Trong khuôn khổ các hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4, lực lượng vũ trang Việt Nam và Trung Quốc phối hợp tổ chức diễn tập liên hợp chống khủng bố Nậm Na-2017.
Quyết định của tổng thống Philippine Rodrigo Duterte tạm thời không bàn tới phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague vào tháng 7/2016 là một trở ngại chiến lược cho Mỹ. Trong khi phán quyết của tòa vô hiệu hóa cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc, quan hệ ngày càng mật thiết giữa ông Duterte với Trung Quốc và sự suy giảm quan hệ với Mỹ đã dẫn tới khả năng tạo ra “sự đã rồi” trên Biển Đông.
Thay vì thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình thông qua sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, ông Duterte lại quyết định chỉ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua các diễn đàn song phương, và nước này vẫn sẽ không quyết liệt phản đối nguyên trạng cũng như hoạt động xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo RCD, Biển Đông hiện là vấn đề hết sức nhạy cảm mang tầm chiến lược giữa Trung Quốc với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với Mỹ. Trong khi các tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku và vấn đề Đài Loan liên quan tới các cường quốc quân sự và các liên minh hiệp ước với Mỹ, môi trường quốc tế trên Biển Đông có vẻ phù hợp để Trung Quốc thực hiện các hoạt động cứng rắn lấn chiếm lãnh thổ trên vùng biển này (còn được gọi là chiến thuật cắt lát salami).
Philippines là đồng minh hiệp ước duy nhất của Mỹ trong khu vực và việc ông Duterte rút lui trước phán quyết của tòa quốc tế đã đẩy các nước láng giềng khác vào tình thế khó khăn hơn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Mối nguy hiểm đối với Mỹ là Trung Quốc có thể mở rộng khu vực quân sự hóa trên Biển Đông và mở rộng phạm vi phòng thủ của quân đội nước này về phía nam, củng cố khả năng chống tiếp cận.
Kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Duterte đã thúc đẩy nhiều chính sách gây tranh cãi ở Phiippine, bao gồm luật chống tội phạm liên quan đến ma túy. Giọng điệu của ông Duterte cũng rất mạnh nhất là khi nói về Mỹ và chính quyền tiền nhiệm của ông Obama.
RCD nhận định, những ác cảm của ông Duterte về Mỹ có nguồn gốc sâu xa từ lý do cá nhân ông và lịch sử Philippine, và điều này khó có thể vượt qua được bằng con đường ngoại giao. Hơn nữa Trung Quốc đã mang lại cho ông Duterte lợi ích phát triển kinh tế rất lớn cũng những khoản vay khổng lồ nhằm ngăn tổng thống Philippine không theo đuổi phán quyết của Tòa Trọng tài và cải thiện quan hệ với Mỹ.
Kể cả nếu Mỹ khắc phục được quan hệ với ông Duterte và Philippine, việc hành động như vậy có thể tạo ra một nhận thức rằng Mỹ sẽ chấp nhận việc bỏ qua luật pháp để đổi lấy những nhượng bộ chiến lược. Thông điệp này sẽ đi ngược lại với lập trường của Mỹ về Biển Đông và trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, khiến Mỹ khó mở rộng sự quản lý và xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Nguy cơ lớn nhất sẽ là để thuyết phục ông Duterte tiếp tục thực hiện phán quyết, Mỹ có thể bị buộc phải từ bỏ các nguyên tắc quốc tế từ lâu đã điều hướng chính sách đối ngoại của nước này.
Tuy nhiên lựa chọn này cũng có thể sẽ mang lại một số lợi ích. Theo RCD, cải thiện quan hệ với ông Duterte và Philippines sẽ khôi phục lại chỗ đứng của Mỹ trên Biển Đông để củng cố hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Philippine là đồng minh hiệp ước và là đối tác truyền thống của Mỹ, có thể Mỹ sẽ không tạo được mối quan hệ gắn bó như vậy với các nước khác quanh Biển Đông.
Ngoài ra, thắng lợi trong vụ kiện của Philippine với Trung Quốc cũng củng cố tính chính danh cho các tuyên bố chủ quyền của nước này trên Biển Đông, chống lại việc Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp các đảo đá và các ngư trường trên vùng biển này.
Cho dù các điểm yếu của hải quân và lực lượng cảnh sát biển Philippine đã gây trở ngại cho các cuộc tuần tra trên biển, sự hợp tác với Mỹ sẽ cung cấp cho nước này các trang thiết bị và các chương trình huấn luyện, đồng thời có thêm cơ hội chia sẻ tình báo và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải.
RCD cũng đề xuất lựa chọn hợp tác với Việt Nam cả về ngoại giao và quốc phòng. Lựa chọn này tồn tại một số trở ngại nhất định. Thứ nhất là quá khứ giữa Việt Nam và Mỹ. Thứ hai là sự khác biệt trong hệ thống giữa hai nước. Thứ ba là mối quan hệ đối tác thân thiết giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và hiện nay là Nga có thể ảnh hưởng nhất định.
Theo RCD, so với các nước cũng có tranh chấp khác trong khu vực, Việt Nam đầu tư xây dựng năng lực quốc phòng mạnh hơn hẳn. Những di sản chống tiếp cận trên biển của Liên Xô trước đây vẫn còn tồn tại trong tư duy của các nhà quân sự Việt Nam, khiến Việt Nam tập trung đầu tư vào các tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, các hệ thống phòng không tích hợp, tàu ngầm, máy bay tuần tra để bảo vệ vùng biển thuộc chủ quyền trên Biển Đông.
Các hoạt động giao lưu giữa hải quân hai nước Việt-Mỹ diễn ra đều đặn trong những năm gần đây. Trong ảnh: Đón đoàn hải quân Mỹ ghé thăm Đà Nẵng
RCD đánh giá, Việt Nam cũng đã củng cố và tăng cường năng lực phòng thủ một số tiền đồn trên biển theo cách mà một số nước khác trong khu vực không đủ khả năng thực hiện. Việt Nam nắm vị trí hiểm yếu án ngữ Biển Đông và các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến đối phương rơi vào tình thế nguy hiểm nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Việt Nam chắc chắn cũng sẽ ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát biển và hải quân nhằm duy trì sự hiện diện và bảo vệ chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông.
Theo RCD, nếu tìm được đối tác hợp tác tốt, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi sức mạnh răn đe về năng lực quân sự sẽ được cải thiện đáng kể trên Biển Đông (trên thực tế Việt Nam đã và đang thực thi chính sách ba không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).
RCD kết luận, Mỹ cần duy trì hợp tác trên Biển Đông để tiếp tục có được sự ủng hộ trong khu vực. Vì là một thế lực bên ngoài, mục tiêu duy trì tự do hàng hải của Mỹ trong các vùng biển quốc tế chỉ có thể được ủng hộ bởi sự hợp tác với chính các nước trong khu vực đang phải đối phó với mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
* Tác giả Brett Wessley hiện đang là sĩ quan hải quân Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, bài đăng trên trang Minh bạch Quốc phòng (Mỹ).
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn