Tin Biển Đông

 
 
 

Vì sao binh sĩ Trung - Ấn bất ngờ xô xát lớn ở khu vực biên giới?

  • Cập nhật : 04/07/2017

Nguyên nhân dẫn tới cuộc xô xát lớn giữa quân đội Trung - Ấn hồi tuần trước tới nay chưa được làm rõ. Song nhiều khả năng, hai quốc gia này đang muốn tranh giành tầm ảnh hưởng với Bhutan, một quốc gia nhỏ những giữ vị trí chiến lược giữa Trung - Ấn.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nguyên nhân dẫn tới cuộc xô xát hồi tuần trước giữa quân đội Trung - Ấn ở khu vực Donglang hay còn gọi là Doka La tới nay vẫn chưa được làm rõ. Ngay cả giới chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi tại sao công trình xây dựng một con đường mới của Trung Quốc ở khu vực xa xôi hẻo lánh giữa Sikkim, Tây Tạng và Bhutan lại có thể bùng phát thành cuộc xô xát quân sự. Thậm chí, truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin từ quân đội nước này cho hay, mỗi bên đã điều động tới 3.000 binh sĩ.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc đối đầu giữa binh sĩ Trung - Ấn hồi tuần trước đã chứng minh mức độ phức tạp trong cuộc chiến biên giới giữa hai nước và ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ song phương. Cụ thể, trong tuần qua, hai bên đã liên tiếp khẩu chiến và đổ lỗi cho nhau xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và khuấy động tình hình căng thẳng.

cuoc chien bien gioi giua trung - an keo dai hang thap nien qua ma chua co hoi ket.

Cuộc chiến biên giới giữa Trung - Ấn kéo dài hàng thập niên qua mà chưa có hồi kết.

Thậm chí, Bắc Kinh xác nhận đã cho đóng cửa con đèo Nathu La, tuyến đường được mở hồi năm 2015 cho những người Ấn Độ hành hương tới thăm núi Kailash và hồ Manosawar ở Tây Tạng.

Nằm ở độ cao 4.300 so với mặt nước biển, con đèo Nathu La trên dãy Himalaya được mở cửa cho hoạt động thương mại lần đầu tiên hồi năm 2006. Đây cũng là một trong 3 chốt biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Điều đặc biệt là cuộc xô xát giữa binh sĩ Trung - Ấn diễn ra chỉ trước vài ngày Thủ tướng Narendra Modi lên đường tới thăm Washington.

"Nhiều nghi vấn đặt ra xung quanh địa điểm xảy ra cuộc xô xát. Không rõ liệu đây có chỉ đơn thuần là cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn", SCMP dẫn lời bà Rajeswari Rajagopalan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu quan sát ở New Delhi.

Thậm chí, cuộc xô xát này diễn ra đúng thời điểm cả giới chức Trung Quốc và Ấn Độ đang thực hiện nhiều chuyến thăm quan trọng và chưa từng có tiền lệ. 

Ông Wang Dehua, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam và Trung Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định khu vực biên giới Sikkim giữa Trung - Ấn được xem là nguồn cơ của những căng thẳng chính trị và quân sự giữa hai nước. Bởi rõ ràng, Trung Quốc vẫn chưa công nhận Sikkim là một phần của Ấn Độ.

Tuy nhiên, vào năm 2003, Bắc Kinh từng công nhận trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 1975, Sikkim đã có mặt trong bản đồ của Ấn Độ. Còn trong chuyến thăm tới Ấn Độ hồi năm 2005, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đã nhấn mạnh Sikkim không còn là vấn đề trong mối quan hệ song phương với Ấn Độ. Khu vực Sikkim của Ấn Độ có 200 km chiều dài biên giới với Tây Tạng, chỉ là một phần nhỏ trong 4.000 km đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. 

"Ngoài kế hoạch tập trận chung hải quân với Mỹ và Nhật Bản ở vịnh Bengal vào cuối tháng này, Ấn Độ dường như muốn gây áp lực với Trung Quốc trước khi Thủ tướng Modi sang thăm Washington bằng cách yêu cầu Bắc Kinh nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp biên giới", ông Wang chia sẻ. 

Trong khi đó, ông Jagannath Panda, người đứng đầu Trung tâm Đông Á tại Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng ở New Delhi lại cho rằng, thông qua cuộc xô xát biên giới, Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp Ấn Độ không nên xem nhẹ mối quan hệ với quốc gia này bởi nó còn liên quan tới chính sách của các nước láng giềng.

"Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng trong thời điểm quan trọng hiện nay Ấn Độ cần ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan tới Trung Quốc bao gồm vấn đề tranh chấp biên giới", ông Panda nói.

Trong khi đó, Bhutan, một vương quốc nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông dãy Himalaya, cũng đang bị lôi vào cuộc chiến giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Theo Bắc Kinh, khu vực Donglang là vùng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan đồng thời cáo buộc Ấn Độ đang can thiệp vào chuyện nội bộ của Bhutan. Ấn Độ lại cho rằng Trung Quốc đã xâm phạm biên giới nước này đồng thời phá hủy hai boongke bằng xe ủi đất. 

Hôm 28/6, Bhutan cho hay, quốc gia này đã thông báo chính thức với Bắc Kinh về việc phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đồng thời hối thúc Bắc Kinh "dừng các hành động đơn phương nhằm lại thay đổi hiện trạng khu vực" bằng cách cho xây một con đường mới ở khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.

Thông báo này được Bhutan công bố thông qua phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc ở New Delhi hôm 20/6 do Bhutan không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.

Cùng với Ấn Độ, Bhutan là một trong những quốc gia có đường biên giới trên bộ đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc mặc dù trong 30 năm qua, Bhutan và Trung Quốc đã tiến hành tới 24 vòng đàm phán.

nha lanh dao trung quoc tap can binh (ao den) tung thuc hien chuyen tham toi an do. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (áo đen) từng thực hiện chuyến thăm tới Ấn Độ. 

Theo học giả Ấn Độ, thung lũng Chumbi ở vùng Donglang thuộc hạt Yadong của Tây Tạng là khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan. Khu vực này chiếm giữ vị trí chiến lược cho cả Trung Quốc và Ấn Độ bởi nó giúp New Dehli tiếp cận các bang đông bắc nước này.

Hôm 29/6, quân đội Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của phía Bhutan cho rằng lực lượng này đã xâm phạm lãnh thổ và khẳng định quân đội Trung Quốc hoạt động trong phần "lãnh thổ quốc gia" cũng như yêu cầu Ấn Độ "sửa chữa lỗi lầm".

Nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng chính hành động Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Bhutan đã trở thành nguyên nhân chính khiến quân đội Trung - Ấn xảy ra xô xát.

"Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền không phải là chuyện mới. Trung Quốc tỏ ra tức giận khi Ấn Độ bênh vực Bhutan ở Doko La. Khi Trung Quốc muốn các quốc gia khác tôn trọng chủ quyền quốc gia của mình thì những hành độ mang tính bắt nạt sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình và khiến lòng tin ngày càng suy giảm", ông Chaturvedy nói.

Còn theo ông Panda, Bhutan đóng vai trò là trung tâm trong vấn đề lợi ích an ninh của Ấn Độ tại khu vực hạ Himalaya. Bhutan có đường biên giới tranh chấp với Trung Quốc và mối quan hệ 3 bên chiến lược Bhutan - Ấn Độ - Trung Quốc ở Đông Himalaya lại vô cùng phức tạp.

"Mối quan ngại hiện nay của Ấn Độ là Trung Quốc sẽ giành được lợi ích chiến lược nếu các cuộc thảo luận về chủ quyền giữa Trung Quốc và Bhutan diễn ra thành công. Việc Bhutan tiến hành đối thoại biên giới song phương với Trung Quốc có liên quan trực tiếp tới lợi ích của Ấn Độ ở Đông Himalaya. Do đó, Ấn Độ hy vọng Bhutan sẽ tham vấn quốc gia này về vấn đề chủ quyền", ông Panda nhấn mạnh.

Cũng theo ông Panda, về phần mình, Bắc Kinh muốn Bhutan suy nghĩ và đưa ra quyết định một cách độc lập mà không chịu tác động từ Ấn Độ. 

Trong khi đó, ông Wang cho rằng Washington đang đóng vai trò mấu chốt trong mối quan hệ Trung - Ấn.

"Ấn Độ đang tỏ ra cẩn trọng khi mối quan hệ Trung – Mỹ ấm dần. Một khi Bắc Kinh và Washington có thể duy trì quan hệ tốt đẹp, sẽ không thể xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ", ông Wang nói.

Theo SCMP, một bài báo đăng trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 28/6 còn nhấn mạnh: "Giờ là lúc Ấn Độ cần phải học lại luật và cần phải biết cái giá phải trả vì những hành động khiêu khích".

Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu còn khẳng định Ấn Độ không đủ sức chống đỡ trước một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp chủ quyền. Để chứng minh, tờ báo này nhấn mạnh nền kinh tế Ấn Độ mới chỉ bằng 1/4 so với Trung Quốc và ngân sách quốc phòng hàng năm của Ấn Độ cũng chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc. 


Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 10-07-20171

    Tin thế giới đáng chú ý 10-07-2017

    Trung Quốc "bất ngờ" cảnh báo an ninh khi xung đột với Ấn Độ sang tuần thứ ba; Ông Trump muốn “hợp tác mang tính xây dựng” với Nga; Ông Tập kêu gọi Nhật học quá khứ để 'có tương lai tốt hơn'; Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar tìm cách đòi bồi thường

Bài cùng chuyên mục