Tin Biển Đông

 
 
 

Căng thẳng Trung - Nhật sẽ hạ nhiệt, nếu…

  • Cập nhật : 12/10/2016

Tuyên bố hôm 2/11 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell khiến dư luận quan tâm khi cho rằng, tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung trên biển Hoa Đông chỉ có thể được kiềm chế chứ không thể giải quyết triệt để bởi có quá nhiều thử thách cũng như tính phức tạp của vấn đề.

Ông Kurt Campbell cũng nhấn mạnh, Châu Á - Thái Bình Dương được coi là khu vực có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế đối với Mỹ và Washington sẽ không thay đổi chính sách cũng như các cam kết đối với khu vực này cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hôm 6/11.

Gia tăng khẩu chiến Nhật - Trung

Ngày 2/11, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cam kết tìm cách làm dịu mối quan hệ căng thẳng Nhật - Trung. Tuyên bố này được đưa ra trong thời điểm Bắc Kinh quyết định, sẽ tìm kiếm các cuộc tham vấn định kỳ với Nhật Bản về việc cùng quản lý vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư nếu Tokyo thừa nhận là có tranh chấp đối với quần đảo này. Trước đó (hạ tuần tháng 10), Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba từng tái khẳng định, Tokyo giữ nguyên lập trường “không có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.

Ngày 1/11, tờ Businessweek của Mỹ cho rằng, căng thẳng trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát trừ khi hai nước cải thiện kênh thông tin liên lạc song phương.

Tàu Hải giám của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở khu vực Senkaku

Nhận định này được nêu trong báo cáo mật của phái đoàn của 4 cựu quan chức Mỹ (4 người của đảng Dân chủ và Cộng hòa tới Nhật Bản và Trung Quốc hồi trung tuần tháng 10) gửi Ngoại trưởng Hillary Clinton cuối tháng 10. Theo báo cáo kể trên, trong khi 4 cựu quan chức Mỹ chuyển thông điệp của Washington công nhận quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản và Mỹ cố tình lật ngược hệ quả của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cũng theo báo cáo này, việc thiếu các kênh liên lạc và sự hiểu lầm nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản làm tăng nguy cơ tranh chấp lãnh thổ nếu tàu thuyền hai nước có va chạm hoặc xảy ra một số điều không may khác.

Cũng trong ngày 2/11, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Cục Hải giám bác bỏ thông tin báo chí Nhật Bản nói rằng: trong các đợt tuyển dụng nhân viên cho tàu hải giám hoạt động ở biển Hoa Đông trong năm 2012 có một số vị trí không có người nộp đơn, từ đó báo chí Nhật nhận định: ít thanh niên Trung Quốc sẵn sàng thể hiện hành động yêu nước thiết thực. Cục Hải giám cho biết, trong 14 vị trí công việc tuyển dụng trong năm 2012 ở chi nhánh của Cơ quan Hải dương quốc gia tại biển Hoa Đông có nhiều đơn đăng ký nhưng ít người đủ tiêu chuẩn do không có chuyên môn phù hợp.

Chiều 4/11, Tân Hoa xã cho biết, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Trước đó (3/11), Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 4 tàu hải giám và 2 tàu ngư chính Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Khi tàu của JCG cảnh báo và yêu cầu tàu Trung Quốc phải rời lãnh hải Nhật Bản, một tàu Trung Quốc đáp lại rằng “họ đang tiến hành hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc”. Cả 6 tàu Trung Quốc vẫn hoạt động ở vùng biển tiếp giáp lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đây là ngày thứ 14 liên tiếp tàu Trung Quốc xuất hiện gần khu vực tranh chấp. Ngày 4/11, theo một báo cáo cho biết, Nhật Bản đang lên kế hoạch chế tạo một máy bay không người lái giúp phát hiện một cuộc tấn công tên lửa từ CHDCND Triều Tiên và đối phó với tình hình phát triển quân sự của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị chi 3 tỉ yên (372 triệu USD) cho dự án chế tạo máy bay trong 4 năm tới và dự kiến dự án này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020.

