Tin Biển Đông

 
 
 

Hoàng Sa-Trường Sa: Tư liệu cổ phươngTây

  • Cập nhật : 12/10/2016
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã có trong tài liệu phương Tây từ thế kỷ XV đến XIX.
 
 
Bản đồ do nhà xuất bản Covens and Mortier
tại Amsterdam vào năm 1760có ghi chú
quần đảo Paracel bên cạnh bờ biển xứ Đàng Trong
 

Tư liệu cổ phương Tây còn lưu lại đến nay cho thấy các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người đầu tiên của châu Âu có những mô tả về quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XIV. Nhiều nhật ký hải trình của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha thời đó đã nói về một dải đá ngầm Pulo Pracela (các bãi ngầm san hô) rất nguy hiểm, bao quát cả vùng Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay, tương tự với những hiểu biết của các nhà địa lý Việt Nam cùng thời. Các cuộc khảo sát Biển Đông của các nhà hàng hải phương Tây sau đó, nhất là của người Hà Lan và Pháp, ngày càng xác định rõ Pracela hay Paracels (Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam (tên gọi Việt Nam thời Pháp thuộc).



Đông Nam Á trên bản đồ của Hondius
xuất bản năm 1606 tại Amsterdam
 

Bản đồ bán đảo Đông Dương của anh em nhà hàng hải Hà Lan Van-Langren (1595) ghi nhận ngoài khơi Việt Nam có một vùng quần đảo với nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng tây nam gọi tên là Paracels cùng với rất nhiều chi tiết địa hình của miền Trung Việt Nam ngày nay. Chẳng hạn như đối diện với quần đảo Paracels trên đất liền có bờ biển ghi là Costa da Pracels (bờ Pracels) ở ngoài biển còn có Pulo Canton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận Quảng Ngãi. Thư tịch cổ Việt Nam cũng ghi nhận người Bồ Đào Nha và Hà Lan đã từng nhiều lần tiếp xúc với các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong để buôn bán. Nhiều thuyền buôn của phương Tây gặp nạn ở Hoàng Sa đều cập vào bờ biển Việt Nam để xin giúp đỡ và cũng nhiều lần họ được các chúa Nguyễn cử người ra cứu hộ, cấp cho tiền bạc, lương thực và thuyền để trở về nguyên quán. Chẳng hạn vụ đắm tàu Grootenbroeck của Hà Lan năm 1634 trong vùng đảo Hoàng Sa. Viên thuyền trưởng đã tìm đến Hội An và Thuận Hoá để cầu cứu các chúa Nguyễn. Như vậy, từ rất lâu đời (muộn nhất vào thế kỷ XV) các nhà hàng hải phương Tây đã mặc nhiên xác định vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.



Bản đồ hàng hải Châu Âu thế kỷ 15-16
 
Bước sang thế kỷ XVII-XVIII, tàu thuyền của người phương Tây đi qua Biển Đông ngày càng tấp nập, do đó nhận thức cũng như tư liệu của họ viết về quần đảo Hoàng Sa ngày càng phong phú và chính xác hơn. Đặc biệt là người Pháp thông qua sự cộng tác với Nguyễn Ánh về quân sự đã bắt đầu quan tâm tới Biển Đông nhiều hơn và kế thừa những hiểu biết của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Hà Lan... Từ đó, người phương Tây nhận thức rất rõ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Năm 1701, nhật ký hải trình tàu Amphitrite xác nhận một thực tế hiển nhiên rằng "Paracels là một quần đảo thuộc về Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm thật khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó”. Pierre Poivre (1719-1786), một giáo sĩ kiêm thương nhân người Pháp, nhiều lần qua lại vùng Hoàng Sa đã kể lại trong tác phẩm Mô tả Xứ Đàng Trong (1749): "Tôi nghe nói hàng năm nhà vua (chúa Nguyễn) thường cho vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm những báu vật tự nhiên cho bộ sưu tập của mình”. Khi được chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) tiếp ở Phú Xuân, P.Poivre mô tả kinh đô mới xây dựng của Đàng Trong và xác nhận những khẩu súng đại bác của Công ty Đông Ấn Hà Lan được trưng bày rất nhiều tại đây là do quân binh xứ này thu nhặt được từ những chiếc tàu chìm tại quần đảo Hoàng Sa mang về. Năm 1759, bá tước D' Estaing, Phó Thủy sư Đô đốc Hải quân Pháp, do thám vùng Biển Đông đã gửi một bản tường trình lên Chính phủ Pháp cho biết ở Phú Xuân xứ Đàng Trong có đến hơn 400 khẩu đại bác mà phần lớn được đem về từ các con tàu đắm tại quần đảo Hoàng Sa.
 
 
 An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ của Giám mục Taberd
xuất bản năm 1838 khẳng định Paracels (Cát Vàng, Hoàng Sa)
nằm trong vùng biển Việt Nam
 
Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) từng theo giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, trông coi việc tiếp tế cho quân đội ở Phú Xuân (Sắc ngày 16-3-1802), viết trong hồi ký Le Mémoire sur la Cochinchine có đoạn: "Nước Cochinchine mà vua bấy giờ xưng đế hiệu (hoàng đế) gồm xứ Đàng Trong, xứ Tonkin, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có dân cư không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đá nhỏ, đá ngầm và mỏm đá không dân cư”. Xin lưu ý, từ thế kỷ XIII, các nước phương Tây theo Marco Polo mà gọi tên nước ta là Caugigu (phiên âm từ Giao Chỉ Quốc), sau đọc trại thành Kiaoche rồi Cochi. Để khỏi lầm với đất Koci của Ấn Độ, người ta thêm chữ Chine, nên gọi thành Cochinchine là tên chung của Đại Việt. Đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, người phương Tây gọi Đàng Ngoài là Tonkin, còn Đàng Trong vẫn gọi là Cochinchine. Giám mục Jean Louis Taberd trong một cuốn sách xuất bản năm 1833 cũng viết về Paracels như sau: "Xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels, mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong”. An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 cũng khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam. Có thể nói, An Nam Đại Quốc Họa Đồ là một tài liệu phản ảnh những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc. Trong bản đồ này có ghi chú (nguyên văn): "Paracels Deu Cát Vàng” (từ Latin "Deu” = "có nghĩa là”), Paracels có nghĩa là Cát Vàng có nghĩa là Hoàng Sa, là một khẳng định rõ ràng nhất quán chứ không hề suy diễn. Địa danh Paracels ghi bên cạnh những chấm đánh dấu các đảo khoảng vĩ độ 16 Bắc (ngang vĩ độ cửa Tư Dung, Thừa Thiên) lên vĩ độ 17 Bắc (khoảng Cửa Tùng, Quảng Trị) và kinh độ 111 Đông. Điều này phản ánh sự hiểu biết của người phương Tây về Hoàng Sa rất chính xác và không còn nhầm lẫn với quần đảo Trường Sa nữa.
 
 
Địa Lý Vương Quốc Đàng Trong (Geopraphy of the Cochinchinese Empire) là cuốn sách do tiến sĩ Gutzlaff (1801-1851) Hội viên Hội Địa lý Hoàng gia Anh quốc, viết năm 1849 cho biết từ lâu Chính phủ An Nam đã thiết lập trại binh và một điểm thu thuế trên quần đảo Paracels (tức Cát Vàng) để thu thuế các tàu thuyền đến đây và bảo trợ những người đánh cá bản quốc. Cuốn Bách Khoa Địa Lý Hiện Đại (Geografia moderna universale) của G.R. Pagnozzi xuất bản năm 1823 dành nhiều trang nói về Vương quốc An Nam có đề cập đến Paracels (Hoàng Sa). Trong cuốn Storia delle Indie Orientali của Felice Ripamonti xuất bản tại Milano năm 1825 có phần viết về Đàng Trong: "Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở 3 cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracels) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20-30 dặm...”. Sách Địa Lý Tóm Tắt (Compendio di Geografia) do Adriano Balbi – nhà địa lý lừng danh người Ý- soạn năm 1850 cho biết Vương quốc An Nam có quần đảo Paracels, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, Hải Tặc và Côn Đảo). Cũng trong tác phẩm này tác giả có viết về địa lý Trung Hoa nhưng không hề nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều tài liệu lưu trữ của Anh và Pháp còn ghi nhận về vụ tai nạn tàu Bellona của Đức tại Đá Bắc và tàu Imegi Maru của Nhật tại cụm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa. Hai tàu này chuyên chở đồng do các công ty Anh bảo hiểm, gặp thời tiết xấu tại các khu vực biển nói trên nên bị chìm. Ngư dân đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã cướp các tàu đắm và chuyên chở đồng về đảo Hải Nam chào mời các nhà buôn của họ để bán lại số đồng cướp được. Chính phủ Anh đã phản kháng hành động này và được chính quyền Trung Quốc bấy giờ tuyên bố không chịu trách nhiệm vì quần đảo Paracels nơi hai tàu bị đắm không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Sự kiện này càng khẳng định sự dửng dưng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX.

Nhóm PV Biển Đông
Theo Đại Đoàn Kết
Trở về

Xem thêm

  • Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Kỳ 1)1

    Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Kỳ 1)

    Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN là tranh chấp dài nhất, phức tạp nhất, trên vùng biển rộng lớn nhất, nhiều đảo nhất và liên quan đến nhiều bên nhất trong lịch sử các tranh chấp thế giới. Tranh chấp được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhất, tốn nhiều giấy mực nhất trong thời gian qua nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng có thể chấp nhận.

Bài cùng chuyên mục

  • Tại sao Mỹ im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam1

    Tại sao Mỹ im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam

    Qua cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1/2012 và cuốn "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" (NXB Sự thật, 1979), người ta càng hiểu rõ việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa là kết quả của một sự mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam!

  • Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền2

    Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền

    Hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 2 âm lịch, khi các đợt gió mùa Đông Bắc thưa dần trên Biển Đông, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại cùng nhau cử hành các nghi lễ được gọi là "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đây chính là hoạt động tri ân và tưởng nhớ những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên Biển Đông.

  • Người con xa xứ và 80 tấm bản đồ3

    Người con xa xứ và 80 tấm bản đồ

    Kể từ khi TS Mai Hồng (viện Nghiên cứu Hán – Nôm) công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Hoa) ấn hành năm 1904, với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, thì một người Việt khác đang sống ở Hoa Kỳ cũng bước vào cuộc tìm kiếm những tấm bản đồ tương tự ở hải ngoại. Anh là Trần Thắng, chủ tịch viện Văn hoá giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Hoa Kỳ. Cuộc tìm kiếm của anh đã thu được những thành quả ban đầu.

  • “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ”: Thêm một bằng chứng về bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa4

    “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ”: Thêm một bằng chứng về bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

    Người có công sưu tầm, công bố cuốn tài liệu quý trên là ông Bùi Viết Đông, 84 tuổi, ở phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Trong cuốn sách có đăng tấm bản đồ mang tên “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” với điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam (không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

  • Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam5

    Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam

    Một thực tế không thể chối cãi, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam. Điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia.

  • Tủ sách biển Đông: Hoàng Sa – Trường Sa, luận cứ & sự kiện6

    Tủ sách biển Đông: Hoàng Sa – Trường Sa, luận cứ & sự kiện

    “Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ và sự kiện” tập hợp những bài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

  • Chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ các bản đồ trong lịch sử7

    Chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ các bản đồ trong lịch sử

    "Trung Quốc muốn các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế tin rằng yêu sách của họ về "đường lưỡi bò” là đúng thì họ phải chứng minh được bằng chứng cứ khoa học cụ thể; hoặc là do Trung Quốc đã tự mâu thuẫn khi tuyên bố những điều hoàn toàn vô lý nên cố tình lờ đi sự thật ấy” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã nhấn mạnh như vậy khi cung cấp một số lượng lớn bản đồ tự tay sưu tập cho báo Đại Đoàn Kết.

  • Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ Trung Hoa8

    Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ Trung Hoa

    Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.