Theo chiến lược mới, NATO từ một liên minh phòng thủ khu vực thành một cơ chế có chức năng toàn cầu, song trùng với Liên Hợp Quốc và Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ từng bước thay thế vai trò của Liên Hợp Quốc, kết hợp trong đó cả hai chức năng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, 624 tên lửa hành trình của NATO đã sẵn sàng tấn công ồ ạt vào Syria chỉ trong một ngày đêm. Trong trường hợp cuộc tấn công này xảy ra, Syria có thể sẽ bị phá hủy gần như hoàn toàn và việc khôi phục lại cấu trúc quốc gia sẽ gần như không thể.
Vậy đó là cuộc tấn công nào?
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói về cuộc tấn công “trừng phạt” Syria do Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng tuyên bố trong tháng 8/2013, cách đây vừa đúng 4 năm. Vào thời điểm đó, cả thế giới gần như “nín thở” trong nỗi lo âu chờ đợi các kênh truyền thông lớn của Mỹ và phương Tây sẽ truyền hình trực tiếp về một cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô và tính chất khốc liệt như cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư do NATO tiến hành vào cuối năm 1998 đầu năm 1999 để “trừng phạt” tổng thống nước này với tội danh do họ dựng lên là “vi phạm nhân quyền”.
Tương tự như việc Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 với lý do giả tạo “Tổng thống Saddam Hussien sở hữu vũ khí hóa học” và “có liên quan tới mạng lưới khủng bố Al-Qaeda”, ngày 21/8/2013, họ tung tin “vụ việc sử dụng vũ khí hóa học sát hại hàng ngàn người ở Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus là do quân đội Syria gây ra”.
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa tấn công căn cứ không quân Syria hôm 7/4 sau cáo buộc tấn công hoá học với dân thường
Trong khi chưa thể khẳng định ai đã gây ra sự kiện đó và cũng không cần chờ Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) kiểm tra thẩm định thông tin này, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức lên tiếng cáo buộc “Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường” và mượn cớ đó ông quyết định đơn phương tiến hành chiến dịch tấn công trong vòng 3 ngày để “trừng phạt Syria” mà không cần được phép của HĐBA LHQ, cũng không cần thông qua Quốc hội Mỹ.
Theo tính toán của giới lãnh đạo chính trị-quân sự của Mỹ, đòn tiến công bằng tên lửa và bom vào Syria lần này sẽ tạo điều kiện cho “các lực lượng đối lập ôn hòa” ở Syria giành ưu thế trên chiến trường mà vào thời điểm đó đang thuộc về Quân đội Syria. Mục đích xuyên suốt của Mỹ là dùng bàn tay của “các lực lượng đối lập” để loại bỏ Tổng thống Syria Bassa Al-Assad.
Syria không phải là Nam Tư hay Libya
Dĩ nhiên, để phát động chiến dịch tấn công ồ ạt vào Syria, Mỹ không thể không tính đến khả năng bị “dính đòn” đáp trả của nước này.
Theo giới phân tích, nếu như Nam Tư vào thời điểm 1998 được Nga chuyển giao tên lửa phòng không S-300 thì NATO đã không thể dám liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược quốc gia này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó nước Nga dưới thời Tổng thống Boris Yelsin đang theo đuổi ảo vọng gia nhập NATO và coi “NATO mở rộng tới đâu sẽ mang theo dân chủ và sự thịnh vượng tới đó”, nên đương nhiên không có đủ ý chí chính trị để chuyển giao S-300 cho Nam Tư và vì thế quốc gia này đã bị ném bom rải thảm.
Còn Libya cũng không được Nga dưới thời cầm quyền của Tổng thống Dmitry Medvedev ủng hộ quyết liệt nên đã phải gánh chịu cuộc chiến tranh xâm lược của NATO, dẫn tới kết cục bi thảm là nhà lãnh đạo nước này, ông Muammar al-Gaddafi, bị sát hại. Trong khi khói lửa cuộc chiến Libya chưa kịp lắng dịu, giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ đã tuyên bố “kịch bản Libya sẽ lặp lại ở Syria”.
Tuy nhiên, năm 2012 V.Putin đã trở lại Điện Kremlin và tình hình Syria đã thay đổi. Trong khi Mỹ và Phương Tây tuyên bố Nga không được chuyển giao vũ khí cho Syria, thì Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: “Nga đã, đang và sẽ chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Syria theo hiệp định đã ký kết từ năm 2010 và điều này không vi phạm bất cứ điều luật quốc tế nào”.Tại Hội nghị G-8 trong tháng 6/2013 ở Anh, 7 nước công nghiệp phát triển không chỉ đồng loạt phản đối Nga chuyển giao vũ khí cho Syria mà còn đòi loại bỏ Tổng thống Bassa Al-Assad.
Trong khi đó, tại Hội nghị này, Tổng thống Nga tiếp tục khẳng định:“Nga không chỉ tiếp tục chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Syria mà còn chuyển giao cả những loại vũ khí mới nhất và sẽ được sử dụng lần đầu tiên ở quốc gia này”. Đồng thời, ông V.Putin còn tuyên bố, ai làm tổng thống Syria phải do người dân quốc gia này quyết định theo thể thức bầu cử dân chủ mà chính các nước Phương Tây vẫn làm, chứ không phải là theo quyết định của G-8. Vì thế, Tuyên bố chung của G-8 năm 2013 không có một câu chữ nào đả động tới chuyện Nga chuyển giao vũ khí cho Syria hay nói tới số phận của ông Assad.
Theo hợp đồng đã được ký kết, Nga chuyển giao nhiều loại vũ khí cho Syria, trong đó không loại trừ khả năng có cả tên lửa phòng không S-300 và nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Còn các sỹ quan của Syria được đào tạo khá bài bản trong các học viện quân sự của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Do đó, Mỹ không thể mạo hiểm can thiệp quân sự vào quốc gia này. Vì thế, trước khi thực hiện quyết định tấn công “trừng phạt Syria” theo quyết định của Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc nhận thấy cần tiến hành đòn “nắn gân” và thử phản ứng của Syria.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn