Máy bay chiến đấu phiên bản hải quân được cho là “kiếm sắc” của “võ sĩ”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến của biên đội tàu sân bay.
Nhật Bản trong thế tam nan với 3 cường quốc
- Cập nhật : 12/10/2016
Gần như cùng một lúc, Nhật Bản vướng vào ba cuộc tranh chấp các đảo với các quốc gia láng giềng hùng mạnh. Giải pháp thì chưa có, nhưng sóng gió thì dâng trào, đặc biệt là trong bối cảnh một số quốc gia liên quan đang chuẩn bị thay đổi bộ máy lãnh đạo, và làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao.
Senkaku/ Điếu Ngư
Nhóm đảo này nằm ở phía đông của Trung Quốc đại lục, và phía đông bắc Đài Loan, tây đảo Okinawa của Nhật và hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của Nhật Bản.
Trung Quốc cho rằng họ đã phát hiện và kiểm soát các đảo này từ thế kỷ 14. Trong khi đó, Nhật Bản đã kiểm soát các đảo từ năm 1895 cho đến khi đầu hàng quân Đồng minh sau Thế chiến II. Đến năm 1971, Hoa Kỳ trao lại quyền kiểm soát các đảo này cho chính quyền Tokyo.
Các nhóm đảo này cách Đài Loan khoảng 120 hải lý, và cách Nhật Bản, Trung Quốc khoảng 200 hải lý.
Tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và cả Đài Loan bắt đầu nóng bỏng trở lại vào tầm tháng Tư vừa qua, khi mà Thị trưởng Tokyo là Shintaro Ishihara công bố ông đã đạt được thỏa thuận cơ bản để mua lại một số đảo trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngay sau đó, chính phủ Nhật bày tỏ ý định mua hẳn các đảo này.
Trung Quốc phản đối kế hoạch này của Nhật và lên tiếng rằng các đảo này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh nên không thể "để cho bất kỳ ai mang đi bán hay mua". Bắc Kinh còn nói rằng sẽ những biện pháp cần thiết để "kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với chuỗi đảo Điếu Ngư cùng các đảo nhỏ kế cận".
Tháng 7, ba tàu tuần tra của Trung Quốc là Ngư Chính 35001, Ngư Chính 204 và Ngư Chính 202 đã tiến sát tới các đảo trung tâm của nhóm đảo tranh chấp. Nhật Bản đã triệu hồi đại sứ của mình về nước trong một ngày để phản đối động thái này, đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đến để giải trình.
Đến ngày 15/8 vừa qua, tàu tuần duyên của Nhật Bản đã bắt 14 nhà hoạt động của HongKong đổ bộ lên đảo Uotsurijima. Nhưng sau đó chỉ ba ngày, 10 nhà hoạt động của Nhật lại đổ bộ lên đảo đang trong tranh chấp để cắm cờ mà không có giấy phép của chính quyền địa phương.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong vài tháng qua khi mà người dân Trung Quốc biểu tình và đốt cờ Nhật, còn Tokyo tuyên bố thay thế các đại sứ, trong đó có cả đại sứ Nhật tại Trung Quốc.
Khi xung đột giữa Tokyo và Bắc Kinh dâng cao thì Washington chỉ có thể kêu gọi hai bên kiềm chế và tuyên bố không đứng về bên nào. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật lại tiến hành tập trận chung tại vùng biển có các đảo này kéo dài từ ngày 21/8-26/9.
Dokdo/ Takeshima
Nhóm đảo tranh cãi giữa Nhật và Hàn có tên là đảo Dokdo ("Độc Đảo" - theo cách gọi của Hàn Quốc) và Nhật gọi đây là đảo Takeshima (Trúc Đảo).
Nhóm đảo này gồm nhiều đảo đá, chỉ có một đôi vợ chồng người Hàn Quốc sống trên đảo lớn nhất. Mặc dù không thể sinh sống trên các đảo này, nhưng nơi đây có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với đó là trữ lượng khí đốt trong lòng đất và là một ngư trường lớn.
Dokdo/Takeshima nằm trong nhóm 90 đảo nhỏ có tên quốc tế Liancourt, nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, cách đảo Honshu của Nhật Bản và góc đông nam bán đảo Triều Tiên thuộc Hàn Quốc khoảng 220 km.
Từ cuối thế kỷ 20 Liancourt trở thành một điểm nóng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên .
Hàn Quốc lập nhóm đảo này thành xã Dokdo-ri thuộc huyện Ulleung, tỉnh Gyeongsang Bắc. Nhật Bản thì khẳng định đảo này thuộc Thôn Okinoshima, Huyện Oki, Tỉnh Shimane, Nhật Bản.
Tranh cãi về chủ quyền đối với các đảo đá này đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ, nhưng căng thẳng giữa hai nước bị đẩy lên cao trở lại sau khi Nhật Bản công bố sách trắng quốc phòng. Trong đó, Tokyo một lần nữa tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo này.
Seoul đã đáp trả khi tuyên bố tập trận vào trung tuần tháng Tám, nhưng không nêu rõ thời điểm, ở khu vực này. Hãng tin Yonhap cho biết cuộc tập trận này sẽ bao gồm sự tham gia của Hải quân, Quân đội, Không lực và lực lượng tuần duyên cùng với khoảng 10 tàu chiến, máy bay chiến đấu F-15K và các loại vũ khí khác.
Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống sắp mãn nhiệm Lee Muyng-bak của Hàn Quốc đã tới thăm các đảo này và tuyên bố nơi đây xứng đáng để mọi người hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ.
Tokyo đã chỉ trích hành động này và gọi chuyến thăm này là 'cực kỳ đáng trách', rồi triệu hồi đại sứ Nhật về nước. Đồng thời, Tokyo đề cập đến việc đưa vụ việc tranh cãi này ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Tuy nhiên, Seoul đã nhanh chóng phản đối đề xuất này và nói rằng sẽ áp dụng 'các biện pháp cứng rắn' trừ khi Nhật Bản rút lại đề xuất đưa vấn đề đảo Dokdo/Takeshima lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Song song với cuộc chiến ngoại giao, các nhà hoạt động Hàn Quốc đã cùng với các sinh viên, ca sĩ nổi tiếng tham gia cuộc bơi tiếp sức 230km từ cảng phía đông tới nhóm đảo tranh chấp này. Các cầu thủ bóng đá thuộc tuyển Olympic của Hàn Quốc tại London cũng chăng biểu ngữ "Dokdo là của Hàn Quốc" tại thế vận hội.
Đứng trước tranh chấp chủ quyền giữa hai đồng minh thân cận tại châu Á - Thái Bình Dương, một lần nữa, Washington tuyên bố không đứng về phía bên nào, và kêu gọi các bên 'cùng làm việc với nhau thông qua đồng thuận'.
Quần đảo Kuril
Quần đảo Kuril nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga, bao gồm nhiều đảo núi lửa trải dài 1.300km về phía đông bắc, từ đảo Hokkaido của Nhật cho tới Kamchatka của Nga. Quần đảo này có 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ. Theo tiếng Nhật, quần đảo này được gọi là Chishima (Thiên Đảo liệt đảo).
Bốn đảo được sắp nhập vào Liên Xô ngày 18/8/1945, chỉ ba ngày trước khi phát xít Nhật đầu hàng. Sau năm 1945, Kuril nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô, nay là Nga.
Đến năm 1956, khi Nhật và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đề nghị trả hai đảo Shikotan và Habomai cho Nhật nhưng không thành công. Năm 1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khơi lại vấn đề này nhưng dư luận phản đối kịch liệt.
Nga tuyên bố mọi hòn đảo đều thuộc lãnh thổ Nga, nhưng Nhật Bản cho rằng "Lãnh thổ Phương Bắc" là 4 hòn đảo ở cực nam trong chuỗi đảo, gồm có Kunashir, Iturup, Shikotan, và Habomai thuộc quyền sở hữu của mình, dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa hai nước.
Tranh chấp giữa hai nước đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết. Năm 2010 Tổng thống Nga, khi đó là ông Medvedev, đã đến quần đảo này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Nga tới quần đảo tranh chấp.
Thủ tướng Nhật Bản - Naoto Kan khi đó lên án mạnh mẽ chuyến thăm của Thủ tướng Nga, cho rằng đó là một hành động "khiếm nhã". Tuy nhiên, ngày 4/7 vừa qua, Thủ tướng Dmitry Medvedev lại có một chuyến thăm khác tới đảo.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Nga ở Tokyo đến để bảy tỏ sự phản đối đối với chuyến thăm đến quần đảo tranh chấp Kuril của Thủ tướng Nga. Nhưng Thủ tướng Nga đã bày tỏ sự 'phớt lờ' đối với quan điểm của Nhật.
“Đối với phản ứng của Nhật Bản, tôi không hề quan tâm. Tôi không quan tâm nhiều về điều đó bởi vậy tôi cũng sẽ không lãng phí thời gian để trả lời về vấn đề này" - ông Medvedev tuyên bố.
- Lê Thu (tổng hợp)// Theo VietNamNet