Nguy cơ chiến tranh nổ ra ở vùng Vịnh từ khủng hoảng Qatar là rất thấp, khi các nước đều muốn giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao.
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quy luật sinh tồn của muôn loài
- Cập nhật : 08/06/2017
Các nước, nhất là các nước nhỏ, cần đoàn kết bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, không đứng về phía Trung Quốc để chống Mỹ và ngược lại.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận đặc biệt của ông về chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc và trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục! Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
1. “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam dưới thời Donald Trump
1.1.Diễn tiến quan hệ Việt - Mỹ
Sau Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã huy động tới ba triệu người Mỹ tham gia một cuộc chiến vô nghĩa kéo dài hàng mấy chục năm, Việt Nam không còn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thập niên 80 và 90.
Việc tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt năm 1995 là một dấu mốc hết sức to lớn trong quan hệ song phương, nhưng không phải là một sự xoay chuyển lớn trong chủ trương của Hoa Kỳ.
Theo ông Burghadt, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2001 đến 2004, quan hệ đôi bên đã được siết chặt hơn vào cuối thập niên 90, chủ yếu nhắm vào các cơ hội kinh doanh, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp.
Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2001, khi chính quyền Tổng thống George W. Bush có quan điểm khắt khe hơn với Trung Quốc so với thời ông George H.W. Bush và Bill Clinton.
Tổng thống Bill Clinton năm 1997 đã cam kết hướng tới việc “ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” với Bắc Kinh, nhưng ứng cử viên George W. Bush năm 1999 cho rằng, Trung Quốc cần được coi là «đối thủ chiến lược», chứ không phải là «đối tác chiến lược».
Bà Condoleezza Rice, Cố vấn An ninh quốc gia của ông George W. Bush, trong một bài viết năm 2000 nhận định Trung Quốc có «các lợi ích cốt lõi không thể giải quyết, đặc biệt về Đài Loan và Biển Đông»;
Bắc Kinh «bực tức trước vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương», và «muốn thay đổi cán cân quyền lực tại châu Á sang hướng có lợi cho mình».
Quan điểm địa- chính trị này đã giúp nâng cao vai trò của Việt Nam trong chính sách Mỹ.
Tháng 7/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 8, chấp nhận các tiêu chí thực tiễn hơn để đánh giá một chính phủ nước ngoài là «đối tác» hay «đối tượng”.
Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam năm 2003 đã mở đường cho việc tham gia trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Hà Nội đẩy nhanh việc thương lượng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành thành viên năm 2006;
Đến năm 2008, Việt Nam sẵn sàng chấp nhận đề nghị của chính quyền Bush về việc tham gia Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.
Bắt đầu từ cuối những năm 2000, những thách thức không ngừng tăng lên từ phía Trung Quốc, đặc biệt là thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đã tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ.
Một năm sau tuyên bố tại diễn đàn ASEAN ở Hà Nội tháng 7/2010, rằng «Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia» trên Biển Đông, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu ra chiến lược mới của Mỹ được gọi là «xoay trục», theo đó Hoa Kỳ muốn triển khai quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trong chuyến đi Việt Nam tháng 7/2012, bà Clinton đã mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Người Mỹ hy vọng chuyến thăm chưa có tiền lệ này được thực hiện vào năm 2013.
Nhưng người thực hiện chuyến công du này của lãnh đạo Việt Nam không phải là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và kết quả là bản Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện Việt-Mỹ.
Lực lượng chức năng Việt Nam đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và không có tranh chấp trong khủng hoảng năm 2014, ảnh: The Japan Times.
Mùa hè năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan lớn nhất trị giá 1 tỉ đô la, mang tên Hải Dương 981, cắm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Sự kiện này gây ra phong trào phản đối Trung Quốc kéo dài nhiều tháng tại Việt Nam.
Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất giữa hai nước trên Biển Đông, kể từ sau vụ Trung Quốc thảm sát hơn 70 thủy thủ Việt Nam Cộng hòa năm 1974 và chiếm sáu thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa năm 1988.
Cũng vào thời điểm này, Việt Nam quyết định đẩy nhanh việc chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiến hành vào tháng 7/2015.
Việc Tổng thống Barack Obama phá vỡ mọi rào cản nghi thức để đón tiếp trang trọng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn không có chức vụ chính thức trong chính quyền, là một sự kiện mang tính đột phá trong quan hệ giữa 2 nước có chế độ chính trị khác biệt nhau.
Chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm giảm mối nghi ngại về sự đe dọa của Hoa Kỳ đối với thể chế chính trị của Việt Nam.
Và tiếp đến là chuyến công du Việt Nam của ông Obama tháng 5/2016, với việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam từ nhiều thập niên qua, càng làm tăng thêm sự tin cậy giữa hai cựu thù.
Trong cuộc cạnh tranh địa- chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc giữ thăng bằng quan hệ ngoại giao và chính trị giữa Washington và Bắc Kinh là chủ trương thực tế của Việt Nam.
Trong tình hình đó, lãnh đạo của Hoa Kỳ thời kỳ mới - Tổng thống Donald Trump cho dù đã tuyên bố chuyển hướng từ chính sách “xoay trục châu Á-Thái Bình Dương” sang “làm cho Mỹ vĩ đại trở lại”, vẫn nhận thấy rằng:
Mỹ vẫn cần phải tăng cường năng lực cả kinh tế lẫn quân sự; chứng tỏ sức mạnh của Mỹ trước Trung Quốc; và cần duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
Các mục tiêu này cần được thực hiện qua một loạt các chính sách rộng rãi, chứ không giới hạn ở quan hệ song phương Mỹ-Việt;
Chú trọng mặt luật pháp chứ không phải dựa theo hiện trạng đối với Biển Đông và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Cụ thể là, Hoa Kỳ và Việt Nam cần có một hiệp định thương mại và đầu tư vững chắc, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và làm tăng sức mạnh quân sự một cách gián tiếp, mang lại lợi ích địa- chính trị lâu dài.
Tuy một thỏa thuận đa phương như TPP khó có thể đạt được, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định thương mại song phương mới.
Nó không chỉ nhằm cải thiện tình trạng giao thương Mỹ-Việt hiện nay mà còn cho cả môi trường kinh tế Việt Nam. Ví dụ năm 2016, Việt Nam xuất siêu 32 tỉ đô sang Hoa Kỳ, nhưng lại nhập siêu 28 tỉ đô la từ Trung Quốc.
Hiệp định mới cần nhắm đến việc giảm xuất siêu sang Mỹ qua việc tăng nhập khẩu thiết bị, hàng hóa kỹ thuật cao từ Hoa Kỳ và giảm nhập siêu hàng chất lượng thấp từ Trung Quốc.
Tuyên bố chung nhân chuyến công du sang Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ xu hướng tất yếu và tích cực này.
Có thể nói Tuyên bố chung này đã một lần nữa đã chứng minh kết quả của chủ trương chiến lược và những bước triển khai chủ trương đó của Việt Nam trong quan hệ với các siêu cường.
Bởi vì, nó dựa trên nền tảng của nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; vì lợi ích của các bên và phù hợp với các quy luật khách quan trong sự phát triển của các quan hệ chính trị, kinh tế…giữa các quốc gia có phương thức sản xuất và thể chế chính trị khác nhau…
1.2. Xác lập quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam
Đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Trung Quốc đang nhanh chóng thu ngắn khoảng cách, sẵn sàng trở thành siêu cường ngang hàng, thậm chí vượt Mỹ, trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Trước tình hình đó, để duy trì vị trí siêu cường số một đang trước nguy cơ bị ảnh hưởng, lung lay, thậm chí bị rơi vào tay Trung Quốc, Hoa Kỳ rất cần đến các “đồng minh” trong vùng.
Nếu Việt Nam trở thành “đồng minh” của Mỹ thì cán cân sẽ nghiêng về phía Mỹ.
Bởi vì, trong lịch sử,Việt Nam là một quốc gia duy nhất có khả năng và kinh nghiệm kháng cự, đối phó với Trung Quốc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Do hoàn cảnh chính trị, xã hội, kinh tế… của Việt Nam, “đồng minh” này có thể không đòi hỏi những cam kết tương tự như Hoa Kỳ đã ký kết với các đồng minh khác trong khu vực.
Nó có thể được gọi là «quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện».
Theo nhận xét của nhiều học giả, Washington và Hà Nội đang tiến đến hướng này. Chuyên gia Alexander Vuving kết luận, muốn thành công trong đối sách với Việt Nam, Hoa Kỳ cần phải thực hiện ba mục tiêu:
Một hiệp định thương mại đầu tư cho tương lai; buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông và hoàn thành liên minh Mỹ-Việt, làm vô hiệu hóa ưu thế của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.
Tuyên bố chung Mỹ-Việt năm 2017 đề ra việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ ngoại giao cho đến kinh tế thương mại; từ công nghệ, giáo dục đến quốc phòng và an ninh;
Từ văn hóa, thể thao, du lịch cho đến giải quyết hậu quả chiến tranh; từ môi trường, y tế đến vấn đề nhân quyền …về cơ bản, đã thêm một lần nữa đánh dấu bước phát triển mới, tích cực, theo chiều hướng nói trên.
2. Tác động của chuyến công du thành công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo đánh giá của dư luận, kể cả từ những góc nhìn tiêu cực, đều công nhận rằng chuyến công du Mỹ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp.
Thành công đó đã được cụ thể hòa bằng một bản Tuyên bố chung, bao gồm đầy đủ các nội dung chủ yếu và cần thiết của mối quan hệ đối tác (chiến lược) toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tuyên bố chung vừa mang tính định hướng chiến lược, vừa thể hiện một cách rõ ràng, công khai về lập trường của cả hai bên đối với những vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
Có thể nói, những nội dung của Tuyên bố chung này đã phát huy được tác dụng tích cực của nó trước những diễn biến phức tạp hiện nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á và Biển Đông.
Một số sự kiện chính trị sau đây đã phản ánh những tác động tích cực nói trên:
2.1. Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực và lập trường của Hoa Kỳ đối với những căng thẳng ở Biển Đông
Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Chính phủ Singapore.
Hội nghị này mang tên của khách sạn nơi các cuộc gặp song phương và đa phương diễn ra từ 2-4 tháng Sáu.
Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 12 Bộ trưởng Quốc phòng. Thủ tướng Australia, ông Malcolm Turnbull có bài phát biểu nhập đề vào tối hôm khai mạc 2/6.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện đoàn Việt Nam.
Tướng Nam phát biểu tại một phiên thảo luận có chủ đề "Các biện pháp thực chất nhằm tránh xung đột trên biển" vào chiều 3/6.
Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tham gia phiên thảo luận này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, tướng James Mattis chủ trì phiên thảo luận mở màn vào hôm 3/6 với chủ đề Hoa Kỳ và An ninh châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Mattis phát biểu về "trật tự quốc tế" cần có cho một châu Á hòa bình, nhắc tới việc chống lại Bắc Triều Tiên và nhấn mạnh Mỹ đứng cùng với các đồng minh và các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương;
Mỹ sẽ tập trung vào việc củng cố các liên minh, tiếp sức cho các nước để họ có thể duy trì an ninh của chính họ, củng cố năng lực quân sự của Mỹ để ngăn chặn chiến tranh;
Hoa Kỳ phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi thái quá các yêu sách biển. Mỹ không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng.
Câu hỏi lớn nhất trong các đại biểu châu Á tham dự diễn đàn là vai trò của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục như thế nào trong khu vực ngày càng căng thẳng này?
Sáng 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết, Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc coi thường luật quốc tế với các hoạt động phi pháp trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Mỹ là "quốc gia Thái Bình Dương về cả địa lý lẫn tầm nhìn", khẳng định Washington vẫn sẽ tiếp tục duy trì các lợi ích chiến lược tại đây.
Phát biểu của ông Mattis được kỳ vọng giúp trấn an các đồng minh của Mỹ tại khu vực sau những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc giảm dần ảnh hưởng quốc tế của Washington, chủ trương "Nước Mỹ trên hết".
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đề cập đến 3 cách thức mà Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng để ứng phó với các thách thức an ninh tại khu vực.
Theo đó, một là Mỹ sẽ củng cố các liên minh; hai là giúp đỡ các quốc gia trong khu vực "tự lực cánh sinh" và thứ ba là tăng cường năng lực quân sự của Mỹ tại khu vực.
Như vậy, có thể thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "lật bài ngửa" trong chính sách an ninh đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương qua phát biểu của ông James Mattis tại Đối thoại An ninh Shangri-la.
Về Biển Đông, tướng James Mattis nhắc lại những tuyên bố lên án Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo, đe dọa an ninh và tự do hàng hải - hàng không trên Biển Đông, phá vỡ luật pháp quốc tế...
Ngoài những nội dung và thông điệp quen thuộc vẫn thấy lâu nay, nhắc lại cam kết duy trì trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một ưu tiên của Mỹ.
Tuy nhiên, tính toán lợi ích chiến lược của mình trong khu vực trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mỹ đã một lần nữa sử dụng Biển Đông như là một con bài chiến lược để mặc cả với Trung Quốc.
Chính điều này khiến nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ lo ngại khi thấy Tổng thống Donald Trump tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, chấp nhận tạm gác Biển Đông qua một bên…
2.2. Phản ứng và hành xử của Trung Quốc và Mỹ
2.2.1. Kế “điệu hổ ly sơn” đã bị phát giác ?
Các hoạt động thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên chính là “con bài chiến lược” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng để mặc cả với Tổng thống Donald Trump về Biển Đông.
Nhưng cho đến nay, con bài này dường như bị vô hiệu hóa, bởi vì:
Thứ nhất: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra Nghi quyết trừng phạt Bình Nhưỡng với 100% phiếu thuận, trong đó có cả Trung Quốc và Nga trong phiên họp ngày 2/6.
Nghị quyết được 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua.
Nghị quyết này sẽ cấm đi lại trên toàn cầu và phong tỏa tài sản của 14 cá nhân người Triều Tiên và 4 cơ quan của nước này, trong đó có ngân hàng Koryo.
Nghị quyết này đạt được sau 5 tuần đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng, nghị quyết mới được thông qua đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên rằng nước này cần ngừng ngay việc thử các tên lửa đạn đạo nếu không sẽ phải đối mặt với các hậu quả.
Như vậy, việc Trung Quốc buộc phải bỏ phiếu thông qua Nghi quyết này cho thấy “con bài chiến lược” mà họ sử dụng để mặc cả với Mỹ đã không còn tác dụng như họ mong muốn.
Thứ hai: Sau một thời gian chờ đợi hành động của Trung Quốc trước những vụ thử tên lửa “xịt” của Triều Tiên, có lẽ Mỹ đã nhận ra được kế sách “điệu hổ ly sơn” của Bắc Kinh và đã bắt đầu ra tay ở Biển Đông và Hoa Đông.
Khi thấy đây chỉ là kế "điệu hổ ly sơn" của Trung Nam Hải và, ông Tập Cận Bình không thực sự sử dụng đòn bẩy của mình theo mong muốn của người Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có những hiệu chỉnh chính sách.
Trước đối thoại Shangri-la, nhiều nhà phân tích quốc tế dự đoán vấn đề Triều Tiên có thể sẽ lấn át chủ đề quân sự hóa Biển Đông tại kỳ đối thoại quan trọng nhất trong năm về an ninh châu Á - Thái Bình Dương này.
Tuy nhiên thực tế diễn ra ngược lại, Biển Đông vẫn là một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm và bày tỏ thái độ của các cường quốc.
Biển Đông không phải là câu chuyện của riêng các nước có yêu sách, mà là một vấn đề an ninh nóng bỏng của khu vực và toàn cầu.
Bởi lẽ, đây là nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, tất nhiên bao gồm cả nguyên nhân căng thẳng từ yêu sách bành trướng và tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm vùng biển này.
Chính vì vậy, cục diện Biển Đông có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với cấu trúc và cục diện an ninh châu Á - Thái Bình Dương, tức nằm trong bàn cờ chiến lược lớn hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Vì thế một nước cờ nào đó diễn ra ở Đông Bắc Á, có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến cục diện Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông.
Hiệu chỉnh đầu tiên là Mỹ cho chiến hạm USS Dewey tuần tra tự do hàng hải quanh bãi cạn Vành Khăn, và lần đầu tiên diễn tập cơ động trong phạm vi 12 hải lý xung quanh cấu trúc vốn là một bãi cạn lúc chìm lúc nổi này.
Hiệu chỉnh thứ hai là các tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông, Triều Tiên tại Đối thoại Shangri-la.
Nếu như trong vấn đề Biển Đông, phát biểu của ông James Mattis chủ yếu nói cho các đồng minh và đối tác nghe, thì trong vấn đề Triều Tiên, ông nhắc lại với Trung Nam Hải:
"Một khi Hoa Kỳ đã cạn kiệt tất cả các lựa chọn thay thế, người Mỹ sẽ làm đúng. Chúng tôi sẽ vẫn có mặt ở đó".
Phát biểu này cũng chính là nội dung tuyên bố của Tổng thống Donald Trump theo tường thuật của CNN ngày 2/4: Trung Quốc không giúp thì để Mỹ tự làm theo cách của mình.
2.2.2. Vẫn còn đó nước cờ “một Trung Quốc” của Mỹ trong quan hệ với Bắc Kinh?
Vấn đề đảo Đài Loan, khi phái đoàn Trung Quốc đặt câu hỏi, ông James Mattis đã không ngần ngại trả lời thẳng:
"Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn kiên định làm việc với Đài Loan và chính quyền dân chủ của họ, để cung cấp cho họ các thiết bị quốc phòng cần thiết, phù hợp với nghĩa vụ được quy định trong Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.
Bởi vì chúng tôi đứng ra giải quyết một cách hòa bình với bất kỳ vấn đề nào theo cách thức mà người dân hai bờ eo biển Đài Loan có thể chấp nhận được.”.
Đài Loan vẫn là con bài chiến lược dự trữ rất có giá trị của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Một cú điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hay việc quay sang nhắc lại tôn trọng cam kết “một nước Trung Quốc” với ông Tập Cận Bình chỉ là những nước cờ chiến thuật, nhằm tối đa hóa lợi ích cho Mỹ thông qua đòn bẩy này mà thôi.
Rõ ràng là: Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu nói chung, đặc biệt tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
Cân bằng quan hệ với 2 siêu cường Trung - Mỹ là việc cần làm và cần phải làm tốt, để bảo vệ chính mình , cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh chung cho khu vực.
Với đầu óc thực dụng, Donald Trump và Tập Cận Bình làm gì cũng có tính toán cẩn thận, các nước nhỏ cần nghiên cứu kỹ chính sách và xu hướng của hai nhà lãnh đạo này để không bị trở thành những quân cờ trong bàn cờ chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của 2 siêu cướng Mỹ, Trung.
3. Các quốc gia châu Á-TBD nên và cần làm gì ?
3.1.Tự lực cánh sinh và quy luật sinh tồn
Một số quốc gia châu Á đang tìm cách củng cố các liên minh không chính thức với nhau, vì những lo ngại rằng không thể dựa vào một mình Hoa Kỳ để duy trì vùng đệm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Các nước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam đang lặng lẽ đẩy mạnh các cuộc thảo luận và hợp tác.
Phát biểu đề dẫn Đối thoại An ninh Shangri-la lần thứ 16 vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói:
"Trong thế giới mới bất ổn này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của mình.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm với an ninh và thịnh vượng của chính mình, trong khi thấy rõ rằng chúng ta sẽ trở nên mạnh hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các bạn bè và đối tác tin cậy.".
Để minh họa sống động cho nhận xét này, Thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu:
"Thưa ngài thủ tướng (Lý Hiển Long)! Cha của ngài và đồng thời cũng là vị quốc phụ, ngài Lý Quang Diệu, rất sâu sắc.
Ông hiểu rằng sự ổn định chiến lược không tự nhiên mà có.
Năm 1966 khi Cộng hòa Singapore mới được khoảng 1 năm tuổi, Anh quốc bắt đầu tính chuyện rút các lực lượng quân sự khỏi phía Đông Suez, ông đã nói về tầm nhìn chiến lược.
Ông Lý Quang Diệu trích dẫn một câu phương ngôn của người Trung Quốc, đại ý cá lớn nuốt cá bé, cá bé ăn tép riu.
Ông đã mô tả về cách làm thế nào để con tép riu trong câu phương ngôn này, lấy ví dụ như quốc đảo Singapore khiêm tốn và nhỏ tuổi, có thể sinh tồn và phát triển tốt.
Đó là cách con tép nhỏ làm cho bản thân mình "khó nuốt" đối với những con cá, bằng cách trở nên tự chủ và mạnh mẽ hơn.
Nó có thể làm bạn với các con cá lớn khác, xây dựng liên minh mạnh mẽ và an ninh tập thể.
Hòa bình và ổn định đã trở thành nền tảng cần thiết cho sự tiến bộ, thịnh vượng và tự do trong khu vực của tất cả chúng ta…”
…Với sự hiện diện của đầy đủ "tôm tép, cá nhỏ, cá vừa và cá lớn" tại đây (Đối thoại Shangri-la) ngày hôm nay, chúng ta phải đối mặt với hơn một sự lựa chọn mang tính đối nghịch, giữa sự sống và cái chết, giữa chiến tranh và hòa bình…
Các điểm nóng trong khu vực gia tăng, mâu thuẫn dường như vô tận ở Trung Đông và châu Phi, sự điên rồ và bệnh hoạn của chủ nghĩa khủng bố, sự biến đổi kinh tế và biên giới ở châu Âu, sự can thiệp bên ngoài và mức độ tha hóa chính trị hay chủ nghĩa dân tộc ngày càng sâu sắc hơn những gì chúng ta từng thấy kể từ năm 1930…”.
3.2. Chia sẻ là hạnh phúc, đoàn kết là sức mạnh và cách hành xử của Trung Quốc
Thủ tướng Malcolm Turnbull nhắn nhủ các quan chức và học giả tham dự Đối thoại Shangri-la lần thứ 16:
"Trong thế giới mới đầy thách thức này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của chúng ta.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm về an ninh và thịnh vượng của chính mình, trong khi chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các đối tác và bạn bè tin cậy.
Những đám mây âm u đang tập trung các dấu hiệu của sự không chắc chắn, không ổn định, đòi hỏi tất cả chúng ta phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ và định hình tương lai của khu vực này…”
…Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ tham gia hàng ngũ những nền kinh tế lớn với sức mạnh và ảnh hưởng chiến lược được các nhà lãnh đạo và dân chúng hai nước này xem như sự trở lại trật tự tự nhiên.
Nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục là chủ đề của những tranh luận gay gắt nhất.
Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong định hình khu vực.
Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng ảnh hưởng chiến lược để phù hợp với sức mạnh kinh tế mới cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng chúng tôi muốn thấy một Trung Quốc xây dựng vai trò lãnh đạo theo cách củng cố trật tự khu vực đã giúp chúng ta chung sống rất tốt...
Trung Quốc đã thu hoạch được nhiều nhất từ môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực chúng ta.
Do đó họ cũng sẽ là nước mất nhiều nhất nếu hòa bình và ổn định khu vực bị đe dọa.
Sự phát triển nhanh chóng của một cường quốc mới, cho dù là Athens cổ đại hay Trung Quốc đương đại, đều tạo ra sự lo lắng…
…Một Trung Quốc cưỡng chế sẽ nhìn thấy các nước láng giềng phản đối họ vì các đòi hỏi nhượng bộ về quyền tự chủ và không gian chiến lược.
Các nước này sẽ cân bằng với sức mạnh của Bắc Kinh bằng cách củng cố liên minh và hợp tác đặc biệt giữa họ với Hoa Kỳ.
Cũng giống như nước Trung Quốc hiện đại được thành lập năm 1949 trên cơ sở khẳng định chủ quyền quốc gia, trong thế kỷ 21 Trung Quốc sẽ thành công hơn nhiều bằng cách tôn trọng chủ quyền các nước khác.".
Có lẽ những lời lẻ trên đây đã thể hiện khá đầy đủ ý nguyện chung của cộng đồng trước những diễn biến khôn lường trong phạm vi khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và quốc tế nói chung.
3.3. Chọn Bắc Kinh hay Washington?
Trong quá trình tồn tại và phát triển của Quốc đảo Sư tử, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thực hiện chủ trương dung hòa và cân bằng rất tốt trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ngày nay, ngay cả một nước không hề nhỏ, lại là đồng minh của Mỹ như Australia cũng đang đi theo con đường Lý Quang Diệu đã dẫn dắt Singapore đến thành công.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói rằng:
"Chúng tôi có một người bạn tốt, một đối tác tốt là Bắc Kinh, trong khi có một người bạn kiên định và đồng minh là Washington.
Không có gì trở ngại với chúng tôi khi giao dịch với cả hai quốc gia này.
Hợp tác với nước này không làm hạn chế giao dịch của chúng tôi với nước kia.".
Chính sách đối ngoại của các nước nhỏ trong khu vực được xác định bởi và chỉ bởi lợi ích quốc gia, dân tộc mình.
Vì vậy, an ninh và thịnh vượng phụ thuộc vào sự ổn định và hòa bình liên tục trong khu vực, một điều chỉ có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia phát triển theo con đường họ chọn mà không cưỡng ép hoặc can thiệp vào quốc gia khác.
Các nước, nhất là các nước nhỏ, cần đoàn kết bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, không đứng về phía Trung Quốc để chống Mỹ và ngược lại, có lẽ là chủ trương và cách ứng xử thích hợp nhất trong bối cảnh hiện nay đang được Singapore, Australia, Việt Nam, Philippines… vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả nhất theo cách riêng của mình./.
Tài liệu tham khảo:
- Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 30-31/5/2017 giúp làm tăng vị thế ngoại giao của Việt Nam, theo một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Hoa Kỳ. BBC ngày 30/5/2017.
- Chuyến đi 'không đột phá, nhưng có kết quả' ,BBC ngày 4 tháng 6 2017.
- Diễn đàn an ninh vùng: Biển Đông nằm ở đâu? BBC ngày 2 tháng 6 2017
- Hồng Thủy (giaoduc.net.vn 09:55 04/06/17); Mỹ đã lật bài ngửa về Biển Đông tại Đối thoại An ninh Shangri-la
- Hồng Thủy (giaoduc.net.vn, 15:52 05/06/17): Châu Á có các "liên minh mới" chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông?
- Hồng Thủy(giaoduc.net.vn 11:12 03/06/17 ): Thông điệp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông, Triều Tiên tại Shangri-la.
- Chính quyền Mỹ thời Donald Trump không hề quên Biển Đông, VOV, Thứ 2, 19:05, 05/06/2017.
TS Trần Công Trục
Nguồn: Giáo Dục Việt Nam