Chiến lược “thay đổi nguyên trạng”

Giới phân tích vừa đưa ra nhận định khiến dư luận quan tâm khi cho rằng, trong năm 2012, đặc điểm nổi bật nhất của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo là “thay đổi nguyên trạng” - biến không thành có. Theo Giáo sư Mỹ M. Taylor Fravel, trong các vụ tranh chấp với Philippines và Nhật Bản (tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), Bắc Kinh đã sử dụng sự hiện diện của các cơ quan dân sự thực thi pháp luật để tạo ra những tình huống mới trên biển nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Ngày 3/11, Trung Quốc tuyên bố đã đóng xong một tàu Ngư chính và một tàu Hải giám dành riêng cho cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Trung Quốc cũng đã phê duyệt hơn 10 tỉ NDT (1,6 tỉ USD) kinh phí cho các công trình sân bay, bến cảng, nhà ở, đường sá, cấp điện, xử lý rác... trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó (2/11), cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã tổ chức gặp gỡ báo chí “nhân 100 ngày thành lập”. Đây là các hành vi leo thang, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 1/11, tờ Pravda của Nga đưa tin, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nhằm giành lấy quyền tài phán tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thông tin này xuất hiện sau tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân - nếu ai đó muốn thách thức Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để chống lại nếu thấy cần thiết. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược mới trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông đối với Nhật Bản - tìm cách làm cho Nhật Bản căng thẳng thần kinh, mệt mỏi trong nỗ lực giải quyết tranh chấp.

Trong những ngày qua, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo, các tàu Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi nhiều tàu khác của họ gần như hiện diện thường trực ở khu vực này. Đây là dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh áp dụng chiến lược mới, dài hạn và mang tính thách thức đối với Tokyo.

Giới truyền thông cho biết, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Sái Anh Đĩnh vừa chính thức nhậm chức Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên biển Hoa Đông. Trong chuyến thăm Mỹ trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng hồi tháng 8, ông Sái Anh Đĩnh đã phản đối mạnh mẽ lập trường của Mỹ khi coi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là đối tượng điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Ngày 3/11, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU) Ngô Hải Long đã bác bỏ tuyên bố mới đây của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cảnh báo, sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm bác bỏ các bằng chứng lịch sử của nước này.

Đại sứ Ngô Hải Long cho rằng, những động thái gần đây của Tokyo cho thấy sự lừa dối cộng đồng quốc tế bằng cách xuyên tạc lịch sử.Trước đó (2/11) trên tờ Financial Times, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã chỉ trích Nhật Bản xung quanh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó (1/11), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, mọi nỗ lực của Nhật Bản nhằm lôi kéo bên thứ ba đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sẽ là vô ích. Ngày 30/10, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trần Kiện đã cáo buộc Mỹ đang lợi dụng tranh chấp biển đảo của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

Sự quan tâm của Mỹ

Trong khi đó Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae cho rằng, Mỹ không thể trung lập về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư mặc dù Washington vẫn tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp tại quần đảo này. Ông Kenichiro Sasae cũng cho biết, Tokyo không bị phản đối khi thông báo với Washington rằng, Nhật Bản sẽ mua lại 3 hòn đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay chủ tư nhân. Tuyên bố hôm 1/11 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á, ông Kurt Campbell khiến dư luận quan tâm khi cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương được coi là khu vực có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế đối với Mỹ và Washington sẽ không thay đổi chính sách cũng như các cam kết đối với khu vực này cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hôm 6/11.

Biên đội tàu chiến, tàu ngầm của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản

Ông Kurt Campbell nhấn mạnh, Mỹ sẽ tích cực can dự vào Châu Á - Thái Bình Dương bởi Washington có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế tại khu vực này và đây là chính sách nhất quán của Washington. Tuyên bố của ông Kurt Campbell là sự tái khẳng định việc chuyển hướng chiến lược của Tổng thống Barack Obama được công bố từ đầu năm 2012.

Ngày 2/11, giới chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc 2 ngày hội thảo về Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó nhất trí thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả văn kiện này nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác lâu dài trong khu vực vì lợi ích của tất cả các bên. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy, người chủ trì cuộc hội thảo nhân 10 năm ngày ra đời của DOC cho biết, cuộc trao đổi đã diễn ra chân thành, thẳng thắn và tất cả các bên tham gia từ ASEAN cho tới Trung Quốc đều tích cực bày tỏ quan điểm của mình. Theo bà Soeung Rathchavy, các bên tham gia hội thảo đã nhất trí rằng, việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cần phải được cả ASEAN và Trung Quốc cùng thực hiện dựa trên sự đồng thuận.

Nhiều người nói rằng, ngoài việc muốn sở hữu vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (trữ lượng 160 tỉ thùng dầu) và Biển Đông (trữ lượng 213 tỉ thùng dầu), Trung Quốc còn muốn kiểm soát tuyến vận tải biển quan trọng ở khu vực này. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược toàn cầu, trung bình mỗi năm có một lượng hàng hóa trị giá khoảng 5.300 tỉ USD được vận chuyển qua Biển Đông. Ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington sẽ tiếp tục hối thúc đối thoại đa phương về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Giảm căng thẳng Nhật - Hàn

Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có kế hoạch hủy chuyến thăm Hàn Quốc trong năm nay bởi tranh chấp tại quần đảo Takeshima/Dokdo vẫn chưa được giải quyết, nhưng quan hệ song phương có vẻ đang hạ nhiệt. Ngày 1/11, tại Tokyo, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành tham vấn cấp Vụ trưởng về quan hệ song phương. Đây là cuộc tham vấn đầu tiên kể từ chuyến thăm hồi tháng 8 của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến đảo Dokdo/Takeshima mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Việc này diễn ra đúng thời điểm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thống nhất (cơ quan nghiên cứu trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc), ông Kim Tae-woo bị buộc phải từ chức do bị dư luận và quốc hội phản ứng gay gắt sau khi đưa ra quan điểm “cùng Nhật Bản sở hữu tài nguyên đáy biển và vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo”. Giới truyền thông cho rằng, việc ông Kim Tae-woo bị buộc phải từ chức cho thấy, trên thực tế không có tự do ngôn luận trong vấn đề Takeshima/Dokdo ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng vừa phản đối Apple do dịch vụ bản đồ tiếng Anh dành cho iPhone hiển thị cả tên tiếng Hàn và tiếng Nhật của quần đảo Dokdo/Takeshima. Theo quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong khi phiên bản tiếng Hàn Quốc hiển thị tên Dokdo còn phiên bản tiếng Nhật Bản lại hiển thị tên Takeshima. Cách hiển thị này xuất hiện trong phiên bản iOS 6 mới trong khi các phiên bản trước đó, dịch vụ bản đồ của Apple vẫn hiển thị tên gọi cũ.

Trước Apple, Hàn Quốc từng yêu cầu Google trả lại tên Dokdo cho hòn đảo Dokdo/Takeshima trên phiên bản tiếng Anh của dịch vụ Google Maps. Trước đó (31/10), khoảng 150 ngư dân Hàn Quốc đã biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ thành phố Incheon hối thúc chính quyền mạnh tay hơn trong trấn áp đối với hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân Trung Quốc.

Cũng trong ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gửi một văn kiện ngoại giao tới Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu Bắc Kinh nhanh chóng loại bỏ hoạt động đánh bắt cá trái phép của tàu thuyền Trung Quốc ở đường giới hạn phía bắc (biên giới biển trên Hoàng Hải giữa 2 miền Triều Tiên). Theo báo cáo của cảnh sát biển Hàn Quốc, trong tháng 10, một số tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Hàn Quốc, đánh cắp hoặc gây hư hại cho ngư cụ của ngư dân Hàn Quốc với tổng giá trị thiệt hại 362 triệu won (khoảng 332.000 USD).

Các đại lý du lịch Nhật Bản được Cơ quan Du lịch Nhật Bản yêu cầu hủy việc tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế Trung Quốc (diễn ra từ 15 đến 18/11). Ngoài các đại lý, 29 sở du lịch địa phương Nhật Bản có ý định tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế ở Thượng Hải cũng rút lui bởi tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn đang căng thẳng. Được biết, tổn thất kinh tế lớn do cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã được xác nhận với các số liệu thương mại đầy thuyết phục.

Theo đó, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản bị sụt giảm mạnh và ngành du lịch nước này chịu tổn thất nặng nề do du khách Trung Quốc hủy các chuyến du lịch đến nước này và các hãng hàng không Nhật Bản cũng giảm mạnh các chuyến bay đến Trung Quốc. Trong khi đó hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trên các kệ bán hàng ở Nhật Bản với mức giá chỉ bằng 1/3 giá của sản phẩm tương tự do Nhật Bản sản xuất. Trung Quốc tổn thất ít hơn trong cuộc chiến kinh tế với Nhật Bản.

 



Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo Petrotimes

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục