Tin Biển Đông

 
 
 

Mỹ bị tố đặt “bom hẹn giờ” cho căng thẳng Trung - Nhật

  • Cập nhật : 12/10/2016

Ông Chen Jian - nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc đã nghỉ hưu, từng là Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản - yêu cầu Mỹ nên kiềm chế Nhật Bản và nên chú trọng vào nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy đàm phán Trung - Nhật về tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

senkaku- điếu ngư

“Bom hẹn giờ chuẩn bị nổ”


Trong một chỉ trích chua cay bất thường nhằm vào Mỹ, ông Chen nói: “Đó là lợi ích của Mỹ khi tranh cãi với Trung Quốc, nhưng không phải là chiến đấu với Trung Quốc”. Bài phát biểu của ông Chen tại Câu lạc bộ Báo chí đối ngoại ở Hồng Kông do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức với sự tham gia của hàng chục nhà ngoại giao trong nước.

Dù ông Chen đã nghỉ hưu khỏi ngành ngoại giao, nhưng bình luận của nhà ngoại giao này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì chúng đại diện cho ý kiến bình luận công khai chi tiết nhất về quan điểm của Trung Quốc, vào thời điểm mà các quan chức nước này hầu như kiệm lời trước thềm Đại hội Đảng vào ngày 8.11 tới ở Bắc Kinh.

Ông Chen đã chìa ra “cành ôliu hòa bình” khi thúc giục Nhật - Trung tiến hành đàm phán để giảm nguy cơ đụng độ giữa các tàu hải giám hai nước như căng thẳng hồi tháng trước. Tuy nhiên, giọng điệu trong bài diễn văn của ông Chen thiên về cứng rắn, đặc biệt khi đề cập đến Mỹ. Một số người tại Trung Quốc và Nhật cho rằng, vấn đề biển đảo này như "quả bom hẹn giờ mà Mỹ đã đặt giữa hai nước - ông nói - Quả bom hẹn giờ đó giờ đang phát nổ hoặc chuẩn bị nổ".

Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Ông Chen cũng cáo buộc Mỹ đã kích động cánh hữu ở Nhật Bản, và thúc giục sự gia tăng của chủ nghĩa quân sự. “Mỹ đang khuyến khích Nhật có vai trò lớn hơn ở khu vực về mặt an ninh, chứ không phải là về kinh tế” - ông nói. Điều đó “phù hợp hoàn hảo với mục đích của cánh hữu ở Nhật” - nhà ngoại giao Trung Quốc cho hay. Mỹ từng tuyên bố, trong trường hợp xung đột nổ ra, các quần đảo tranh chấp đều nằm trong sự bảo vệ của thỏa thuận quốc phòng chung mà nước này ký với Nhật - điều mà Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ kể từ khi căng thẳng mới nhất nổ ra vào tháng trước.

Ông Chen mô tả cái mà ông ta gọi là sự can thiệp của Mỹ vào tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông - nơi Trung Quốc đang có xung đột với một đồng minh khác của Mỹ là Philippines - là cách để Mỹ tăng cường sự ảnh hưởng trong lúc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. “Liệu những quốc gia này có đánh giá sai lầm và đẩy Trung Quốc và Mỹ vào tình thế đối đầu?” - ông Chen đặt câu hỏi. “Nguy cơ là hữu hình và Trung Quốc cần nhận thức được điều đó”.

Trung Quốc không thay đổi chính sách ngoại giao

Ông Chen - hiện là Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Renmin tại Bắc Kinh - còn đưa ra một danh sách dài những đề xuất về cách thức Trung Quốc xử lý căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

Ông Chen cho rằng, sẽ không có thay đổi lớn về chính sách ngoại giao Trung Quốc sau khi Đại hội Đảng bầu ra ban lãnh đạo mới. “Tôi nghĩ đó sẽ là sự thay đổi êm ả và các nguyên lý cốt yếu của chính sách đối ngoại hầu như được giữ nguyên”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và người đồng nhiệm Nhật Y.Noda dự kiến sẽ dự một cuộc gặp tại Lào vào tuần tới. Báo chí Nhật đưa tin hai nhà lãnh đạo không có kế hoạch hội đàm chính thức để giải quyết bất đồng, dù có thể sẽ gặp không chính thức bên lề.

Theo Lao Động

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục