Hàn Quốc sẽ chi 2,3 tỉ USD trong 5 năm tới để bảo đảm có được những vũ khí chiến thuật nhằm vào các cơ sở vũ khí hạt nhân và căn cứ tên lửa của CHDCND Triều Tiên, theo hãng tin AFP.
Thách thức với Hải quân Hàn Quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Hải quân Hàn Quốc chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng liên quan tới chủ quyền lãnh hải và các lợi ích chiến lược biển.
Giới chuyên gia nhận định, Hàn Quốc đang bị Trung Quốc và Nhật Bản bỏ lại phía sau, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Trong khi từ lâu Bắc Kinh và Tokyo đã tìm cách mở rộng các lợi ích chiến lược của mình, Seoul lại chìm trong các vấn đề nội bộ do tình hình chính trị bế tắc. Trong bối cảnh Mỹ -vốn là đồng minh thân cận của Hàn Quốc - giảm sự hiện diện hải quân trong khu vực do phải cắt giảm chi phí quân sự để đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hàn Quốc sẽ phải tăng cường các khả năng tự phòng vệ. Đặc biệt, có thể do Mỹ không nhìn thấy lợi ích quan trọng của vùng biển gần Ieodo trên biển Hoa Đông và quần đảo Dokdo, (Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp), thì Seoul cần phải tăng cường tiềm lực hải quân của mình.
Hải quân Hàn Quốc trong một cuộc tập trận tại bãi biển Anmyeondo, ở tỉnh Chungcheong
Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi tham vọng tăng cường tiềm lực Hải quân, không chỉ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực mà trên toàn thế giới. Xuất phát từ tham vọng này, Bắc Kinh đã không ngại “va chạm” với một số nước trong khu vực, đặc biệt là tranh cãi với Philippines thời gian gần đây liên quan tới vấn đề chủ quyền bãi đá cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).
Động cơ chủ đạo để Trung Quốc mở rộng các lợi ích hàng hải là để đảm bảo các nguồn cung tài nguyên cho 1,3 tỷ dân cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế đang “khát” năng lượng. Phần lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển, do đó hàng hải giữ vai trò huyết mạch đối với sự phát triển của nền kinh tế nước này.
Nhằm “kiểm soát” Trung Quốc, Nhật Bản cũng đẩy mạnh tăng cường tiềm lực hải quân với các tàu chiến hiện đại, trong đó có tàu khu vực lớp Aegis nặng 7.200 tấn. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho rằng, Tokyo còn dựa vào ngoại giao để mở rộng các vùng lãnh hải.
Về phần mình, để thực hiện tác chiến ở nước ngoài, Hàn Quốc chỉ có 3 tàu khu trục 7.600 tấn trang bị tên lửa Aegis và 6 tàu khu trục KDX-II nặng 4.500 tấn. Sự thiếu hụt về vũ khí hải quân này khiến Hàn Quốc dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa hàng hải ngày càng gia tăng.
Chuyên gia Lim của Đại học Hyupsung nhận định: “Khi Nhật Bản tìm cách trang bị 8 tàu khu trục thì ít nhất Hàn Quốc cũng cần phải có 4 cái. Khi Trung Quốc tìm cách sở sở hữu tàu sân bay, chúng ta cũng cần phải có ít nhất một tàu sân bay cỡ nhỏ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cần trang bị cho mình các trang thiết bị cần thiết như tàu ngầm để có thể giữ Nhật Bản và Trung Quốc trong tầm kiểm soát”.
Tăng cường tiềm lực quân sự
Trước nguy cơ ngày càng hiện hữu, Chính phủ và Quân đội Hàn Quốc cũng đã bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải tăng cường sức mạnh hải quân khi thúc đẩy xây dựng một căn cứ hải quân chiến lược ở đảo Jeju. Tuy nhiên, việc xây dựng căn cứ này đã bị trì hoãn do sự phản đối của những nhà hoạt động môi trường và lực lượng cánh tả. Những người này cho rằng, việc xây dựng căn cứ ở đây sẽ “quân sự hóa” hòn đảo - vốn là biểu tượng của hòa bình, tàn phá hệ sinh thái, ảnh hưởng tới ngành du lịch.
Một quan chức của Cục mua sắm quân sự Hàn Quốc (DAPA) cho biết, Bộ Quốc phòng nước này dự định mua máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công tổng trị giá 9,8 tỉ won (tương đương 8,3 tỉ USD). Theo đó, Seoul sẽ sắm 60 máy bay chiến đấu tàng hình, 36 trực thăng tấn công. Thiết bị quân sự sẽ được mua sắm trên cơ sở hồ sơ dự thầu, bên thắng thầu sẽ được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố trong tháng 10 năm 2012.
Việc đấu thầu cung cấp 60 máy bay chiến đấu đã được công bố vào cuối tháng 1 năm 2012 trong giai đoạn thứ 3 của chương trình nâng cấp hạm đội Hàn Quốc Air Force FX. Trong số tiền đầu tư dự kiến 9,8 tỉ won, hợp đồng máy bay chiến đấu tàng hình trị giá 8 tỉ won (6,7 tỉ USD). Cạnh tranh cho thương vụ này có các loại máy bay F-35 của hãng Lockheed Martin, F-15 SE của hãng Boeing, Typhoon của hãng Eurofighter, PAK-FA của hãng Sukhoi. 1,8 nghìn tỉ won còn lại sẽ được phân bổ để mua 36 trực thăng tấn công. Hiện đang có các lựa chọn là: Apache của Boeing, Tiger của Eurocopter và T129 của Thổ Nhĩ Kỳ./.
Đại Lâm
(Theo Tổ Quốc)