Tin Biển Đông

 
 
 

Thế kỷ châu Á dưới góc nhìn chuyên gia

  • Cập nhật : 12/10/2016
"Việc điều chỉnh chính sách của Australia hướng về châu Á nhằm tối đa hóa lợi ích của Australia trong quan hệ với châu Á, và chính châu Á cũng có lợi trong cuộc chơi này" - TS.Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Ngoại giao khẳng định.

 

Thế kỷ châu Á dưới góc nhìn chuyên gia (P.1)

 

 

 Australia hội nhập sâu rộng trong Thế kỷ châu Á (Ảnh: TL)

 
 
Ông đánh giá thế nào về những mục tiêu đề ra trong cuốn Sách Trắng của Australia, liệu nó có quá tham vọng so với khả năng của Australia hay không?
 
TS.Hoàng Anh Tuấn: Trước hết cần nói thêm đôi chút về sự ra đời của cuốn Sách Trắng này. Đây không phải là một tài liệu định kỳ thông thường về một chủ đề riêng biệt như kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, mà là một tài liệu đặc biệt liên quan đến sự điều chỉnh chính sách, điều chỉnh chiến lược của Australia bởi lẽ;
 
Ngay trong 2 chương đầu tiên Sách Trắng khẳng định rằng đến năm 2025 châu Á sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thế giới: 4 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nằm ở châu Á; tổng GDP của 2 nước khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt GDP của 7 nước trong nhóm G-7; tổng GDP của châu Á chiếm 50% tổng GDP của thế giới; thu nhập trung bình tính theo đầu người của người dân châu Á sẽ tăng gấp 2 lần…
 
Thứ hai, Sách Trắng khẳng định tương lai của Australia sẽ và buộc phải gắn liền với châu Á, và không có cách gì khác được, nếu như Australia muốn tiếp tục phát triển thịnh vượng, nâng cao mức sống của người dân và đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và thế giới. Thứ ba, để tận dụng các cơ hội do thế kỷ châu Á mang lại Australia phải có sự điều chỉnh chính sách căn bản và toàn diện. Do đó, Sách Trắng này không chỉ định hướng chính sách của chính quyền Công đảng của Thủ tướng Gillard hiện nay, mà còn của nhiều chính quyền kế tiếp. Những định hướng điều chỉnh đề ra trong Sách Trắng liên quan đến tất cả các lĩnh vực như chính sách phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa-giáo dục, quốc phòng - an ninh…
 
Về 25 mục tiêu đề ra trong Sách Trắng đến năm 2025, tôi cho rằng hầu hết các mục tiêu này đều hết sức tham vọng, nhưng không viển vông mà có tính khả thi khá cao. Tuy nhiên, Australia đặt mục tiêu khiêm tốn đối với các chỉ số “cứng” về GDP và thương mại, chẳng hạn như chỉ tăng GDP trên đầu người khoảng 20% từ mức 62.000 Đô-la Úc hiện nay lên 73.000 Đô-la Úc vào năm 2025; tăng tỷ trọng thương mại với châu Á từ 1/4 tổng GDP hiện nay lên 1/3 tổng GDP.
 
Trong khi đó các chỉ số “mềm” lại hết sức tham vọng, như về giáo dục phấn đấu xếp hạng thứ 5 trên thế giới, có 10 trường đại học lọt vào nhóm 100 trường hàng đầu thế giới; về kinh doanh, lọt vào top 5 nước làm ăn dễ dàng nhất thế giới, top 10 thế giới về tính sáng tạo của hệ thống. Việc đặt ra các mục tiêu này cho thấy Australia còn có những tham vọng lớn hơn nhiều. Họ không chỉ có các mục tiêu cụ thể để phấn đấu vào năm 2025, mà nhiều mục tiêu “mềm” đạt được vào lúc đó lại tạo nền tảng để Australia vạch ra các mục tiêu tham vọng hơn nữa vào các thập kỷ tiếp theo.   
 
PV: Ông có cho rằng việc ra đời cuốn Sách Trắng này đánh dấu sự chuyển hướng trọng tâm chiến lược của Australia sau một thời gian dài gắn kết với Mỹ và châu Âu?
 
TS.Hoàng Anh Tuấn: Xét về mặt địa lý, Australia gắn nhiều hơn với châu Á so với các châu lục khác. Tuy nhiên, do các yếu tố ngẫu nhiên, lịch sử Australia từ khi người da trắng thiết lập khu vực định cư đầu tiên năm 1788 đến nay luôn được gắn kết chặt chẽ với Mỹ và châu Âu về sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ cũng như hệ thống giá trị. Cần lưu ý rằng, sự gắn kết này diễn ra trong bối cảnh Âu - Mỹ nổi lên, đóng vai trò chi phối mọi mặt hệ thống thế giới trong gần 200 năm qua và Australia được hưởng lợi rất nhiều từ sự gắn kết này.
 
Tuy nhiên, thế giới từ hơn 20 năm gần đây đã chứng kiến những chuyển biến và thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt những thay đổi này gắn với sự nổi lên nhanh chóng của châu Á về mặt kinh tế và đi cùng với nó là sự đi xuống tương đối của thế giới Phương Tây. Để tồn tại và phát triển, Australia phải chấp nhận, thay đổi và điều chỉnh theo những thực tế này.
 
Ta cũng cần nhận thấy rằng không phải chỉ đến bây giờ Australia mới nhận thấy thực tế này, mà những nhà lãnh đạo của họ đã nhận ra được xu thế này từ cuối những năm 1980 và kiên trì theo đuổi mục tiêu gắn kết giữa Australia với châu Á, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Công Đảng Bob Hawk, Australia đã nêu sáng kiến và là thành viên sáng lập của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương ngay từ năm 1989, trong đó có mục đích quan trọng là gắn kết Australia với sự phát triển năng động của khu vực. Tiếp đó là việc Australia tham gia diễn đàn an ninh khu vực ARF, tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
 
Xét việc công bố Sách Trắng hiện nay trong toàn bộ tiến trình đó ta sẽ thấy Sách Trắng là sự chuyển biến rõ ràng, với cách tiếp cận mạnh bạo, có các mục tiêu cụ thể để đẩy nhanh tiến trình gắn kết của Australia với châu Á. 
 
PV: Sự chuyển hướng này đem lại những điều gì cho Australia và ngược lại khu vực sẽ nhận được gì từ sự chuyển hướng chính sách này?
 
TS.Hoàng Anh Tuấn: Việc điều chỉnh chính sách của Australia không có gì khác hơn là nhằm tối đa hóa lợi ích của Australia trong quan hệ với châu Á, và bản thân châu Á cũng sẽ là bên được hưởng lợi từ sự điều chỉnh này, từ sự phát triển của Australia. Như vậy đây sẽ là cuộc chơi hai bên cùng thắng  Sơ bộ có thể thấy như sau:
 
Về kinh tế, thương mại: Trong quan hệ kinh tế thương mại, đầu ra của nước này, chính là đầu vào của nước khác và ngược lai. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Australia. Bên cạnh việc xuất khẩu các sản phẩm truyền thống mà Australia có thế mạnh như Bauxite, than đá, u-ra-ni-um; các sản phẩm của ngành nông nghiệp, chăn nuôi, Australia còn có các thế mạnh khác chưa được khai thác là dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghiệp chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Australia sẽ có cơ hội tiếp nhận được nhiều hơn các nguồn đầu tư mới và dòng khách du lịch từ giới trung lưu ngày càng tăng của châu Á.
 
Về giáo dục: Việc tiếp nhận thêm nhiều sinh viên từ châu Á sẽ giúp các trường đại học của Australia có thêm điều kiện tài chính để cải thiện hệ thống đào tạo của mình, hiểu rõ hơn tính đa dạng về văn hóa của khu vực, đồng thời qua đó gây ảnh hưởng đối với tầng lớp lãnh đạo tương lai của khu vực. Ngược lại, nhiều sinh viên châu Á sẽ có điều kiện tiếp cận và hưởng thành quả từ nền giáo dục của Australia, một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Khi quay trở về nước họ sẽ chính là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, cũng như làm cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa châu Á và Australia.
 
Về ngoại giao và an ninh - quốc phòng: Chắc chắn trong thời gian tới, Australia sẽ can dự tích cực và mạnh mẽ hơn nữa về mặt ngoại giao nhằm củng cố quan hệ hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn với khu vực. Về an ninh quốc phòng, Sách Trắng dành hẳn một chương nói về sự cần thiết phải xây dựng một nền an ninh bền vững trong khu vực, trong đó đề cập đến những thay đổi trong môi trường an ninh khu vực, và đóng góp của Australia trong việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh toàn diện và an ninh tập thể trong phạm vi khu vực, cũng như trên bình diện toàn cầu. Trong bối cảnh các bất ổn về an ninh trong khu vực đang có chiều hướng tăng lên, các đóng góp tích cực của Australia nhằm đem lại hòa bình, ổn định khu vực chính là điều mà các nước châu Á mong muốn.

 
Thế kỷ châu Á dưới góc nhìn chuyên gia (P.2)
Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn trong chương trình Toàn cảnh thế giới (Ảnh: NB)

Trong những năm gần đây nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng như giới chuyên gia thường nhắc nhiều tới khái niệm Thế kỷ châu Á, Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương để nói về sự trỗi dậy mãnh mẽ của châu Á cũng như cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI về kinh tế, thương mại, đầu tư và sức mạnh mềm. Điều có phần nghịch lý là trong khi hợp tác kinh tế trong khu vực tăng lên thì chúng ta cũng chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong khu vực, cũng như sự nổi lên của một số tranh chấp chủ quyền, biển đảo. Theo ông khu vực châu Á sẽ chịu tác động ra sao của các diễn biến trên?

 
TS.Hoàng Anh Tuấn: Trong vài năm trở lại đây khi nói đến châu Á, chúng ta dễ hình dung ra đó là một châu lục với 2 bộ mặt, hai xu hướng trái chiều diễn ra gần như đồng thời. Ở góc độ thứ nhất, đó là một châu Á năng động, trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế. Các nước cũng gắn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau và bàn đủ mọi biện pháp thúc đẩy hợp tác xây dựng cộng đồng, trong nhiều khuôn khổ, thiết chế khác nhau như ASEAN, ASEAN + 1, ASEAN + 3, giữa 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi trong khuôn khổ APEC.
 
Ở góc độ thứ hai, đó là một châu Á với các bất ổn có chiều hướng gia tăng. Trên bình diện lớn, ta thấy cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Trong phạm vi hẹp hơn, nghi kỵ giữa các quốc gia; chủ nghĩa dân tộc; các tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo cũng tăng lên, có nguy cơ gây mất ổn định khu vực. Các bất ổn này khiến nhiều nước trong khu vực phải chi nhiều hơn cho an ninh quốc phòng. Năm 2011, tổng chi phí cho quốc phòng của 4 quốc gia châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Philippines là 270 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước đó, và tăng nhanh hơn rất nhiều so với các khu vực khác trên thế giới cả về tốc độ lẫn giá trị tuyệt đối. Điều này trái ngược hẳn so với giai đoạn 30 năm trước đó (1980 – 2010) khi phát triển kinh tế, gần như song hành với xu hướng hòa bình, ổn định và hợp tác.  
 
Các xu hướng trái chiều trên đã và đang tác động đến khu vực ít nhất ba khía cạnh: Thứ nhất, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực về kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu là một thực tế không thể bỏ qua. Không chỉ có Australia mà nhiều nước lớn trên thế giới đã nhìn thấy xu hướng này và đang tìm mọi cách để tận dụng. Có thể kể đến Chính sách hướng Đông của Ấn Độ được Thủ Tướng Narashimha Rao khởi xướng năm 1991; chính sách hướng Đông của Nga dưới thời cựu Tổng thống Medvedev và hiện đang được Tổng thống Pu-tin thúc đẩy với việc Nga tham gia vào Hội nghị cấp cao Đông Á năm 2010, tổ chức Hội nghị cấp cao APEC tháng 9 vừa qua tại Vladivoxtoc; chính sách quay trở lại châu Á và Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama.
 
Thứ hai, sự phân cực trong khu vực tuy mới bắt đầu hình thành, nhưng ngày càng trở nên sâu sắc, phức tạp, chủ yếu xoay quanh hai trục Trung - Mỹ. Nhìn từ góc độ kinh tế, ta thấy Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ với tư cách là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của châu Á, của toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn từ góc độ an ninh, Mỹ vẫn đóng vai trò chi phối, với mạng lưới đồng minh trải rộng khắp khu vực. Điều trớ trêu là những bạn hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, lại chính là các đồng minh hay bạn bè chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và kể cả Australia. Cạnh tranh Trung - Mỹ càng quyết liệt càng khiến họ ở vào thế kẹt trong lựa chọn chính sách.
 
Thứ ba, nếu không xử lý tốt, các bất ổn hiện hữu và tiềm tàng trong khu vực sẽ là những nhân tố đe dọa đến hòa bình phát triển và thịnh vượng chung trong khu vực. Nếu điều đó xảy ra thì các dự báo về tương lai kinh tế của châu Á có lẽ cũng mãi chỉ là dự báo và những ước vọng xa vời. Điều này cũng đã được cảnh báo trong Sách Trắng của Australia, cũng như nhiều tài liệu về định hướng chiến lược của các nước trong khu vực. 
 
Đối với những quốc gia đang có kế hoạch chuyển trọng tâm sang châu Á, muốn tận dụng sự nổi lên của châu Á để phát triển, theo ông, các quốc gia như Australia cần phải điều chỉnh các mối quan hệ với các nước trong khu vực và các quan hệ đồng minh truyền thống ra sao?
 
TS.Hoàng Anh Tuấn: Thật khó tìm ra một công thức chung có thể áp dụng cho tất cả các nước, vì tuy cùng nằm ở khu vực châu Á, nhưng mỗi nước trong khu vực cũng hết sức khác nhau về vị trí địa lý cụ thể, hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển, cách tiếp cận về văn hóa chiến lược… Do đó, lời giải cho bài toán liên quan đến an ninh, phát triển và vị thế của họ cũng khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu cách ứng xử của họ có thể rút ra những bài học thú vị cho các nước liên quan.
 
Lấy tiếp cuốn Sách Trắng của Australia làm ví dụ. Xuyên suốt cuốn sách này là cách ứng xử của Australia với một châu Á đang lên, gắn kết chặt chẽ hơn với châu Á về kinh tế, và các mặt khác. Tuy nhiên, không vì thế mà Australia làm mất lòng Mỹ, làm giảm quan hệ đồng minh và an ninh truyền thống với Mỹ - nói theo cách dân dã là “có mới nhưng không nới cũ”. Ngoài ra, tuy không nói ra, nhưng một mục tiêu quan trọng khác của cuốn sách là đảm bảo duy trì vị thế chủ đạo của Australia trong khu vực Nam Thái Bình Dương, hóa giải các thách thức an ninh bằng cách không để bị cuốn vào cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ.
 
Với một nước khác trong khu vực là Indonesia, họ xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dùng các quan hệ này để nâng cao vị thế của Indonesia trong ASEAN, trong khu vực Đông Á, trong nhóm G-20 và có tham vọng đưa Indonesia trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025.
 
Như vậy, cách tiếp cận cụ thể của từng nước có thể khác nhau, nhưng cách ứng xử chung của các nước khu vực là tìm cách tăng cường quan hệ với tất cả các đối tác quan trọng, không để các mối quan hệ mới phát triển, làm ảnh hưởng đến các quan hệ đồng minh truyền thống và ngược lại, dùng quan hệ đồng minh truyền thống để phát triển các quan hệ đồng minh mới.    
 
Vâng thưa ông, vậy là một quốc gia nằm ở khu vực châu Á, theo ông, Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội gì từ “Thế kỷ châu Á?”
 
TS.Hoàng Anh Tuấn: Trong thế kỷ châu Á chúng ta đang chứng kiến 3 sự chuyển dịch sức mạnh quan trọng từ Tây sang Đông, đó là sự chuyển dịch về sức mạnh kinh tế, chuyển dịch về sức mạnh chính trị - ngoại giao và chuyển dịch về sức mạnh quốc phòng. Việt Nam chúng ta nằm ở điểm giao thoa của 3 chuyển dịch sức mạnh quan trọng ấy. Điều quan trọng là phải tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, đồng thời hóa giải các thách thức nhằm phục vụ tốt các mục tiêu của mình.
 
Về kinh tế - thương mại: Tính đến hết năm 2011, thương mại của ta với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 3/4 tổng thương mại của ta; 8 trong tổng số 10 nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đến từ khu vực này. Những con số này thực sự đáng mơ ước đối với các nước đang tìm cách thắt chặt quan hệ với khu vực, còn đối với ta là mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với các nước ngoài khu vực trong khi vẫn củng cố và tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với các nước khu vực.
 
Về ngoại giao và các mặt khác: Việc các nước quan tâm nhiều hơn tới khu vực giúp chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục thực hiện mục tiêu đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác quan trọng để nâng cao nội lực, bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền và nâng cao vị thế của chúng ta trong khu vực và trên thế giới.
 
Vâng, xin cảm ơn ông! 

Tác giả : Úy Thương
Theo VTV

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục