Tin Biển Đông

 
 
 

Giải mã lập trường cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông

  • Cập nhật : 12/10/2016

Trào lưu chủ nghĩa dân tộc dâng cao, cộng với sự mất cân bằng quyền lực ngày càng tăng giữa giới quân đội và ngoại giao trong quá trình hoạch định chính sách an ninh/ đối ngoại đang buộc chính quyền Bắc Kinh phải thiên về xu hướng bảo vệ vững chắc các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

 

Trung Quốc mùa hè này đã khiến thế giới phải chú ý khi bộc lộ ý định sử dụng thương mại như công cụ bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Tiếp sau cuộc đối đầu khá căng thẳng và dai dẳng với Philippines ở Bãi Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough), bằng nhiều hình thức gây sức ép – lợi thế của Trung Quốc trong quan hệ với Campuchia – Bắc Kinh đã gửi đi tín hiệu về sự không hài lòng của mình đến các nước láng giềng Đông Nam Á tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra vào tháng 7. Sau giai đoạn này, khu vực và Mỹ đã theo dõi và chờ xem liệu Trung Quốc có tái điều chỉnh cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông và thể hiện lập trường mềm mỏng hơn như nước này từng làm trước đây không. Trái với dự đoán, Bắc Kinh đã đẩy nhanh việc thành lập thành phố Tam Sa và đơn vị quân đồn trú ở đây, giới truyền thông nước này cũng công kích và cảnh báo về “sự can thiệp của bên ngoài” vào vấn đề Biển Đông, và tuyên bố vùng biển này là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Washington đã chính thức chỉ trích những hành động này bởi nó làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp.

Vậy điều gì đang diễn ra và chúng ta nên giải thích những động thái mới nhất của Bắc Kinh như thế nào? Những bài báo gần đây, trích dẫn ý kiến của những người Trung Quốc am hiểu thời cuộc, cho rằng các động thái này thể hiện một sự thống nhất từ giới lãnh đạo cấp cao về cách tiếp cận cứng rắn hơn trên Biển Đông. Hành động của Bắc Kinh tại Hội nghị ARF chắc hẳn muốn truyền tải quyết định của Bộ Chính trị nhằm đáp trả mạnh mẽ những hành động của Việt Nam và Philippines trong hai năm qua, được Trung Quốc xem là có sự hậu thuẫn của Mỹ. Những bước đi lớn như việc thành lập thành phố Tam Sa và tuyên bố gọi thầu khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC tại khu vực rõ ràng nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ) có lẽ đã không thể diễn ra nếu giới lãnh đạo Trung Quốc không “bật đèn xanh”. Thực vậy, Bắc Kinh trong thời gian qua đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện sự phối hợp giữa cái gọi “chín con rồng”, những cơ quan trực thuộc các bộ ngành khác nhau trong hệ thống chính quyền Trung Quốc có lợi ích trực tiếp trong việc Bắc Kinh xử lý cách tiếp cận trên Biển Đông như thế nào. Theo nguồn tin, việc Trung Quốc định thiết lập một cơ chế phối hợp dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc để đảm bảo những cơ quan này hành động nhất quán theo nguyên tắc chỉ đạo từ trung ương có thể sẽ củng cố thêm hình ảnh về sự lãnh đạo với mục tiêu và định hướng rõ ràng.

Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định từ bỏ hoàn toàn “chính sách ngoại giao nụ cười” với Đông Á trong hơn một thập kỷ sang một lập trường mới cứng rắn hơn? Câu trả lời có thể là không – hay ít nhất là chưa. Chẳng hạn như, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Chính trị đang đánh giá lại nhận định trọng tâm của mình rằng môi trường an ninh bên ngoài vẫn đủ hài hòa để Trung Quốc có thể tận dụng “thời cơ chiến lược” tập trung vào phát triển trong nước. Chính xác hơn, những diễn biến gần đây cho thấy sự can dự thiếu nghiêm túc của tầng lớp lãnh đạo có phần bị xao nhãng nhằm chống lại xu hướng quá cứng rắn trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Một ví dụ để minh chứng cho hiện tượng này: Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) ngày càng lệ thuộc vào chủ nghĩa dân tộc để hợp thức hóa sự lãnh đạo của mình, khiến chính quyền phải đối mặt với áp lực tăng nhanh từ dân chúng, vốn cho rằng bất kỳ thách thức nào đối với chủ quyền của Trung Quốc là một hành động ngăn cản sự hồi sinh của nước này sau một thời gian dài chịu tủi nhục. Thậm chí một số tiếng nói cứng rắn nhất trong quân đội Trung Quốc còn lo ngại rằng tầng lớp lãnh đạo có ít khả năng hành động trong trường hợp nổ ra một cuộc trạm chán bất ngờ với một bên yêu sách khác trong vùng nước tranh chấp.

Chiều hướng này càng tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bởi cuộc tranh cãi kéo dài về “chính sách quyết đoán” của Trung Quốc hay những bất đồng ý kiến về việc Bắc Kinh nên bộc lộ sức mạnh và ảnh hưởng quyết đoán đến mức nào trên vũ đài quốc tế khi Trung Quốc ngày một nhận rõ về xu thế đi xuống khó đảo ngược của Mỹ. Thực ra, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đề cập đến vấn đề này nhiều lần và khá trực diện trong các phát biểu và văn bản chính thức khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm vào năm 2009–2010. Nhưng, kể từ đó, nhiều nhà quan sát lầm tưởng rằng sự lắng dịu trong tranh luận có nghĩa là vấn đề đã hoàn toàn được giải quyết. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách ngăn chặn cuộc tranh luận như một phần chiến dịch duy trì ổn định và tránh tình trạng tranh cãi trong thời điểm chuyển giao lãnh đạo diễn ra ở Trung Quốc vào mùa thu năm nay. Nếu gắn với sự mất cân bằng quyền lực ngày càng tăng giữa giới quân đội và ngoại giao trong quá trình hoạch định chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc, thì dễ dàng nhận thấy những điều kiện mặc định hiện nay buộc chính quyền Bắc Kinh phải thiên về xu hướng bảo vệ vững chắc các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Vậy chúng ta có thể hy vọng điều gì nếu giới lãnh đạo Trung Quốc can dự thực chất hơn? Như đã nói ở trên, khi chưa có bằng chứng cho thấy Bộ Chính trị đang đánh giá lại môi trường khu vực, thì việc xem xét lại các phản ứng của Trung Quốc trong năm 2009-2010 khi Biển Đông trở thành tâm điểm bùng phát xung đột có thể đưa đến một vài đầu mối. Lúc đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã can thiệp để nhắc nhở giới diều hâu trong nước rằng bảo vệ chủ quyền là điều quan trọng nhưng xét cho cùng nên đặt sau vấn đề tập trung phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, khi chính trị đang “lên ngôi” trong thời điểm trước khi diễn ra chuyển giao quyền lực thì sẽ là điều viển vông nếu hy vọng ai đó dám mạo hiểm thể hiện sự mềm yếu trong vấn đề chủ quyền bằng cách kêu gọi kiềm chế.

Thay vào đó, chúng ta sẽ chờ đến sau khi chuyển giao quyền lực kết thúc để xem giới lãnh đạo Trung Quốc đối phó với thách thức này như thế nào. Điều đó có nghĩa rằng, trong thời kỳ quá độ, tốt nhất là tất cả các bên nên tránh những tuyên bố hay hành động khiêu khích không cần thiết có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng. Tuy nhiên với Mỹ, khả năng kiên nhẫn và kiềm chế không thể lớn hơn nhu cầu cần phải đáp trả mạnh mẽ nếu Trung Quốc – hay bất kỳ bên tranh chấp nào khác – cố gắng tạo ra hiện trạng mới trên thực địa hoặc thay đổi mục tiêu theo hướng đi ngược lại với việc thúc đẩy ổn định lâu dài trong khu vực. Washington có thể tránh khiêu khích những hành động này bằng cách hạn chế những việc làm góp phần thêu dệt nên câu chuyện về “chính sách ngăn chặn” ở Bắc Kinh.

Trong tương lai, việc chuyển giao lãnh đạo tạo ra cơ hội để dàn lãnh đạo mới chứng tỏ sự nghiêm túc của mình trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Một tín hiệu rất rõ ràng là sử dụng việc cải tổ nhân sự để nâng cao vị thế trong đảng và chính quyền của quan chức phụ trách đối ngoại hàng đầu đất nước, ông Đới Bỉnh Quốc. Hiện nay, dù khá thân cận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn có những giới hạn cứng nhất định về những điều mà ông Đới có thể chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống – đặc biệt là bộ tư lệnh tối cao – thực hiện. Ngoài ra, những biện pháp nửa vời như cơ chế phối hợp được cho là do ông Đới giám sát chỉ bó hẹp trong việc đưa ra những phản ứng tình thế, chiến thuật khi căng thẳng phát sinh thay vì hoạch định chính sách để ngăn chặn chúng ngay từ lúc đầu.

Tương tự như vậy, Bộ Chính trị mới cũng cần phải đi đầu trong việc định hình cuộc tranh luận về cách điều chỉnh yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc cho phù hợp hơn với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Các cơ quan trong Bộ Ngoại giao được cho là đang nghiên cứu một số phương án, nhưng bởi tính chất nhạy cảm của vấn đề nên cần có sự can thiệp từ lãnh đạo tối cao thì mới có thể tiếp tục triển khai. Dựng lên một nhóm mới chỉ đạo tập trung về vấn đề Biển Đông, dựa trên mô hình của những nhóm đã tồn tại về vấn đề đối ngoại và Đài Loan có thể tạo ra công cụ để đối phó với thách thức trên Biển Đông. Để thực hiện những bước đi như vậy, đội ngũ lãnh đạo mới phải có dũng khí và sự sáng tạo; còn nếu không làm gì cả sẽ càng làm nảy sinh những nhận thức sai lệch về ý định của bộ phận lãnh đạo Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông và điều này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều nguy cơ còn lớn hơn cho Bắc Kinh.

Christopher K. Johnson là Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc, của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang CSIS.

Tuấn Anh (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)

Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục