Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Hoa Kỳ cấm một số viên chức Campuchia nhập cảnh trước các hành động phản dân chủ của chính phủ Hunsen
Bình luận khả năng 'liên minh' Nhật-Úc-Ấn-Việt và tâm tư ông Tập Cận Bình
- Cập nhật : 13/06/2017
Bắc Kinh đã khiến người ta có ấn tượng sâu sắc, rằng: Thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng.
Đa Chiều ngày 8/6 đăng bài viết của nhà bình luận Tô Thiên Trạch về một bài báo của Reuters hôm 4/6, nhắc nhở Bắc Kinh nên phản tư những khó khăn chế độ đang gặp phải trước nhận định, Nhật Bản - Australia - Ấn Độ - Việt Nam có thể hình thành liên minh ngầm.
Bài báo của Reuters dẫn lời một số quan chức, chuyên gia khu vực tham dự Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay cho rằng:
Do mất lòng tin vào chính sách của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương, có khả năng 4 nước Nhật Bản - Australia - Ấn Độ - Việt Nam sẽ hình thành một liên minh ngầm để đối phó với tham vọng của Trung Quốc bành trướng Biển Đông.
Bình luận từ Trung Quốc vể khả năng "liên minh 4 nước"
Tác giả Tô Thiên Trạch nhận định:
"Thông tin nói trên của Reuters đúng hay sai hiện rất khó xác định.
Nhưng người ta không khó để thấy được tâm tư của một số nước láng giềng với Trung Quốc từ thông tin này.
Thủ tướng Australia khi phát biểu đề dẫn Đối thoại Shangri-la tối 2/6 tại Singapore đã nói:
"Trong thế giới mới bất ổn này, chúng ta không thể dựa vào một sức mạnh tuyệt đối để bảo vệ lợi ích của mình.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm với an ninh và thịnh vượng của chính mình, trong khi thấy rõ rằng chúng ta sẽ trở nên mạnh hơn khi chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo tập thể với các bạn bè và đối tác tin cậy.".
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 16, ảnh: The Australian.
Phát biểu này của ông Turnbull mang theo 2 thông điệp.
Một là có thể Australia đã mất lòng tin vào Mỹ, không muốn tiếp tục dựa vào Washington để bảo vệ lợi ích của mình.
Hai là Úc cần phải hành động, xây dựng các quan hệ hợp tác mới với các đối tác có thể tin cậy, để bảo vệ an ninh và phồn vinh chung.
Không phải chỉ mình Australia mới có suy nghĩ này.
Xu hướng đó có liên hệ mật thiết một cách tự nhiên với chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Mọi người đều biết rằng, Donald Trump không tin Mỹ phải gánh các trách nhiệm quốc tế. Ông cho rằng Mỹ đã phải hy sinh quá nhiều cho đồng minh và thế giới, làm tổn hại lợi ích của chính mình.
Do đó chúng ta thường bắt gặp các bản tin nói, nước Mỹ dưới thời Donald Trump yêu cầu các đồng minh phải chi trả nhiều hơn cho quân đội Mỹ.
Mỹ dưới thời Donald Trump không muốn tiếp tục hy sinh ra quá nhiều cho đồng minh, Australia nảy ra suy nghĩ như vậy cũng là điều khó tránh.
Vốn dĩ Mỹ là đồng minh hào phóng thì nay không thể dựa vào, đứng trước một thế giới hoàn toàn mới, đồng minh của Mỹ phải lựa chọn một số hành động để tự bảo vệ mình là điều rất bình thường.
Trên phương diện này, cả Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Việt Nam có ý xây dựng quan hệ liên minh kiểu mới cũng không có gì lạ.
Chỉ có điều, tính khả thi của phương án liên minh 4 nước thì không mấy người tin.
New Delhi lâu nay chủ trương đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, không liên minh.
Việt Nam là quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có hệ giá trị khác xa Nhật - Úc.
Trong 4 nước này chỉ có Nhật Bản và Australia là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Chẳng trách có quan điểm cho rằng, khả năng thành lập liên minh 4 nước rất thấp.
Bất luận 4 nước này có thành lập được liên minh hay không, thì có một điểm Bắc Kinh cần chú ý.
Đó là mục tiêu cả 4 nước nhắm đến chính là Trung Quốc.
Tại sao họ lại nhằm vào Trung Quốc? Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã uy hiếp 4 quốc gia này chăng?
Theo góc nhìn của người Trung Quốc, họ là đất nước văn minh, yêu chuộng hòa bình. Sự phát triển của Trung Quốc không đe dọa bất cứ quốc gia nào.
Nhưng vẫn có một số nước không nhìn nhận như thế.
Thuyết mối uy hiếp từ Trung Quốc đã tồn tại rất lâu trên thế giới, cho dù người Trung Quốc tự đánh giá mình thư thế nào đi nữa, thì một số nước vẫn xem sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến họ.
Đó là một thực tế khách quan.
Nhưng tại sao Ấn Độ cũng trỗi dậy thì không ai dị nghị?
Lý do của hiện tượng này không chỉ vì Trung Quốc là nước lớn, mà cơ bản còn bởi chế độ chính trị, ý thức hệ của Trung Quốc khác với các nước này..." [1]
Cùng đưa tin về bài báo này của Reuters, Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/6 dẫn lời ông Hứa Lợi Bình, một chuyên gia an ninh châu Á từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, bình luận:
"Mấy quốc gia này đúng là có một số lợi ích chung, ví dụ như Nhật Bản - Ấn Độ và Việt Nam đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc (bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ, hàng hải).
Họ lo ngại về Trung Quốc, nhưng nếu chỉ dựa vào sức mình thì không thể làm gì Trung Quốc.
Nhưng đồng thời giữa các nước này cũng tồn tại mâu thuẫn mang tính 'kết cấu', rất khó tìm được tiếng nói chung.
Do đó cũng không loại trừ truyền thông hải ngoại (Reuters) tung tin tạo dư luận.
Còn các nước liên quan phát đi thông điệp như vậy chỉ là để Mỹ biết, xem như miếng mồi để dụ Mỹ tăng cường chính sách với châu Á - Thái Bình Dương.". [2]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng lên tiếng về thông tin Reuters phản ánh.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/6 dẫn phát biểu của bà Oánh trong buổi họp báo về việc này:
"Tôi cũng đã đọc các thông tin liên quan và rất nghi ngờ tính chân thực của thông tin đó.
Nếu chẳng may bản tin này (của Reuters) là đúng, tôi chỉ có thể nhắc lại lần nữa rằng:
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển hiện nay, tư duy Chiến tranh Lạnh vẫn chưa bị nhổ tận gốc.
Một số người vẫn có ý đồ dùng tư duy trò chơi tổng bằng 0 để đánh giá và xử lý quan hệ giữa các quốc gia với nhau.
Chúng tôi chủ trương xây dựng quan niệm phát triển chung, tổng hợp, hợp tác và bền vững, xây dựng quan hệ quốc tế mới lấy hợp tác cùng thắng làm nòng cốt.
Chúng tôi cho rằng, bất kỳ hình thức đối kháng, kết đồng minh hay kiềm chế nào đều không có lối thoát.
Chỉ có đối thoại, hợp tác cùng thắng mới là con đường đúng đắn. Hy vọng các quốc gia liên quan nhìn nhận đúng đắn về sự phát triển của Trung Quốc.". [3]
Tâm tư của ông Tập Cận Bình
Cùng bàn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và nhắc đến Biển Đông, Tân Hoa Xã ngày 7/6 có bài viết của phóng viên hãng thông tấn này, Liu Chang, với tiêu đề:
"Tiêu điểm: Tầm nhìn Tập Cận Bình cho một thế giới an toàn hơn". [4]
Tác giả Liu Chang viết:
"Kể từ khi nhậm chức, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần cho thấy tầm nhìn của ông về cách xây dựng một châu Á và thế giới an toàn hơn qua các diễn đàn ngoại giao lớn, bao gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Trong mắt ông Tập Cận Bình, hòa bình và an ninh không phải đặc quyền của số ít. Trò chơi có tổng bằng không kiểu tư duy Chiến tranh Lạnh cần trở thành quá khứ.
Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ tháng Giêng vừa qua, ông kêu gọi tất cả các nước chung tay xây dựng an ninh chung cho cả thế giới.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình lặp lại những gì ông đã nói một cách chi tiết hơn tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về Biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin châu Á, năm 2014. Ông nói:
"Chúng ta không thể chấp nhận chỉ một số nước được an toàn, trong khi phần lớn các quốc gia còn lại không an toàn.
Thậm chí một số quốc gia còn tìm kiếm cái gọi là an toàn tuyệt đối cho bản thân họ, cho dù phải trả giá bằng sự an toàn của những nước khác.".
...Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, tất cả các quốc gia khác nhau nên cùng nhau giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, không nên tùy tiện dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Đó chính xác là những gì Trung Quốc đã làm khi ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với các nước yêu sách để giải quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông...
...Để giúp duy trì hòa bình và an ninh thế giới, nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ rằng, đất nước của ông bây giờ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng vai trò ngày càng quan trọng...
...Đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, con đường tối hậu để hướng tới một thế giới an toàn, bình yên hơn nằm trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh đi cùng với công bằng xã hội ở những khu vực nghèo khó và khủng hoảng.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế "Một vành đai, một con đường" ở Bắc Kinh tháng trước, ông nói: "Phát triển nắm giữ chìa khóa tổng thể để giải quyết tất cả các vấn đề.".
...Đó chính xác là lý do tại sao ông Tập Cận Bình đề xuất sáng kiến "Một vành đai, một con đường" năm 2013, nhằm mang lại lợi ích thực sự, thúc đẩy phát triển cho tất cả các quốc gia đăng ký tham gia sáng kiến này.". [4]
Thật thà cũng thể lái trâu
Lạ thật, nói như nhà bình luận Tô Thiên Trạch thì Trung Quốc là nước văn minh và yêu chuộng hòa bình, chỉ vì khác biệt về ý thức hệ mà người ta cảnh giác với Trung Quốc!?
Ông Trạch đề xuất ý tưởng, nên chăng Bắc Kinh nhanh chóng "dân chủ hóa" thì con đường Trung Quốc tiến ra thế giới sẽ giảm bớt được rất nhiều trở lực.
Một đề xuất không mấy liên quan đến "sự cảnh giác" của láng giềng.
Giáo sư Hứa Lợi Bình từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì cho rằng, thông tin "liên minh 4 nước" của Reuters có khả năng chỉ là tung tin tạo dư luận.
Ông Bình thừa nhận Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Việt Nam "lo ngại về Trung Quốc", nhưng một mình thì "không làm gì được Trung Quốc".
Theo ông, khả năng "liên minh" này không cao, nên nếu có ý tưởng ấy thì cũng chỉ nhằm dụ Mỹ củng cố cam kết với châu Á - Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hoài nghi tính xác thực trong bản tin của Reuters, nhưng nhấn mạnh rằng, "nếu chẳng may điều đó đúng sự thật", thì các nước này nên nhớ lập trường của Trung Quốc, và bà Hoa Xuân Oánh nhắc lại.
Tất cả những bình luận này nếu đem "soi rọi" bằng lăng kính tầm nhìn Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phân tích của Liu Chang trên Tân Hoa Xã, người Trung Quốc sẽ càng không thể hiểu nổi:
Tại sao Trung Quốc thì tốt như thế, mà các nước láng giềng và nhiều quốc gia khác trong khu vực lại cảnh giác với họ đến thế?
Tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về hòa bình, an ninh quả thực rất tiến bộ.
Tâm tư của Chủ tịch Trung Quốc về "phát triển là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề", và mong muốn của ông giúp các nước khác qua "Một vành đai, một con đường", quả thực đáng trân trọng lắm chứ?
Nhưng tiếc rằng đó chỉ là sự tiến bộ dựa trên câu chữ.
So sánh những gì ông cam kết và những việc Trung Quốc đã làm trong thực tế, thì láng giềng không lo ngại, đối tác hoàn toàn yên tâm và tin tưởng, mới là chuyện lạ xưa nay.
Trước hết nói về an ninh.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trên cương vị nguyên thủ quốc gia năm 2015, ông đã tuyên bố tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 25/9 rằng:
Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa Biển Đông.
Website Nhà Trắng đến nay vẫn ghi rõ những gì Chủ tịch đã cam kết long trọng. [5]
Nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại những gì chính Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết. Ai cũng thấy điều này, trừ các nhà lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc.
Báo cáo đánh giá hàng năm của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc vừa được công bố hôm 15/5 cho biết:
Hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông năm 2016, đặc biệt là xây dựng sân bay và cơ sở hạ tầng trên các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Điều này gây ra một mối lo ngại với khu vực về mục đích lâu dài của Bắc Kinh.
Đã có 3 đường băng được xây dựng (bất hợp pháp, ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi) cùng các kho nhiên liệu, cầu cảng, 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, thiết bị liên lạc, ụ pháo, doanh trại và các tòa nhà chỉ huy.
Ảnh chụp đá Chữ Thập từ vệ tinh ngày 12/11/2016 được Lầu Năm Góc công bố trong báo cáo hôm 15/5. [6]
Lầu Năm Góc dự báo năm 2018, Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ tàng hình J-20 và FC-31 ra các đảo nhân tạo này.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh, mọi hoạt động bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo không có ý nghĩa gì về pháp lý trong việc củng cố yêu sách "chủ quyền" của Trung Quốc.
Các hoạt động này cũng sẽ không thể tạo ra bất kỳ quyền lãnh hải mới nào cho các cấu trúc địa lý này. [6]
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, vậy nhưng Trung Quốc lại trở thành gương xấu khi công khai chống lại Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
Đây là một phán quyết pháp lý có hiệu lực của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên đã từng rất tích cực tham gia xây dựng.
Phán quyết này chính là một biện pháp hòa bình, nhân văn, tiến bộ, hợp pháp, hợp lý, hợp tình để giải quyết tranh chấp trong giải thích, ứng dụng Công ước trên Biển Đông.
Nó được đưa ra bởi cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, được Trung Quốc thừa nhận khi ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Về hợp tác kinh tế để thúc đẩy an ninh, Chủ tịch Tập Cận Bình quả thật rất sâu sắc khi nhận định:
"Chỉ khi nào những người trẻ có thể sống một cuộc sống đúng nghĩa với đầy đủ phẩm giá thông qua sự phát triển, chừng đó mới có thể hy vọng chiếm được trái tim của họ.
Chỉ khi đó họ sẽ tự nguyện từ chối bạo lực, ý thức hệ cực đoan hoặc khủng bố.". [4]
Tác giả Liu Chang viết trên Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến "Một vành đai, một con đường" năm 2013 và đang thúc đẩy mạnh mẽ nó, là vì muốn "mang lại lợi ích thực sự và thúc đẩy phát triển cho tất cả các quốc gia đăng ký tham gia sáng kiến này".
Nếu đúng như vậy thì người ta phải biết ơn và trân trọng ý tưởng, tấm lòng đó mới phải chứ?
Nhưng sẽ không có gì khó hiểu trước sự cảnh giác của láng giềng và các quốc gia mục tiêu "Một vành đai, một con đường" được Trung Quốc mời chào, khi tìm hiểu về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn Trung Quốc thông qua "sáng kiến" này.
Ngay tại Việt Nam, chỉ cần gõ cụm từ "nhà thầu Trung Quốc" lên công cụ tìm kiếm Google, những ai quan tâm có thể nhanh chóng tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi tại sao này.
Trong buổi họp báo ngày 6/6, bà Hoa Xuân Oánh cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán nước này tại Zambia đang "giao thiệp nghiêm khắc" với chính quyền sở tại, yêu cầu thả 31 công dân Trung Quốc đang bị nhà đương cục Zambia bắt giam.
Hiện tại hai bên chưa thống nhất được phương án. [3]
Đa Chiều ngày 8/6 cho biết, 31 công dân Trung Quốc bị Zambia bắt giữ vì cáo buộc trộm cắp.
Trang Quartz, Hoa Kỳ hôm 8/6 cho biết, Zambia là một trong những đồng minh sớm nhất của Trung Quốc ở châu Phi.
Nhưng 15 năm qua, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc vào Zambia khai thác khoáng sản, thì mâu thuẫn giữa doanh nghiệp Trung Quốc với dân chúng địa phương ngày một gia tăng.
Zambia độc lập từ Anh quốc năm 1964, chỉ 5 ngày sau là thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.
Năm 2015, Trung Quốc trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Zambia, và quốc gia này cũng tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường".
Hannah Postel từ Trung tâm Phát triển toàn cầu bình luận, việc bắt giữ 31 công dân Trung Quốc cho thấy các nước châu Phi ngày càng phản đối sự can thiệp của "thế lực bên ngoài" vào nội bộ nước họ. [7]
Như vậy có thể thấy, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn giúp các nước, "mang lại lợi ích thực sự và phát triển", nhưng trên thực tế doanh nghiệp và nhà thầu Trung Quốc mang đến những gì cho các nước này, và lấy đi những gì của họ?
Qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dùng vốn Trung Quốc, cái họ mang đến là công nghệ lạc hậu và ô nhiễm, lao động chân tay.
Cái họ lấy đi từ các quốc gia này là tài nguyên thiên nhiên, việc làm, rồi đồng thời để lại nhiều công trình đắp chiếu, nhiều dự án đội vốn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi gấp ba, hay những "khu phố Tàu" mọc lên ở quốc gia sở tại.
Người viết cho rằng, đây mới là lý do thực sự khiến các nước ngần ngại trước sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Và có bắt đúng bệnh thì mới mong bốc đúng thuốc.
Còn mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, cụ thể là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Việt Nam hoàn toàn trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Chúng tôi đã phân tích khá nhiều về chuyện này, nhất là những phát biểu của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Đối thoại Shangri-la vừa qua, xin không nhắc lại ở đây.
Tiếc rằng, Thời báo Hoàn Cầu vẫn cố tình chụp mũ và bóp méo thiện chí của ông ấy, khi nói rằng:
"Hoa Kỳ đá Úc, và Úc đá Trung Quốc. Bài phát biểu của Turnbull là một màn rao giảng đạo đức nhằm vào Trung Quốc.
Ông nên biết ơn rằng, Bắc Kinh có một trái tim lớn. Sau những gì ông nói, chúng tôi vẫn không cắt đứt quan hệ với ông ta!". [8]
Một trong những cơ quan ngôn luận hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn nhận thức như vậy, thì bảo sao người khác không bao giờ tin những lời có cánh từ lãnh đạo nước này.
Người viết cho rằng, chính những hành động đi ngược hoàn toàn với tuyên bố của Trung Quốc trong quan hệ bang giao và các vấn đề khu vực, Bắc Kinh đã khiến người ta có ấn tượng sâu sắc, rằng:
Thật thà cũng thể lái trâu,
Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://opinion.dwnews.com/news/2017-06-08/59819116.html
[2]http://mil.huanqiu.com/observation/2017-06/10784577.html
[3]http://world.huanqiu.com/exclusive/2017-06/10785606.html
[4]http://news.xinhuanet.com/english/2017-06/07/c_136347287.htm
[7]http://global.dwnews.com/news/2017-06-08/59819027.html
[8]http://www.globaltimes.cn/content/1049803.shtml
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam