Trong khi Ấn Độ cùng với Mỹ và Nhật Bản gửi thông điệp chiến lược tới Bắc Kinh bằng một cuộc tập trận hải quân, quân đội Trung Quốc đã huy động lực lượng ở phía Đông Tây Tạng tiến hành diễn tập bắn đạn thật rầm rộ. Đây là những động thái rất đáng chú ý trong bối cảnh tranh chấp biên giới leo thang giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Tham vọng siêu tàu sân bay Nga
- Cập nhật : 17/07/2017
Giới chức quốc phòng Nga tiết lộ về kế hoạch đóng siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm tăng cường sức mạnh hải quân.
Phó tư lệnh hải quân Nga Viktor Bursuk khẳng định lực lượng này có kế hoạch đóng tàu sân bay mới trong thời gian sắp tới. “Vâng, chắc chắn hải quân sẽ đóng tàu sân bay”, ông Bursuk phát biểu trước các phóng viên tại Triển lãm phòng vệ biển quốc tế 2017 diễn ra tại St.Petersburg. Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Bursuk cho hay hải quân đang xem xét mẫu thiết kế từ Trung tâm nghiên cứu quốc gia Krylov.
Tàu sân bay 100.000 tấn
Theo chuyên san The National Interest, mẫu thiết kế ông Bursuk nhắc đến là siêu tàu sân bay Shtorm, còn gọi là Dự án 23000E. Tàu Shtorm có độ choán nước lên tới khoảng 100.000 tấn, gấp đôi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang hoạt động của Nga và tương đương tàu USS Gerald R.Ford sẽ được Mỹ biên chế vào ngày 22.7.
Thông tin từ Trung tâm Krylov cho thấy khác với tàu sân bay đời cũ sử dụng nhiên liệu đốt lò nặng, tàu Shtorm được trang bị 2 động cơ hạt nhân RITM-200 giúp đạt tốc độ khoảng 55 km/giờ và thời gian hoạt động trên biển từ 90 - 120 ngày. Với chiều dài 330 m, rộng 40 m, tàu chở được 90 máy bay gồm phiên bản hải quân của tiêm kích đa nhiệm T-50, tiêm kích MiG-29K, máy bay cảnh báo sớm (AWACS) và trực thăng hải quân Ka-2 cùng thủy thủ đoàn lên tới 4.000 người. Tàu sân bay mới cũng sẽ được trang bị hàng loạt vũ khí chống ngư lôi và phòng không cực mạnh, có thể bao gồm phiên bản dùng cho tàu chiến của hệ thống S-500.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuriy Borisov cho biết hải quân nước này sẽ ký hợp đồng đóng tàu chính thức vào năm 2025 và đưa vào hoạt động 5 năm sau đó. Tờ The Independent dẫn lời giới chuyên gia nhận định cấu trúc thiết kế cơ bản của Shtorm có phần tương tự tàu USS Gerald R.Ford và chi phí đóng tàu vào khoảng 9 - 17,5 tỉ USD. Moscow kỳ vọng tàu sân bay đa nhiệm này sẽ đáp ứng nhu cầu chiến dịch ở những vùng biển xa, triển khai lực lượng đương đầu với các mục tiêu trên bờ hay trên không, bảo vệ lính đổ bộ và hỗ trợ phòng không.
Thách thức phía trước
Nếu được đóng, siêu tàu sân bay Shtorm sẽ thể hiện bước nhảy vọt về công nghệ và kỹ thuật so với tàu Đô đốc Kuznetsov. Tuy nhiên, chuyên trang quốc phòng IHS Jane’s đánh giá dự án này đang đứng trước nhiều thách thức.
Một trong những khó khăn lớn nhất là Nga chưa từng có kinh nghiệm phát triển tàu sân bay hạt nhân. Mặt khác, các tàu sân bay của Liên Xô trước đây, kể cả tàu Đô đốc Kuznetsov, đều được đóng ở Ukraine nên kinh nghiệm, kỹ thuật và nhà xưởng liên quan đều nằm ở nước láng giềng. Truyền thông Nga dẫn lời giới chức Bộ Quốc phòng trấn an rằng Moscow không phải “tay ngang” vì đã phát triển tàu khu trục chạy bằng năng lượng hạt nhân Lider. Thế nhưng, dự án này sẽ chỉ được hoàn thành sớm nhất là vào năm 2025, trễ 6 năm so với kế hoạch.
Ngoài ra, điều kiện kỹ thuật và tài chính chưa cho phép Nga nghiên cứu công nghệ phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) tương tự như Mỹ. Thay vào đó, theo Hãng thông tấn TASS, tàu Shtorm sẽ sử dụng kết hợp hệ thống hỗ trợ máy bay cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm (CATOBAR) với hệ thống cất cánh cự ly ngắn và hạ cánh bằng cáp hãm đà (STOBAR). Vì vậy, theo mô hình thiết kế, mũi tàu vẫn hếch lên như các đời cũ, gây hạn chế diện tích chở máy bay cũng như khả năng triển khai tác chiến.
Ngân sách quốc phòng bị cắt giảm cũng đang gây trở ngại cho dự án. Đầu năm nay, IHS Jane’s đưa tin Moscow quyết định cắt giảm 25% ngân sách quốc phòng trong năm 2017, mức lớn nhất từ đầu thập niên 1990. Trong khi đó, hải quân Nga hiện còn thiếu nhiều tàu hộ tống nên đóng tàu sân bay Shtorm sẽ kéo theo phải bổ sung nhiều tàu khác để theo bảo vệ, từ đó làm tăng ngân sách. Hơn nữa, khi Moscow buộc phải lựa chọn chương trình quân sự nào cần cắt giảm thì siêu tàu sân bay sẽ lọt vào danh sách loại bỏ vì quá tốn kém. Lâu nay, thế mạnh của Nga là bộ binh, phòng không và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa liên lục địa nên các chuyên gia từng cảnh báo nếu “cố đấm ăn xôi” đóng tàu sân bay có thể làm vỡ quy hoạch chiến lược.
Huỳnh Thiêm
Theo Thanhnien.vn