Tin Biển Đông

 
 
 

Nhật Bản cân đong ngân sách quân sự kỷ lục

  • Cập nhật : 03/09/2017

Mức độ chi tiêu này không tương ứng với bất kỳ mối đe dọa thực sự nào mà Tokyo đang phải đối mặt, mà thực chất mang động cơ khác.

Con số kỷ lục

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nhắm đến mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục là 5,26 nghìn tỷ yen (khoảng 47,6 tỷ USD) cho năm tài khóa 2018 trong bối cảnh Tokyo muốn đối phó với những mối đe dọa ở khu vực đồng thời tăng cường vai trò đảm bảo an ninh quốc tế của mình.

Tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại giao, Quốc phòng 2+2 Mỹ-Nhật mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết Tokyo bắt đầu xây dựng đề cương quốc phòng mới và “Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn” (giai đoạn 2019-2023). Báo giới Nhật Bản cho biết Bộ Quốc phòng sẽ đưa thêm kinh phí mua trang thiết bị phòng thủ tên lửa như hệ thống Aegis trên bộ của Mỹ... vào trong dự toán ngân sách Chính phủ năm 2018.

nhat ban du kien chi 47,6 ty usd cho ngan sach quoc phong tai

Nhật Bản dự kiến chi 47,6 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng tài

khóa 2018

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) còn dự định thành lập “Lực lượng vũ trụ” đầu tiên, tăng cường hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực quân sự vũ trụ.

Theo “Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn” (giai đoạn 2014-2018) đang thực thi, ngân sách quốc phòng Nhật Bản trong 5 năm là khoảng 24,7 nghìn tỷ yên. Theo kế hoạch này, mức tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản bình quân mỗi năm không vượt quá 0,8%. Tờ Asahi Shimbun dẫn lại lời của quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết với mức tăng như vậy rất khó chi trả chi phí mua hệ thống phòng thủ tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định nguồn kinh phí bổ sung sẽ giúp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản có khả năng nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử tên lửa. Ngân sách bổ sung dự kiến dùng để trang bị thêm nhiều tổ hợp tên lửa SM-3, các hệ thống radar và dò tìm tên lửa mới, cũng như các phương tiện thuộc hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo tầm trung Aegis trên bộ.

Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết Nhật Bản cần được trang bị đầy đủ phương tiện để có thể bắn hạ mọi tên lửa Triều Tiên lọt vào lãnh thổ nước này. Điều đó là cần thiết trong bối cảnh căng thẳng giữa Tokyo và Bình Nhưỡng gia tăng.

nhat ban muon day manh mua sam cac he thong phong thu ten lua, trong do co aegis tren bo

Nhật Bản muốn đẩy mạnh mua sắm các hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có Aegis trên bộ

Theo giới chuyên gia, phần lớn chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản được phân bổ vào mua sắm hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển và trên đất liền với tầm ngắm và độ chính xác cao hơn. Chi phí mua hai hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis trên bộ chưa được tính toán cụ thể và có thể ở mức giá trong khoảng 80 tỷ yen (724 triệu USD)/1 hệ thống, không bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan.

Nhật Bản cũng đang cân nhắc mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Giới chuyên gia cũng lưu ý rằng khoảng 180 tỷ yen, trên giấy tờ, dự kiến sẽ chỉ dành riêng cho chi tiêu mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, song trên thực tế, con số trên sẽ chắc chắn "phình to" hơn nữa khi tính cả chi phí liên quan.

Theo nhiều nhà phân tích am hiểu về các vấn đề an ninh của Nhật Bản, mức độ chi tiêu này là không tương ứng với bất kỳ mối đe dọa thực sự nào mà Tokyo đang phải đối mặt, mà thực chất, mức chi tiêu này mang động cơ chính trị.

Nhà phân tích chính trị độc lập Teruhisa Muramatsu nhận định: "Thủ tướng Abe không hề giấu giếm sự thật rằng ông muốn SDF được cộng đồng quốc tế công nhận là quân đội thực sự. Đây là nền tảng cho mục tiêu của ông Abe với vai trò là một nghị sĩ và nhà lãnh đạo Nhật Bản".

binh si nhat ban trong mot cuoc tap tran do bo chung voi my

Binh sĩ Nhật Bản trong một cuộc tập trận đổ bộ chung với Mỹ

Theo ông Muramatsu, những ý định và mục tiêu lúc này dường như cho thấy Nhật Bản đang rất cần tăng cường các tuyến phòng thủ của mình trong tình huống xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, đề nghị ngân sách gần đây nhất cũng bao gồm các khoản chi cho một lượng quá mức các loại vũ khí "tấn công" mà về mặt hiến pháp là không phù hợp và quá mức so với vị thế quốc phòng chỉ đủ để bảo vệ Nhật Bản.

Bình luận về chủng loại vũ khí, ông McLellan cho biết phần lớn đề nghị mới nhất về mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng Nhật Bản không nhằm mục đích phòng vệ thông thường, viện dẫn một số ví dụ về ý định mua máy bay do thám không người lái Global Hawk, 2 tàu khu trục hiện đại, 6 máy bay tiêm kích F-35 và khoảng 90 triệu USD chi phí phát triển tên lửa siêu thanh có khả năng tấn công các căn cứ kẻ thù.

Chuyên gia này cũng khẳng định rằng toàn bộ việc tăng chi tiêu mua sắm trang thiết bị quân sự trên biển, trên không và trên mặt đất của Nhật Bản là vượt xa mục đích phòng vệ cần thiết.

tau khu truc trang bi he thong phong thu ten lua aegis cua nhat ban

Tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Nhật Bản

Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng việc Nhật Bản mở rộng danh sách mua sắm trang thiết bị quân sự hiện đại có thể làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, nhất là với những nhận định gần đây của giới chính khách Nhật Bản về việc đạt được năng lực "tấn công phủ đầu" vốn không chỉ đi ngược lại hiến pháp mà còn có thể khiến một số nước láng giềng gần gũi nhất của Nhật Bản cảm thấy bất an.

Theo giới phân tích, sở dĩ Nhật Bản đề xuất mua vũ khí như hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ từ Mỹ, một là nhằm mượn cớ “khủng hoảng” tiếp tục mở rộng quân sự; hai là nhằm nhất thể hóa sâu sắc quân sự Nhật-Mỹ, phát huy vai trò lớn hơn trong đồng minh Nhật-Mỹ.

Thậm chí có ý kiến cho rằng Nhật Bản đang "thổi phồng" mối đe dọa từ xung quanh và thực tế là mượn cớ để tăng thêm ngân sách quốc phòng. Nhật Bản không ở thời chiến song phần lớn chi tiêu mua sắm lại dành cho các loại vũ khí có khả năng thực hiện tấn công phủ đầu. Động thái này của Chính phủ Nhật Bản sẽ làm cho mâu thuẫn giữa Nhật Bản với các nước xung quanh càng thêm trầm trọng.

Thành Minh
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục