Tin Biển Đông

 
 
 

Pháo Đức trong lực lượng phòng không Việt Nam

  • Cập nhật : 12/10/2016

Ít ai biết rằng, một loại pháo phòng không của phát xít Đức từng là nỗi kinh hoàng đối với máy bay đồng minh lại đóng vai trò quan trọng bảo vệ bầu trời Việt Nam những năm 1950-1960.

Năm 1954, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh đã cử 250 cán bộ, chiến sĩ sang Liên Xô học kỹ thuật pháo phòng không để chuẩn bị cho việc tiếp nhận pháo cao xạ Flak 88 do Đức sản xuất.

Số pháo phòng không 88mm này được Hồng quân Liên Xô thu giữ sau cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nay viện trợ lại cho ta.

“Nỗi kinh hoàng quân đồng minh”

Pháo phòng không Flak 88 do hãng Krupp và Rheinmetall phát triển từ cuối những năm 1920 cho nhiệm vụ phòng không tầm cao chống lại máy bay ném bom bay ở độ cao trên 6.000m.

Flak 88 là một trong những thiết kế thành công của người Đức. Từ 1933-1945 có tới hơn 21.000 khẩu Flak 88 được sản xuất trang bị chủ yếu cho các đơn vị phòng không, chống tăng.

Trong dòng pháo Flak 88 có nhiều biến thể khác nhau, biến thể đầu tiên là Flak 18, được thiết kế đặt trên một bệ chữ thập cho phép xoay bắn nhiều hướng. Khi cần di chuyển, người ta có thể lắp 2 bánh xe và đẩy nó đi một cách nhanh chóng hoặc dùng xe kéo pháo. Hệ thống nạp bán tự động của Flak 18 không cần nạp đạn trước mà cho phép khẩu đội có thể đưa đạn thẳng vào máng pháo, vừa thay vừa bắn.

Trong quá trình bắn, vỏ bọc rỗng của đạn sẽ giật ngược lại đằng sau bằng đòn bẩy. Việc này làm tăng tốc độ của Flak 18 cao hơn so với đa số pháo phòng không thời bấy giờ, tốc độ bắn tương đối cao 15-20 phát/phút.

Tiếp sau Flak 18, biến thể Flak 36 thiết kế đặt trên xe bốn bánh giúp nó cơ động linh hoạt hơn, ngoài ra còn có một lớp giáp bọc ở phía trước giúp khẩu đội tránh mảnh đạn.

Trận địa pháo phòng không 88mm (có thể là Flak 18 hoặc 36) bảo vệ Hà Nội. Nguồn: tư liệu ảnh Bảo tàng Phòng không - Không quân


Sau này còn có thêm biến thể Flak 37, Flak 41 tiếp tục có những cải tiến khác. Trong đó, Flak 41 ra đời năm 1939 nhằm đối phó với máy bay ném bom tầm cao hơn và nhanh hơn.

Flak 41 thiết kế một nòng pháo 88mm L/71 dài hơn có thể bắn cao hơn 11.300m, tối đa 15.000m. Trong khi nòng 88mm của Flak 18/36 bắn cao tối đa 11.900m.

Trong cuộc chiến tranh thết giới thứ hai, Flak 88 đã gây thiệt hại đáng kể cho không quân đồng minh. Đáng lưu ý, ngoài khả năng phòng không hữu hiệu, Flak 88 còn là một khẩu pháo chống tăng đáng sợ.

Trong cuộc chiến ở nước Pháp 1940, Flak 88 đã phá hủy 152 xe tăng và 151 công sự phòng ngự quân Pháp. Trên chiến trường Bắc Phi 1941, Flak 88 xuyên thủng 264 xe tăng quân đồng minh.

Cho nên, ngoài biến thể pháo phòng không, người Đức còn phát triển pháo tự hành chống tăng dùng pháo 88mm cải tiến trên nên Flak 36/41.

 

Lập công ở Việt Nam

Việt Nam được Liên Xô viện trợ số lượng pháo 88mm trong năm 1954 và biên chế vào các đơn vị thuộc Đại đoàn cao xạ 367 (ngày nay là Sư đoàn phòng không 367).

Ngày 21/9/1954, Bộ Tổng tư lệnh ra Nghị định số 34/NĐA thành lập Đại đoàn pháo cao xạ hỗn hợp mang phiên hiệu 367, trực thuộc Bộ chỉ huy Pháo binh.

Đại đoàn 367 được biên chế các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần và 3 trung đoàn 681, 685, 689. Mỗi trung đoàn có hai tiểu đoàn trung cao 88mm và từ một tới hai tiểu đoàn pháo tiểu cao 40mm (có thể là một pháo của phương Tây vì Liên Xô không sử dụng pháo phòng không cỡ 40mm).

Đây được xem là bước phát triển mới về tổ chức và trang bị kỹ thuật của bộ đội phòng không sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Từ Trung đoàn cao xạ 367 và một số tiểu đoàn pháo, súng máy thuộc các Đại đoàn Bộ binh, quân đội ta đã xây dựng thành Đại đoàn pháo cao xạ hỗn hợp có khả năng bảo vệ yếu địa và cơ động chiến đấu bảo vệ miền Bắc.

Trận địa pháo 88mm Tiểu đoàn 217 tham gia đánh thắng trận đầu. Nguồn: tư liệu ảnh Bảo tàng Phòng không - Không quân


Từ trang bị pháo phòng không tầm thấp cỡ 37mm, súng máy 12,7mm, bộ đội ta đã có thêm pháo 88mm có tính năng kỹ thuật, chiến thuật tốt hơn, khả năng bắn cao và xa hơn với phương pháp xạ kích hiện địa hơn.

Sang đầu năm 1955, Đại đoàn 367 chuyển về Vai Cầy (Đại Từ, Thái Nguyên) tổ chức huấn luyện sử dụng trang bị mới. Tới tháng 12/1955, Đại đoàn 367 hành quân về triển khai lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng.

Tới đầu những năm 1960, bộ đội phòng không tiếp nhận thêm pháo 57mm nhưng trong biên chế vẫn còn trang bị pháo 88mm.

Ngày 14/4/1961, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số 256/TM quy định tổ chức lực lượng và quân số năm 1961 cho Bộ tư lệnh Phòng không. Các trung đoàn cao xạ 210, 250, 280 chuyển tiểu cao từ pháo 37mm sang 57mm; trung cao giữ nguyên pháo 90mm (Mỹ viện trợ cho Liên Xô, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam) và 88mm.

Sau này, bộ đội phòng không Việt Nam nhận viện trợ thêm các pháo phòng không 85mm, 100mm nên 88mm loại dần (một phần vì thiếu linh kiện hoặc thiếu đạn dược).

Nhưng trước khi "hết nhiệm vụ", khẩu pháo này để lại dấu ấn, pháo Flak 88 của người Đức cũng lập công trong chiến thắng đầu của quân dân Việt Nam trước quân Mỹ.

Ngày 5/8/1964, Đại đội 141 và 143 pháo 88mm (Tiểu đoàn 217) phối hợp với tàu hải quân và dân quân tự vệ bắn rơi 1 máy bay Mỹ tại Hòn Gai (Quảng Ninh).



Phượng Hồng
Theo Đất Việt

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục