toàn cầu như IS và Al Qaeda lại rất dễ nhầm lẫn với nhau.

Chẳng hạn phong tra Hezbollah ở Lebanon chủ yếu tập trung đối đầu Israel, nhưng lại chiến đấu chống IS ở Lebanon và Syria và cũng không thực hiện tấn công máy bay vào các tòa nhà của Mỹ như Al Qaeda.

Thực tế, có vô số chiến binh nước ngoài tham gia hàng ngũ IS đến từ Bỉ hoặc Maldives nhiều hơn là từ Iran. Hầu hết các nước IS chiêu mộ được người ủng hộ là Tunisia, Ả Rập Xê-út và Jordan, lại vốn những nước là đối tác hay đồng minh của Mỹ.

Từ năm 1975 đến năm 2015, những người mang quốc tịch Iran chẳng hề giết bất kỳ ai trong các cuộc tấn công trên đất Mỹ. Ngược lại, công dân mang hộ chiếu các nước đồng minh quan trọng của Mỹ gồm Ả rập Xê-út, Ai Cập và Lebanon lại khiến hàng nghìn người thiệt mạng hôm 11/9. Trên thực tế, kể từ đó đến nay, 85% lực lượng khủng bố ở Mỹ đều là công dân Mỹ hoặc những người thường trú lâu dài ở nước này, phần lớn đều được sinh ra trên đất Mỹ.

Đối với cáo buộc rằng Iran về bản chất là một nước hung hăng, thực chất Iran chỉ theo đuổi các lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên điều này không khiến những hành động của Iran đi ngược lại với lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Năm 1953, Anh và CIA đã hỗ trợ thực hiện đảo chính lật đổ thủ tướng Iran và thiết lập chính quyền Shah độc tài, sau đó Mỹ ủng hộ chính quyền Saddam Hussein trong cuộc chiến chống Tehran. Hiện nay, Mỹ đang hỗ trợ cho Arabia Saudi chống Iran, do đó Iran có đủ lý do để cảm thấy bị đe dọa.

Ngoài ra, không giống như trong quan niệm của người dân Mỹ, đối với một số vấn đề nhất định như Afghanistan, Mỹ và Iran lại có lợi ích giống nhau. Cho dù Iran đối nghịch Mỹ, nhưng cả Mỹ và Iran đều mong muốn một đất nước Iraq ổn định.

Warisboring cho rằng một chiến lược thận trọng đòi hỏi một cách đánh giá khôn ngoan và hợp lý. Tuy nhiên thật không may, vào lúc này Mỹ lại không hề ưa Iran.


Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục