Tin Biển Đông

 
 
 

Một tháng đối đầu trên cao nguyên giữa hai gã khổng lồ Trung-Ấn

  • Cập nhật : 20/07/2017

Cao nguyên Doklam ở Bhutan trở thành điểm nóng khi cả Ấn Độ và Trung Quốc quyết triển khai quân để bảo vệ lợi ích của mình.

binh si trung quoc va an do o khu vuc bien gioi. anh: cctv.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới. Ảnh: CCTV.

 

Ấn Độ và Trung Quốc, hai gã khổng lồ của châu Á với tổng dân số khoảng 2,6 tỷ người, đang trải qua thời kỳ căng thẳng sau một tháng mặt đối mặt trên cao nguyên Doklam, một trong những điểm nóng tranh chấp lãnh thổ ở khu vực, theo BBC.

Căng thẳng bắt đầu nổ ra khi một trung đội Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan, phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ cho các chuyến tuần tra biên giới.

Đến ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc với xe ủi, xe lu và máy xúc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên, nhưng vấp phải sự phản đối của quân đội Bhutan. Cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi nguyên trạng được hai nước ký năm 1998, lính Bhutan đã tranh cãi, thậm chí xô xát với lính Trung Quốc. Tuy nhiên, lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300-400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng đang kéo dài tới tuần thứ tư.

Cao nguyên Doklam nằm tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, là khu vực đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan, hai quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ấn Độ ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong vấn đề tranh chấp ở khu vực này.

"Việc xây dựng tuyến đường này rõ ràng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho an ninh của chúng tôi", Ashok Kantha, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Delhi, nói. "Người Trung Quốc đang đơn phương thay đổi hiện trạng ở ngã ba biên giới và điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến an ninh Ấn Độ khi quân đội Trung Quốc sẽ hiện diện nhiều hơn ở đây".

Với lo ngại đó, Ấn Độ quyết không rút quân khỏi Doklam, đồng thời điều thêm hàng nghìn binh sĩ đến Sikkim, gần ngã ba biên giới. Trung Quốc thì cho rằng quân đội Ấn Độ đang "xâm phạm lãnh thổ" và yêu cầu họ rút ngay lập tức.

Hai nước bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Đức đầu tháng 7.

Truyền thông Trung Quốc hồi đầu tuần chiếu cảnh quân đội nước này tập trận quy mô lớn trên cao nguyên Tây Tạng, cách không xa Doklam. Chiến lược khu miền Tây Trung Quốc cũng đã triển khai một lượng lớn khí tài đến phía nam dãy Kunlun ở Tây Tạng, theo China Daily.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Ấn Độ khẳng định họ không nhận thấy Trung Quốc gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới, đồng thời cho biết cuộc tập trận của PLA ở Tây Tạng không liên quan đến căng thẳng hiện nay ở Doklam.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc xô xát ở biên giới.

Đây không phải là lần đầu tiên hai người khổng lồ châu Á này đối mặt với nhau ở biên giới, nơi các vụ đụng độ, xô xát lẻ tẻ giữa biên phòng hai nước vẫn thường xuyên diễn ra. Khu vực này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1967, sau đó là thời kỳ căng thẳng và điều binh dọc biên giới bang Arunachal Pradesh giai đoạn 1986-1987.

Trong cuộc khủng hoảng ở Doklam lần này, New Delhi tin rằng Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan, theo chuyên gia phân tích Ajai Shukla. "Trung Quốc luôn bực bội với mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ với Bhutan và thường xuyên gây sức ép để gây chia rẽ", Shukla viết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng Ấn Độ đã phạm sai lầm khi công khai đưa quân vào Doklam để bảo vệ Bhutan. "Tôi đồng ý rằng họ có những lo ngại về an ninh, cũng có thể nói rằng Trung Quốc đã vi phạm hiện trạng. Nhưng việc điều quân đến khu vực tranh chấp của nước khác dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh có thể là cái cớ để Trung Quốc khai thác", một chuyên gia phân tích giấu tên của Ấn Độ nhận định.

Long Xingchun, chuyên gia tại một tổ chức tư vấn của Trung Quốc, cho rằng "nước thứ ba" cũng có thể lấy danh nghĩa này để đưa quân vào khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan, quốc gia vốn là đồng minh của Trung Quốc. "Ngay cả khi Ấn Độ được yêu cầu bảo vệ lãnh thổ Bhutan, họ cũng chỉ có thể đưa quân đến lãnh thổ đã phân định, không phải là khu vực tranh chấp", Long nói.

Khu vực chiến lược

Giới quan sát cho rằng cam kết an ninh với Bhutan chỉ là một phần trong động thái điều quân của Ấn Độ tới Doklam. New Delhi còn lo ngại rằng nếu xây xong con đường ở Doklam, Bắc Kinh có thể dễ dàng tiếp cận Hành lang Siliguri, khu vực "cổ gà" rộng khoảng 20 km có tầm quan trọng chiến lược với Ấn Độ, kết nối vùng Đông Bắc hẻo lánh với phần còn lại của đất nước.

hanh lang siliguri la "co ga" ket noi vung dong bac an do voi phan con lai cua dat nuoc. do hoa: times of india.

Hành lang Siliguri là "cổ gà" kết nối vùng Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước. Đồ họa: Times of India.

Vùng Đông Bắc Ấn Độ có 8 bang với khoảng 40 triệu dân, nhưng lại là khu vực ít được chú ý ở quốc gia này. 8 bang này chỉ chiếm 25 ghế ở hạ viện, trong khi nền kinh tế khu vực kém phát triển và chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Về địa lý và văn hóa, khu vực này khá tách biệt với phần còn lại của Ấn Độ, khiến vùng Đông Bắc thường được coi là miền đất của các bộ lạc hơn là lãnh thổ quốc gia, theo Diplomat.

Khu vực này còn có bang Sikkim, vốn là một vương quốc theo chế độ quân chủ độc lập, chỉ mới trở thành một bang của Ấn Độ từ năm 1975. Trung Quốc trước đây vẫn coi Sikkim là một quốc gia riêng và chỉ mới thừa nhận khu vực này là một bang của Ấn Độ từ 2003, với điều kiện Ấn Độ thừa nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc.

Tuy có vị trí địa lý, hoàn cảnh chính trị phức tạp, vùng đất này lại có tiềm năng về kinh tế rất lớn, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động dồi dào. Đây có thể là cầu nối giữa Ấn Độ với Đông Nam Á để trở thành một cửa ngõ giao thương xuyên khu vực, phục vụ cho chính sách Hướng Đông của Thủ tướng Narendra Modi.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với vùng Đông Bắc chính là các nhóm nổi dậy, ly khai đã đối đầu với quân đội chính phủ kể từ khi khu vực này trở thành một phần của Ấn Độ. New Delhi lo ngại rằng nếu một cuộc xung đột biên giới nổ ra, Bắc Kinh chắc chắn sẽ kiểm soát khu vực "cổ gà", tạo điều kiện cho các nhóm nổi dậy Đông Bắc ly khai khỏi Ấn Độ. Lãnh đạo Ấn Độ cho rằng các nhóm ly khai này có cơ hội thành công rất cao nếu nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng nếu có thể phát triển vùng Đông Bắc, Ấn Độ sẽ xây dựng được một hàng rào phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc vững chắc hơn bất cứ lực lượng quân sự và khí tài nào. Đây có thể là vũ khí hữu hiệu nhất của New Delhi nhằm chống lại tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh qua dãy Himalaya.

Để làm được điều đó, Ấn Độ không thể để xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc vào thời điểm này, theo Srinath Raghavan, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Delhi. Điều quan trọng là cả Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan phải cùng tìm ra một giải pháp giải quyết căng thẳng nhưng vẫn giữ được thể diện cho tất cả các bên.

Chuyên gia này cho rằng chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng này của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval là cơ hội tuyệt vời để hai nước tháo ngòi nổ căng thẳng. "Hai bên đều coi đây là vấn đề về uy tín. Nhưng vai trò của ngoại giao là tìm giải pháp hòa bình trong những hoàn cảnh khó khăn", Raghavan nói.

"Tôi không cho rằng hai bên muốn chiến tranh xảy ra. Cuộc khủng hoảng hiện này không có gì đáng để xung đột nổ ra, nhưng cả hai đều coi trọng thể diện, khiến căng thẳng có thể kéo dài", ông nhận định.

Trí Dũng
Theo Vnexpress

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục