Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tàu sân bay lớp Ford của Mỹ trang bị F-35C sẽ "vô đối" trong tương lai
- Cập nhật : 12/10/2016
Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân được cho là “kiếm sắc” của “võ sĩ”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến của biên đội tàu sân bay.
Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân F-35C của Mỹ |
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay là trang bị nòng cốt của biên đội tàu sân bay, thực hiện các nhiệm vụ phòng không hạm đội, chống lại mối đe dọa gần, tấn công chiều sâu và kiểm soát chiến trường.
Nếu coi biên đội tàu sân bay như một võ sĩ thì máy bay chiến đấu (trang bị cho tàu sân bay) chính là thanh kiếm sắc trong tay võ sĩ.
Hiện nay, máy bay chiến đấu F-35C phiên bản hải quân của Mỹ đã hoàn thành bay thử lần đầu tiên có mang theo vũ khí ở bên ngoài.
F-35C tiếp tục trở thành tiêu điểm quan tâm của dư luận thế giới. Có chuyên gia cho rằng, F-35C đã đại diện cho phương hướng phát triển của máy bay phiên bản hải quân.
Tài hoa trên chiến trường
Ngày 14/11/1910, chiếc máy bay đầu tiên cất cánh từ tàu tuần dương Birmingham, từ đó máy bay phiên bản hải quân đã bước lên vũ đại lịch sử chiến tranh thế giới.
Máy bay phiên bản hải quân lúc đầu phần nhiều sử dụng nguyên lý “thủy phi cơ” (máy bay có thể hạ cánh trên mặt nước), máy bay dựa vào phao trên mặt nước để cất cánh và hạ cánh, tàu sân bay chỉ là một phương tiện để mang theo máy bay, chủ yếu dựa vào cần cẩu để đưa phi công lên/xuống.
Thông thường mỗi một tàu sân bay mang theo 4-10 thủy phi cơ. Lúc đó, công dụng chính của máy bay phiên bản hải quân là do thám, tuần tra trên biển và săn ngầm.
Sớm chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “cự hạm đại pháo” (tàu lớn, pháo lớn), sự phát triển của máy bay phiên bản hải quân tương đối chậm chạp, mãi cho tới ngày 4/5/1942 (tờ mờ sáng), cuộc đại chiến trên biển giữa Mỹ-Nhật bùng phát.
Tàu sân bay USS Lexington CV-2 bị bắn chìm, một chiếc khác bị thương nhẹ, tổn thất 11 máy bay. Về phía Nhật Bản, tàu sân bay Shoho bị chìm, 2 tàu chiến bị thương nặng, tổn thất 85 máy bay.
Ba cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ. |
Tại chiến trường trên biển này, tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản không dùng “đạn thật” để tiêu diệt lẫn nhau, mà tất cả đều là sự so tài của máy bay chiến đấu phiên bản hải quân. Khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu phiên bản hải quân đã đạt được sự kiểm nghiệm và triển khai đầy đủ trong cuộc đấu này.
Tháng 7/1946, một chiếc máy bay chiến đấu phản lực Phantom cất cánh thành công trên tàu sân bay, từ đó đã mở ra thời đại của máy bay chiến đấu phản lực phiên bản hải quân.
Ngoài ra, các nước tàu sân bay chính như Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô… đều đã phát triển máy bay chiến đấu phiên bản hải quân.
Chạy đua đổi mới thế hệ
Nửa sau thế kỷ 20, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hàng không hiện đại và công nghệ thông tin điện tử, sự phát triển của máy bay phiên bản hải quân bước vào một quá trình “đổi mới”.
Vào lúc này, các nước lớn quân sự phương Tây trước sau đã phát triển một loạt máy bay chiến đấu phiên bản hải quân có khả năng tác chiến thế hệ thứ 3, 3+ như F-14 Tomcat, F/A-18 Hornet/Super Hornet, Su-33, MiG-29K, Rafale M.
Đồng thời, trước sau đã xuất hiện các loại máy bay trang bị cho tàu chiến như máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử, máy bay tuần tra chống tàu ngầm.
Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân Su-33 của Nga |
Khi đó, máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay Mỹ có Tomcat và Hornet. Super Hornet trang bị năm 1999 là phiên bản cải tiến của Hornet, thuộc loại máy bay quá độ trước khi máy bay chiến đấu kiểu mới phiên bản hải quân F-35C được trang bị.
Máy bay chiến đấu đa dụng phiên bản hải quân Su-33 trang bị cho tàu sân bay Kuznetsov của Liên Xô cũ có tính cơ động tốt và uy lực tấn công mạnh. Nó đã áp dụng hệ thống điều khiển telex số hóa tiên tiến, điều khiển máy bay linh hoạt, khả năng không chiến mạnh.
Máy bay chiến đấu Rafale M trang bị cho tàu sân bay động cơ hạt nhân De Gaulle của Pháp đã áp dụng radar kiểm soát hỏa lực có thể đồng thời theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu trên không, vũ khí không chiến chủ yếu là tên lửa không đối không tiên tiến.
Khi đó, nó là máy bay chiến đấu phiên bản hải quân thế hệ mới tiên tiến hơn so với tất cả máy bay chiến đấu phiên bản hải quân hiện có.
Tương lai “tàng hình, không người lái”
Bước vào thế kỷ 21, việc nghiên cứu chế tạo, nâng cấp cải tiến, mua sắm và đổi mới máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay kiểu mới lại tạo thành một cao trào mới.
Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Ấn Độ có nhiều loại máy bay trang bị cho tàu sân bay đang thuộc các giai đoạn khác nhau như nghiên cứu sẵn, nghiên cứu chế tạo công trình, sản xuất hàng loạt, nâng cấp cải tiến.
Những loại máy bay này gồm có nhiều chủng loại như máy bay chiến đấu đa dụng, máy bay tấn công, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử, hầu như đã gồm tất cả các loại máy bay trang bị cho tàu sân bay hiện nay.
Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân F/A-18E Super Hornet của Mỹ. |
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ hàng không, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, cơ động cao và tàng hình từng bước trở thành lực lượng chiến đấu chính của hải, không quân thế kỷ 21, các loại máy bay được nghiên cứu chế tạo có yêu cầu tàng hình như F-35C, F/A-18E/F trở thành trang bị chủ yếu của tàu sân bay hiện đại.
F-35C là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm kiểu thông dụng do Mỹ dẫn đầu, được nhiều nước hợp tác nghiên cứu chế tạo, là máy bay phiên bản hải quân tàng hình đầu tiên được đầu tư sản xuất sử dụng trong lịch sử. F-35C ra đời đánh dấu lực lượng hàng không của Hải quân Mỹ đã bước vào thời đại tàng hình.
Căn cứ vào ý tưởng của Hải quân Mỹ, cùng với việc sử dụng máy bay chiến đấu F-35C và tàu sân bay lớp Ford, trong tác chiến cường độ cao, liên đội máy bay trang bị cho tàu sân bay sẽ có thể điều động 220 lượt/ngày trong vòng 5-7 ngày đêm; trong tác chiến cường độ trung bình, có thể điều động 180 lượt/ngày trong vòng 30 ngày đêm, gây thiệt hại cho 1.500 mục tiêu.
Nhưng, Mỹ hoàn toàn không đặt cược toàn bộ chiến thắng vào máy bay chiến đấu F-35C. Năm 2011, Hải quân Mỹ định giảm đơn đặt hàng máy bay chiến đấu F-35C, hy vọng lấy số tiền tiết kiệm được để mua máy bay không người lái kiểu mới.
Sau đó, Hải quân Mỹ cũng đã tiếp tục nghiệm chứng tính năng của hệ thống phóng và thu về của máy bay không người lái đầu tiên trang bị cho tàu sân bay. Có chuyên gia cho rằng, biên đội tàu sân bay Hải quân Mỹ trang bị máy bay tác chiến không người lái có thể gây ảnh hưởng to lớn tới phương thức tác chiến trong tương lai.
Máy bay không người lái X-47B Mỹ sẽ trang bị cho tàu sân bay |
Hiện nay, kiểu loại của máy bay không người lái tiếp tục được “thu nhỏ”, thông minh hóa và tàng hình hóa, khả năng nhiệm vụ phát triển theo hướng tổng hợp hóa, độ nhận biết cao, trong mọi điều kiện thời tiết, điều này sẽ cải thiện rất lớn vai trò của máy bay không người lái trong chiến tranh tương lai.
Thế kỷ 21 là “thời kỳ hoàng kim” phát triển máy bay không người lái. Trên sân khấu tương lai của máy bay phiên bản hải quân, việc sử dụng và trang bị máy bay không người lái sẽ ngày càng nhiều.
Việt Dũng (nguồn báo Giải phóng quân TQ)
Theo báo Giáo dục Việt Nam