Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình mặc quân phục, có 12.000 binh sĩ, hơn 600 trang bị trong đó có hơn 40% trang bị mới tham gia duyệt binh.
Việt Nam nhờ Israel hồi sinh F-5E/F Mỹ thành tiêm kích?
- Cập nhật : 15/05/2017
Trong thời gian gần đây, giới chuyên gia đã nỗ lực giải mã sự thật thông tin Việt Nam hồi sinh máy bay F-5 Tiger cũ của Mỹ
Thông tin về việc Việt Nam có thể khôi phục F-5 Tiger II
Gần đây, một số phương tiện truyền thông nước ngoài và Việt Nam đã lưu ý đến khả năng máy bay tiêm kích chiến đấu F-5E/F Tiger II cũ, mà trước đây Việt Nam thu được sau khi thống nhất đất nước, sẽ trở lại biên chế Không quân của Quân Đội nhân dân Việt Nam.
Được biết, vào giữa những năm 1970, Lực lượng Không quân của Quân Đội nhân dân Việt Nam "thừa hưởng" số lượng lớn máy bay quân sự và máy bay trực thăng do Mỹ chế tạo sau khi giải phóng miền Nam. Trong đó có máy bay chiến đấu đa năng F-5A/B Tiger và F-5E/F Tiger II.
Hơn nữa, những chiếc Tiger II gần như còn hoàn toàn mới và chưa được sử dụng phổ biến. Trong gần 10 năm sau, F-5 đã được khai thác sử dụng trong Binh chủng Không quân của nước Việt Nam thống nhất, và thậm chí tham gia vào các hoạt động quân sự trong khu vực.
Tiện thể xin nhắc lại, Việt Nam đã chuyển giao một số máy bay thuộc loại này cho Liên Xô (cũ), Ba Lan và Tiệp Khắc (cũ) để thử nghiệm. Cần lưu ý rằng các phi công thử nghiệm của Liên Xô, sau khi có cơ hội bay thử trên F-5 đã đánh giá khá cao loại máy bay này của Mỹ.
Trong giai đoạn giữa thập kỷ 80, vì những lý do kỹ thuật khách quan, các máy bay chiến đấu F-5 của Không quân Việt Nam đã ngừng hoạt động và được đưa vào các cơ sở lưu giữ.
Có nhiều bằng chứng gián tiếp cho thấy những máy bay này cho đến nay vẫn đang nằm trong kho dự trữ ở Việt Nam trong tình trạng tương đối tốt, còn ở một số quốc gia khác có điều kiện sửa chữa, thay thế phụ tùng, linh kiện, các phiên bản Tiger II vẫn đang tiếp tục bay trên bầu trời.
Trên cơ sở này, các nhà báo trên các phương tiện truyền thông nước ngoài và Việt Nam đã đặt ra câu hỏi về mức độ cần thiết của việc đưa “Con Hổ” F-5 quay trở lại hoạt động.
Mặc dù ý tưởng là tuyệt vời, liệu có thể thực sự hồi sinh của những máy bay này có đáp ứng hoàn toàn đầy đủ các điều kiện hoạt động hay không? Và chúng có thể hữu ích cho việc gì?
Hãng truyền thông Sputnik của Nga đã có bài phỏng vấn phó tiến sĩ khoa học quân sự, chuyên gia về hàng không quân sự Nga, cựu phi công thử nghiệm máy bay quân sự là ông Makar Aksenenko để làm sáng tỏ những vấn đề này.
Việt Nam khôi phục F-5 làm tiêm kích bom?
"Theo tôi, nếu những chiếc Tiger II vẫn tồn tại ở các kho lưu giữ trong tình trạng bảo trì tốt, họ có thể "một cách thận trọng" để cố gắng tiếp tục sử dụng chúng sau khi đã sửa chữa thay thế bằng các phụ tùng nguyên bản và thực hiện một số hiện đại hóa” - chuyên gia Nga nói.
Theo vị chuyên gia, việc khôi phục các máy bay F-5 Tiger II không thể giúp Việt Nam phát triển một lực lượng không quân hùng mạnh; bởi với mục đích này thì Việt Nam cần tiếp cận các công nghệ hàng không thế hệ mới. Tuy nhiên, đây có thể là giải pháp hữu ích trong thời gian trước mắt.
Trong ý nghĩa này, việc sử dụng trở lại các máy bay chiến đấu F-5 từ kho dự trữ có thể là "biện pháp huy động tổng lực để duy trì các máy bay quân sự cho việc bảo vệ đất nước".
Theo ông Aksenenko, Việt Nam có thể không cần nâng cấp F-5 Tiger II theo những công nghệ hiện đại nhất, mà có lẽ Hà Nội chỉ cần phục hồi lại các máy bay này trong trạng thái đủ điều kiện hoạt động, để thực hiện một số nhiệm vụ hạn chế.
Theo ông, những chiếc máy bay Tiger đã được sửa chữa, có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ tấn công các lực lượng xâm lược tiềm năng cả trên đất liền và trên biển. Còn để chiếm ưu thế trên không thì máy bay này hiện nay không thể làm được, dù có nâng cấp đến thế nào.
Đó là chức năng tiêu chuẩn của máy bay tiêm kích bom, những nhiệm vụ mà loại trước đây loại máy bay này đã thực hiện trong thành phần không quân nhiều nước khác nhau, trong đó có cả Mỹ.
Với việc khôi phục F-5, Không quân Việt Nam sẽ có thể nhanh chóng tăng cường khả năng chiến đấu của phi đội máy bay tấn công với chi phí rẻ tiền. Hơn nữa, không quân Việt Nam có kinh nghiệm sử dụng và chiến đấu trên những máy bay tiêm kích này ở những cuộc xung đột trong khu vực trước đây.
Tuy nhiên, vị chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, việc hồi sinh Tiger II được xem xét chỉ như một biện pháp khẩn cấp để tăng cường không lực tới khả năng đủ để đẩy lùi cuộc xâm lăng, còn về lâu dài, Việt Nam vẫn sẽ phải tiếp tục tăng cường số lượng máy bay chiến đấu hiện đại trong biên chế lực lượng không quân.
Tiêm kích F-5E với phù hiệu của Không quân Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Krakow, Ba Lan
Việt Nam có thể nhờ Israel khôi phục F-5
Hiện giờ Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho Hà Nội. Tuy nhiên, Mỹ không thể giúp gì cho Việt Nam bởi họ đã ngừng sản xuất loại máy bay này từ quá lâu và không còn linh kiện, phụ tùng thay thế.
Ông Makar Aksenenko nhận định, không loại trừ rằng phía Việt Nam sẽ sửa chữa những chiếc F-5 với sự trợ giúp của các công ty hàng không Israel, nước đã từng hiện đại hóa khá thành công loại máy bay này cho các nước thứ ba, chẳng hạn như Singapore.
Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh, về phần mình, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự khá tốt với Israel nên có thể khẳng định rằng, Tel Avip sẽ sẵn sàng giúp khôi phục hoạt động cho những chiếc F-5 này, nếu Hà Nội đưa ra đề nghị.
Thiên Nam
Theo Báo Đất Việt