Theo tác giả Jonathan Levine trên trang Nationalinterest, khi Trung Quốc đưa ra thông báo về ngày tiến hành chuyển giao quyền lực chính thức là 8/11 có thể coi đây là lời thông báo về một quá trình chuyển giao đầy đau đớn của nước này. Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ đối mặt với vô số khó khăn và con đường phía trước Trung Quốc còn rất bấp bênh.
Liệu có xung đột biên giới Trung - Ấn lần 2?
- Cập nhật : 12/10/2016
Sau hơn nửa thế kỷ, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ, đây là cội nguồn trong căng thẳng giữa 2 nước kéo dài nhiều năm.
Mới đây, trang mạng Asia Times đăng một bài viết của thạc sĩ Namrata Goswami – Chuyên gia Tổ chức Nghiên cứu Hòa bình Mỹ (USIP) với tiêu đề “Nguy cơ chiến tranh Trung - Ấn”. Bài viết đi sâu vào xung đột biên giới năm 1962 giữa hai nước, phân tích và so sánh tình hình quân đội hai bên, cũng như đưa ra một số giải pháp đối thoại trong tình hình hiện tại.
Dưới đây là nội dung bài phân tích:
Arunachal Pradesh thuộc về Trung Quốc?
Cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn nổ ra ngày 20/10/1962 đã qua đi hơn nửa thế kỉ, nhưng kí ức về nó vẫn hiện diện trong đầu tầng lớp lãnh đạo cao cấp của Ấn Độ cũng như cảnh báo họ rằng vùng biên giới Đông Bắc của mình vẫn còn trong vòng tranh chấp.
Các nhân vật ra quyết sách cho Ấn Độ rất quan tâm đến tuyến đường biên giới dài hơn 1.080 km nằm ở phía Đông dãy Himalaya, kéo dài với vùng biên khu vực Nam Tây Tạng mà Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh.
Những lo ngại ngày càng lớn dần lên trong những năm gần đây khi Bắc Kinh tuyên bố phần chủ quyền lên đến 90.000 km2 ở khu vực Arunachal Pradesh này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vùng Arunachal Pradesh. |
Cơ sở pháp lý cho những đòi hỏi chủ quyền này là vùng này trước đây thuộc phần quản lý của Tây Tạng, hiện Tây Tạng đã trực thuộc lãnh thổ Trung Quốc, do đó Arunachal Pradesh phải được trả về cho họ.
Tháng 2/2012, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc ông Hồng Lỗi cực lực phản đối chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đến đây, và tố cáo phía Ấn Độ cố tình làm căng thẳng cục diện ổn định đang được duy trì.
Một chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ hồi năm 2009 cũng bị phản đối. Bắc Kinh cũng đã hết sức ngăn cản việc Ngân hàng phát triển châu Á cung cấp khoản vay cho Ấn Độ để phục vụ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Arunachal Pradesh.
Tương quan lực lượng Trung - Ấn vùng tranh chấp
Phía Trung Quốc vẫn liên tục đưa binh lính đến vùng Nam Tây Tạng.
Hồi năm 2010, họ đưa tên lửa đạn đạo DF-21 để lên thay thế cho tên lửa đạn đạo DF-4 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoài ra, các tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 và DF-31A không rõ số lượng cụ thể đã được dịch chuyển lên phía Bắc Tây Tạng.
Trung Quốc còn sửa chữa tuyến đường quốc lộ dọc theo biên giới hai nước nhằm tăng cường khả năng cơ động của quân đội.
Hiện tại, trên suốt tuyến biên giới này, Bắc Kinh đã bố trí 13 sư đoàn biên phòng với tổng quân số lên đến 300.000 người, thực hiện việc sửa chữa 3 sân bay mới, nâng tổng số sân bay phục vụ cho quân sự ở khu vực này lên 6 sân bay với hi vọng tăng cường khả năng không vận lên vùng chiến trường dự kiến này.
Mục tiêu của Trung Quốc, đến năm 2018, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 do nước này tự sản xuất sẽ được bố trí ở khu vực trên. Việc điều động đảm bảo duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu 24/24 đối với 6 sư đoàn phản ứng nhanh của Đại quân khu Thành Đô và đưa toàn bộ lực lượng này lên vùng biên giới Trung Ấn trong vòng 48 giờ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Năm 2018, Trung Quốc sẽ điều J-20 tới biên giới Trung - Ấn. |
Việc vận chuyển đường không trong mọi điều kiện thời tiết và khí hậu trong tình hình địa hình cao như ở dãy Himalaya và là một thách thức lớn mà Ấn Độ vẫn chưa giải quyết được.
Người Ấn hiện có 4 quân đoàn với khoảng 120.000 quân ở vùng Tezpur nhưng do những yếu kém về giao thông vận tải, việc di chuyển lực lượng này trong trường hợp cần thiết là vô cùng khó khăn.
Các chiến lược tranh chấp biên giới của hai nước này có ảnh hưởng lẫn nhau. Nhằm khống chế và đối phó với các đe dọa từ đối phương, cả hai nước đều cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự, gia tăng binh lính, củng cố các căn cứ nằm rải rác ở biên giới.
Hồi năm 2005, hai nước đã kí với nhau một bộ quy tắc ứng xử, sau đó thực thi cơ chế cho một “đại biểu đặc biệt” của mỗi bên để thực hiện việc đối thoại về các vấn đề biên giới. Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc vẫn vô cùng cứng rắn về vấn đề này, phía Ấn cũng luôn luôn có những động thái đáp trả tương xứng.
Vào năm 2011, Ấn Độ tăng cường thêm 90.000 lính lên vùng biên giới và bố trí tên lửa hành trình siêu âm Brahmos hiện đại nhất của họ, phía New Delhi đã có 4 sư đoàn bộ binh ở vùng Đông Bắc.
Ngoài 120.000 lính bộ binh cùng 2 trung đoàn tiêm kích Su-30MKI đóng tại căn cứ không quân Tezpur từ trước đó, Ấn Độ đã tăng cường thêm 2 trung đoàn Su-30MKI cùng với xây thêm hai căn cứ cho máy bay được chọn trong gói thầu tiêm kích đa năng hạng trung (MMRCA) ở khu vực bộ tư lệnh không quân Đông Bắc, ngoài ra họ còn đưa thêm radar và tên lửa phòng không đến đây.
Tên lửa BrahMos, Su-30MKI (tương lai có thể là Super Sukhoi), tiêm kích Rafale là những thứ Ấn Độ sẽ đưa tới vùng tranh chấp. |
Nửa cuối năm 2012, Không quân Ấn sẽ tiếp nhận tên lửa phòng không tầm thấp – tầm trung Akash. Tên lửa Akash kết hợp radar mạng pha Rajendra có khả năng phát hiện và nhận biết đầu đạn tên lửa hoặc máy bay chiến đấu ở khoảng cách 120 km. Akash đang được bố trí để bảo vệ Bộ tư lệnh Không quân Đông Bắc.
Giải pháp nào cho tương lai quan hệ Trung - Ấn?
Quân sự hóa tranh chấp biên giới Trung-Ấn sẽ ảnh hưởng to lớn đến ổn định của cả khu vực châu Á.
Trong lịch sử, New Delhi từng phản đối ngoại giao vũ lực, nhưng họ đã bắt đầu đẩy mạnh chương trình phát triển lực lượng vũ trang của mình với mục tiêu có hàng không mẫu hạm, gia tăng số lượng máy bay tiêm kích hiện đại trong giai đoạn 2012-2025.
Ấn Độ cũng nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng cho riêng mình. Rõ ràng, họ đang lấy đe dọa từ tranh chấp biên giới 1962 làm cớ để trở thành một quốc gia hùng mạnh về quân sự.
Ngoài việc phát triển không và hải quân, phía Ấn Độ cũng có những kế hoạch đáp trả cho tham vọng tiến vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc.
Giới chức nước này đang kiến nghị xây dựng Bộ tư lệnh Hải quân Ấn Độ Dương tại đảo Andaman và quần đảo Nicobar, gia tăng sự hiện diện quân sự của hải quân nước này tại Ấn Độ Dương.
Họ cũng có một số chương trình phát triển tên lửa chống tàu như Dhanush có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 350 km, hay đạn tên lửa Prithvi tầm ngắn trang bị cho tàu chiến.
Hai thế lực lớn mạnh nhất châu Á công khai phát triển quân sự để kình chống lẫn nhau, tranh chấp biên giới Trung - Ấn cũng có liên quan mật thiết đến việc gia tăng ảnh hưởng của hai nước này đối với khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và vùng Ấn Độ Dương.
Do vậy, hai quốc gia cần phải có những mô hình giải quyết xung đột phù hợp để tránh xảy ra những sai lầm đáng tiếc. Phía Trung Quốc có những lời lẽ đanh thép để uy hiếp Ấn Độ thì ngược lại, New Delhi cũng cho rằng các đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh là cực kì không thỏa đáng.
Nói cách khác, hai nước cần phải có một cơ chế đối thoại phù hợp để giải quyết tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân này.